Từ cuối thế kỷ XIX cho đến nay, nền kinh tế Mỹ luôn giữ vị trí số một thế giới; mọi động thái của nó thường ảnh hưởng trực tiếp, gián tiếp, nhiều hoặc ít đến hầu hết các nền kinh tế trên các châu lục. Tuy nhiên, trong vòng hai năm trở lại đây, nền kinh tế khổng lồ này rơi vào tình trạng suy thoái khá nghiêm trọng. Nhiều người trong giới phân tích của các nước cho rằng, trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, nều nền kinh tế Mỹ khủng hoảng, thì tác động lan truyền có thể dẫn đến sự suy sụp của hàng loạt nền kinh tế - nhất là đối với những nước có quan hệ sâu với Mỹ về thương mại và đầu tư.

Với những lý do nêu trên, diễn biến của cuộc suy thoái kinh tế ở Mỹ được giới phân tích của hầu hết các nước theo dõi sát sao. Mới đây, một số chuyên gia cho rằng, đã có những tín hiệu cho thấy kinh tế Mỹ bắt đầu vượt qua giai đoạn khó khăn nhất của cuộc suy thoái và sẽ phục hồi. Doanh số bán lẻ ở Mỹ trong tháng 4 vừa qua tăng 0,5%, là dấu hiệu tăng chi tiêu của người tiêu dùng. Nhà kinh tế trưởng của Deutsche Bank - ông Josh Feinman nhận định: Mặc dù đang phải hứng chịu tác động tiêu cực của ba “cú sốc” lớn (thị trường bất động sản suy giảm, căng thẳng tín dụng, giá năng lượng leo thang), kinh tế Mỹ vẫn có thể vượt lên với khả năng phục hồi nhanh và chính sách ứng phó tích cực, linh hoạt cùng sự tăng tốc của nền kinh tế toàn cầu. Josh Feinman dự đoán, kinh tế Mỹ sẽ đạt tốc độ tăng trưởng 1,0% trong quý II và 2,0% trong quý III năm nay (ở hai quý trước chỉ tăng 0,6%). Theo ông, quý IV năm 2008, tốc độ tăng trưởng của Mỹ sẽ hạ xuống còn 1,5%, nhưng có thể trở lại mức 2,0% trong quý đầu năm 2009.

Dự báo nêu trên của Josh Feinman được nhiều nhà phân tích có tên tuổi khác tán thành. Theo David Malpass - nhà kinh tế thuộc Ngân hàng Bear Stearns, nền kinh tế Mỹ đang dần hồi phục sau một thời gian suy giảm nghiêm trọng. Ông Andrew Tilton - chuyên gia kinh tế của Tập đoàn Goldman Sachs, cho rằng khoản hoàn thuế 107 tỉ USD của Chính phủ Mỹ (một phần trong Chương trình kích thích kinh tế cả gói) sẽ góp phần kích cầu tiêu dùng, hé mở tia sáng hy vọng cho nền kinh tế Mỹ trong thời gian tới…

Trong tháng 4 vừa qua, số công trình nhà ở được khởi công ở Mỹ đã tăng 8,2%, với hơn 1 triệu công trình có quy mô khác nhau. Đó cũng được coi là một tín hiệu tốt. Thị trường sức lao động cũng khởi sắc với những chỉ số cao hơn so với dự báo; kim ngạch xuất khẩu của Mỹ tăng do chính sách đồng USD yếu cũng có tác dụng củng cố tăng trưởng. Thị trường chứng khoán của Mỹ đã bắt đầu phục hồi từ tháng 3 với các khoản hỗ trợ tài chính kịp thời của Cục Dự trữ Liên bang (FED). Vụ “giải cứu” Ngân hàng đầu tư Bear Stearns được giới tài chính coi là một biện pháp tạo bước ngoặt, làm thay đổi hẳn chiều hướng xấu của cuộc khủng hoảng tín dụng. Những biện pháp khác cũng được đánh giá là có tác dụng tích cực, chẳng hạn như FED mạnh tay cắt giảm tỉ lệ lãi suất, rót thêm tiền cho hệ thống tài chính… FED vừa tuyên bố sẽ cung cấp thêm cho hệ thống tài chính Mỹ 150 tỉ USD tiền mặt để duy trì dòng tín dụng đủ kích thích kinh tế tăng trưởng./.