TCCSĐT - Nhằm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 về tái cấu trúc nền kinh tế, hôm nay, ngày 24-9-2012, tại Hà Nội, Viện Khoa học xã hội Việt Nam đã tổ chức hội thảo quốc gia với chủ đề: “Kinh tế Việt Nam năm 2012: tạo bước ngoặt để xoay chuyển tình thế”.

Tham dự hội thảo có GS.TS Nguyễn Quang Thuấn, Phó Chủ tịch Viện Khoa học xã hội Việt Nam, các viện trưởng, phó viện trưởng của các viện nghiên cứu thuộc Viện Khoa học xã hội Việt Nam, đại diện và nhiều chuyên gia nghiên cứu kinh tế của các bộ, ngành, cơ quan trung ương, trường đại học và viện nghiên cứu kinh tế trong nước. Cùng tham gia còn có đại diện của một số tổ chức quốc tế, hiệp hội doanh nghiệp và những doanh nhân, đại diện của các doanh nghiệp độc lập.

Tại hội thảo, các đại biểu đã nhìn nhận một cách khách quan thực trạng nền kinh tế Việt Nam năm 2012: bắt đầu có những khởi sắc nhất định thể hiện qua những con số tăng trưởng GDP quý sau cao hơn quý trước, lạm phát giảm nhanh, nhập siêu giảm mạnh, mức tồn kho giảm, dự trữ ngoại tệ tăng; đã có những nỗ lực cải cách thể chế như cấm hình thành thêm các khu công nghiệp, không rải đều vốn cho các khu kinh tế ven biển, đổi mới cơ cấu quản lý các tập đoàn kinh tế... Nhưng, nền kinh tế lại xuất hiện những nghịch lý như mức lạm phát, nhập siêu giảm nhanh hơn dự kiến có thể sẽ kéo theo xu hướng trì trệ trong tăng trưởng, ngân hàng thừa thanh khoản song các doanh nghiệp lại “đói vốn”, nợ xấu cao, nhiều doanh nghiệp phá sản hoặc “chờ chết”, nhiệm vụ tái cơ cấu kinh tế là cấp bách, sống còn, song vẫn rất khó triển khai, rất cần phải có “bài thuốc đặc trị”, dài hơi hơn là những giải pháp tình thế, ngắn hạn.

Đi tìm những nguyên nhân, có thể tổng kết từ các ý kiến như sau: chúng ta muốn tăng trưởng nhanh nên quá dựa vào vốn, song hiệu quả đầu tư lại quá thấp do cơ chế phân bổ nguồn lực không tốt, chạy theo dự án, đầu tư tràn lan, chạy theo thành tích “ảo”, không thể quản lý và kiểm soát được.  Bên cạnh đó, chưa có chế độ chịu trách nhiệm rõ ràng. Về tài nguyên đất đai còn bị nhóm nhỏ người lợi dụng sự quản lý lỏng lẻo để trục lợi. Tuy chúng ta đã cố gắng công khai các hoạt động kinh tế nhưng lại chưa minh bạch, chưa kể, công tác dự báo đặc biệt dự báo về lạm phát rất kém dẫn đến những dự báo sai khác...

Hội thảo còn đi sâu bàn về những vấn đề cơ bản nhất của nền kinh tế hiện nay với mục tiêu tạo được bước ngoặt chuyển biến lớn trong phát triển kinh tế đất nước như: vấn đề ngân sách nhà nước và đầu tư công, cải cách kinh tế ở Việt Nam, sở hữu toàn dân về đất đai và doanh nghiệp nhà nước...

Nhiều đại biểu đã đề xuất một số giải pháp liên quan đến ngân sách nhà nước: nên giảm thu thuế cho doanh nghiệp, giảm thu nội địa, tăng thu các khoản liên quan đến tài nguyên, đồng thời sử dụng hiệu quả nguồn chi ngân sách bằng cách cắt giảm biên chế nhà nước, giảm chi những công trình xây dựng chưa thật cần thiết, trong khi đó nên tăng chi phúc lợi xã hội; cần thay đổi vai trò của Nhà nước từ kinh doanh là chính sang phúc lợi là chính. Về việc xây dựng kế hoạch, nên lập kế hoạch trung hạn cho 3 năm tới (2013-2015) để giải quyết những vấn đề tái cơ cấu kinh tế. Tổ chức lại bộ máy nhà nước theo hướng tinh giản, hiệu quả, chịu trách nhiệm rõ ràng. Tăng cường giải quyết vấn đề nợ xấu và quản lý doanh nghiệp.

Hội thảo đã đề cập tới nhiều vấn đề kinh tế vừa mang tính học thuật, vừa có tính thực tiễn cao để các nhà kinh tế, hoạch định chính sách tham khảo và nghiên cứu./.