Nguy cơ mất đà tăng trưởng của các nền kinh tế lớn nhất thế giới
Ngày 12-9-2011, Tổ chức Hợp tác kinh tế và phát triển (OECD) đã cảnh báo các dấu hiệu ngày càng mạnh hơn về nguy cơ suy thoái của các nền kinh tế lớn nhất và giàu nhất thế giới, kể cả các nước thành viên và không phải thành viên của tổ chức này. Các chuyên gia OECD nhấn mạnh, tăng trưởng kinh tế của các nước phát triển thuộc OECD và không thuộc OECD tiếp tục chậm và suy giảm khiến nguy cơ các nền kinh tế rơi vào suy thoái từ quý II/2011 không giảm mà tiếp tục tăng lên. Tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa toàn OECD giảm từ 0,3% trong quý I/2011 xuống 0,2% trong quý II.
Nghiên cứu của OECD cũng cho biết, các nền kinh tế phát triển có nguy cơ suy thoái tăng lên bao gồm: Ca-na-đa, Pháp, Đức, I-ta-li-a, Mỹ và Anh. Các nền kinh tế đang phát triển hàng đầu có nguy cơ suy thoái tăng lên bao gồm: Trung Quốc, Ấn Độ, Nga và Bra-xin. Các chỉ số kinh tế tổng hợp của nền kinh tế Nhật Bản không thay đổi suốt 3 tháng qua cho thấy nền kinh tế này có thể đang dần dần phục hồi nhưng rất chậm chạp. OECD giảm dự báo tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ từ mức dự báo hồi tháng 5 là 2,9% trong quý III và 3% trong quý IV xuống lần lượt còn 1,1% và 0,4%.
Các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương các nước G7 mới đây cũng thừa nhận, tăng trưởng của các nền kinh tế này đang chậm lại và cũng có dấu hiệu rõ ràng cho thấy, tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu cũng đang chậm lại và hướng tới suy thoái. Trong bối cảnh này, các nước OECD cam kết phối hợp phản ứng quốc tế mạnh mẽ để tránh nguy cơ suy thoái kép của nền kinh tế toàn cầu, đồng thời kêu gọi các ngân hàng trung ương can thiệp nếu xu thế tăng trưởng chậm lại vẫn tiếp tục.
Tháng trước, OECD cũng đã cảnh báo hầu hết các nền kinh tế lớn nhất thế giới trong và ngoài câu lạc bộ 34 nước giàu nhất thế giới khi các chỉ số kinh tế tổng hợp của tất cả 34 nước thành viên OECD xác nhận hoạt động kinh tế của câu lạc bộ các nước giàu nhất thế giới này đã giảm từ 102,1 điểm trong tháng 6 xuống 101,6 điểm trong tháng 7, tiếp tục đà suy giảm liên tục suốt 4 tháng qua.
Các chỉ số kinh tế hàng đầu được OECD thiết kế dựa trên hàng loạt dữ liệu báo hiệu sự thay đổi trong nền kinh tế nhằm cung cấp những tín hiệu cảnh báo sớm nguy cơ chuyển từ hoạt động kinh tế tích cực sang tiêu cực của nền kinh tế. Mốc 100 đánh dấu tốc độ tăng trưởng kinh tế có xu hướng dài hạn. Trong tháng 6-2011, chỉ số này của các nền kinh tế Trung Quốc, Ấn Độ và Bra-xin đều dưới mốc 100. Nghiên cứu của OECD tháng 7-2011 cho biết các nền kinh tế phát triển tăng 0,5% trong quý I/2011 và các nền kinh tế Mỹ, Anh và Trung Quốc tăng trưởng chậm lại trong quý II/2011.
Một nghiên cứu của Liên hợp quốc công bố gần đây cho biết, trong khi các nền kinh tế đang phát triển tiếp tục tăng trưởng kinh tế cao nhờ nhu cầu trong nước mạnh thì phục hồi kinh tế ở các nền kinh tế phát triển có nguy cơ chững lại do nhu cầu trong nước yếu và chính sách siết chặt tài chính của chính phủ. Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Rô-bớt Dô-ê-lích (Robert Zoellick) cho rằng, nền kinh tế Mỹ và các nước phát triển khác có thể không trở lại khủng hoảng nhưng hiện tại đang thiếu động lực và rơi vào trì trệ.
Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) nhắc lại cảnh báo rằng, các nền kinh tế trong khu vực đồng ơ-rô cần xử lý khẩn cấp hiểm họa nợ công cao; đồng thời khuyến cáo cạnh tranh ở các nền kinh tế phát triển tiếp tục suy giảm do chính sách thiếu hiệu quả của chính phủ, niềm tin chính trị suy giảm, thiếu ổn định kinh tế vĩ mô do khủng hoảng nợ; ngược lại, các nền kinh tế thị trường mới nổi ngày càng giành được thế mạnh cạnh tranh nhờ tăng trưởng mạnh cũng như tiến bộ trong các lĩnh vực như cơ sở hạ tầng và phát triển thị trường tài chính.
Những động thái phục hồi của nền kinh tế Mỹ đã chững lại do nhu cầu trong nước vẫn yếu vì lương của người lao động không tăng trong khi tỷ lệ thất nghiệp vẫn cao. Với lãi suất thấp kỷ lục vẫn tiếp tục trong tương lai gần và các gói kích thích tài chính không còn, nền kinh tế đầu tàu thế giới này gần như không thể trở lại tốc độ tăng trưởng đáng hài lòng trong tương lai trung hạn. Nền kinh tế Nhật Bản vẫn trì trệ do tác động chưa từng thấy của gián đoạn dây chuyền cung cấp và năng lượng sau thảm họa động đất, sóng thần và hạt nhân. Trong khi đó, với cuộc khủng hoảng nợ chưa được giải quyết, "chấn thương nghiêm trọng" tái xuất hiện từ thị trường nợ trong quý II/2011 và triển vọng các biện pháp khắc khổ tài chính lan rộng khắp châu Âu, khu vực đồng ơ-rô tiếp tục đối mặt với nguy cơ cao về suy giảm kinh tế và tăng trưởng vẫn rất trì trệ.
Tuy nhiên, các hoạt động kinh tế ở các nước đang phát triển vẫn mạnh và có thể đạt tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa (GDP) 6% trong năm 2011, trong khi tăng trưởng GDP của các nước phát triển chỉ đạt 1,5-2%. Đông, Nam và Đông Nam Á tiếp tục đạt tăng trưởng kỷ lục với tốc độ trên 7% trong năm 2011, sau đó là khu vực Tiểu sa mạc Xa-ha-ra châu Phi 6% và Mỹ La-tinh 5%. Các nền kinh tế chuyển tiếp vẫn tiếp tục tốc độ tăng trưởng 4% sau khi giảm mạnh trong năm 2009. Do tăng trưởng trì trệ của thế giới phát triển, tốc độ phục hồi của nền kinh tế thế giới giảm từ 4% năm 2010 xuống khoảng 3% trong năm 2011.
Báo cáo mới nhất của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) khẳng định, giải quyết nhanh những căng thẳng tài chính trong các nền kinh tế Mỹ và khu vực đồng ơ-rô có tầm quan trọng sống còn đối với thành công của nỗ lực ngăn chặn nguy cơ nền kinh tế thế giới rơi trở lại suy thoái. Trên cơ sở phân tích các dòng kinh tế cũng như các hiểm họa lây lan giữa các nền kinh tế, IMF nhấn mạnh các liên kết tài chính và các kênh tài chính đóng vai trò quan trọng làm lan truyền các cơn sốc kinh tế và tài chính trên toàn cầu. Các chính sách tài chính và cơn sốc kinh tế trong các nền kinh tế lớn có thể tác động gây bất ổn định không chỉ các nền kinh tế khu vực mà cả nền kinh tế toàn cầu.
Phó Giám đốc chính sách và chiến lược của IMF ông Ran-dít Tê-gia (Ranjit Teja) lưu ý rằng, các chính sách làm giảm căng thẳng tài chính trong các nền kinh tế lớn có tác động mạnh mẽ và tích cực đến các nền kinh tế khác. Trong cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế toàn cầu mới đây, các gói tài chính kích thích kinh tế ở các nền kinh tế lớn như Mỹ và khu vực đồng ơ-rô… đã làm tăng lòng tin vào chính sách tài chính, góp phần giải quyết các nguy cơ kinh tế toàn cầu, hỗ trợ các nền kinh tế lớn trong ngắn hạn và tác động sâu, rộng, trực tiếp đến dòng tài chính lưu chuyển toàn cầu, qua đó tác động đến các nền kinh tế đang phát triển.
Tuy nhiên, IMF cũng khẳng định lợi ích của các quốc gia và lợi ích toàn cầu cần được hài hòa trong những nỗ lực chung làm dịu căng thẳng tài chính trong các nền kinh tế lớn. Tăng cường tín dụng và xử lý rủi ro thông qua chính sách tiền tệ dễ dàng có thể có lợi cho các nền kinh tế phát triển đang bị trì trệ nhưng lại làm phức tạp hơn nữa quản lý vĩ mô ở các nền kinh tế thị trường mới nổi./.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Giải quyết đồng bộ các vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn  (14/09/2011)
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Giải quyết đồng bộ các vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn  (14/09/2011)
Các địa phương đẩy mạnh việc tiếp tục học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh  (14/09/2011)
Các địa phương đẩy mạnh việc tiếp tục học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh  (14/09/2011)
Mỹ mở cửa Khu tưởng niệm các nạn nhân 11-9 đón khách tham quan  (14/09/2011)
Mỹ mở cửa Khu tưởng niệm các nạn nhân 11-9 đón khách tham quan  (14/09/2011)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên