Nợ công của nhóm PIIGS: Những điểm tương đồng và khác biệt
Những điểm tương đồng trong nợ công của nhóm PIIGS
Mức nợ công của nhóm PIIGS gia tăng từ nửa cuối năm 2009 và làm tăng thêm mối lo ngại về nợ công quốc tế cũng như sự ổn định của thị trường tài chính toàn cầu. Nợ công của nhóm PIIGS có nhiều điểm giống nhau, đó là sự lan truyền và các khoản nợ bên ngoài. Những điểm tương đồng của nợ công nhóm PIIGS thể hiện:
Thứ nhất, lãi suất giảm mạnh ở nhóm PIIGS sau khi gia nhập khu vực đồng euro
Nhóm PIIGS có mức lãi suất cao trước khi gia nhập khu vực (trung bình gấp đôi lãi suất tại Đức). Sau khi gia nhập EU, nhóm PIIGS đã tiếp cận được một thị trường lớn và nguồn vốn rẻ (lãi suất giảm mạnh xuống mức tương đối thấp). Lãi suất của nhóm PIIGS giảm xuống gần bằng mức lãi suất của Đức khiến cho chi phí vay nợ rẻ hơn. Với thời hạn 3 tháng, lãi suất đã giảm mạnh từ 22% xuống còn 3% (Hy Lạp); từ 15% xuống 3% (Tây Ban Nha, Italia); từ 20% xuống 3% (Ailen). Nguồn tín dụng cũng rất phong phú, thuận lợi cho người đi vay thế chấp, vay bằng thẻ tín dụng, vay mua xe… Khi lãi suất cho vay gần bằng lãi xuất ở Đức thì mức sống của người dân các nước PIIGS nhanh chóng tiếp cận với người dân Đức, Pháp. Do được hưởng lãi suất trái phiếu chính phủ thấp, chi tiêu công của Hy Lạp và của một vài quốc gia nhóm PIIGS tăng mạnh theo tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn 2002 - 2007. Tăng trưởng của Hy Lạp và Tây Ban Nha (3,5% - 4,3%), Ailen (6,5%), cao hơn mức tăng trưởng trung bình của châu Âu khoảng 2%(2).
Cách mà đồng euro mang lại tăng trưởng cho các nước này không bắt nguồn từ gia tăng xuất khẩu mà là do tiêu dùng trong nước tăng đột biến. Sự nhảy vọt của cầu tiêu dùng nội địa nhanh chóng đẩy giá cả lên cao, và thiếu hụt lao động trở thành một vấn đề. Kết quả là tiền lương nhân công tăng lên và chính phủ các nước PIIGS đã chi tiêu quá nhiều, dẫn tới thâm hụt ngân sách. Việc vay mượn dễ dàng khiến các chính phủ chi tiêu phung phí và hậu quả dẫn đến các khoản nợ tăng nhanh.
Thứ hai, sức cạnh tranh và tình trạng kinh tế yếu kém của nhóm PIIGS
Cả 3 tiêu chí: nợ công, chi tiêu chính phủ (được tính theo % GDP) và năng lực cạnh tranh (được xác định bởi chi phí sản xuất so với các đối tác thương mại) của nhóm PIIGS đều đi xuống so với thời kỳ trước khi gia nhập khu vực đồng euro, đặc biệt là về năng lực cạnh tranh. Sản phẩm xuất khẩu của các nước PIIGS bị mất khả năng cạnh tranh trên thị trường toàn cầu, buộc họ phải dựa nhiều hơn vào các khoản nợ để trang trải cho thâm hụt thương mại. Đồng euro, với tư cách là một đồng tiền chung, đang làm trầm trọng thêm tình hình, do PIIGS không thể độc lập phá giá tiền tệ để làm cho sản phẩm của họ rẻ hơn(3).
Khủng hoảng nợ công là hệ quả của sự chi tiêu quá mức của chính phủ các nước PIIGS. Mức chi tiêu của Chính phủ Hy Lạp tăng 87% giai đoạn 2001 - 2007, trong khi mức thu chỉ tăng 31%(4), khiến cho ngân sách thâm hụt vượt quá mức cho phép (3% GDP) của EU. Chi tiêu cho quản lý công trong tổng số chi tiêu công của Hy Lạp năm 2004 đã cao hơn nhiều so với các nước thành viên OECD khác trong khi chất lượng và số lượng dịch vụ không được cải thiện.
Việc sử dụng đồng euro đã đem đến 2 hậu quả tiêu cực cho nhóm PIIGS: Một là, sự ra đời của đồng euro tạo điều kiện cho PIIGS vay vốn với chi phí thấp, khiến tiêu dùng trong nước bùng nổ, kéo theo chi phí sản xuất leo thang, đặc biệt tiền lương công nhân tăng. Điều này làm giảm sức cạnh tranh của PIIGS so với các nước khác trong khu vực; Hai là, việc vay mượn dễ dàng khuyến khích chính phủ PIIGS chi tiêu quá mức và hậu quả dẫn đến là nguy cơ vỡ nợ. Chi tiêu công của Hy Lạp chiếm 38% thu nhập quốc dân (năm 2008) đã tăng lên 50,4% (năm 2010). Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Italia có mức tăng tương ứng lần lượt là 9% lên 49%; 6,7% lên 44% và 2,5% lên 51% trong cùng thời kỳ.
Việc gia nhập liên minh tiền tệ châu Âu đối với những nền kinh tế Nam Âu làm giảm năng lực cạnh tranh quốc gia. Chi phí sản xuất hàng hóa, đặc biệt là hàng xuất khẩu của họ ngày càng cao hơn so với Đức và Anh. Theo đánh giá của Ủy ban kinh tế Châu Âu (EEC) công bố năm 2010: Nhóm PIIGS có chi phí sản xuất cao hơn từ 16 - 31% mức trung bình của 35 quốc gia được tính trong “Tỷ lệ trao đổi hiệu quả thực tế” REER (Real Effect Exchange Ratio)(5). Báo cáo của Ngân hàng Nhật Bản Nomura đánh giá chỉ số về khả năng cạnh tranh của Bồ Đào Nha thấp hơn so với Đức tới 24% (năm 2010).
Thứ ba, thâm hụt ngân sách của nhóm PIIGS đã vượt xa ngưỡng quy định chung(6) của châu Âu
Tỷ lệ nợ công cao và thâm hụt ngân sách trầm trọng là điểm yếu chung phổ biến của nhóm PIIGS và là nguyên nhân chính gây ra cuộc khủng hoảng nợ công.
Dẫn đầu nhóm PIIGS về tỷ lệ thâm hụt ngân sách là Hy Lạp với thâm hụt ngân sách trung bình 5% giai đoạn 2001 - 2008 so với mức trung bình của châu Âu là 2%. Mức thâm hụt ngân sách của Hy Lạp tăng lên 13,6% (năm 2009). Bộ máy công quyền cồng kềnh và thiếu hiệu quả của Hy Lạp là nhân tố chính đằng sau sự thâm hụt ngân sách quốc gia.
Năm 2011, thâm hụt ngân sách của Bồ Đào Nha đã lên tới 8% so với GDP. Tây Ban Nha nổi lên như “điểm nóng” trong thâm hụt ngân sách của khu vực, với mức thâm hụt lên tới 8,8% GDP. Đặc biệt, mức thâm hụt ngân sách của Ailen tăng rất mạnh, từ mức 1,5% trước khủng hoảng tài chính toàn cầu lên 32% ( năm 2010). Điều tồi tệ nhất đối với Ailen là khủng hoảng lòng tin của các nhà đầu tư khiến các nhà đầu tư bán tống trái phiếu, chỉ số trái phiếu giảm. Ailen không có nguồn thu từ trái phiều để bù lỗ vào thâm hụt ngân sách. Thâm hụt ngân sách của Italia lên tới 6,7% GDP (năm 2012) do thu ngân sách giảm trong khi chi tiêu công tăng.
Mất cân bằng tài khoản vãng lai cũng là nguyên nhân khiến cho các nước PIIGS phải gánh chịu thâm hụt ngân sách lớn.
Thứ tư, nợ công lớn và chồng chéo của nhóm PIIGS
Trong số 17 quốc gia thuộc khối đồng tiền chung châu Âu, nhóm PIIGS có tỷ lệ mắc nợ cao nhất. Trong đó, tiền vay nợ của Hy Lạp lớn gấp rưỡi (165%) tổng số tiền của nền kinh tế Hy Lạp, Italia (120%), Ailen (110%). Thâm hụt ngân sách và nợ công cao làm tăng tỷ lệ thất nghiệp do chính phủ phải áp dụng chính sách thắt lưng buộc bụng và sa thải lao động trong khu vực công. Tỷ lệ thất nghiệp của Tây Ban Nha lên tới hơn 20%.
Các khoản nợ hiện nay của các nước Nam Âu đều là các khoản nợ công trung và dài hạn với quy mô rất lớn. Nợ công chồng chéo nhau trong nhóm EU. Các chủ nợ lớn của PIIGS lại chính là các nước châu Âu như Pháp, Anh, Đức, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha… Tổng các khoản nợ của nhóm PIIGS lên tới 4.500 tỷ USD (năm 2012).
Hy Lạp là quốc gia có nợ công nhiều nhất châu Âu so với quy mô nền kinh tế với tổng số nợ công lên tới hơn 300 tỷ euro, bằng 125% GDP. Nợ công của Italia đã lên tới 2.022 tỷ euro (khoảng 2,64 nghìn tỷ USD) vào tháng 1-2013, tăng 34 tỷ euro so với tháng 12-2012, trong đó bao gồm cả 43 tỷ euro trợ giúp của cơ chế ổn định tài chính châu Âu. Tây Ban Nha nợ 1.100 tỷ USD. Ailen nợ gần 900 tỷ USD (năm 2011).
Thứ năm, các giải pháp khắc phục khủng hoảng nợ công của nhóm PIIGS đều giống nhau, gồm tăng thu và giảm chi thông qua kế hoạch “thắt lưng buộc bụng”
Cho đến năm 2011, Chính phủ Bồ Đào Nha đã 4 lần đưa ra các kế hoạch “thắt lưng buộc bụng” nhằm giảm thâm hụt ngân sách. Thâm hụt ngân sách của Bồ Đào Nha đã giảm khoảng 4,6% (năm 2011) thông qua việc giảm lương, giảm mức trần chi tiêu cho các chương trình xã hội và tăng thuế. Để đạt mục tiêu giảm thâm hụt ngân sách xuống 3% (năm 2013), Bồ Đào Nha phải giảm 15% chi tiêu cho lĩnh vực chăm sóc y tế, giảm trung bình 2%/1 năm số biên chế ở khu vực công trong giai đoạn 2011 - 2013, số công chức hành chính ở cấp địa phương cũng phải cắt giảm 45%, tăng mức đóng góp của người lao động cho các quỹ an sinh xã hội từ 11% (năm 2011) lên 18% (năm 2013), tạm hoãn dự án xây dựng tuyến đường sắt cao tốc nối từ Lisbon (Bồ Đào Nha) sang Madrit (Tây Ban Nha) để tiết kiệm thêm cho ngân sách quốc gia 3,3 tỷ euro.
Italia thắt lưng buộc bụng với kế hoạch tiết kiệm 51 tỷ euro (khoảng 73 tỷ USD) trong giai đoạn (2011 - 2013). Giảm mức bội chi ngân sách từ 4,6% GDP (năm 2010) xuống 0,2% GDP (năm 2014). Mục tiêu này được cụ thể hóa, bao gồm: xóa bỏ các điều khoản ưu đãi thuế cho tư nhân để tiết kiệm 20 tỷ euro cho ngân sách nhà nước đến năm 2014; đánh thuế vào các khoản mục ngân hàng, các sản phẩm tài chính (cổ phiếu, trái phiếu…); giảm thù lao cho các nghị sĩ và hạn chế các khoản trợ cấp y tế; kéo dài tuổi lao động, ngừng tăng lương cho các nhân viên thuộc khu vực nhà nước trong vòng bốn năm (2011 - 2014); hoàn chỉnh kế hoạch tư hữu hóa các doanh nghiệp nhà nước đến năm 2013.
Hy Lạp đã thông qua 5 gói “thắt lưng buộc bụng” lớn trong giai đoạn (2010 - 2011). Năm 2012, gói “thắt lưng buộc bụng” của Hy Lạp bao gồm cắt giảm lương, trợ cấp hưu trí, thất nghiệp và sáp nhập một số cơ quan nhà nước. Giảm chi tiêu và tư hữu hóa tài sản quốc gia trong 3 năm (2010 - 2013) nhằm giảm thâm hụt ngân sách xuống dưới mức trần 3% GDP (năm 2015) theo quy định của EU.
Ailen giảm gần 15% biên chế (24.750 người) trong cơ quan hành chính công, giảm lương tối thiểu của một giờ làm việc xuống còn 7,65 euro/giờ, tăng thuế và mở rộng đối tượng chịu thuế, tăng học phí đại học lên gấp 3 lần... với hy vọng sẽ giảm mức thâm hụt ngân sách còn 3% GDP (năm 2015).
Trong ngân sách tài khóa 2013, Tây Ban Nha đặt mục tiêu cắt giảm mạnh chi tiêu công, giảm nhân viên (giảm 13.000 việc làm trong khu vực nhà nước) và tăng thuế.
Những điểm khác biệt trong nợ công của PIIGS
Mặc dù đều có nguy cơ nợ công nhưng nguyên nhân dẫn đến tình trạng này của nhóm PIIGS lại khác nhau. Nguyên nhân trực tiếp của cuộc khủng hoảng nợ công nhóm PIIGS là do các quốc gia đã tỏ ra “thiếu trách nhiệm”, đi vay quá nhiều nhờ được hưởng lãi suất ưu đãi và việc chi tiêu thiếu kiểm soát của chính phủ. Nguyên nhân sâu xa nằm ở chính bản thân khối đồng tiền chung châu Âu. Sử dụng đồng euro tạo điều kiện cho họ vay vốn với chi phí thấp khiến tiêu dùng trong nước bùng nổ, kéo theo chi phí sản xuất leo thang, làm suy giảm sức cạnh tranh của PIIGS. Nợ công của PIIGS có thể được phân chia theo 3 nhóm nguyên nhân:
Nhóm có vấn đề về ngân sách
Hy Lạp là một trường hợp điển hình. Nguyên nhân chính gây ra khủng hoảng nợ công ở Hy Lạp là khả năng quản lý tài chính công yếu kém với những khoản chi tiêu của chính phủ quá lớn và vượt khỏi tầm kiểm soát. Hy Lạp vốn đã có vấn đề về ngân sách và mức nợ công cao, do đó dễ bị tổn thương nhất trước khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Để che dấu việc chi tiêu quá tay, trong nhiều năm, Chính phủ Hy Lạp đã thực hiện báo cáo số liệu không nhất quán và sai lệch, đưa ra nhiều khoản mục bất thường trong ngân sách. Mặc dù mức bội chi ngân sách thực tế cao kỷ lục 15,4% (năm 2009), nhưng Chính phủ Hy Lạp đưa ra con số ước tính là 6% với mục đích đánh lừa thị trường để tiếp tục vay được với lãi suất thấp. Không những thế, Hy Lạp cố ý không tính đến một số chi tiêu quân sự cũng như y tế trong tổng chi của Chính phủ. Hy Lạp công bố thâm hụt ngân sách 2,6 tỉ euro (năm 2004), tương đương 1,7% GDP, thấp hơn nhiều so với mức trung bình của EU là 2,7%. Trên thực tế, thâm hụt ngân sách của Hy Lạp là 8,8 tỉ euro vào năm 2003. Hy Lạp bị thị trường vốn quốc tế “quay lưng” sau hơn một thập kỷ cho vay. Rủi ro nhanh chóng lây lan sang những quốc gia thiếu ổn định tài chính như Ailen, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Italia.
Nhóm có nợ tư nhân khổng lồ (Ailen, Tây Ban Nha)
Khủng hoảng nợ công ở Ailen được bắt đầu từ khu vực tư nhân với hành vi cho vay thiếu trách nhiệm của một số ngân hàng và Chính phủ không kịp thời khống chế. Ailen từng là một trong những nền kinh tế “khỏe mạnh” nhất của khối EU với GDP tăng trưởng hàng năm khoảng 10%. Tuy nhiên, khi suy thoái toàn cầu nổ ra, kinh tế Ailen chuyển sang suy giảm nhanh chóng. Nợ công của Ailen tăng hơn 500% trong giai đoạn 2001 - 2010.
Ngân hàng Ailen ngày càng phải “gánh” nhiều nợ xấu sau khi đã cho vay quá nhiều trong thời kỳ nền kinh tế tăng trưởng nóng và bong bóng bất động sản. Khi thị trường bất động sản bị đóng băng, phần lớn các khoản vay bất động sản trở thành nợ xấu và hệ thống ngân hàng đối mặt với nguy cơ sụp đổ. Nợ tư nhân đã trở thành nợ công sau khi Chính phủ ra tay giải cứu các ngân hàng. Để giúp hệ thống ngân hàng, Chính phủ Ailen đã tài trợ 50 tỷ euro để quốc hữu hóa ngân hàng và tái cấp vốn cho một số ngân hàng trong nước. Ailen đã biến nợ xấu của các ngân hàng, những khoản nợ tư nhân thành “tài sản công” tệ hại mà Chính phủ phải quản lý và lấy tiền từ ngân sách để bù lỗ cho những tổn thất. Kết quả tất yếu dẫn đến mức thâm hụt tài chính công tăng lên cao gấp 10 lần mức cho phép. Nợ công của Ailen là do Chính phủ phải xuất tiền cứu trợ cho hệ thống ngân hàng, biến nợ xấu từ khu vực tư nhân trở thành gánh nặng nợ nần của Chính phủ.
Tây Ban Nha - nền kinh tế lớn thứ 4 tại châu Âu - với tổng nợ công và tư tương đương 300% GDP - mức trầm trọng hơn của Hy Lạp rất nhiều(7). Hệ thống ngân hàng là điểm yếu nhất trong kinh tế Tây Ban Nha do đang chịu thua lỗ nặng từ các khoản cho vay mua nhà đất khi bong bóng bất động sản bùng nổ. Nợ xấu trong hệ thống ngân hàng Tây Ban Nha chiếm hơn 10% và hầu hết đều nằm trong lĩnh vực bất động sản. Nợ của khu vực tư nhân đã tăng từ 90% GDP lên 235% GDP (Tây Ban Nha)(8); từ 65% GDP lên 210% GDP (Ailen) trong giai đoạn 1998 - 2011.
Các khoản nợ của Tây Ban Nha gây nên tâm lý lo ngại cho các nhà đầu tư, khiến cho chi phí vay mượn của Chính phủ Tây Ban Nha tăng vọt. Lãi suất trái phiếu của Chính phủ Tây Ban Nha đã có lúc tăng lên 7,5%, vượt lãi suất vốn được xem là “khủng” của các nước khác trong khối như Italia (gần 6,4%) hay Ai-len (hơn 6,2%). Do quy mô kinh tế của Tây Ban Nha lớn gấp đôi so với tổng quy mô của cả ba nền kinh tế Hy Lạp, Ai-len, Bồ Đào Nha nên hậu quả vỡ nợ của Tây Ban Nha sẽ nghiêm trọng hơn rất nhiều và thậm chí có thể khiến Eurozone tan rã.
Nhóm có cả vấn đề về ngân sách và vấn đề về nợ tư nhân khổng lồ (Bồ Đào Nha)
Bồ Đào Nha thuộc nhóm có ngân sách công không vững chắc và nợ tư nhân gia tăng trước khi xảy ra khủng hoảng tài chính toàn cầu. Đây là sự kết hợp giữa tình hình tài chính công có vấn đề và những khoản nợ tư nhân hậu khủng hoảng.
Yếu tố thực sự gây ra khủng hoảng nợ công là những khoản nợ nước ngoài khổng lồ đang ngày càng gia tăng. Nợ nước ngoài trong tổng nợ của Bồ Đào Nha lên tới 73,8% GDP (năm 2010). Mặc dù nợ công và tỷ lệ thâm hụt ngân sách của Bồ Đào Nha khá cao nhưng cũng chỉ tương tự như của Pháp. Vấn đề quan trọng nhất mà Bồ Đào Nha đang phải đối mặt là các khoản nợ nước ngoài cao của khu vực tư nhân, của các ngân hàng và các doanh nghiệp Bồ Đào Nha.
Là nền kinh tế có sức cạnh tranh yếu nhất trong khu vực đồng euro, không như Ailen và Hy Lạp, tăng trưởng của Bồ Đào Nha chỉ đạt mức trung bình 1,3% trong giai đọan 2000 - 2008 (so với mức 4 - 5% của Hy Lạp và Ailen) nhưng lại phải chi trả phúc lợi cho người dân tương đương với mức của các nước châu Âu giàu, có mức tăng trưởng cao. Mức nợ của các hộ gia đình Bồ Đào Nha được coi là cao nhất trong khối euro. Tỷ lệ thất nghiệp cũng tăng từ 15% trong năm 2012 lên 16,4% (tháng 4-2013).
Italia - nền kinh tế lớn thứ 3 châu Âu với quy mô lớn gấp hai lần giá trị của tổng 3 nền kinh tế (Ailen, Bồ Đào Nha và Hy Lạp) có mức thâm hụt ngân sách lên tới 47,7 tỷ euro (năm 2012), tăng 1,1 tỷ euro so với cùng kỳ năm 2011. Thâm hụt ngân sách của Italia đã chạm mức 3% (năm 2012), mức trần của EU. Nhưng mức tăng trưởng kinh tế âm 2,4% năm 2012 và dự báo tiếp tục tăng âm 1,3% trong năm 2013 khiến kinh tế Italia gặp nhiều khó khăn.
Italia có thị trường trái phiếu chính phủ lớn nhất khu vực. Trung bình hàng năm Italia phải trả 75 tỉ euro tiền lãi cho các chủ nợ. Italia phải dành 10% (năm 2010) nguồn thu từ thuế để trả lãi nợ. Mức trả lãi sẽ tăng lên 12% trong giai đoạn 2010 - 2015. Nếu Italia bị vỡ nợ thì hệ lụy về kinh tế và tài chính cho châu Âu cực kỳ to lớn và có thể dẫn đến phá sản toàn bộ khu vực đồng euro.
Tóm lại, vấn đề trong giải quyết khủng hoảng nợ công của PIIGS là phải đối phó với nhiều khó khăn cùng lúc. Về nguyên tắc, muốn tăng trưởng kinh tế và giảm thất nghiệp thì phải tăng đầu tư và chi tiêu. Nợ công vì thế cũng sẽ tiếp tục tăng. Để giảm nợ công, các nước đã phải thắt lưng buộc bụng bằng cách cắt giảm chi tiêu và tăng thuế. Điều này lại khiến kinh tế bị suy thoái, thất nghiệp tăng cao, thu nhập và phúc lợi của người dân giảm sút dẫn đến những bất ổn xã hội. Nếu chính phủ giảm chi tiêu quá mạnh, nền kinh tế sẽ lao dốc rất nhanh, kéo theo doanh thu thuế sụt giảm mạnh và khả năng trả nợ lại càng mong manh. Như thế, sẽ rơi vào một cái vòng luẩn quẩn. Phần lớn các quốc gia châu Âu không còn nhiều cơ hội để tăng thuế, bởi doanh thu từ thuế đã lên tới mức 40% so với GDP. Việc tăng thuế cũng chưa phải là giải pháp tối ưu nhất. Kiểm soát chi tiêu công cần được đặt ở vị trí ưu tiên.
Cuộc khủng hoảng nợ công của nhóm PIIGS đã bộc lộ những khuyết tật mang tính hệ thống trong quản lý kinh tế. Khiếm khuyết trước hết là thiếu một cơ quan quản lý tài chính và điều phối kinh tế ở cấp độ Liên minh, cho dù các nền kinh tế thành viên nhóm PIIGS đã hội nhập khá sâu sắc. EU không có nhiều quyền lực trong việc hoạch định chính sách kinh tế của các nước thành viên. Hiệp ước tăng trưởng và ổn định (SGP) đã được ký kết để kiểm soát thâm hụt ngân sách và nợ công, nhưng EU lại thiếu các công cụ thực thi, kiểm tra, kiểm soát rõ ràng.
Cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu về bản chất không hẳn là khủng hoảng kinh tế mà còn là cuộc khủng hoảng chính trị, gặp phải sự phản đối chính trị, tư tưởng và tâm lý không chỉ của Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) mà của cả các nước phát triển mạnh khác như Đức, Pháp. Khủng hoảng nợ công châu Âu chính là biểu hiện của khủng hoảng niềm tin. Niềm tin có ý nghĩa rất quan trọng trong các hoạt động kinh tế, tài chính, tiền tệ đối với mỗi quốc gia. Chỉ có lấy lại niềm tin của dân chúng và các nhà đầu tư, PIIGS mới mong thoát khỏi khủng hoảng nợ và khôi phục tăng trưởng kinh tế./.
----------------------------------------------
(1) PIIGS gồm Bồ Đào Nha, Ailen, Italia, Hy Lạp và Tây Ban Nha
(2) The Economist, tháng 2-2010
(3) Nếu là đồng tiền riêng, đơn giản PIIGS chỉ cần phá giá 20 - 30% thì giá thành sản phẩm xuất khẩu của họ sẽ nhanh chóng giảm xuống ngang bằng với đối thủ cạnh tranh. Nhưng đồng euro không có cơ hội đó
(4) Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), 2011
(5) REER là thước đo chính xác nhất. Dẫn nguồn: International Business & Law Academy 17 June 2010
(6) Theo tiêu chuẩn hội tụ của Hiệp ước Maastricht (1992) Châu Âu quy định mức bội chi ngân sách không quá 3%, nợ công không quá 60% GDP
(7) Nguyễn An Hà (2011), Báo cáo thường niên tình hình châu Âu 2010, Viện Nghiên cứu châu Âu
(8) Tạp chí Politique Etrangere, Pháp, Khu vực đồng euro: Những kẻ chịu trách nhiệm về cuộc khủng hoảng nợ. Trích lại theo nguồn Tài liệu tham khảo đặc biệt (27-3-2012)
Đà Lạt: Bế mạc Hội nghị lần thứ 5 Nhóm Tư vấn AIPA  (14/05/2013)
Hà Nội: Thí điểm thi tuyển lãnh đạo  (13/05/2013)
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước tiếp xúc cử tri  (13/05/2013)
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gặp mặt đại biểu ưu tú dự Đại hội Công đoàn Quân đội lần thứ VIII  (13/05/2013)
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm chính thức Liên bang Nga  (13/05/2013)
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay