Lợi dụng vấn đề tôn giáo để chống phá Việt Nam là hoạt động lỗi thời!
Tôn giáo là một dạng đặc thù của hình thái ý thức xã hội, quá trình ra đời, tồn tại và phát triển ảnh hưởng khá sâu sắc đến đời sống chính trị, văn hoá, xã hội, tâm lý, đạo đức, lối sống, phong tục, tập quán của nhiều quốc gia, dân tộc.
Việt Nam là quốc gia đa tôn giáo. Theo số liệu thống kê, cho đến nay ở Việt Nam có 19 tổ chức của 8 tôn giáo được Nhà nước công nhận tư cách pháp nhân. Trên cả nước có hơn 20 triệu tín đồ (chiếm gần 30% dân số), hơn 56 ngàn chức sắc, nhà tu hành và 25 ngàn cơ sở thờ tự.
Việt Nam cũng là một trong những quốc gia có nhiều loại hình tín ngưỡng - tôn giáo. Với vị trí địa lý nằm ở khu vực Đông Nam Á, có ba mặt giáp biển nên rất thuận lợi trong mối giao lưu với các nước trên thế giới và và vì thế cũng rất dễ cho việc thâm nhập các luồng văn hoá, các tôn giáo trên thế giới.
Đại bộ phận tín đồ là quần chúng nhân dân lao động có bản chất tốt đẹp yêu nước, gắn bó với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đa số các chức sắc tôn giáo có lòng yêu nước, gắn bó với dân tộc, hoạt động tôn giáo trong khuôn khổ pháp luật và quy định của Nhà nước. Tuy nhiên, do dân trí còn thấp, hiểu biết giáo lý chưa thấu đáo, vẫn còn một bộ phận tín đồ mê tín nên dễ bị lừa bịp, kích động lôi kéo vào các hoạt động chống đối chính quyền; trong các chức sắc vẫn còn một số mặc cảm với quá khứ, định kiến với chính quyền, chưa thật sự gắn bó với dân tộc và chế độ xã hội chủ nghĩa, tạo cơ sở cho lực lượng thù địch lợi dụng chống phá Việt Nam.
Chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước Việt Nam được xây dựng trên cơ sở học thuyết Mác Lê-nin, tư tởng Hồ Chí Minh và đặc điểm tôn giáo của dân tộc Việt Nam. Qua nhiều giai đoạn cách mạng khác nhau, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã có những chính sách phù hợp để phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, trong đó có các tín đồ tôn giáo.
Ngay từ những ngày đầu thành lập, Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà đã có những chính sách tôn giáo đúng đắn. Trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời ngày 3-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu sáu vấn đề cấp bách cần giải quyết, trong đó có việc thực hiện “tín ngưỡng tự do, Lương - Giáo đoàn kết”. Đây là quan điểm cơ bản mà sau này tiếp tục được củng cố, phát triển và là tư tưởng xuyên suốt trong hiến pháp và các văn bản pháp luật của Việt Nam.
Ngày 18-6-2004, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khoá XI đã thông qua Pháp lệnh tín ngưỡng tôn giáo. Đây có thể coi là văn bản quy phạm pháp luật có giá trị pháp lý cao nhất, vừa điều chỉnh trực tiếp lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo, vừa thể chế hoá đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước Việt Nam về tín ngưỡng, tôn giáo, nhằm tạo cơ sở pháp lý bảo đảm cho công dân thực hiện quyền cơ bản về tự do tín ngưỡng, tôn giáo, đồng thời nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước về lĩnh vực này. Điều quan trọng đáng ghi nhận là, Pháp lệnh đã có sự tham khảo pháp luật về tôn giáo của nhiều nước trên thế giới và khu vực như Pháp, Đức, Nga, Trung Quốc, Xin-ga-po, Lào... Như vậy, có thể thấy, văn bản quan trọng này có sự tiếp cận ngang tầm với luật pháp quốc tế, các quy phạm pháp luật về vấn đề tôn giáo của các nước trên thế giới và khu vực.
Trong những năm đổi mới, chủ trương, chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước Việt Nam tập trung vào 5 vấn đề trọng yếu: (1) Đánh giá thực trạng tình hình; (2) Xác định quan điểm chỉ đạo; (3) Đề ra nhiệm vụ công tác; (4) Hoạch định hệ thống chính sách cụ thể đối với từng đối tượng, từng phạm vi hoạt động tôn giáo; (5) Xây dựng tổ chức bộ máy và cán bộ làm công tác tôn giáo trong thời kỳ mới.
Hệ thống chính sách cụ thể đối với quần chúng tín đồ, đội ngũ chức sắc, tổ chức giáo hội, cơ sở hoạt động xã hội - văn hoá - từ thiện - nhân đạo và quan hệ quốc tế của các tôn giáo cũng phản ánh sinh động sự đổi mới trong nhận thức về tình hình, về quan điểm chỉ đạo nhiệm vụ công tác tôn giáo ở Việt Nam trong thời kỳ mới: mở cửa, hợp tác quốc tế, phát triển nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Hệ thống chính sách đó đã và đang đi vào cuộc sống, bảo đảm cho sinh hoạt tôn giáo bình thường theo đúng luật pháp. Nghiêm cấm việc xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng tôn giáo để làm trái pháp luật và chính sách của Nhà nước.
Như vậy, "Chính sách nhất quán của Nhà nước Việt Nam là tôn trọng và bảo đảm các quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và tự do không tín ngưỡng, tôn giáo của công dân. Các quyền này đã được nêu rõ trong Hiến pháp và các văn bản pháp luật khác của nhà nước Việt Nam, trong đó có Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo. Trên thực tế, các tôn giáo ở Việt Nam được Nhà nước quan tâm và tạo điều kiện để phát triển. Mọi sinh hoạt tôn giáo của tín đồ, chức sắc thuộc các hệ phái đều diễn ra bình thường. Ông Crít Xây-lơ (Chris Seiple), Chủ tịch Viện Liên kết toàn cầu (IGE) của Hoa Kỳ đã khẳng định: “ở thời điểm hiện nay, không thể nói rằng vấn đề tôn giáo là một khía cạnh nhạy cảm trong quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ”(1)
Tuy nhiên, các thế lực thù địch vẫn lợi dụng vấn đề tôn giáo để chống phá Việt Nam. Một số nước vẫn còn có các nhóm người công khai, lợi dụng vấn đề tôn giáo, can thiệp thô bạo đến công việc nội bộ của Việt Nam. Lợi dụng chính sách đổi mới, mở cửa của Đảng và Nhà nước Việt Nam, hàng năm có hàng chục phái đoàn vào “tìm hiểu tình hình tự do tôn giáo tại Việt Nam”, trong đó vẫn có những nhân vật lợi dụng hoạt động này để nắm bắt tình hình, hỗ trợ, chỉ đạo các hoạt động chống phá Việt Nam. Trong cái gọi là “Báo cáo tự do tôn giáo quốc tế” hằng năm, họ thường xuyên tạc tình hình tự do tôn giáo tại Việt Nam, trong đó có những thông tin cố tình làm sai lệch và phản ánh không đúng tình hình như ở Tây Nguyên mấy năm trước và một số địa phương trong những tháng đầu năm nay.
Những năm gần đây lại xuất hiện những dấu hiệu mới trong các hoạt động chống phá Việt Nam như: “liên tôn”, đấu tranh đòi “tự do tôn giáo và nhân quyền”. Một số tổ chức thù địch với Việt Nam ở nước ngoài cũng đang thúc đẩy thông qua cái gọi là “Luật tự do tôn giáo cho Việt Nam”, gắn tự do tôn giáo với các điều kiện phát triển quan hệ song phương, trong đó có viện trợ phát triển kinh tế để ép Việt Nam, từng bước thực hiện ý đồ: “tự do hoá tôn giáo ở Việt Nam” theo công thức: “Tôn giáo độc lập với Nhà nước”.
Tham vọng của các lực lượng thù địch với Việt Nam là:
- Lợi dụng tôn giáo tập hợp lực lượng, phát triển tín đồ củng cố tổ chức, khi có điều kiện chuyển thành lực lượng chính trị tiến công xoá bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa dưới các hình thức bạo loạn chính trị, kết hợp với bạo loạn vũ trang ở các vùng dân tộc thiểu số, kêu gọi bên ngoài can thiệp... như kịch bản mà họ đã sử dụng ở một số nước Đông Âu.
- Quốc tế hoá những vấn đề tôn giáo, trước tiên là Thiên chúa giáo, Tin Lành, Phật giáo... để dễ bề can thiệp từ bên ngoài vào, công khai hoá việc gây sức ép với chính quyền Nhà nước Việt Nam.
- Khi có điều kiện thì tạo ra các cuộc xung đột, bạo loạn ở vùng tôn giáo với cái cớ: tranh chấp đất đai, nơi thờ tự, chùa chiền... do chính quyền cơ sở sơ hở, hoặc có thiếu sót, sai lầm trong việc xử lý các vấn đề nội bộ dân cư, tạo cớ cho bọn phản động trong và ngoài nước lợi dụng thời cơ, kích động quần chúng chống chính quyền, gây mất ổn định chính trị...
Lợi dụng vấn đề tôn giáo để chống phá Việt Nam là hoạt động lỗi thời!  (26/04/2008)
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 4 đã tăng chậm lại  (26/04/2008)
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 4 đã tăng chậm lại  (26/04/2008)
Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh giữ vững tốc độ tăng trưởng  (26/04/2008)
Thấy gì qua thất bại của dự án chăn nuôi bò sữa ở Lệ Xá  (26/04/2008)
Thấy gì qua thất bại của dự án chăn nuôi bò sữa ở Lệ Xá  (26/04/2008)
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển nông nghiệp và sự vận dụng của Đảng đối với vấn đề bảo đảm an ninh lương thực ở Việt Nam hiện nay
- Công an nhân dân tu dưỡng, rèn luyện, quyết tâm thực hiện lời căn dặn “Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
- Chính sách đối ngoại đa phương của nước Mỹ tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Nâng cao chất lượng quản lý đảng viên ở ngoài nước trong giai đoạn mới: Thực trạng và giải pháp
- Xây dựng huyện đảo Trường Sa trở thành trung tâm kinh tế - xã hội trên biển gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo: Thực tiễn và vấn đề đặt ra hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên