Nước Mỹ đâu phải cái gì cũng mỹ miều

Hoa Kỳ - một nước có tầng lớp trung lưu đang nổi lên chiếm ưu thế trong xã hội. Trên thực tế phần lớn người Mỹ là những người lao động thuộc giai cấp công nhân. Nguồn thu nhập của họ là tiền lương theo giờ, còn công việc vẫn chủ yếu mang tính chất là lao động chân tay, không có trình độ tay nghề hoặc có trình độ tay nghề thấp (bán phần). Thậm chí trong số các nhân viên văn phòng, tuyệt đại đa số họ vẫn thuộc vào nhóm không phải là các nhân viên quản lý và có mức thù lao lao động rất thấp. So với 20 năm về trước, hiện nay người lao động Mỹ mỗi năm trung bình phải làm việc tăng thêm 180 giờ, tương đương với 6 tuần làm việc trong năm. Họ bị bắt buộc phải làm thêm giờ, giảm số ngày nghỉ phép được trả lương, cũng như các khoản thu nhập thêm, giảm số ngày được phép nghỉ do ốm đau. Gánh nặng của các khoản nợ phải trả trong các gia đình của những người thuộc tầng lớp trung lưu đang ngày một tăng. Mọi người đang làm việc ngày một căng thẳng hơn, với mức tiền lương thấp hơn, bởi vậy để nhận được một nguồn thu nhập đủ chi dùng cho bản thân và cho các thành viên trong gia đình, họ phải đối mặt với nhiều khắc nghiệt hơn khi tiền công giảm dần, chỗ làm có thu nhập tương xứng trở nên hiếm hoi, các khoản chi tiêu cho phúc lợi xã hội bị cắt giảm liên tục.

Các nhà nghiên cứu, số liệu thống kê và nhân chứng lên tiếng

Trong một nghiên cứu mới đây cho thấy, có tới 70% những người được hỏi cho biết, trong làm việc họ đang bị đè nặng bởi cảm giác không được bảo vệ, 73% sống trong cảnh tăng stress (chứng căng thẳng thần kinh). Trong nghiên cứu của Bô-ba Ge-rơ-béc cho hay, có khoảng 100 triệu cư dân Mỹ sống trong cảnh thường xuyên phải lo âu do không đủ thu nhập để trang trải tất cả các khoản chi tiêu. Ông Mo-chi-me Xu-kéc-man, một chủ doanh nghiệp công nghiệp, cũng đã thừa nhận rằng, "ngày nay chỉ có 1 trong số 5 chỗ làm việc được chào trên thị trường sức lao động là có mức lương có thể báo đảm được cho một gia đình có 4 người".

Theo số liệu của cơ quan đăng ký nhân khẩu, đến cuối thế kỷ XX, có tới 12,7% dân số Mỹ, tương đương 34,4 triệu người, sống dưới mức nghèo khổ. Con số đó chưa thể nói lên hết quy mô của những vấn đề ẩn chứa bên trong, bởi vì bản thân nó chưa nói lên hết tình cảnh của nhiều người lao động và người nghèo không có những giấy tờ cần thiết do đó không thể tiếp cận được với các tổ chức đăng ký này. Gần 2/3 gia đình đang sống dưới ngưỡng nghèo chính thức, chỉ có được một chỗ làm việc toàn phần (nghĩa là có đủ việc làm cho cả 8 giờ trong ngày). Họ phải làm việc ở mức chỉ để tồn tại chứ chưa phải kiếm tiền lương cho một mức sống tối thiểu. Chính trong thời kỳ "gọi là thịnh vượng của Clin-tơn" cũng vẫn có gần 5,6 triệu người làm việc đủ giờ mà phải sống trong cảnh nghèo khó. Trong số những người đang có việc làm lại thuộc diện nghèo trên khắp nước Mỹ có thể tính được hàng ngàn người đang làm nghề quét rác (lao công). Năm 2000, họ đã đoàn kết lại đấu tranh đòi nâng tiền lương lên bằng mức sống tối thiểu. Tại Lốt An-giơ-lét những người lao công đã đòi được tăng tiền công lên 26%, nhưng tựu trung tiền lương hằng năm của họ cũng chỉ mới ở mức 19.000 USD (năm 2003), và mức đó nếu ở những vùng mà phải trả tiền thuê nhà, thì tiền thuê vẫn còn cao hơn mức thu nhập chung của họ. Đứng sau những người lao công này là những người công nhân nông nghiệp, họ còn nhận được một mức tiền công khiêm tốn hơn nhiều. Họ làm việc và phải sống trong những điều kiện thiếu thốn. Tiếp đến là một đội quân ngày một tăng những người làm việc trong các nhà máy sản xuất theo dây chuyền, họ phải làm thêm giờ để có được một mức thù lao tối thiểu. Và cả số lao động nữ nhập cư - với tư cách là giúp việc nội trợ trong các gia đình. Họ làm từ 12 giờ đến 15 giờ trong mỗi ca với cả 6 ngày trong mỗi tuần để nhận một mức thù lao vẻn vẹn chỉ có 2 USD/1 giờ.

Tại Mỹ còn có một nhóm vào khoảng 25 triệu người, có việc làm và cho dù họ có sống trên mức chuẩn về nghèo khổ, nhưng lại đang ở trong một tình trạng rất khó khăn về mặt tài chính. Họ không hề có bảo hiểm y tế, không đủ khả năng chi trả các khoản tiền như: thuê nhà, mua ô-tô, thậm chí trong số đó còn có nhiều người không có thậm chí cả khả năng chi trả cho thức ăn trong nhiều ngày. Họ hoàn toàn không phải vì lười biếng mà rơi vào tình cảnh "khóc dở, mếu dở" như thế, mà là do thù lao lao động quá thấp, giá cả sinh hoạt, giá nhà ở cao "ngút trời", thuế má các khoản thì quá sức chịu đựng của họ.

Theo số liệu của Ủy ban Thống kê dân số của Mỹ, năm 2000 mức chuẩn nghèo đối với những gia đình có 4 thành viên là 17.500 USD. Mức đó được xem xét định kỳ và công bố có tính đến chỉ số giá tiêu dùng để loại trừ yếu tố lạm phát. Đối với những người có nguồn thu nhập khiêm tốn thì phần tiền thu nhập tăng thêm (do trượt giá) ấy trong ngân sách gia đình đều đã phải chi trả cho các khoản nhu cầu cơ bản của cuộc sống như: thuê nhà, thực phẩm, nhiên liệu và dịch vụ y tế. Giá cả của các nhu cầu cuộc sống cơ bản thường tăng nhanh hơn chỉ số giá chung. Thế nhưng ủy ban Thống kê dân số chưa hề tính được yếu tố đó, điều đó có nghĩa là chưa đánh giá hết được số người nghèo của nước Mỹ.

Người Mỹ luôn luôn được huấn thị rằng, nhân dân Mỹ là giàu có nhất, thịnh vượng nhất thế giới. Trên thực tế trong số 20 quốc gia công nghiệp phát triển nhất của hành tinh thì Mỹ chỉ đứng thứ 15 về tuổi thọ trung bình, có tỷ lệ dân số thuộc diện nghèo cao nhất, tỷ lệ tử vong của trẻ em sơ sinh cao nhất, tỷ lệ những người chết non do các tai nạn như tự tử và các dạng khác nhau về cưỡng bức cũng vào loại cao nhất.

Nhiều nguyên nhân làm cho người nghèo tại Mỹ phải gánh chịu nhiều chi phí hơn: tới 30% cho mua ô-tô dưới dạng tín dụng thương mại (mua trả góp), rồi những chi phí không thể tính được do phải sống trong những khu dân cư dễ xẩy ra hỏa hoạn và nguy hiểm, chủ nhân của những ngôi nhà này thường tìm mọi cách lẩn tránh các việc tu sửa chúng; rồi những món nợ (tín dụng thương mại) quá hạn họ phải trả nhiều khi từ 200% đến 300% giá trị ban đầu. Những ngân hàng nhỏ không đăng quảng cáo và có lợi nhuận cực kỳ cao cũng như những công ty trả công bằng tiền mặt hàng năm nhận được hàng tỉ USD nhờ thâu nhận được của những người có thu nhập thấp bằng phương thức cầm đồ, lên đến 10% đối với các loại séc của bảo trợ nhà nước, cũng như séc của hệ thống bảo hiểm xã hội. Những hoạt động như vậy cung cấp các khoản vay ngắn hạn cho những người rơi vào cảnh thiếu tiền giữa các kỳ nhận bảo trợ nhà nước. Kiểu kinh doanh này "gọi là phi vụ làm ăn" năm 2000 đã đem lại khoảng 2 tỉ USD. Nếu tính cho thời gian từng năm các khoản nợ này có thể lên đến 500% và thậm chí trên thực tế có thể còn cao hơn. Nhiều các kiểu kinh doanh như vậy cũng thuộc về hoặc do các ngân hàng lớn và các công ty lớn cung cấp tài chính, bao gồm cả Chase Manhattan Bank, NationsBank, Ford and American Express. Sự phát triển mở rộng của các tổ chức kiểu này dựa trên sự tăng lên của số lượng các hộ gia đình không được thanh toán qua các tài khoản ngân hàng, và sự gia tăng của số cư dân có thu nhập thấp.

Trong tình cảnh đặc biệt khó khăn là những người Mỹ gốc Phi và gốc La-tinh, họ chiếm tỷ lệ cao nhất trong số những chỗ làm có thu nhập thấp. Họ là vật thí mạng đầu tiên của tình trạng thất nghiệp và nghèo đói, nhiều gấp 2 lần so với bộ phận dân cư da trắng. Cho dù đã có nhiều tuyên bố về việc pháp luật Mỹ bảo vệ quyền lợi của những nhóm người bị nhiều thua thiệt trong lịch sử và về sự bảo hộ nào đó đối với những người da màu, nhưng trên thực tế những công dân Mỹ da màu vẫn tiếp tục là nạn nhân của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc trong khi đi tìm việc làm và trong nhiều lĩnh vực khác. Trong một cuộc nghiên cứu đã được làm rõ: khi những người Mỹ da trắng và gốc Phi có cùng một trình độ đào tạo và cùng cạnh tranh một công việc tương tự nào đó, thì người da trắng có cơ hội được nhận vào làm việc nhiều gấp 3 lần so với người Mỹ gốc Phi và ít bị rơi vào cảnh xung đột và đối xử miệt thị. Những người dân tộc thiểu số, không kể thu nhập mà họ nhận được là bao nhiêu, thường bị từ chối nhiều gấp 3 lần so với người Mỹ da trắng, ví dụ như trong khi giao dịch với tín dụng cầm cố. Cũng có những biểu hiện của những thái độ tích cực mang tính chất không chính thức đối với việc bảo vệ những nhóm cư dân đã bị nhiều thiệt thòi do lịch sử để lại, nhưng điều đó chỉ thấy rõ từ phía những người Mỹ da trắng thuộc tầng lớp trung lưu và tầng lớp thượng lưu của xã hội. Trong số những người bị bóc lột thậm tệ nhất đó là phụ nữ. Trong số 58 triệu người lao động nữ thì có một tỷ lệ khá đông làm các việc về thư ký và trong lĩnh vực phục vụ. Vào giữa những năm 60 của thế kỷ XX tỷ lệ thu nhập như sau: cứ mỗi 1USD nam giới kiếm được thì phụ nữ chỉ kiếm được có 0,69 USD. Sau hơn 30 năm đấu tranh và làm việc nặng nhọc, thì đầu những năm 90 của thế kỷ XX những người phụ nữ Mỹ đã kiếm được con số 0,76 USD. Với cái đà đó có khi còn phải mất 100 năm chiến đấu, hy sinh nữa thì phụ nữ Mỹ mới có được sự bình đẳng với nam giới trong quan hệ trả công lao động. Ngoài ra, hiện nay đang có khoảng 20 triệu bà mẹ đang làm việc, 44% những người mẹ độc thân đang sống dưới mức nghèo khổ. Trong 3 người Mỹ sống trong nghèo khổ thì có 2 là nữ.

Giá trị nhân phẩm của những bất công kinh tế

Năm 2000 có 13 triệu trẻ em Mỹ sống trong cảnh nghèo khổ, đó là mức cao hơn nhiều so với 20 năm về trước. Những ứng cử viên trong các cuộc bầu cử và những người bảo vệ quyền trẻ em trên khắp nước Mỹ cho rằng, yếu tố cơ bản của tình trạng trẻ em nghèo gia tăng là do tiền lương thấp và giá cả cuộc sống đắt đỏ. Những trẻ em nghèo thường đã được sinh ra trong tình trạng thiếu cân, chúng chết yểu hoặc chết non do mắc các bệnh hiểm nghèo, trong đó có những bệnh có liên quan trực tiếp đến tình trạng thiếu ăn. Chúng là nạn nhân của tình trạng đói, mắc các bệnh khó chữa, môi trường bẩn thỉu, trở thành nạn nhân của tình trạng bạo lực trong gia đình và hàng xóm, và thường chậm chạp trong phản ứng và kém phát triển về trí tuệ. Theo tính toán của các bác sĩ thuộc Bộ Y tế và Dịch vụ xã hội Mỹ cho biết, những người trẻ tuổi thuộc tầng lớp nghèo và những người cao tuổi thường hay bị "tác động tiêu cực hàng ngày đến miệng và lợi do các chất độc hại có trong môi trường". Điều đó biểu hiện như răng dễ bị vỡ, ung thư miệng, lợi do nguyên nhân tình trạng yếu chung về sức khoẻ của những người nghèo và do không có khả năng chi trả cho các dịch vụ nha khoa và bảo vệ răng, hàm, mặt.

Cuối những năm 90, một giai đoạn dài nhất trong lịch sử nước Mỹ có sự phục hồi về kinh tế, thì cũng có tỷ lệ là cứ 10 gia đình Mỹ thì có một gia đình (như vậy là gồm khoảng 30 triệu người lúc đó và gần 25 triệu người vào năm 1985) cho biết rằng hằng tháng vẫn còn có mấy ngày thiếu ăn. Các địa điểm giúp cung cấp bữa ăn và cửa hàng ăn miễn phí ngày một có nhiều người lui tới. Tình trạng đói và gần như là đói thường phổ biến tại các bang, theo mức độ từ cao đến thấp, như: Niu Mê-hi-cô Mi-si-si-pi, Te-xas, A-ri-dô-na, Lu-i-si-a-na. Có phần đỡ hơn một chút là ở các bang Bắc Đi-cốt-ta, Ma-sa-su-sét, Nam Đi-cốt-ta, Đe-la-ve-rơ và Min-ne-sốt-ta. Những cộng sự của tổ chức đấu tranh với đói nghèo đã nhấn mạnh rằng, có một số lượng đáng kể các gia đình, nhất là gia đình có mẹ độc thân đi làm, cũng phải xếp hàng để nhận những khẩu phần ăn theo tiêu chuẩn với mục đính để có thêm một chút thu nhập cho các thành viên không đủ việc làm trong gia đình.

Tại những thành phố lớn và các thành phố cấp tỉnh có hàng loạt người đang đi tìm cái ăn từ đồ phế thải ở trong các công-te-nơ chứa thực phẩm và các thùng rác. Có nhà bình luận của một tờ báo đã nêu: "nếu Tổng thống nhìn thấy cảnh rằng có nông dân nhặt thức ăn trong đống phê thải từ các công-te-nơ nhân một chuyến thăm Trung Quốc chẳng hạn, thì chắc chắn ông ta đã bình luận điều đó như là bằng chứng của việc chủ nghĩa cộng sản không còn sức sống. Thế thì nó là cái gì khi chính điều đó đang xẩy ra trên một nước Mỹ tư bản đang thành công?".

Cứ 5 cư dân lớn tuổi ở Mỹ thì có 1 người không có học vấn gì, phần lớn những người mẹ độc thân rơi vào tình trạng này. Một trong số 4 người Mỹ trong tình trạng điều kiện sống không bảo đảm - thiếu hệ thống cống thoát nước thải và sưởi ấm. Chi trả cho nhà ở - một khoản chi khổng lồ đối với những gia đình có thu nhập thấp, các khoản chi này ngốn tới 60% - 70% tổng chi tiêu trong gia đình. Do đầu cơ bất động sản, sự phục hồi và bảo tồn các khu vực trung tâm của các thành phố, trưng mua lại các căn hộ, thất nghiệp, thu nhập thấp và thiếu sự điều tiết về nhà ở và tiền thuê nhà của nhiều người với thu nhập khiêm tốn đã gây sức ép lên thị trường nhà ở với mức độ lớn hơn so với trước đây. Trong 20 năm gần đây đã biến mất khoảng hơn 20 triệu căn hộ độc lập có giá phù hợp với cuộc sống gia đình, buộc các gia đình phải giảm diện tích bình quân của mỗi thành viên, điều đó đồng thời tạo ra nhiều khó khăn và bức xúc trong quan hệ gia đình.

Đánh giá số cư dân không có nhà cửa thường giao động trong khoảng từ 1 đến 3 triệu người, trong số đó có tới 1/3 là các gia đình có trẻ con. Cuộc sống của những người không nhà cửa đồng nghĩa với đói, điều kiện sống thiếu vệ sinh, túng thiếu, cô đơn, tâm lý trầm uất và bệnh tật bất thường. Một trong số những một cuộc điều tra đã phát hiện rằng, rất nhiều những người đang sinh sống trong những nơi trú ẩn hoặc tạm thời những nơi có chỗ trú ở đường phố cho người nghèo, là đang có việc làm trong điều kiện toàn phần. Thế nhưng do chi phí nhà ở quá cao và tiền lương quá thấp nên họ không thể tìm kiếm hoặc thuê cho mình một căn hộ dù là hạng bét. Thậm chí trong số những người có nhà ở cho gọi là có phân biệt với những người sống lang thang vô gia cư thì cũng có hàng triệu người chỉ có một mức lương.

Mặc dầu có quan niệm tương đối phổ biến về tình trạng của những người lớn tuổi, có tới một nửa số người nghèo là đang ở độ tuổi trên 65. Năm triệu trong số họ thường xuyên chịu đựng cảnh đói khát và không có đủ thực phẩm để sống. Mặc dầu có chương trình của Chính phủ Mỹ về bảo hiểm y tế Mecicare, những người lớn tuổi vẫn phải chi trả một khoản tiền lớn của mình cho các dịch vụ y tế. Các bảo đảm về mặt xã hội, lương hưu và tích lũy không thể chu cấp đủ được đối với hàng triệu người. Có tới gần một nửa số người lớn tuổi sau khi nghỉ hưu đã phải quay trở lại đi làm hoặc tìm kiếm việc làm.

Đối với những người chưa bao giờ phải chịu cảnh thiếu thốn một cách nghiêm trọng thì khó có thể hình dung được những sự khốn khổ và đồi bại về mặt xã hội mà nó có thể dẫn tới. Các nghiên cứu cho thấy, sự giảm sút về thu nhập hay sự gia tăng rất nhỏ về tỷ lệ thất nghiệp chung của xã hội thôi cũng đã quá đủ để dẫn tới sự tăng đáng kể số người bệnh, rối loạn tâm lý, sử dụng ma túy và uống rượu, tự tử, tội phạm và chết non.

Hơn 30% người Mỹ đều mắc ít nhiều các chứng bệnh rối loạn tâm lý, trong đó có những loại bệnh trậm uất rất nặng. Hàng chục triệu người sử dụng rượu, hút thuốc lá hoặc ma túy. Hàng triệu người sử dụng những loại dược phẩm như Am-phe-ta-min và Ba-bi-tu-rát. Các bác sĩ cũng tham gia buôn bán những thứ hóa chất nguy hiểm gây nghiện này vì nó mang lại những món lợi nhuận khổng lồ.

Hằng năm có khoảng 30 ngàn người Mỹ tự tử. Ngoài ra còn có khoảng 17 ngàn người Mỹ bị giết hại. So với năm 1958, số thanh niên tự tử đã tăng gấp 3 lần. Hàng triệu phụ nữ Mỹ bị đàn ông đánh đập, hành hạ; mỗi năm có gần 5 triệu trong số họ bị chấn thương nặng. Hơn 2 triệu trẻ em mỗi năm - chủ yếu (nhưng không duy nhất) là xuất phát từ các gia đình có thu nhập thấp - bị đánh đập, hành hạ, bị ngược đãi, bị cha mẹ bỏ rơi - bất kể trong trường hợp nào chúng đều bị mất đi quyền được chăm sóc và giáo dưỡng của người lớn. Nhiều người lớn cũng phải chịu đựng cảnh bị ngược đãi, cũng giống như trường hợp đối với trẻ em, và bi kịch cứ tăng lên gấp bội lần theo chiều giảm xuống của tình trạng kinh tế.
 
 
Lê Xuân Đình (Lược dịch)


(1) Nguồn: Mai-cơn Pa-ren-ti: "Dân chủ dành cho giới thượng lưu" (Democracy for the Few), Nxb Pa-ca-le-nhi-e, Mát-xcơ-va, 2006 (bản tiếng Nga)