Thời kỳ nào ở Mê-hi-cô

Phan Lang
14:51, ngày 05-12-2012
TCCSĐT - Với việc ông Ên-ri-kê Pê-na Ni-a-tô (Pena Enrique Nieto) chính thức nhậm chức Tổng thống Mê-hi-cô, Đảng Cách mạng Thể chế (PRI) trở lại cầm quyền sau 12 năm thất thế. Cho tới cách đây 12 năm, đảng này cầm quyền liên tục 71 năm ở Mê-hi-cô. Vì thế, cả việc PRI thất quyền cách đây 12 năm và nay lại trở thành đảng cầm quyền đều là chuyện gây chấn động trên chính trường và trong nội bộ xã hội ở đất nước này.
Một thời mới đã mở ra ở Mê-hi-cô, nhưng thời ấy rồi đây sẽ như thế nào lại là câu hỏi lớn mà hiện ở đó chưa ai có thể trả lời nổi.

Vị tổng thống vừa mãn nhiệm, ông Phê-li-pê Can-đê-rôn (Felipe Calderon), đã thành công trong việc duy trì sự ổn định về tài chính cho đất nước ở thời thế khủng hoảng kinh tế và tài chính trên thế giới, nhưng lại không thành công trong cuộc chiến xóa đói, giảm nghèo, chống các băng đảng buôn bán ma túy và tạo công ăn việc làm. Cả ông P.Can-đê-rôn lẫn người tiền nhiệm là Vi-xen-tê Phốc (Vincent Fox), cả hai đều thuộc Đảng Hành động quốc gia (PAN), lại đều không thành công không chỉ trong việc chống buôn bán và tiêu diệt các băng đảng buôn bán ma túy, mà còn cả ở việc hàn gắn sự rạn nứt trong nội bộ xã hội.

Diễn biến và kết quả cuộc bầu cử tổng thống mới rồi ở Mê-hi-cô đã cho thấy, chính trường và xã hội đất nước này hiện tại vẫn bị phân hóa thành những phe cánh và bè phái đối đầu nhau chẳng khác gì ở thời điểm Đảng PAN thay thế Đảng PRI trở thành đảng cầm quyền cách đây 12 năm. Cho nên mới nói, di sản mà người tiền nhiệm để lại luôn là thách thức lớn đối với người kế nhiệm.

Thách thức lại còn lớn hơn khi nó cũng là hệ quả của thời kỳ cầm quyền liên tục suốt nhiều thập kỷ của Đảng Cách mạng Thể chế (PRI). Buôn bán ma túy và tội phạm từ buôn bán ma túy, đói nghèo và chậm phát triển, bất công xã hội và thất nghiệp vốn đâu chỉ mới có ở Mê-hi-cô kể từ khi Đảng PAN lên cầm quyền. Đảng PRI và các thời tổng thống Mê-hi-cô thuộc Đảng này phải chịu trách nhiệm chính về những vấn đề đó. Nhưng rõ ràng là hai nhiệm kỳ tổng thống thuộc Đảng PAN cũng đã không tìm ra được phương cách hữu hiệu để giải quyết được những vấn đề đó.

Đảng cầm quyền cũ hiện đã có gương mặt mới làm đại diện nhưng nếu chỉ có gương mặt mới không thôi cũng chưa thể giải quyết được những vấn đề cũ. Cho nên thách thức lớn nhất đầu tiên của ông Pê-na Ni-a-tô thật ra phải là thách thức về đổi mới Đảng PRI cho thích ứng với cương vị cầm quyền trong thời kỳ mới. Nếu không làm được việc này, tức là chỉ thuần túy tiếp tục những gì mà PRI đã bị buộc phải dừng lại cách đây 12 năm thì thời tới đây ở Mê-hi-cô sẽ cũ nhiều hơn mới, nếu như không nói là không thể có cái được coi là mới và tích cực hơn.

Có thể nói ông Pê-na Ni-a-tô mới này đã ý thức và ám chỉ điều đó khi xác lập ưu tiên chính sách là chống các băng đảng buôn bán ma túy bằng kết hợp nhiều cách khác nhau chứ không dùng quân đội như người tiền nhiệm. Ông Pê-na Ni-a-tô đặt kỳ vọng vào việc tăng cường sức mạnh và uy tín của lực lượng cảnh sát, cải thiện nền giáo dục và đào tạo, coi trọng phát triển nông nghiệp và nông thôn.

Cách tiếp cận như thế rất thực tiễn và tích cực. Nếu không nhanh chóng tạo ra triển vọng tương lai nghề nghiệp cho thế hệ trẻ ở cả nông thôn lẫn thành thị, chống tham nhũng và kém hiệu quả trong bộ máy cảnh sát và cải cách hệ thống tư pháp thì ông Pê-na Ni-a-tô sẽ không thể triệt thủ được các băng đảng buôn bán ma túy và giảm được đáng kể tội phạm liên quan đến ma túy.

Không giải quyết được vấn đề này, vị tổng thống mới không thể gây dựng được sự tin cậy của cả xã hội và do đó sẽ không khắc phục được sự rạn nứt và phân cực trong nội bộ xã hội, không thể có được các tiền đề cần thiết về chính trị, kinh tế cũng như xã hội để làm nên thời kỳ không chỉ mới mà trước hết phải thật sự tốt đẹp và thịnh vượng hơn trước cho đất nước này./.