Kon Tum là tỉnh tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm khoảng 53% dân số, trong đó phần lớn là dân tộc tại chỗ như Sê Đăng, Gia Rai, Giẻ-Triêng, Brâu, Rơ Măm. Địa bàn cư trú của đồng bào dân tộc chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa... nên đời sống còn khó khăn, tỷ lệ đói nghèo cao. Tỉnh có 67 xã đặc biệt khó khăn (trong đó có 57 xã thuộc khu vực III, 10 xã thuộc khu vực II) với số dân là 191.822 người, chiếm 50% dân số toàn tỉnh.

Những năm mới tái lập tỉnh, mặc dù được trung ương và tỉnh chú trọng đầu tư, đặc biệt Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa X) ban hành và tổ chức thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 10-CT/TU ngày 28-3-1994 về việc xây dựng các xã vùng cao, vùng biên giới, song đến năm 1996, nơi đây vẫn còn nằm trong tình trạng đói nghèo, trình độ dân trí thấp; an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội còn tiềm ẩn nhiều nhân tố gây mất ổn định... Trước thực trạng đó, Hội nghị lần thứ hai Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Kon Tum (khóa XI) ra Nghị quyết 01-NQ/TU, ngày 25-5-1996, chủ trương tiếp tục xây dựng các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng kinh tế mới khó khăn. Nghị quyết có ý nghĩa quan trọng, sát hợp với đặc điểm, tình hình cụ thể của địa phương, thể hiện sự chăm lo về đời sống vật chất, tinh thần đối với nhân dân, tạo ra những chuyển biến căn bản về kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở. Đến nay, sau hơn 10 năm triển khai thực hiện kết quả đạt được.

1 - Nâng cao nhận thức và hành động của các cấp, các ngành và toàn xã hội trong việc xây dựng các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng kinh tế mới khó khăn. Sau khi có Nghị quyết, các cấp ủy tổ chức phổ biến và quán triệt Nghị quyết cho tất cả cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, tạo được sự đồng thuận và quyết tâm chính trị cao trong hệ thống chính trị cũng như toàn xã hội về xây dựng các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng kinh tế mới khó khăn. Ban Thường vụ Tỉnh ủy thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Nghị quyết, bộ phận chuyên trách giúp ban chỉ đạo trực thuộc Tỉnh ủy. Các huyện, thị ủy và 67 xã cũng đều thành lập ban chỉ đạo hoặc tổ chỉ đạo thực hiện Nghị quyết.

Để triển khai thực hiện Nghị quyết có hiệu quả Ban chỉ đạo của tỉnh cùng các cấp ủy tổ chức tốt việc kiểm tra, sơ kết, tổng kết, qua đó, rút kinh nghiệm và tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy đề ra chủ trương, biện pháp phù hợp như: Chỉ thị 22-CT/TU ngày 13-4-1999 về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 01; Quy chế số 06-QC/TU ngày 7-11-2002 về phối hợp hoạt động giữa các cơ quan, đơn vị và cá nhân trong quá trình xây dựng xã; Chỉ thị 08-CT/TU ngày 4-5-2005 về tiếp tục xây dựng thôn, làng vững mạnh.v.v..

Các cơ quan, đơn vị của tỉnh và các huyện, thị xã sau khi nhận nhiệm vụ kết nghĩa đã nhanh chóng thành lập các tổ, đội công tác xây dựng xã; phân công các đơn vị trực thuộc phụ trách đến thôn, làng; bố trí cán bộ, đảng viên có năng lực, nhiệt tình am hiểu tình hình bám cơ sở. Đến nay, có 67 cơ quan, đơn vị cấp tỉnh nhận xây dựng 67 xã và 423 cơ quan, đơn vị cấp huyện, thị nhận kết nghĩa xây dựng các thôn, làng.

2 - Hỗ trợ các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng kinh tế mới khó khăn phát triển kinh tế - xã hội. Thực hiện tinh thần Nghị quyết 01, UBND tỉnh, các ngành và các huyện, thị xúc tiến, rà soát, bổ sung hoàn chỉnh quy hoạch và xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội gắn với an ninh - quốc phòng trong thời gian 5 năm, 10 năm cho từng vùng, từng xã; lồng ghép các chương trình đầu tư của Chính phủ; thu hút các nguồn vốn, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cho các xã đặc biệt khó khăn; cụ thể hóa các chính sách của Trung ương cho phù hợp với thực tiễn địa phương như: chính sách bù lãi suất đối với hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo khi vay vốn phát triển sản xuất, bù giá cước vận chuyển hàng nông sản đối với các xã thuộc khu vực III; chính sách hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi... Thiết lập mối quan hệ hợp tác, liên kết giữa kinh tế hộ với hợp tác xã, doanh nghiệp nhà nước. Các cơ quan, đơn vị ủng hộ tiền, vật tư, dụng cụ lao động và trực tiếp vận động nhân dân làm đường giao thông nông thôn, sửa chữa các công trình thủy lợi, giãn dân, tách hộ, lập vườn... Tính đến tháng 5-2007, các cơ quan, đơn vị giúp các xã vật tư, vốn trị giá 9.197,23 triệu đồng và 26.880 ngày công.

Bên cạnh hỗ trợ phát triển kinh tế, các cơ quan, đơn vị còn giúp các cấp ủy, chính quyền xã kết nghĩa phát triển văn hóa - xã hội: Vận động nhân dân đóng góp và hỗ trợ vật chất để xây dựng các phòng học; thực hiện phong trào vệ sinh phòng bệnh, xây dựng các công trình vệ sinh; thực hiện kế hoạch hóa gia đình; xây dựng thôn, làng văn hóa; thực hiện phong trào "đền ơn đáp nghĩa"... Đến nay, các cơ quan, đơn vị đã xây tặng các xã 49 nhà tình nghĩa, tổ chức được 3 trạm y tế quân dân y kết hợp, ủng hộ 152 chiếc ti-vi, máy vi tính các loại, 257 sổ tiết kiệm, 6.821 bộ quần áo, 42.028 cặp sách cùng nhiều sách vở học sinh...

3 - Giúp đỡ các xã kết nghĩa thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh và xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở. Các cơ quan đơn vị kết nghĩa giúp các xã tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện các chủ trương của Trung ương, của tỉnh về quốc phòng, an ninh như: Nghị quyết 06-NQ/TU ngày 28-8-2002 của Tỉnh ủy (khóa XII) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác vận động quần chúng trong tình hình mới; Chỉ thị 16 - CT/TW ngày 5-10-2002 của Ban Bí thư và Kế hoạch 26-KH/TU ngày 6-1-2003 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với lực lượng dân quân tự vệ và lực lượng dự bị động viên trong tình hình mới...; giúp các xã điều tra, phân loại hộ, thôn làng; xây dựng 60 thôn, làng điểm và 2.166 cốt cán chính trị ở nhóm hộ và thôn, làng.

Về xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở, các cơ quan, đơn vị kết nghĩa giúp các cấp ủy xã chuẩn bị tốt nội dung, nhân sự và ủng hộ vật chất cho các kỳ đại hội đảng bộ, bầu cử hội đồng nhân dân các cấp, các kỳ họp HĐND xã, các kỳ đại hội Mặt trận và các đoàn thể nhân dân; giúp xã hướng dẫn các thôn, làng xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước và thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở; giúp các tổ chức cơ sở đảng phát hiện, bồi dưỡng và phát triển đảng viên mới bảo đảm chất lượng, nhất là ở các thôn, làng còn "trắng" đảng viên. Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Sở Y tế, sở Giáo dục - Đào tạo... còn giúp các xã xây dựng phương án quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng đội ngũ cán bộ ở xã; đề xuất với huyện và trực tiếp giới thiệu, cấp kinh phí tài trợ cho đội ngũ cán bộ chuyên trách, bán chuyên trách ở xã đi đào tạo về lý luận chính trị và chuyên môn nghiệp vụ.

Những việc làm thiết thực trên đã góp phần làm cho các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng kinh tế mới khó khăn ở Kon Tum chuyển biến về mọi mặt:

- Kinh tế tiếp tục phát triển, cơ cấu cây trồng vật nuôi từng bước chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa; kết cấu hạ tầng kinh tế được đầu tư và từng bước phát huy hiệu quả; đồng bào dân tộc thiểu số từng bước thực hiện định canh, định cư vững chắc. Thu nhập người dân năm 2006, bình quân đạt 3,6 triệu đồng/người, tăng 1,8 lần so với năm 1996. Nông nghiệp từng bước đi vào sản xuất hàng hóa: hình thành được 310 mô hình điểm sản xuất hiệu quả, trong đó nhiều mô hình hộ đồng bào dân tộc thiểu số làm kinh tế trang trại, thu nhập đạt 30 - 40 triệu đồng/năm; diện tích lúa nước 2 vụ tăng gấp 2,92 lần, diện tích cây cao su tăng gấp 1,54 lần so với năm 1996. Kết cấu hạ tầng kỹ thuật ngày càng được củng cố. Đến nay, 100% số xã có đường ô-tô đến được trung tâm, trong đó có 85% số xã và 27,6%% số thôn, ô-tô đến được trung tâm trong cả mùa mưa; 100% số xã và trên 90,2% số thôn, làng có điện lưới quốc gia; 93% số hộ được sử dụng điện; 83,5% số xã có điện thoại và có bưu điện văn hóa xã;15 trung tâm cụm xã được đầu tư xây dựng; trên 90% số thôn, làng và 86,5% số hộ đồng bào dân tộc thiểu số được định canh, định cư vững chắc.

- Văn hóa - xã hội có bước tiến bộ rõ nét. Giáo dục - đào tạo phát triển nhanh về quy mô, số lượng và chất lượng. Đến nay,100% số xã đều có 3 bậc học (mẫu giáo, tiểu học và trung học cơ sở); tình trạng thiếu giáo viên, bàn ghế tạm bợ được khắc phục; 71% số phòng học được kiên cố hóa; huy động học sinh đến lớp đạt trên 96%. Có 100% số xã phổ cập tiểu học, 35,8% số xã phổ cập trung học cơ sở. Công tác y tế, chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân đạt nhiều tiến bộ: Có 85% số xã có trạm y tế kiên cố; 100% số xã có y, bác sỹ, trong đó có 40 xã có bác sỹ; 60,44% số hộ gia đình được sử dụng nước sạch; tỷ lệ tăng dân số tự nhiên giảm xuống còn 2%, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng giảm còn 29%. Công tác xóa đói giảm nghèo được triển khai hiệu quả. Đã xóa hết được hộ đói kinh niên, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 15,27% (theo tiêu chí cũ). Các công trình văn hóa, phúc lợi xã hội, các giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc thiểu số (cồng chiêng, sử thi...) được khôi phục, phát triển. Đến nay, có 86,9% số thôn, làng có nhà rông văn hóa hoặc nhà văn hóa cộng đồng; 15% số xã có nhà văn hóa; 90% số thôn, làng và 85% số hộ đăng ký xây dựng thôn, làng và hộ văn hóa, trong đó có 40% số thôn, làng được công nhận thôn, làng văn hóa các cấp và 35% hộ được công nhận gia đình văn hóa; chương trình phát thanh, truyền hình bằng tiếng dân tộc thiểu số (Ba Na, Xê Đăng, Giẻ Triêng) được hình thành và từng bước nâng dần về chất lượng. Đến cuối năm 2006, có 100% số hộ được phủ sóng phát thanh, trên 80% số hộ được phủ sóng truyền hình, 100% số xã có tủ sách pháp luật và được cấp báo đảng...

Hệ thống chính trị ở các xã được củng cố, nâng cao về chất lượng. Công tác quốc phòng, an ninh, chính trị và trật tự an toàn xã hội vùng biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số được giữ vững tăng cường. Các tổ chức cơ sở đảng, chính quyền xã, cán bộ thôn, làng được củng cố phát huy tốt vai trò hạt nhân lãnh đạo và sức chiến đấu ở cơ sở. Đến nay, có 92,53% số xã thành lập được đảng bộ cơ sở và kết nạp mới được 2.323 đảng viên, thu hẹp dần các thôn, làng chưa có đảng viên và tổ chức đảng. Hoạt động của HĐND và UBND các xã đã có bước chuyển biến. Việc thực hiện quy chế làm việc, từng bước đi vào nền nếp. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân ở các xã được kiện toàn một bước, đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động. Nhờ đó đã tổ chức, triển khai tốt công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức chính trị trong nhân dân; đấu tranh, phòng chống có hiệu quả âm mưu "diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch. Thông qua các phong trào, các đoàn thể tập hợp được 72,7% số thanh niên, phụ nữ, nông dân; xóa được 64 thôn, làng "trắng" về tổ chức hội, đoàn thể. Các chính sách dân tộc, chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước được triển khai tuyên truyền và tổ chức thực hiện tốt ở các xã; cán bộ, đảng viên sát cơ sở, gần dân, nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng của nhân dân và những bức xúc "nổi cộm" ở cơ sở để xử lý, giải quyết kịp thời.

Qua hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết 01, Kon Tum có 6 xã rút khỏi danh sách xã đặc biệt khó khăn, 15/67 xã có thể tự chủ đề nghị thôi phân công các cơ quan, đơn vị của tỉnh nhận kết nghĩa xây dựng. Kết quả lớn nhất mà tỉnh đạt được, là khắc phục dần được tình trạng ngại đi cơ sở, quan liêu, xa rời thực tiễn của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Mối quan hệ giữa đội ngũ cán bộ tỉnh, huyện với cán bộ, nhân dân các xã ngày càng gắn bó, gần gũi hơn. Các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước triển khai xuống cơ sở, nhân dân được nhanh chóng và sớm đưa lại hiệu quả thiết thực. Đây là một trong những nhân tố quan trọng góp phần đưa nền kinh tế của tỉnh luôn duy trì tốc độ tăng trưởng khá, tổng sản phẩm xã hội bình quân hằng năm tăng 11%; chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng; văn hóa - xã hội có bước tiến bộ, nhiều vấn đề xã hội bức xúc đã được giải quyết; quốc phòng - an ninh luôn được giữ vững, ổn định và tăng cường; công tác xây dựng đảng, xây dựng hệ thống chính trị đạt nhiều kết quả quan trọng...

Qua quá trình tổ chức, thực hiện Nghị quyết 01 của Tỉnh ủy khóa XI, Kon Tum rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm, trong đó có hai bài học quan trọng: Thứ nhất, phải làm cho cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu và đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp nhận thức sâu sắc về chủ trương của tỉnh và quan điểm "lấy dân làm gốc". Từ đó, tự giác hướng về cơ sở, tích cực tham gia xây dựng đảng, chính quyền địa phương vững mạnh. Thứ hai, phải nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, tự vươn lên xây dựng xã vững mạnh về mọi mặt của cả hệ thống chính trị ở cơ sở; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên ở cơ sở có phẩm chất, đạo đức cách mạng, gương mẫu, đi đầu trong mọi công việc, đồng thời vận động, lãnh đạo nhân dân cùng thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Tuy hoàn thành những mục tiêu đề ra, song xét tổng thể, những kết quả trên vẫn chưa vững chắc, chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra: Tốc độ phát triển kinh tế - xã hội vẫn còn chậm; tỷ lệ hộ nghèo ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng còn khá cao (63,14% theo tiêu chí mới, trong khi tỷ lệ toàn tỉnh là 31,38%). Chất lượng giáo dục, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân chưa đáp ứng yêu cầu; tình hình an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội còn diễn biến phức tạp; hệ thống chính trị ở cơ sở chưa thật sự vững mạnh. Chất lượng đội ngũ cán bộ còn yếu, nhất là cán bộ chủ chốt, cán bộ nữ, cán bộ dân tộc thiểu số. Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của nhiều tổ chức cơ sở đảng còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới...

Từ kết quả đạt được và bài học kinh nghiệm, thời gian tới Kon Tum xác định: Tập trung trí tuệ của toàn Đảng bộ và huy động mọi nguồn lực, tiếp tục đẩy mạnh xây dựng các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn. Phấn đấu đến năm 2010 giảm 50% số xã thuộc diện đặc biệt khó khăn và hơn 70% số thôn, làng các xã vùng dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn cơ bản đạt thôn, làng no đủ - vững mạnh - an toàn. Hiện nay, tỉnh đã và đang chú trọng thực hiện một số nhiệm vụ cơ bản sau:

1 - Tập trung khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế, thế mạnh ở từng tiểu vùng, từng xã; phát huy tinh thần tự lực, tự cường, sáng tạo, nỗ lực vươn lên của cán bộ, nhân dân ở cơ sở; thu hút và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để đầu tư xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hệ thống giao thông, thủy lợi, trường, trạm; hỗ trợ, hướng dẫn đồng bào dân tộc thiểu số chuyển đổi cơ cấu kinh tế, đi vào sản xuất hàng hóa, tăng thu nhập, xóa đói, giảm nghèo, định canh, định cư; xây dựng thôn, làng thành cộng đồng giàu về kinh tế, phát triển về văn hóa - xã hội, đoàn kết, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự và an toàn xã hội.

2 - Tăng cường công tác vận động quần chúng, bám, nắm địa bàn, nắm dân; tổ chức thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, phát huy quyền làm chủ thực sự của nhân dân; đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục chính trị tư tưởng; xây dựng cốt cán chính trị trong nhân dân, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý ngay tại cơ sở các nhân tố gây mất ổn định, giữ gìn tốt trật tự trị an xã hội.

3 - Triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 138-QĐ/TU ngày 12-4-2006 về Đề án xóa thôn, làng chưa có đảng viên, tổ chức đảng và Quyết định số 381-QĐ/TU ngày 9-2-2007 về Đề án nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ chủ chốt xã, phường, thị trấn đến năm 2010 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; xây dựng đội ngũ cán bộ ở xã, thôn, đặc biệt chú trọng chuẩn hóa đội ngũ cán bộ chủ chốt; nâng cao chất lượng, hiệu quả làm việc của đội ngũ cán bộ chuyên trách và công chức cấp xã, bảo đảm hệ thống chính trị ở xã, thôn đủ sức tổ chức, lãnh đạo, quản lý điều hành, tập hợp và vận động quần chúng thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Để Kon Tum hoàn thành tốt những nhiệm vụ nêu trên, Trung ương cần sớm phê duyệt phân định 3 khu vực vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; ưu tiên các nguồn vốn hỗ trợ không hoàn lại của các dự án nước ngoài để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cho các xã đặc biệt khó khăn; tăng kinh phí cho các chương trình mục tiêu 134, 168, hỗ trợ đồng bào đặc biệt khó khăn; mở rộng đối tượng và vùng chính sách cử tuyển cho con em là người dân tộc thiểu số...

Đối với tỉnh, cần ưu tiên đầu tư xây dựng các khu trọng điểm, vùng kinh tế động lực, phát triển mạnh cây cao su; sớm có kế hoạch triển khai dự án phát triển rau, hoa xứ lạnh tại huyện Kon Plong; đầu tư phát triển mạnh chăn nuôi gia súc, gia cầm trong đồng bào dân tộc thiểu số; khai thác thế mạnh du lịch sinh thái. Về giáo dục, cần có chính sách, giải pháp phù hợp hơn đối với con em đồng bào dân tộc thiểu số như thời lượng dạy và học, có chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao về làm việc, công tác tại địa phương.