Tiếp tục thực hiện tốt chế độ chính sách đối với thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công
Ưu đãi người có công với cách mạng - vấn đề chính trị, xã hội lớn lao đang tiếp tục đổi mới, từng bước hoàn thiện
Ưu đãi xã hội là một nguyên tắc Hiến định được thể hiện ở Điều 67 - Hiến pháp năm 1992. Trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, nội dung này tiếp tục được khẳng định: “Nhà nước và xã hội tôn vinh, khen thưởng, thực hiện các chính sách ưu đãi đối với người có công với nước”. Các văn kiện qua các kỳ Đại hội của Đảng cũng đều nhấn mạnh việc thực thi ưu đãi xã hội đối với người và gia đình có công với cách mạng. Nghị quyết Đại hội XI của Đảng nêu: “Huy động mọi nguồn lực xã hội cùng với Nhà nước chăm lo tốt hơn nữa đời sống vật chất và tinh thần của những người và gia đình có công. Giải quyết dứt điểm các tồn đọng về chính sách người có công, đặc biệt là người tham gia hoạt động bí mật, lực lượng vũ trang, thanh niên xung phong trong các thời kỳ cách mạng và kháng chiến. Tạo điều kiện, khuyến khích người và gia đình có công tích cực tham gia phát triển kinh tế...”(1). Thực hiện các chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước, đến thời điểm năm 2012 cả nước có 1,5 triệu người có công đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng; gần một triệu người hưởng chế độ ưu đãi về bảo hiểm y tế và mai táng phí khi họ qua đời. Nguồn ngân sách bảo đảm thực thi ưu đãi xã hội cũng rất lớn; chiếm 7,5% nguồn chi toàn xã hội cho tiền lương, bảo hiểm xã hội và trợ cấp ưu đãi người có công hằng năm. Năm 2012, mức chi 28.000 tỷ đồng; năm 2013 mức chi 40.000 tỷ đồng, chưa kể nguồn chi từ ngân sách địa phương cho các hoạt động “đền ơn đáp nghĩa” và cho việc xây dựng các nghĩa trang liệt sĩ, các công trình ghi công...
Hai mươi bảy năm qua, kể từ khi đất nước tiến hành công cuộc đổi mới, công tác chăm lo, “đền ơn đáp nghĩa” đối với người và gia đình có công với cách mạng được quan tâm đặc biệt và đạt được nhiều thành tựu to lớn. Chế độ ưu đãi không ngừng mở rộng và nâng cao, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước qua mỗi thời kỳ. Các bà mẹ Việt Nam anh hùng được quan tâm chăm sóc, nuôi dưỡng, phụng dưỡng đến hết đời; các cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa được quan tâm chăm lo mọi mặt trong cuộc sống, được ưu đãi về nhà ở, đất ở; thương binh, bệnh binh, người và gia đình có công được chăm lo mọi mặt về đời sống vật chất, tinh thần; con em của người có công được quan tâm đặc biệt trong giáo dục đào tạo và giải quyết việc làm. Thực hiện Nghị quyết số 494/NQ-UBTVQH13, ngày 18-5-2012, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đến hết năm 2013 bằng nguồn ngân sách nhà nước, có 71.000 hộ gia đình chính sách gặp khó khăn về nhà ở được hỗ trợ cải thiện nhà ở, căn bản không còn hộ chính sách gặp khó khăn về nhà ở. Đến nay, 95% hộ gia đình chính sách đã có mức bằng và cao hơn mức sống trung bình của dân cư trên địa bàn cư trú.
Tuy nhiên, mức trợ cấp ưu đãi người có công hiện vẫn còn thấp, đời sống của một bộ phận người có công vẫn còn rất khó khăn, nhất là người có công cư trú ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số, vùng thường xuyên chịu tác động của thiên tai. Theo lộ trình cải cách tiền lương, bảo hiểm xã hội và trợ cấp ưu đãi người có công, mức trợ cấp nhìn chung còn thấp; chế độ ưu đãi về y tế, giáo dục, việc làm, thuế, tài chính... chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế mức sống của hộ gia đình chính sách. Khảo sát (nếu theo mức chuẩn nghèo cũ là 200.000 đồng/người/tháng ở nông thôn và 260.000 đồng/người/tháng ở thành thị) cho thấy vẫn còn 8,3% hộ nghèo, 23% hộ cận nghèo. Với mức chuẩn nghèo mới như hiện nay, chắc chắn tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo là các gia đình chính sách sẽ còn cao hơn.
Theo Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua ngày 16-7-2012, đã có nhiều đổi mới về điều kiện tiêu chuẩn xác nhận người có công, chế độ ưu đãi và tổ chức, hoạt động quản lý nhà nước về ưu đãi xã hội…
Trước hết, về điều kiện, tiêu chuẩn xác nhận người có công với cách mạng được mở rộng, phù hợp với thực tiễn của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Việc xem xét xác nhận liệt sĩ, trong những trường hợp như mất tin, mất tích trong thời kỳ cách mạng trước đây và hiện nay; bị chết trong khi làm nhiệm vụ tìm kiếm hài cốt liệt sĩ, trong thời gian làm nhiệm vụ ở biển, đảo, ở vùng kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn; bị chết trong khi trực tiếp làm nhiệm vụ huấn luyện chiến đấu hoặc diễn tập phục vụ quốc phòng an ninh có tính chất nguy hiểm… đã đạt được kết quả tích cực. Đặc biệt, chế độ ưu đãi, cơ chế thực thi ưu đãi có sự đổi mới căn bản. Chẳng hạn, thân nhân liệt sĩ hưởng trợ cấp hằng tháng theo định suất tuất. Thân nhân (của thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ suy giảm khả năng lao động 61% trở lên bị chết) hưởng tuất khi nam 60 tuổi, nữ 55 tuổi, trường hợp chưa hội đủ điều kiện tuổi đời sẽ hưởng chế độ khi đủ tuổi. Tương tự như vậy, thân nhân của người có công nếu không thuộc diện mua bảo hiểm y tế bắt buộc thì được Nhà nước dành chế độ ưu đãi về bảo hiểm y tế. Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học chuyển sang hưởng trợ cấp theo mức 4 với tỷ lệ suy giảm khả năng lao động từ 21% trở lên. Chế độ trợ cấp tuất nuôi dưỡng đối với thân nhân người có công cũng theo một cơ chế mới, dành cho người cô đơn không nơi nương tựa. Đáng chú ý là chế độ trợ cấp hằng tháng cho người hoạt động cách mạng bị địch bắt tù, đày; chế độ phục vụ bà mẹ Việt Nam anh hùng; phục vụ người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên sống ở gia đình được áp dụng từ ngày 01-9-2012... Thực hiện Nghị quyết của UBTVQH, Chính phủ ban hành Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26-4-2013 về hỗ trợ người có công với cách mạng cải thiện nhà ở, phấn đấu đến hết năm 2013 sẽ hoàn thiện việc hỗ trợ cho đối tượng người có công khó khăn về nhà ở. Riêng chế độ trợ cấp ưu đãi hằng tháng của gần 1,5 triệu người có công tiếp tục được điều chỉnh theo lộ trình cải cách tiền lương, bảo hiểm xã hội và trợ cấp ưu đãi người có công.
Ngoài ra, về tổ chức và hoạt động quản lý nhà nước về ưu đãi xã hội cũng có sự phân định rõ trách nhiệm của các cơ quan chức năng. Việc công nhận người hoạt động cách mạng trước năm 1945 và người hoạt động cách mạng từ ngày 01-01-1945 đến trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thuộc trách nhiệm của cơ quan đảng, ngành lao động - thương binh và xã hội chịu trách nhiệm kiểm tra đối chiếu quy định của pháp luật ban hành quyết định ưu đãi. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chịu trách nhiệm xác nhận và giải quyết chế độ ưu đãi thuộc chức năng, phạm vi quản lý của ngành mình kể cả những vấn đề tồn đọng qua các thời kỳ cách mạng (trường hợp mất tin, mất tích; người thuộc các lực lượng vũ trang nay về sinh sống tại địa phương mắc bệnh tâm thần...); ngành y tế chịu trách nhiệm hướng dẫn về điều kiện, tiêu chuẩn, quy chế chuyên môn kỹ thuật bảo đảm việc xác nhận, giám định sức khỏe đối với người có công và một số diện thân nhân người có công.
Mục tiêu, giải pháp để thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công
Để thực hiện các chính sách ưu đãi xã hội đối với người có công với cách mạng theo tinh thần Nghị quyết số 15-NQ/TW được thông qua tại Hội nghị Trung ương 5 khóa XI cần phải tập trung nguồn lực tiếp tục triển khai thực hiện tốt Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng, chú trọng giải quyết những trường hợp tồn đọng, đó là “nâng mức chuẩn trợ cấp, phụ cấp ưu đãi người có công phù hợp với lộ trình điều chỉnh mức lương tối thiểu; đến hết năm 2013 hỗ trợ giải quyết cơ bản đối với hộ gia đình người có công đang có khó khăn về nhà ở, có chính sách ưu đãi, hỗ trợ phù hợp đối với người có công và thân nhân về phát triển sản xuất, việc làm, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản nhất là y tế, giáo dục, đào tạo; đẩy mạnh việc tu bổ nghĩa trang, tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sĩ, các hoạt động đền ơn đáp nghĩa; có biện pháp khắc phục hậu quả tiêu cực trong quá trình thực hiện chính sách người có công”(2). Như vậy, giai đoạn 2013-2020 cần xác định rõ quan điểm có tính nguyên tắc là phải thể chế đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác thương binh, gia đình liệt sĩ. Hoạt động quản lý nhà nước thực thi ưu đãi xã hội phải bảo đảm tính dân chủ, công khai, công bằng, tạo sự đồng thuận xã hội cao, phù hợp với tiến trình cải cách hành chính nhà nước, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam với mục tiêu: “Triển khai đồng bộ các chế độ ưu đãi đã được quy định trong Pháp lệnh Ưu đãi người có công nhằm không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người có công và gia đình người có công với cách mạng. Tổng kết, rà soát việc công nhận người có công”(3). Để thực hiện được mục tiêu trên đây, cần triển khai một số nhóm giải pháp chủ yếu sau:
Thứ nhất, tiếp tục, từng bước hoàn thiện hệ thống, chính sách pháp luật về ưu đãi xã hội
Xây dựng hành lang pháp lý cho hoạt động quản lý. Khẩn trương thể chế các nội dung quy định ở Pháp lệnh Sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng, hướng dẫn và tổ chức thực hiện việc xác nhận người có công, thực hiện các chế độ ưu đãi mới có hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2013, đặc biệt chú trọng đến chế độ ưu đãi về trợ cấp, ưu đãi về y tế, giáo dục, đào tạo, nhà ở, đất ở... các văn bản quy phạm pháp luật về công tác mộ, nghĩa trang liệt sĩ, chăm sóc sức khỏe, trang cấp dụng cụ chỉnh hình phục hồi chức năng cho người có công…
Thứ hai, cải cách hành chính không ngừng nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về ưu đãi xã hội.
Xây dựng Đề án cải cách trợ cấp ưu đãi đến năm 2015 mức chuẩn để xác định mức trợ cấp ưu đãi phải đạt bằng mức chi tiêu bình quân toàn xã hội. Bên cạnh chế độ trợ cấp ưu đãi, các chế độ ưu đãi khác về y tế, giáo dục, đào tạo, lao động, việc làm, thuế... cũng cần được triển khai đồng bộ. Một bộ phận người có công (bà mẹ Việt Nam anh hùng, cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa, thương binh, bệnh binh thời kỳ chống Pháp, thương binh, bệnh binh nặng sống ở gia đình) cần có được chế độ chăm sóc đầy đủ, chu đáo, thể hiện rõ sự quan tâm, ưu đãi của Đảng, Nhà nước và nhân dân đối với người có công. Gần 300.000 con của người có công đang theo học ở các bậc học cần được bồi dưỡng, giáo dục; hàng vạn con liệt sĩ, con thương binh, con bệnh binh nặng cần được giải quyết việc làm theo Chỉ thị số 31/CT-TTg, ngày 28-11-2012, của Thủ tướng Chính phủ về việc đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho con liệt sĩ, con thương binh, bệnh binh nặng.
Thứ ba, đẩy mạnh xã hội hóa phong trào “đền ơn đáp nghĩa” trong nền kinh tế thị trường.
Không ngừng nâng cao nhận thức xã hội, đặc biệt là đối với thế hệ trẻ về tình cảm, đạo lý, trách nhiệm đối với người và gia đình có công với Tổ quốc, với nhân dân. Khơi dậy và phát huy phong trào “đền ơn đáp nghĩa”, thu hút, tập hợp nhiều nguồn lực vật chất, tinh thần của đồng bào ta cùng với Nhà nước chăm lo người có công. Riêng đối với các liệt sĩ cần “tiếp tục tổ chức tốt việc thông báo, thông tin về mộ liệt sĩ đến thân nhân gia đình liệt sĩ. Tôn tạo các công trình ghi công liệt sĩ hiện có; xây dựng và từng bước hoàn thiện các thiết kế tri ân liệt sĩ (nghĩa trang liệt sĩ, đài tưởng niệm liệt sĩ, đền thờ liệt sĩ) ở cấp xã, cấp huyện bằng nguồn ngân sách do Nhà nước bảo đảm, kết hợp với các nguồn xã hội hóa...”(4).
Đánh giá hiệu quả của phong trào “đền ơn đáp nghĩa”, xây dựng các chương trình tình nghĩa phù hợp với tình cảm, đạo lý của dân tộc với đặc điểm tình hình kinh tế - xã hội ở mỗi thời kỳ, bảo đảm mục tiêu huy động ngày một cao nguồn lực trong nhân dân, cùng Nhà nước thực hiện tốt việc ưu đãi xã hội đối với người có công.
Thực hiện tốt quy chế quản lý và sử dụng Quỹ “đền ơn đáp nghĩa”. Quỹ phải thu hút đầy đủ sự đóng góp theo nghĩa vụ đồng thời kêu gọi được sự đóng góp tình nghĩa của mọi tầng lớp nhân dân, cơ quan, tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp, kiều bào ta ở nước ngoài…. Đây là yếu tố chủ đạo, mang lại hiệu quả tốt trong những năm qua cần kế thừa, chủ động, linh hoạt phát huy trong gia đoạn mới. Phong trào xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ trước đây cần được củng cố và tổ chức lại theo hướng hiệu quả, thiết thực với phương châm tích cực, năng động, sáng tạo để ngày càng có nhiều hơn các xã, phường trong cả nước được đánh giá làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ, đặc biệt quan tâm, vận động, ủng hộ các xã vùng biên giới, hải đảo, xã nghèo biên giới.
Thứ tư, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra bảo đảm sự trong sáng, giàu đạo nghĩa dân tộc thể hiện tốt sự trân trọng, biết ơn, tôn vinh, đền ơn đáp nghĩa người và gia đình có công với Đảng, với Tổ quốc và nhân nhân.
Thời gian qua, trong quá trình thực hiện các chính sách ưu đãi người có công đã xuất hiện tiêu cực, tham nhũng, hiện tượng xác lập hồ sơ giả để hưởng chế độ ưu đãi của Nhà nước, gây bức xúc dư luận, làm xói mòn lòng tin của người dân đối với Đảng, chế độ. Hơn bao giờ hết cần phải chú trọng công tác kiểm tra, thanh tra các khâu thực thi chính sách ở từng địa phương, từng ngành về quá trình tổ chức thực hiện chính sách và hoạt động công chức công vụ trong bộ máy nhà nước để bảo đảm đúng quy định, làm sao để những chính sách ưu đãi phải được thực hiện đúng, đầy đủ, kịp thời đối với người có công. Ưu đãi xã hội phải minh bạch và trong sạch mới là đạo nghĩa đúng đắn của Đảng, của dân tộc ta.
Ưu đãi xã hội đối với người có công với cách mạng là trách nhiệm, tình cảm của Nhà nước và toàn xã hội nhằm thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, thể hiện sự biết ơn, “đền ơn đáp nghĩa” đối với người và gia đình có công với Tổ quốc, với nhân dân. Chính vì vậy, trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), Đảng ta khẳng định: Kết hợp chặt chẽ hợp lý phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội ngay trong từng bước và từng chính sách... Thực hiện tốt chính sách đối với người và gia đình có công với nước”(5). Đó là chủ trương đúng đắn, giàu chất nhân văn của Đảng, Nhà nước ta, phù hợp với đạo lý truyền thống dân tộc và nguyện vọng của toàn thể nhân dân trong giai đoạn cách mạng mới./.
------------------------------------------
(1) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội 2011, tr. 229 – 230
(2) Nghị quyết số 15-NQ/TW Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, ngày 01-6-2012
(3) Kết luận số 63-/KL/TW Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, ngày 27-5-2013
(4) Chỉ thị số 24-CT/TW, ngày 15-5-2013, của Bộ Chính trị “về tiếp tục đẩy mạnh công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ từ nay đến năm 2020 và những năm tiếp theo”
(6) Văn kiện Đại hội XI đã dẫn, tr. 79
Tính đặc thù theo định hướng xã hội chủ nghĩa của nền kinh tế thị trường ở nước ta  (18/09/2013)
Đẩy mạnh công tác phát triển đảng trong công nhân  (18/09/2013)
Đánh giá thực trạng ô nhiễm không khí tại Việt Nam  (18/09/2013)
May hơn khôn  (18/09/2013)
Việt Nam đi đúng hướng trên con đường phát triển  (18/09/2013)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển