Năm 2013 - năm hữu nghị và hợp tác Việt Nam - Ô-xtrây-li-a
Quan hệ đối tác toàn diện
Trong 40 năm qua, kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao, quan hệ Việt Nam - Ô-xtrây-li-a phát triển mạnh mẽ, ổn định và đạt những thành tựu to lớn, toàn diện cả về chính trị, ngoại giao, kinh tế, thương mại, đầu tư, viện trợ phát triển, văn hóa, du lịch, khoa học, giáo dục, đào tạo, quốc phòng, an ninh,… Đặc biệt, trong 20 năm gần đây (1993 - 2013), hai nước đã không ngừng gia tăng các hoạt động giao lưu, trao đổi các đoàn từ cấp Trung ương đến địa phương và duy trì tiếp xúc cấp cao. Đã có trên 20 đoàn cấp cao của hai nước thăm viếng lẫn nhau, góp phần tăng cường sự hiểu biết và tạo dựng sự tin cậy giữa lãnh đạo và nhân dân hai nước. Sự kiện có ý nghĩa nhiều mặt trong quan hệ giữa hai nước là vào năm 2009, Việt Nam và Ô-xtrây-li-a ký hiệp định đối tác toàn diện, mở đường cho các mối quan hệ vốn có giữa hai nước phát triển sâu hơn và đa dạng hơn.
Ngày 27-3-2010, Bộ trưởng Ngoại giao Ô-xtrây-li-a Bốp Ca (Bob Carr) thăm chính thức Việt Nam. Chuyến thăm đầu tiên sau khi mới nhậm chức của tân Bộ trưởng Ngoại giao Bốp Ca tới Việt Nam được đánh giá là điểm nhấn chứng tỏ Ô-xtrây-li-a đánh giá cao quan hệ với Việt Nam trong giai đoạn mới. Nhân chuyến thăm này, Việt Nam và Ô-xtrây-li-a nhất trí đẩy mạnh các hoạt động thương mại và đầu tư nhằm đưa quan hệ kinh tế - thương mại phát triển tương xứng với quan hệ chính trị và tiềm năng của hai nước. Hai nước cũng cam kết phối hợp chặt chẽ nhằm triển khai các lĩnh vực hợp tác cụ thể trong khuôn khổ Chương trình hành động Việt Nam - Ô-xtrây-li-a giai đoạn 2010 - 2013 và nhiều năm tiếp theo.
Về hợp tác kinh tế: Quan hệ thương mại Việt Nam - Ô-xtrây-li-a đã và đang phát triển nhanh, được thể hiện rõ qua việc tăng mạnh kim ngạch thương mại hai chiều kể từ năm 2005 đến năm 2012. Trong các năm 2008 - 2012, mặc dù chịu ảnh hưởng mạnh của cuộc khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế toàn cầu, nhưng kim ngạch song phương giữa hai nước vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng khá ổn định. Theo Chủ tịch Hội đồng Thương mại Ô-xtrây-li-a - Việt Nam Lo-ren Xtra-nô (Laurence Strano), tổng kim ngạch xuất nhập khẩu song phương giữa hai nước năm 2012 đạt 6 tỷ USD, so với 4,1 tỷ năm 2011 và 3,2 tỷ USD năm 2005. Ô-xtrây-li-a hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ năm của Việt Nam.
Hiện nay, Việt Nam là một trong những đối tác quan trọng của Ô-xtrây-li-a trong khu vực. Trong những tháng đầu năm 2013, quan hệ thương mại hai chiều giữa hai nước tăng trưởng nhanh hơn cùng kỳ năm 2012 và là sự phát triển đáng ghi nhận trong quan hệ hai nước.
Ô-xtrây-li-a có GDP bình quân đầu người rất cao, 60.000 AUD/người (năm 2012) với sức mua lớn. Quan hệ Việt Nam - Ô-xtrây-li-a cũng có nhiều điểm thuận lợi với các khuôn khổ pháp lý cơ bản hoàn thiện. Thêm vào đó, cộng đồng người Việt ở Ô-xtrây-li-a khá đông và có xu hướng tăng nhanh trong những năm gây đây. Việt kiều và lưu học sinh Việt Nam ở Ô-xtrây-li-a có xu hướng tiêu dùng các mặt hàng Việt ngày càng lớn, cũng là yếu tố thuận lợi để hàng hóa Việt Nam thâm nhập vào thị trường này.
Thị trường Ô-xtrây-li-a có nhu cầu rất lớn về các mặt hàng máy tính và thiết bị thông tin liên lạc, đây là cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập thị trường. Ô-xtrây-li-a cũng đang nhập hầu hết những mặt hàng sử dụng nhiều lao động như may mặc, thủy sản, đồ gỗ,… Đây là những mặt hàng có thế mạnh của các doanh nghiệp Việt Nam.
Về quan hệ đầu tư: Đầu tư trực tiếp (FDI) của Ô-xtrây-li-a vào Việt Nam tiếp tục duy trì ở mức tương đối ổn định qua các năm. Vốn FDI còn hiệu lực đến năm 2012 là 1.317 triệu USD với 261 dự án còn hiệu lực. Ô-xtrây-li-a hiện đứng thứ 18 trong số 77 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư trực tiếp vào Việt Nam, và là một trong các nước đầu tư khá cao, có hiệu quả tại Việt Nam. Các dự án đầu tư của Ô-xtrây-li-a tại Việt Nam còn hiệu lực chủ yếu thuộc các lĩnh vực chế biến, dịch vụ tư vấn, giáo dục đào tạo,… tại một số thành phố lớn, như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và tỉnh Bình Dương, phổ biến theo hình thức 100% vốn nước ngoài và liên doanh,…
Về hợp tác phát triển: Ô-xtrây-li-a là đối tác hợp tác phát triển quan trọng của Việt Nam khi luôn dành cho Việt Nam sự ưu tiên đặc biệt trong đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, xóa đói giảm nghèo,… Những dự án nổi bật, như cầu Mỹ Thuận và cầu Cao Lãnh trong thời gian tới là những biểu tượng sinh động cho mối quan hệ hữu nghị Việt Nam - Ô-xtrây-li-a. Việt Nam là nước thứ năm trong số các nước tiếp nhận viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Ô-xtrây-li-a. Viện trợ phát triển chính thức (ODA) của Ô-xtrây-li-a cho Việt Nam có quy mô khá lớn, tổng viện trợ giai đoạn 1998 - 2002 là 436 triệu AUD, tài khóa 2008 - 2009 là 106 triệu AUD và 2011 - 2012 là hơn 145 triệu AUD.
Về hợp tác giáo dục, đào tạo: Với lợi thế không quá xa về khoảng cách địa lý, có môi trường tiếng Anh, chất lượng đào tạo tốt và chi phí rẻ hơn so với một số nước khác, Ô-xtrây-li-a đã trở thành một trong những địa chỉ cho học sinh Việt Nam du học. Các trường đại học và trung tâm đào tạo của Ô-xtrây-li-a ngày càng thu hút nhiều học sinh, sinh viên Việt Nam theo học. Từ nhiều năm nay, trung bình mỗi năm có thêm hàng nghìn học sinh, sinh viên của Việt Nam sang Ô-xtrây-li-a du học và hàng nghìn học sinh, sinh viên được tiếp nhận vào các cơ sở đào tạo của Ô-xtrây-li-a tại Việt Nam. Tính đến năm 2013, Việt Nam đã có hơn 17.000 sinh viên tại Ô-xtrây-li-a và khoảng 14.000 học viên theo học tại các trường của Ô-xtrây-li-a ở Việt Nam. Trong số này có nhiều người là cán bộ cơ quan nhà nước, viện nghiên cứu được cử đi học và đã đạt kết quả học tập tốt, trong đó có nhiều người đạt học vị tiến sĩ, thạc sĩ.
Du khách Ô-xtrây-li-a đến Việt Nam ngày càng đông và trở thành một trong 10 nước, vùng lãnh thổ có số khách du lịch đến Việt Nam đông nhất và tăng nhanh. Năm 2005 có 149 nghìn lượt khách, năm 2010 tăng lên 278 nghìn lượt, năm 2011 là 290 nghìn lượt và 2012 là gần 300 nghìn lượt, tăng 13% so với năm 2011, tăng gấp 2,4 lần năm 2005 và ước năm 2013 đạt 350 - 380 nghìn lượt người.
Ngoài ra, hai nước cũng tăng cường phối hợp trên các diễn đàn quốc tế như ASEAN, Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị thượng đỉnh Đông Á (EAS), Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Tổ chức Thương mại thế giới (WTO),…
Tuy nhiên, quan hệ thương mại giữa Việt Nam - Ô-xtrây-li-a vẫn chưa tương xứng với tiềm năng về quan hệ chính trị, ngoại giao tốt đẹp. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này có nhiều, trong đó đáng chú ý một số vấn đề như: Doanh nghiệp của hai nước còn thiếu thông tin về thị trường và gặp khó khăn trong các hoạt động tìm hiểu thị trường, xúc tiến thương mại. Bên cạnh đó, sự cạnh tranh của các đối tác khác, như Trung Quốc, một số nước ASEAN ngày càng gia tăng, đặc biệt là Trung Quốc, Ấn Độ, đối với các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam. Hiện nay, chính sách thương mại và thuế của Ô-xtrây-li-a khá minh bạch, nhưng hàng rào phi thuế quan (các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn kỹ thuật,…) khá chặt chẽ, vì thế các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam cần quan tâm tìm hiểu kỹ.
Một hạn chế nữa là quy mô các dự án đầu tư của Ô-xtrây-li-a tại Việt Nam đều là dự án nhỏ, ít vốn và tập trung vào khu vực dịch vụ nhiều hơn khu vực sản xuất công nghiệp, chế biến nông sản. Các nhà đầu tư Việt Nam chưa có các dự án lớn tại Ô-xtrây-li-a kể cả trong các lĩnh vực hai nước có thế mạnh, như thăm dò, khai thác dầu khí, phát triển nông nghiệp, thủy sản,…
Tăng cường hơn nữa hiệu quả hợp tác
Năm 2013 là năm hữu nghị và hợp tác giữa hai nước Việt Nam và Ô-xtrây-li-a, là dấu mốc quan trọng ghi nhận bước chuyển giai đoạn phát triển mới trong quan hệ giữa hai nước từ lượng sang chất để phát huy lợi thế và tiềm năng của mỗi nước với triển vọng tốt đẹp hơn các thời kỳ trước.
Vào tối ngày 4-4-2013, tại Xít-ni, Hội đồng Thương mại Ô-xtrây-li-a-Việt Nam đã tổ chức buổi gặp mặt “Kỷ niệm 40 năm quan hệ ngoại giao Ô-xtrây-li-a - Việt Nam và Cơ hội” nhằm thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác giữa hai nước, nhất là quan hệ thương mại, đầu tư. Tại buổi gặp mặt, Chủ tịch Hội đồng Thương mại Ô-xtrây-li-a - Việt Nam Lo-ren Xtra-nô khẳng định ý nghĩa của quan hệ đầu tư, thương mại… giữa hai bên. Theo ông, việc thương mại hai chiều Ô-xtrây-li-a - Việt Nam đạt 6 tỷ USD trong năm 2012 là một kết quả rất ấn tượng. Các doanh nghiệp hai nước cần tiếp tục nắm bắt cơ hội để tăng cường hơn nữa hiệu quả hợp tác thương mại giữa hai bên. Cũng tại buổi gặp mặt, cựu Đại sứ Ô-xtrây-li-a tại Việt Nam A-lát-xtơ Coóc (Allaster Cox) đã nhấn mạnh ý nghĩa của quan hệ thương mại song phương, khẳng định Việt Nam là đối tác quan trọng của Ô-xtrây-li-a. Theo cựu Đại sứ Coóc, thế giới đang thay đổi nhanh chóng, vì vậy Ô-xtrây-li-a và Việt Nam cần tăng cường quan hệ đối tác với nhãn quan mới. Nhân dịp này, đại diện nhiều doanh nghiệp ở Ô-xtrây-li-a bày tỏ hài lòng khi đầu tư, hợp tác làm ăn ở Việt Nam. Nhiều thương gia hy vọng thương mại hai chiều Ô-xtrây-li-a - Việt Nam sẽ tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới.
Quan hệ Việt Nam - Ô-xtrây-li-a phát triển toàn diện và ngày càng đi vào chiều sâu đem lại lợi ích cho nhân dân hai nước và góp phần củng cố an ninh trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Các chương trình, dự án đầu tư, sử dụng vốn ODA của Chính phủ Ô-xtrây-li-a luôn được đánh giá có hiệu quả cao, phù hợp với nhu cầu, mục tiêu, kế hoạch phát triển của Việt Nam. Kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai nước là điểm nhấn quan trọng nhất, mức tăng trưởng ổn định và tốc độ tăng trung bình hằng năm 10% đã và đang mở ra triển vọng tăng nhanh trong những năm tới.
Trong tương lai, quan hệ giữa hai nước có nhiều tiềm năng để phát triển, đặc biệt là trên lĩnh vực kinh tế. Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà cả Việt Nam và Ô-xtrây-li-a đều tham gia đàm phán, khi hoàn tất sẽ tạo một đòn bẩy giúp hai nước củng cố hơn nữa nền tảng kinh tế của mối quan hệ song phương./.
ASEAN tăng cường công nghệ quản lý thảm họa thiên tai  (22/05/2013)
Việt Nam và Xoa-di-len thiết lập quan hệ ngoại giao cấp đại sứ  (22/05/2013)
Phê duyệt chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn  (22/05/2013)
Bỏ thì thương, vương thì tội  (22/05/2013)
Cuộc chiến Xy-ri: hồi kết cận kề?  (22/05/2013)
- Một số giải pháp đổi mới phương thức cầm quyền của Đảng hiện nay
- Một số vấn đề cơ bản về phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước trong xây dựng nhà nước pháp quyền
- Việt Nam chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, thúc đẩy đối ngoại quốc phòng, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng các biện pháp hòa bình
- Thúc đẩy quá trình cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước
- Bảo vệ, phát huy giá trị tài nguyên di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch bền vững
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên