Hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội trong doanh nghiệp ở nước ta hiện nay
Tổ chức và hoạt động của tổ chức chính trị - xã hội trong doanh nghiệp
Hiện nay, trong các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa, các tổ chức chính trị - xã hội như tổ chức đảng, công đoàn và Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh về cơ bản được kiện toàn, hoạt động nề nếp. Đối với các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước, mức độ kiện toàn và hoạt động của các tổ chức này còn rất khiêm tốn, tỷ lệ doanh nghiệp thành lập được tổ chức công đoàn chiếm khoảng 60-70% số doanh nghiệp đủ điều kiện thành lập tổ chức công đoàn; số doanh nghiệp thành lập được tổ chức đảng, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh thấp hơn rất nhiều. Ðảng bộ TP. Hồ Chí Minh là đơn vị có nhiều nỗ lực trong kiện toàn các tổ chức chính trị - xã hội trong các doanh nghiệp ngoài quốc doanh. Tuy nhiên, tính đến cuối tháng 11-2012, toàn Đảng bộ chỉ có 843 tổ chức đảng với 13.981 đảng viên trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước, chiếm 68,2% tổng số tổ chức đảng trong các loại hình doanh nghiệp (1.236 doanh nghiệp); hơn 12.500 tổ chức công đoàn, tập hợp hơn 850 nghìn đoàn viên (chiếm 74,87% số doanh nghiệp đủ điều kiện thành lập) và 2.127 doanh nghiệp có tổ chức Ðoàn TNCS Hồ Chí Minh (chiếm khoảng 20%) (1).
Hoạt động của các tổ chức cơ sở đảng trong doanh nghiệp đang tập trung vào những nội dung sau:
- Xác định đúng và trúng nhiệm vụ chính trị của tổ chức đảng để lãnh đạo cán bộ, đảng viên và người lao động thực hiện tốt nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Xung quanh vấn đề này vẫn còn các ý kiến khác nhau:
Loại ý kiến thứ nhất cho rằng, việc thành lập một tổ chức nào đó, kể cả tổ chức đảng trong công ty, hoàn toàn phụ thuộc vào ý muốn chủ quan của người sử dụng lao động.
Loại ý kiến thức hai cho rằng, tổ chức đảng là tổ chức chính trị, giữ vai trò lãnh đạo đảng viên, quần chúng và các tổ chức chính trị - xã hội trong doanh nghiệp. Vì vậy, thành lập tổ chức cơ sở đảng nhưng hoạt động không hiệu quả thì ảnh hưởng tiêu cực đến uy tín và vai trò lãnh đạo của Đảng.
Loại ý kiến thứ ba cho rằng, tổ chức đảng là tổ chức chính trị của những người cộng sản, trong khi đó chủ doanh nghiệp tư nhân là chủ tư bản, không muốn có tổ chức cộng sản trong doanh nghiệp của họ. Và do đó, đảng viên và người lao động ngại tham gia các sinh hoạt chính trị tại doanh nghiệp.
Trước tình hình đó, tổ chức đảng phải làm tốt công tác tư tưởng trong phạm vi lãnh đạo của chi bộ, đảng bộ. Trước hết, phải làm cho người sử dụng lao động, kể cả người nước ngoài, hiểu rõ mục đích, nhiệm vụ hoạt động của tổ chức đảng và những yêu cầu của tổ chức đảng cần được doanh nghiệp hợp tác. Thực tế cho thấy, nếu làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, giải thích với người sử dụng lao động để họ hiểu rõ hoạt động của tổ chức đảng, thì sẽ có sự hợp tác cần thiết từ phía người sử dụng lao động. Hơn nữa, bản thân người sử dụng lao động cũng rất cần những thông tin liên quan đến pháp luật trên lĩnh vực kinh tế; tình hình chính trị trong nước, quốc tế liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; kinh nghiệm giải quyết những mâu thuẫn trong quan hệ giữa người sử dụng lao động và người lao động, đặc biệt tại các khu công nghiệp.
Tổ chức đảng trong doanh nghiệp lãnh đạo (thông qua đội ngũ đảng viên), giám sát (thông qua đảng viên, quần chúng, các tổ chức chính trị - xã hội như công đoàn, Đoàn Thanh niên, bằng cơ chế, chính sách, quy định pháp luật của Nhà nước,…) việc thực hiện đúng hợp đồng lao động và thoả ước lao động giữa chủ doanh nghiệp và người lao động, bảo đảm hoạt động của doanh nghiệp tuân thủ pháp luật; bồi dưỡng nhận thức chính trị - xã hội, chăm lo đời sống văn hoá và tay nghề cho người lao động theo hướng nâng cao vai trò và năng lực làm chủ của người lao động; tạo ra mối quan hệ bình thường giữa người sử dụng lao động và hệ thống chính trị trong doanh nghiệp.
Thực tiễn công tác đảng ở khu vực doanh nghiệp cho thấy, khi xác định đúng nhiệm vụ chính trị thì hoạt động của các tổ chức đảng ở doanh nghiệp không còn xa lạ với người sử dụng lao động, kể cả ở doanh nghiệp tư nhân và nước ngoài. Mục đích hoạt động của các tổ chức đảng trong doanh nghiệp là làm cho doanh nghiệp nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người lao động, góp phần giải quyết mối quan hệ lợi ích giữa Nhà nước, người sử dụng lao động và người lao động theo pháp luật; từ đó tạo mối quan tâm, hiểu biết, đoàn kết giữa người sử dụng lao động và người lao động.
Trong doanh nghiệp liên doanh với nước ngoài, tổ chức đảng quy định, trước khi họp trong liên doanh, cán bộ chủ chốt phía Việt Nam có trách nhiệm báo cáo với cấp ủy về chương trình, nội dung làm việc. Đối với những vấn đề lớn, liên quan đến liên doanh, cần có sự thống nhất của cấp ủy trước khi đưa ra bàn và giải quyết trong liên doanh. Đây là định hướng đúng, nhưng việc triển khai thực hiện lại không đơn giản và tùy thuộc nhiều vào ý thức trách nhiệm của đảng viên giữ chức vụ chủ chốt trong liên doanh.
Ở các doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, chi bộ lãnh đạo cán bộ, đảng viên, người lao động thực hiện nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh do người sử dụng lao động đề ra. Phương hướng lãnh đạo này có sức thuyết phục không ít người sử dụng lao động về vai trò, tác dụng của tổ chức đảng hoạt động trong các doanh nghiệp của họ. Và nhiều đối tượng sử dụng lao động chấp hành khá tốt chính sách và pháp luật của Nhà nước. Trong các doanh nghiệp do người Việt Nam làm chủ, đặc biệt khi chủ doanh nghiệp là đảng viên, đã từng công tác tại các cơ quan và doanh nghiệp nhà nước, thì các tổ chức đảng xác định và thực hiện nhiệm vụ chính trị khá thuận lợi; về cơ bản, gần gũi với mục tiêu, nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
- Tiến hành công tác tư tưởng thông qua hoạt động của các tổ chức công đoàn và Đoàn Thanh niên trong doanh nghiệp. Đảng bộ Khu chế xuất và Khu công nghiệp TP. Hồ Chí Minh hằng năm đã tổ chức các lớp học “tìm hiểu về Đảng Cộng sản Việt Nam” cho các công đoàn viên ưu tú. Nội dung học tập là những bài học chính trị cơ bản dành cho đối tượng kết nạp đảng. Ngoài việc mở các lớp học nâng cao nhận thức về Đảng cho người lao động, các tổ chức đảng còn chú trọng giáo dục, nâng cao ý thức giác ngộ về vị trí, vai trò của công nhân trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc, để động viên họ tích cực tham gia xây dựng doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, nâng cao tay nghề và khả năng làm chủ sản xuất.
Tuy nhiên, phương pháp bồi dưỡng, nâng cao trình độ giác ngộ chính trị, tư tưởng của tổ chức đảng cho người lao động cần thay đổi cho phù hợp với thực tế sản xuất, với cuộc sống của người lao động, nhất là tại các doanh nghiệp dân doanh và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
- Tại các doanh nghiệp, lãnh đạo công tác tổ chức - cán bộ của tổ chức đảng gặp rất nhiều khó khăn. Ở các doanh nghiệp tư nhân, tổ chức đảng và những người sử dụng lao động phối hợp giải quyết công tác tổ chức - cán bộ của doanh nghiệp theo phương thức: người sử dụng lao động quyết định việc bố trí đội ngũ cán bộ quản lý doanh nghiệp. Tổ chức đảng trong doanh nghiệp tham gia góp ý về những cán bộ quản lý đó, trước khi người sử dụng lao động quyết định. Với cán bộ lãnh đạo các tổ chức đảng, công đoàn và đoàn thể (Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Phụ nữ), sẽ do tổ chức đảng quyết định lựa chọn, hoặc giới thiệu nhân sự để quần chúng bầu, nhưng có sự tham gia ý kiến của chủ doanh nghiệp.
Đối với các doanh nghiệp liên doanh, có vốn Nhà nước, việc lựa chọn cán bộ quản lý tham gia trong liên doanh được thực hiện theo nguyên tắc: mỗi bên tham gia liên doanh tự chọn cán bộ của mình rồi đưa ra Hội đồng quản trị quyết định. Với những doanh nghiệp loại này, tổ chức đảng có vai trò quyết định lựa chọn cán bộ đại diện cho bên Nhà nước tham gia Hội đồng quản trị, hoặc tham gia ban giám đốc doanh nghiệp.
- Đội ngũ đảng viên hoạt động trong doanh nghiệp nhìn chung có chất lượng khá tốt. Một số đảng viên tham gia quản lý trong doanh nghiệp; số còn lại là công nhân trực tiếp sản xuất. Về học vấn, hầu hết đảng viên đã tốt nghiệp phổ thông trung học, hoặc trung học chuyên nghiệp trở lên.
Để nâng cao chất lượng mọi mặt cho đội ngũ đảng viên, tổ chức đảng các cấp đã thực hiện các giải pháp như: phối hợp với các trung tâm bồi dưỡng chính trị để mở lớp nghiên cứu Nghị quyết của Đảng, bồi dưỡng đối tượng Đảng, bồi dưỡng đảng viên mới kết nạp, tổ chức một số cuộc thi tìm hiểu Đảng Cộng sản Việt Nam, và thi cấp ủy viên giỏi. Ngoài việc tổ chức học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ nhận thức, các tổ chức đảng trong doanh nghiệp còn thực hiện việc phân công nhiệm vụ cho đảng viên và nghe báo cáo kết quả công tác của đảng viên. Công tác bồi dưỡng nâng cao trình độ nhận thức chính trị, tư tưởng cho đảng viên, quần chúng tuy đã làm khá tích cực, nhưng nội dung, chương trình học tập cần có sự điều chỉnh nhất định cho phù hợp với điều kiện người lao động hiện nay.
- Trong điều kiện sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp tư nhân, thời gian sinh hoạt chi bộ đảng thường được thực hiện ngoài giờ làm việc. Do đó, các chi bộ có rất ít thời gian chuẩn bị kỹ các nội dung sinh hoạt và sớm thông báo nội dung, thời gian, chương trình làm việc của chi bộ cho các đảng viên. Trong sinh hoạt chi bộ, các nội dung bàn bạc, thảo luận khá toàn diện, và tập trung vào việc thực hiện nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Ở một số nơi, chi bộ đưa những nội dung liên quan đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp ra bàn trong hội nghị động viên tư tưởng, tìm giải pháp tăng ca, làm thêm giờ trong các ngày nghỉ, lễ, tết khi sản xuất, kinh doanh yêu cầu,... Việc xác định nhiệm vụ chính trị của tổ chức đảng gắn với nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, giải quyết hài hoà lợi ích của các bên tham gia, đã làm cho tổ chức đảng ngày càng được chủ doanh nghiệp coi trọng, ủng hộ.
Công đoàn trong doanh nghiệp đã có những cơ sở pháp lý nhất định để phát triển đoàn viên và thành lập tổ chức. Trước hết, đó là Luật Công đoàn, Bộ luật Lao động và các văn bản dưới luật khác. Chính phủ đã có chính sách hỗ trợ kinh phí để phát triển tổ chức công đoàn cơ sở và trợ cấp cho chủ tịch công đoàn cơ sở khu vực ngoài quốc doanh và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài... Ở các địa phương, chẳng hạn tại TP. Hồ Chí Minh, Thành ủy đã ban hành Chỉ thị 13-CT/TU về một số nhiệm vụ xây dựng giai cấp công nhân Thành phố (năm 2003) và Chương trình 17-CT của Thành ủy về xây dựng giai cấp công nhân thành phố (năm 2005), trong đó đã quy định cụ thể một số biện pháp để phát triển tổ chức công đoạn cơ sở tại doanh nghiệp. Mục tiêu của Liên đoàn Lao động TP. Hồ Chí Minh là kết nạp 100% công nhân viên chức - lao động thuộc các doanh nghiệp nhà nước, 75 - 80% công nhân - lao động thuộc các thành phần kinh tế khác vào tổ chức công đoàn. Đây là chỉ tiêu cao hơn mức phấn đấu chung do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề ra.
Thực tế, công tác phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở tại khu vực doanh nghiệp ở TP. Hồ Chí Minh và trên cả nước nói chung cho đến nay đã có bước chuyển biến quan trọng.
Về số lượng, tính đến nay trong khu vực sản xuất công nghiệp và xây dựng, 100% doanh nghiệp quốc doanh đã thành lập công đoàn cơ sở; khu vực ngoài quốc doanh và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt tỷ lệ khoảng 97%. Đến nay, có khoảng 80% lao động tại các doanh nghiệp đủ điều kiện thành lập tổ chức công đoàn; trong đó, khu vực quốc doanh đạt gần 85%; khu vực ngoài quốc doanh và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt khoảng 75%.
Trong quá trình phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở tại khu vực doanh nghiệp đã có sự kết hợp giữa bồi dưỡng nghiệp vụ, nâng cao năng lực hoạt động của đội ngũ cán bộ công đoàn. Do đó, chất lượng hoạt động công đoàn từng bước được nâng lên. Đến nay, có hơn 60,0% công đoàn cơ sở đạt danh hiệu vững mạnh; trong đó, khu vực quốc doanh đạt gần 92%, khu vực ngoài quốc doanh và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt gần 47,0 %.
Nhiều địa phương chú trọng phát triển công đoàn cơ sở trong khu vực kinh tế tư nhân và khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Hiện nay, tại một số địa phương đã thành lập công đoàn các khu công nghiệp (KCN). Công đoàn KCN đã xác định việc xây dựng tổ chức công đoàn là một nhiệm vụ quan trọng và đã thành lập tổ công tác để tập trung thực hiện nhiệm vụ này. Công đoàn cơ sở ở các KCN đã giới thiệu được hàng nghìn lượt đoàn viên là đối tượng cảm tình Đảng và nhiều người đã được kết nạp vào Đảng. Công đoàn đã quan tâm tuyên truyền các đường lối, chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước bằng nhiều hình thức cho công nhân, như báo cáo chuyên đề, tờ rơi, áp phích.
Tuy vậy, phải thừa nhận rằng chất lượng hoạt động của phần lớn tổ chức công đoàn cơ sở khu vực ngoài quốc doanh là chưa cao. Do phụ thuộc vào người sử dụng lao động nên hoạt động chủ yếu theo cơ chế “xin - cho”. Thực tế, ở nhiều doanh nghiệp hầu như chỉ có bộ khung tổ chức công đoàn cơ sở, chưa có nhiều “chân rết” là các tổ công đoàn tại các đội, phân xưởng trong doanh nghiệp. Vì thế, hoạt động công đoàn thường giới hạn ở bộ khung đó.
Hoạt động của tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh chưa rộng khắp như mức độ hoạt động của tổ chức công đoàn. Nội dung hoạt động chủ yếu của Đoàn là kết hợp với công đoàn doanh nghiệp để tổ chức các hoạt động văn hoá, thể thao, vui chơi giải trí ngoài giờ làm việc; qua đó, tập hợp lực lượng và từng bước nâng cao ý thức chính trị cho đội ngũ công nhân trẻ. Các tổ chức cơ sở đoàn thanh niên cũng tham gia công tác phát triển đảng viên, giới thiệu những đoàn viên ưu tú để chi bộ giáo dục, bồi dưỡng phát triển Đảng.
Đoàn Thanh niên là tổ chức chính trị - xã hội đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của các chi bộ Đảng. Hoạt động không hiệu quả, thậm chí yếu kém của các tổ chức đoàn thanh niên sẽ ảnh hưởng đến kết quả đánh giá, phân loại chất lượng các tổ chức đảng. Vì vậy, một số chi bộ đã cố gắng quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo việc thành lập và hoạt động của tổ chức Đoàn Thanh niên trong doanh nghiệp. Nhưng do những người sử dụng lao động, đặc biệt tại các doanh nghiệp liên doanh với nước ngoài, thường không ủng hộ hoặc ủng hộ không nhiệt tình, nên hoạt động của tổ chức Đoàn Thanh niên thường rất khó khăn.
Những vấn đề đặt ra và phương hướng nâng cao vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội tại doanh nghiệp
Thứ nhất, chưa có sự quy định cụ thể về tổ chức hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội trong doanh nghiệp.
Trong ba tổ chức chính trị - xã hội (Đảng, Công đoàn và Đoàn TNCS Hồ Chí Minh) chỉ có tổ chức công đoàn hoạt động trong các loại hình doanh nghiệp, được quy định thành văn bản luật; tổ chức đảng chỉ được quy định một cách chung nhất trong Luật Doanh nghiệp thông qua năm 1999 (Điều 5) còn đối với tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh thì cho đến nay chưa có văn bản pháp luật nào đề cập đến. Chính vì vậy, sự lãnh đạo của tổ chức đảng đối với tổ chức công đoàn và Đoàn TNCS Hồ Chí Minh gặp nhiều khó khăn, tùy thuộc vào đặc thù của quá trình ra đời và hoạt động của những tổ chức này trong mỗi doanh nghiệp.
Thứ hai, chức năng của các tổ chức chính trị - xã hội trong doanh nghiệp chưa được quy định rõ ràng, nhất là chức năng của tổ chức đảng, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.
Hiện nay, những nội dung cần bàn bạc, trao đổi, quyết định trong sinh hoạt chi bộ ở doanh nghiệp vẫn còn hai loại ý kiến khác nhau:
- Một loại ý kiến cho rằng, nhà máy, công ty là của chủ doanh nghiệp; phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh do chủ doanh nghiệp quyết định. Tổ chức đảng lập ra trong doanh nghiệp chỉ là để đảng viên làm thuê cho chủ doanh nghiệp có tổ chức và sinh hoạt. Vì thế, tổ chức đảng chỉ làm nhiệm vụ vận động đảng viên, quần chúng chấp hành đúng luật pháp, lãnh đạo bảo vệ lợi ích của người lao động trong doanh nghiệp là chính. Tổ chức đảng không nên lãnh đạo, bàn bạc vấn đề sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, vì đây là quyền của chủ doanh nghiệp.
- Một loại ý kiến khác cho rằng, tổ chức đảng lập ra trong doanh nghiệp là để đảng viên làm việc trong doanh nghiệp sinh hoạt. Không có doanh nghiệp thì không có chi bộ hoạt động trong doanh nghiệp. Doanh nghiệp sản xuất kinh doanh không hiệu quả thì đảng viên và quần chúng làm thuê cho chủ doanh nghiệp không bảo đảm được lợi ích của mình. Hơn nữa, doanh nghiệp tư nhân sản xuất, kinh doanh trong điều kiện chính sách và luật pháp của Nhà nước xã hội chủ nghĩa, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Vì vậy, hoàn cảnh làm thuê của người lao động trong doanh nghiệp phải được giác ngộ, bản thân đảng viên phải giác ngộ trước quần chúng về vấn đề này. Sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp tư nhân phát triển còn góp phần làm giàu cho đất nước, cho người lao động chứ không phải chỉ làm giàu cho chủ doanh nghiệp. Thông qua địa vị làm thuê ở các công ty, xí nghiệp có công nghệ hiện đại, người lao động phải ra sức học tập, làm việc để có khả năng làm chủ. Bởi vậy, tổ chức đảng tham gia lãnh đạo vào quá trình sản xuất, kinh doanh là đúng và cần thiết.
Cả hai loại ý kiến trên vẫn đang tồn tại trong sinh hoạt của các chi bộ ở doanh nghiệp. Chủ doanh nghiệp tư nhân thì ở đâu và bao giờ cũng quan tâm trước tiên đến lợi nhuận doanh nghiệp, bởi thế, quan hệ giữa người sử dụng lao động với các tổ chức đảng, với người lao động không tránh khỏi quan niệm chủ - thợ, người đi thuê và người làm thuê. Chính thực tế này đã khiến việc xác định chức năng của các tổ chức chính trị - xã hội, kể cả các tổ chức đảng, công đoàn là rất khó khăn.
Thứ ba, thiếu nguồn cán bộ, nhất là cán bộ có năng lực, nhiệt huyết với công tác đảng, đoàn thể và đa số người lao động chưa có nhận thức đúng về vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội trong doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp vốn nước ngoài.
Nguyên nhân phổ biến về tình trạng chậm phát triển đoàn viên và tổ chức đảng, công đoàn trong doanh nghiệp chính là do đội ngũ cán bộ đảng, công đoàn, đoàn thể ở cơ sở đều là cán bộ bán chuyên trách và đa số còn rất trẻ nên kinh nghiệm hoạt động chưa nhiều. Hơn nữa, cán bộ đảng, công đoàn năng động, nhiệt tình, dám mạnh dạn đấu tranh bảo vệ quyền lợi cho người lao động thì thường dễ bị “mất việc”, trong khi tổ chức công đoàn chưa có cơ chế hiệu quả bảo vệ cho họ. Do đó, một số công nhân có năng lực trong doanh nghiệp rất ngại tham gia hoạt động đảng, công đoàn. Một số người sử dụng lao động quan niệm rằng, tổ chức đảng, công đoàn, đoàn thể là tổ chức “đối trọng” với họ nên họ chưa quan tâm, tạo điều kiện đúng mức cho tổ chức đảng, công đoàn, đoàn thể hoạt động. Bên cạnh đó, một số cán bộ đảng, công đoàn chưa thật sự tạo được uy tín đối với người lao động, chưa là cầu nối giữa người lao động với người sử dụng lao động. Vì vậy, họ chưa tạo được niềm tin đối với người lao động cũng như người sử dụng lao động. Nhận thức của một bộ phận người lao động về tổ chức đảng, công đoàn, đoàn thể còn nhiều hạn chế; họ chưa nhận thức rõ về quyền lợi và lợi ích khi tham gia vào tổ chức công đoàn. Nhiều người lao động không tích cực hoặc từ chối gia nhập vào tổ chức công đoàn, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, nói cách khác, chưa có ý thức chính trị cao; chưa sẵn sàng phát huy vai trò của mình thông qua các tổ chức chính trị - xã hội ở doanh nghiệp.
Những vấn đề nêu trên đang cản trở quá trình xây dựng, kiện toàn các tổ chức chính trị - xã hội tại khu vực doanh nghiệp. Vì vậy, cần:
- Bổ sung, hoàn thiện những quy định về tổ chức hoạt động của các thiết chế chính trị - xã hội tại khu vực doanh nghiệp trong văn bản pháp luật của Nhà nước. Đây là tiền đề để những người sử dụng lao động và người lao động thuộc tất cả các thành phần kinh tế thừa nhận và phát huy vai trò của các tổ chức này nhằm phát triển doanh nghiệp bền vững.
- Quan tâm thực hiện các chương trình bồi dưỡng cán bộ đảng, đoàn thể thuộc khu vực doanh nghiệp, đặc biệt cho khu vực doanh nghiệp dân doanh và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
- Chú trọng xây dựng các chính sách an sinh xã hội phù hợp đối với đội ngũ cán bộ đảng, đoàn thể tại khu vực doanh nghiệp để họ toàn tâm toàn ý thực hiện vai trò đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động./.
-------------------------------------
(1) Lãnh đạo Thành ủy TP. Hồ Chí Minh biểu dương các doanh nghiệp tham gia thực hiện tốt Chỉ thị của Thành ủy, nhandan.org.vn ngày 28-12-2012
TPP khó có thể kịp hình thành trong năm nay  (18/07/2013)
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thăm, tặng quà các trẻ em bị bệnh tim bẩm sinh  (17/07/2013)
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải làm việc tại Nghệ An  (17/07/2013)
"Ninh Bình cần có định hướng phát triển công nghiệp"  (17/07/2013)
Phiên họp thứ 52 Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương  (17/07/2013)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên