Nâng cao chất lượng đại biểu Quốc hội khóa XIII
Năm tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội được quy định trong Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội hiện hành thì tuyệt đại bộ phận công dân Việt Nam từ 21 tuổi trở lên đều có thể đạt được. Vậy làm sao để lựa chọn được 500 người xứng đáng nhất làm đại biểu Quốc hội?
- Vấn đề đầu tiên được đặt ra là, sau khi đã thống nhất cơ cấu, thành phần và số lượng thì các ngành, các cấp, các cơ quan, tổ chức, đơn vị phải lựa chọn cho được những người tốt nhất và qua ba lần hiệp thương, Mặt trận Tổ quốc các cấp và các cơ quan hữu trách phải quyết định cho được một danh sách gồm những người ứng cử có chất lượng cao nhất để cử tri lựa chọn khi bầu.
- Tiếp theo là các tổ chức làm công tác bầu cử, nhất là cấp cơ sở, phải tổ chức cho cử tri thôn, bản, ấp, tổ dân phố tìm hiểu, nghiên cứu kỹ lưỡng từng ứng cử viên về nhân thân, tuổi tác, trình độ văn hóa, chuyên môn, nghiệp vụ, phẩm chất chính trị, tư cách công dân…và khi cầm lá phiếu bầu thì cử tri phải bầu cho được những người đạt tiêu chuẩn cao nhất, có đủ khả năng làm thành viên của cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, có đủ tố chất tham gia vào cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất.
- Đại biểu Quốc hội phải là người có trí tuệ cao, bản lĩnh chính trị vững vàng. Kinh nghiệm các lần bầu cử trước đây, cử tri ngày càng có xu hướng bầu cho những người có trình độ văn hóa, học vấn cao hơn. Lấy thực tế các khóa từ khi đất nước thống nhất đến nay làm ví dụ: Khóa VI, đại biểu là nhân sĩ, trí thức chiếm 19,92% tổng số đại biểu; khóa VII là 22,18%, khóa VIII là 24,80%. Từ khóa IX lấy tiêu chí là đại học trở lên thì khóa này đạt 56,20% , khóa X là 91,33%, khóa XI là 93,37% và khóa XII là 95,96%. Không ít cử tri cho rằng: những người có trình độ học vấn cao, nói chung tầm hiểu biết thường sâu, rộng hơn. Một xu thế khác cũng mới xuất hiện, đó là bầu cho những ai có độ dài công tác, có chức vụ cao hơn; cử tri lý giải điều này rằng, người càng có chức vụ cao thì càng được các cấp có thẩm quyền cân nhắc nhiều lần hơn nên có thể tin tưởng được…
Cả hai xu thế trên nhìn chung là đúng. Tuy nhiên, thực tế có những đại biểu không có học hàm, học vị nào nhưng rất hăng hái hoạt động, trong nghị trường thường xuyên phát biểu và phát biểu rất có chất lượng (phản ảnh đúng đắn tình hình thực tế và nguyện vọng chính đáng của cử tri với Quốc hội; dám đối thoại trực tiếp với những người đứng đầu các cơ quan nhà nước để làm sáng tỏ những vấn đề mà cử tri gửi gắm). Ngược lại có đại biểu có đủ cả học hàm, học vị nhưng hoạt động hiệu quả chưa cao, phát biểu đôi khi quá “kinh viện”. Khá nhiều đại biểu có chức vụ cao, có vị thế lớn, nhưng hầu như không tham gia hoạt động cho Quốc hội được bao nhiêu, thậm chí chưa khi nào phát biểu tranh luận tại nghị trường. Nguyên nhân chủ yếu là không đủ thời gian phân bổ cho các chức danh đang nắm giữ, cũng có trường hợp không nắm được thông tin cần thiết. Từ tình hình trên cho thấy, cử tri phải nghiên cứu kỹ các thông tin (qua tiếp xúc cử tri, vận động bầu cử, qua lý lịch trích ngang của ứng cử viên và các nguồn khác) để tiến lên một bước cao hơn là, chọn lựa cho được những người vừa có trình độ trí tuệ cao, lại vừa có bản lĩnh chính trị vững vàng, luôn luôn bảo vệ cái đúng, đấu tranh không khoan nhượng với những gì sai trái; không tham nhũng và kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, chống lãng phí, quan liêu, thiếu sự gắn bó mật thiết với cử tri, thiếu kinh nghiệm thực tiễn.
- Cơ cấu thành phần đại biểu Quốc hội phải hợp lý. Như Điều 83 của Hiến pháp năm 1992 đã nói rõ: “…Quốc hội là cơ quan duy nhất có quyền lập hiến và lập pháp.
Quốc hội quyết định những chính sách cơ bản về đối nội và đối ngoại, nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước, những nguyên tắc chủ yếu về tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước, về quan hệ xã hội và hoạt động của công dân.
Quốc hội thực hiện quyền giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động của Nhà nước”.
Như vậy bản thân chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội đã đặt ra yêu cầu trong Quốc hội phải có các cơ cấu thành phần các loại tri thức, hiểu biết các lĩnh vực khác nhau để thực hiện các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn nói trên. Vì vậy, phải có đại biểu của nhiều lĩnh vực (công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, ngôn ngữ, luật pháp, lao động, xã hội, ngoại giao, báo chí, lực lượng vũ trang, dân tộc, tôn giáo…), phải có đại biểu của các vùng, miền (vì điều kiện kinh tế - xã hội, tập quán sinh hoạt của các dân tộc, tôn giáo, vùng, miền cũng rất đa dạng, rất khác nhau). Vấn đề là cơ cấu phải hợp lý và phải chọn lựa cho được những người tiêu biểu nhất.
- Năm tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội (Điều 3, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội hiện hành)(1) có sự gắn bó mật thiết, chặt chẽ với nhau, không ai được phép coi nhẹ, không ai được phép châm chước một tiêu chuẩn nào mà người ứng cử phải hoàn thiện tốt nhất cả năm tiêu chuẩn đó. Tuy nhiên, mỗi nhiệm kỳ, nhiệm vụ chính trị của đất nước có mức độ, có đặc điểm khác nhau, đòi hỏi đại biểu phải có ý chí, quyết tâm, một lòng, một dạ với công việc của Quốc hội, phục vụ cho nhiệm vụ chính trị của đất nước. Nhiệm kỳ khóa X của Đảng (khóa XII của Nhà nước) là thực hiện Nghị quyết Đại hội X của Đảng mà “nhân cốt” của mục tiêu tổng quát là, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, huy động và sử dụng tốt mọi nguồn lực cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển…Kết quả nổi bật trong việc thực hiện mục tiêu nói trên của Đảng và Nhà nước nhiệm kỳ qua là: cùng với những thành công bước đầu của công cuộc đổi mới, đất nước ta đã ra khỏi tình trạng kém phát triển; từ một nước thuộc nhóm các nước có thu nhập thấp, đến năm 2010 đã gia nhập nhóm các nước có thu nhập trung bình trên thế giới, đó là một thành tựu vô cùng to lớn. Sang nhiệm kỳ này, Đại hội Đảng lần thứ XI đã quyết định mục tiêu là: “…đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới; xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững manh; phát huy dân chủ và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; phát triển kinh tế nhanh, bền vững; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; giữ vững ổn định chính trị - xã hội; tăng cường hoạt động đối ngoại; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”. Để đạt được mục tiêu quan trọng đó, các cấp ủy đảng, các tổ chức chuẩn bị công tác bầu cử, đặc biệt là ở cơ sở phải lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn để cử tri có thể “nhận dạng” đúng những ứng cử viên toàn tâm, toàn ý và có đủ năng lực và phẩm chất chính trị thực hiện chức trách người đại biểu Quốc hội, góp phần thực hiện có hiệu quả mục tiêu cao cả của Đại hội, nghĩa là phải nguyện đem hết sức mình, phát huy cao độ trí tuệ, ý thức trách nhiệm và sự đoàn kết thống nhất để hoàn thành tốt nhất chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội.
- Quốc hội hiện gồm Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, 9 Ủy ban; 2 Ban và một Viện (Nghiên cứu lập pháp) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, lãnh đạo các cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có mạnh hay không chính là 500 đại biểu Quốc hội sắp được bầu ra có mạnh hay không. Một vấn đề có tính nguyên lý nhưng cực kỳ phù hợp trong lúc này là, tập thể mạnh thì từng thành viên phải mạnh và từng thành viên mạnh thì tập thể mạnh. Hơn thế nữa theo luật định thì các chức danh cấp cao trong bộ máy Nhà nước (Chủ tịch, các Phó Chủ tịch, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Chủ tịch, các Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc; Chủ nhiệm, các Phó Chủ nhiệm các Ủy ban và các thành viên khác của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; Chủ tịch, Phó Chủ tịch nước; Thủ tướng Chính phủ; Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao) đều phải là đại biểu Quốc hội. Nếu cử tri không chọn lựa được những đại biểu Quốc hội xứng đáng, có tâm, có tầm để giữ các vị trí cấp cao then chốt đó thì khó có thể nói gì đến việc tăng cường hiệu lực và nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy Nhà nước nhiệm kỳ mới.
(1) Điều 3: Đại biểu Quốc hội có những tiêu chuẩn sau đây:
1. Trung thành với Tổ quốc và Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới, vì sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, làm cho dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh;
2. Có phẩm chất đạo đức tốt, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, gương mẫu chấp hành pháp luật; kiên quyết đấu tranh chống mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền, tham nhũng và các hành vi vi phạm pháp luật;
3. Có trình độ và năng lực thực hiện nhiệm vụ đại biểu Quốc hội, tham gia quyết định
các vấn đề quan trọng của đất nước;
4. Liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân, được nhân dân tín nhiêm;
5. Có điều kiện tham gia các hoạt động của Quốc hội.
Trách nhiệm của đảng viên trước cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016  (17/05/2011)
Tổng quan kinh tế năm 2010  (17/05/2011)
Tổng quan thị trường tài chính Việt Nam năm 2010 và bài học cho những năm tiếp theo  (17/05/2011)
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay