Điểm dừng

Phan Lang
22:52, ngày 17-05-2011

TCCSĐT - Việc cả ông Lý Quang Diệu và ông Gô Chốc Tông từ chức những cương vị cao cấp trong Chính phủ Xin-ga-po đều không gây bất ngờ vì cả hai đều đã cao tuổi và không còn làm thủ tướng Xin-ga-po từ khá lâu rồi. Nhưng về thời điểm thì việc cả hai vị từ chức lại khiến dư luận trong và ngoài Xin-ga-po không khỏi ngạc nhiên. Cả hai vừa được tái cử trong cuộc bầu cử quốc hội ngày 7-5 vừa qua và Đảng Hành động Nhân dân (PAP) của họ vẫn bảo vệ được vị thế của đảng cầm quyền từ hồi lập quốc năm 1965 đến nay. Xem ra, nguyên cớ chính chỉ có thể là cái gì đó liên quan trực tiếp đến kết quả cuộc bầu cử ấy.

Đảng PAP vẫn thắng cử và vẫn có được đa số áp đảo trong quốc hội mới nhưng không thể phủ nhận được một thực tế là phe đối lập ngày càng lớn mạnh và tự tin hơn, ngày càng trở thành thách thức và đối địch chính trị thực thụ đối với PAP. Đảng PAP vẫn thắng cử nhưng tỷ lệ phiếu bầu giành được lại ngày càng suy giảm: 75% trong cuộc bầu cử quốc hội năm 2001, 67% năm 2006 và vừa rồi chỉ còn 60%. Thế hệ trẻ và giới trí thức ở Xin-ga-po dường như không để ý đến sự thịnh vượng của đất nước này nhiều bằng những vấn đề về phát triển kinh tế - xã hội đang đặt ra như cơ sở hạ tầng bất cập, vấn đề nhà ở ngày thêm sâu sắc hay chi phí sinh hoạt tăng…  

Tuy địa vị quyền lực của Đảng PAP hiện tại vẫn còn rất vững chắc và Đảng này có thể yên ổn cầm quyền trong nhiệm kỳ này nhưng nếu không rút ra được những bài học thích hợp từ kết quả bầu cử vừa qua thì PAP sẽ không ngăn chặn được chiều hướng diễn biến bất lợi hiện tại trên chính trường.

Việc cả ông Lý Quang Diệu và ông Gô Chôc Tông không còn tham gia chính phủ sẽ được coi như một tín hiệu về trẻ hoá đội ngũ lãnh đạo và chuyển giao giai đoạn, tạo nên hình ảnh và ấn tượng về sự khởi đầu mới cho Đảng PAP và cho Chính phủ Xin-ga-po. Cứ cho là quyết định ấy chủ yếu do tình thế mới đưa lại thì mục đích của nó cũng vẫn là hướng về tương lai cho PAP.

Vì thế, có thể nói, quyết định của cả hai nhà lãnh đạo của PAP và Chính phủ Xin-ga-po đều là quyết định về điểm dừng cho mình để đem lại cái lợi nhất cho Đảng PAP và cho chính phủ mới sau bầu cử Quốc hội mới rồi.  Đồng thời, cũng có thể cả hai quyết định rời khỏi Chính phủ vì cho rằng vị thế quyền lực của đương kim Thủ tướng Lý Hiển Long đã được xác lập và củng cố vững vàng trong Đảng PAP cũng như trên chính trường Xin-ga-po và nếu như thế thì việc họ dừng lại ở điểm cần phải dừng lại không phải là chuyện chỉ nên mà còn là việc cần phải làm.

Nếu nói tới một thời kỳ chính trị mới ở Xin-ga-po thì thời kỳ ấy bây giờ mới thật sự bắt đầu cả trên danh nghĩa lẫn trong thực tế./.