Gỡ điểm nghẽn trong xây dựng nông thôn mới nâng cao ở huyện Phúc Thọ, thành phố Hà Nội
TCCS - Sau hơn 10 năm thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), huyện Phúc Thọ có diện mạo ngày càng khang trang, hiện đại; đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng nâng cao. Cùng với mục tiêu phát triển kinh tế và bảo tồn các giá trị văn hóa, mục tiêu phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống nhân dân luôn được Huyện ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân huyện quan tâm đặc biệt, coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXI (nhiệm kỳ 2020 - 2025) đã xác định mục tiêu xây dựng nông thôn mới là khai thác mọi tiềm năng, thế mạnh, đặc biệt là nhân tố con người, quyết tâm xây dựng Phúc Thọ trở thành huyện nông thôn mới điển hình, có kinh tế khá giả, môi trường xanh, nông nghiệp sạch, văn hóa đẹp.
Những kết quả đạt được
Để đạt được mục tiêu trên, huyện Phúc Thọ đã và đang triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều nhóm giải pháp. Trong đó, chú trọng huy động tối đa mọi nguồn lực để đẩy mạnh đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội theo quy hoạch, hoàn thiện hệ thống giao thông, thủy lợi nhằm tạo điều kiện cho phát triển sản xuất và giao thương.
Về phát triển kinh tế, giai đoạn 2010 - 2020, tổng giá trị sản xuất của huyện Phúc Thọ đạt 12.541 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt 9,2%/năm, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng dần tỷ trọng giá trị ngành công nghiệp, dịch vụ, thương mại. Qua đó, số hộ nghèo trên địa bàn huyện giảm rõ rệt, đời sống vật chất và tinh thần của người dân từng bước được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người năm 2021 đạt 62 triệu đồng/người/năm (tăng hơn 5 lần so với năm 2010). Thực hiện việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XX, XXI, Ủy ban nhân dân huyện chỉ đạo các đơn vị chức năng cùng với chính quyền các địa phương thực hiện rà soát diện tích sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả; xây dựng kế hoạch, lộ trình cho việc chuyển đổi; thu hút doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ cá thể thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng liên kết sản xuất hàng hóa, tiêu thụ sản phẩm, ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất... Trong đó tập trung phát triển các sản phẩm chủ lực của địa phương, gắn với nhu cầu thị trường. Huyện cũng chú trọng áp dụng các quy trình canh tác tiên tiến, đưa cơ giới hóa vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, phát triển nông nghiệp theo hướng an toàn, bền vững. Hạ tầng nông thôn được hoàn thiện đã tạo điều kiện cho người dân Phúc Thọ yên tâm lao động, sản xuất, giao thương hàng hóa. Bước đầu, các mô hình sản xuất, mô hình liên kết ứng dụng khoa học - công nghệ, mang lại hiệu quả kinh tế được hình thành. Trên địa bàn huyện hiện có 60 làng nghề, trong đó 5 làng nghề được thành phố công nhận; có 50 sản phẩm được thành phố phân hạng đạt tiêu chuẩn OCOP.
Về đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu kinh tế, việc thực hiện chuyển đổi cây trồng, vật nuôi trên đất lúa kém hiệu quả được Huyện ủy - Ủy ban nhân dân huyện Phúc Thọ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các địa phương triển khai một cách tích cực, hiệu quả. Huyện ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân huyện Phúc Thọ đã ban hành hệ thống văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thưc hiện, như Nghị quyết số 13-NQ/HU của Huyện ủy về “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2022 - 2025 và các năm tiếp theo”; Nghị quyết của Hội đồng nhân dân huyện về việc hỗ trợ kinh phí thực hiện cơ giới hóa nông nghiệp trong lĩnh vực trồng trọt; Đề án số 07/ĐA-UBND của Ủy ban nhân dân huyện về “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2022 - 2025 và những năm tiếp theo”. Đồng thời với các chủ trương, huyện đã ban hành các chính sách hỗ trợ các mô hình sản xuất nông nghiệp tập trung, ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo chuỗi giá trị. Nhiều địa phương đã linh hoạt lựa chọn, chuyển đổi sang các mô hình cây trồng mới phù hợp với từng vùng sinh thái, góp phần mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân và tạo nền tảng vững chắc cho tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng bền vững. Kết quả là, tổng diện tích đã thực hiện chuyển đổi của huyện đến năm 2021 là 1.747,3ha. Trong đó cây ăn quả 902,5ha, (tập trung ở các xã Vân Hà, Vân Phúc, Vân Nam); rau 540,4ha (tập trung các xã Thanh Đa, Xuân Đình, Vân Phúc, Thọ Lộc); hoa cây cảnh 269,4ha (tập trung các xã Tam Thuấn, Tích Giang). Diện tích đất lúa đã chuyển đổi là 1.279,3ha. Diện tích đất hằng năm khác đã chuyển đổi là 468ha. Nếu như trước đây, với mô hình trồng 2 vụ lúa thuần chỉ đạt từ 60 đến 70 triệu đồng/ha/năm thì sau chuyển đổi, mô hình cấy 2 vụ lúa chất lượng cao cho giá trị trên 1ha canh tác đạt từ 110 đến 130 triệu đồng/ha/năm. Mô hình cấy 2 vụ lúa và 1 vụ đông (đậu tương) cho giá trị từ 100 đến 110 triệu đồng/ha/năm; sau chuyển đổi mô hình cấy 2 vụ lúa (lúa chất lượng cao) và 1 vụ đông (bí xanh) cho giá trị trên 1ha canh tác đạt 230 triệu đồng/ha/năm. Trong trồng cây ăn quả: Mô hình trồng bưởi giá trị canh tác từ 590 đến 700 triệu đồng/ha/năm, lợi nhuận đạt từ 450 đến 500 triệu đồng/ha/năm; mô hình trồng chuối: giá trị canh tác từ 360 đến 450 triệu đồng/ha/năm, lợi nhuận từ 230 đến 300 triệu đồng/ha/năm; mô hình trồng táo giá trị canh tác từ 500 đến 600 triệu đồng/ha/năm, lợi nhuận từ 380 đến 400 triệu đồng/ha/năm. Mô hình trồng hoa cúc: giá trị canh tác 480 triệu đồng/ha/vụ, lợi nhuận đạt 280 triệu đồng/ha/vụ; mô hình trồng hoa ly: giá trị canh tác 5 tỷ đồng/ha/vụ, lợi nhuận đạt 360 triệu đồng/ha/vụ; mô hình trồng hoa loa kèn: giá trị canh tác 1 tỷ đồng/ha/năm, lợi nhuận đạt 380 triệu đồng/ha/năm; mô hình trồng hoa đồng tiền: giá trị canh tác 960 triệu đồng/ha/vụ, lợi nhuận đạt 420 triệu đồng/ha/vụ.
Qua chuyển đổi, trên địa bàn huyện hình thành một số vùng chuyên canh tập trung quy mô lớn, có liên kết giữa các hộ nông dân và hợp tác xã, doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm, như vùng chuyên canh lúa tập trung ở các xã: Phụng Thượng, Võng Xuyên, Ngọc Tảo, Hát Môn, Tích Giang, Phúc Hòa, Sen Phương; vùng chuyên canh rau tại các xã Vân Hà, Vân Phúc, Xuân Đình, Thanh Đa, Hát Môn, Võng Xuyên, Sen Phương… sản xuất rau đang đi theo hướng sản xuất an toàn, một số khu vực theo hướng VietGAP, hữu cơ, bảo đảm tiêu chuẩn an toàn thực phẩm đạt giá trị từ 600 đến 800 triệu đồng/ha/năm; vùng chuyên canh cây ăn quả: chủ yếu là trồng bưởi tập trung tại các xã Vân Hà, Vân Phúc, Hiệp Thuận, Vân Nam, Hát Môn; vùng trồng táo, ổi… tại Tam Thuấn, Thanh Đa… đặc biệt trồng bưởi cho giá trị kinh tế trên 500 triệu/ha/năm.
Trong thời gian 3 năm 2019 - 2021, toàn huyện có 50 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP, trong đó 25 sản phẩm được cộng nhận 4 sao, 25 sản phẩm được công nhận 3 sao. Các sản phẩm đã được huyện hỗ trợ tham gia các hội chợ, các gian hàng trưng bày, quảng bá và bán sản phẩm trên địa bàn thành phố Hà Nội, hỗ trợ các hoạt động xúc tiến thương mại; xây dựng website riêng và tham gia các sàn giao dịch điện tử để nâng cao thương hiệu cho sản phẩm...
Diện mạo nông thôn mới
Với sự vào cuộc đồng bộ, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân, công cuộc xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Phúc Thọ đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Diện mạo nông thôn, đời sống của người nông dân không ngừng được cải thiện. Đến nay, 20/20 số xã của huyện Phúc Thọ đã được Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; huyện cũng hoàn thành 9/9 tiêu chí “huyện nông thôn mới”. Từ hiệu quả và những lợi ích của việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với thế mạnh của địa phương đã và đang góp phần không nhỏ vào việc tăng hiệu quả kinh tế trên từng đơn vị diện tích canh tác, nâng cao thu nhập cho người nông dân, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân đồng thời tạo tiền đề cho giai đoạn chuyển đổi cơ cấu kinh tế giai đoạn tiếp theo.
Hệ thống hạ tầng nông thôn huyện được đầu tư, xây dựng đồng bộ, cơ bản đáp ứng được nhu cầu của người dân trên địa bàn. Giai đoạn 2010 - 2020, tổng nguồn lực huy động xây dựng nông thôn mới của huyện là 4.028 tỷ đồng, trong đó, nguồn vốn xã hội hóa của doanh nghiệp và nhân dân đóng góp là 1.114 tỷ đồng (chiếm hơn 29%). Qua đó, hệ thống giao thông đường bộ của huyện đều được nhựa hoặc bê tông hóa, đạt chuẩn theo quy định; 100% số xã được công nhận đạt tiêu chí quốc gia về y tế giai đoạn 2018 - 2020.
Ngày 30-3-2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 489/QĐ-TTg công nhận huyện Phúc Thọ đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020. Ngày 26-11-2021, Chủ tịch nước ban hành Quyết định số 2168/QĐ-CTN về việc tặng Huân chương Lao động hạng Ba cho Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Phúc Thọ, vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”.
Những khó khăn, vướng mắc
Phúc Thọ là một huyện thuần nông, sản xuất nông nghiệp là chính nhưng kinh tế chưa mang bóng dáng của kinh tế nông nghiệp. Nằm trong quy hoạch chung tổng thể của thành phố, Phúc Thọ được quy hoạch vùng vành đai xanh của Thủ đô. Những thành tựu đạt được của nông nghiệp, nông thôn huyện Phúc Thọ thời gian qua chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, nông thôn chưa thực sự chuyển mình. Nông nghiệp phát triển còn kém bền vững, sức cạnh tranh thấp, chưa phát huy tốt nguồn lực cho phát triển sản xuất. Công tác đào tạo nguồn nhân lực còn hạn chế. Việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp và đổi mới phương thức sản xuất trong nông nghiệp còn chậm, vẫn chủ yếu là sản xuất nhỏ, phân tán; năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng nhiều mặt hàng còn thấp.
Một số giải pháp đưa Phúc Thọ trở thành huyện nông thôn mới điển hình tiên tiến
Giai đoạn 2021 – 2025, huyện Phúc Thọ phấn đấu đạt các tiêu chí xây dựng nông thôn mới theo hướng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Để đạt được mục tiêu đó, cần triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp: 1 - Chú trọng phát triển nông nghiệp sinh thái, khai thác tối đa tiềm năng du lịch trải nghiệm, từ đó mở ra hướng phát triển bền vững, tạo sức bật để đưa Phúc Thọ trở thành huyện nông thôn mới điển hình tiên tiến; 2 - Rà soát lại các quy hoạch gắn với phát triển đô thị sinh thái, nghỉ dưỡng, đẩy mạnh triển khai các cụm công nghiệp làng nghề; xây dựng các khu, vùng du lịch nghỉ dưỡng, du lịch trải nghiệm, du lịch tâm linh xứng tầm với điều kiện, lợi thế của địa phương. Đồng thời, chú trọng, đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng sinh thái, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ gắn với công nghệ chế biến, bảo quản nông sản, hàng hóa... Qua đó, tạo vành đai xanh cho thành phố Hà Nội. 3 - Ưu tiên hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp nhằm nâng cao giá trị gia tăng của hàng hóa. Đẩy mạnh thu hút đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao. Thúc đẩy đưa cơ giới hóa vào bảo quản, chế biến nông sản, thực phẩm; gắn với xây dựng và phát triển thương hiệu mạnh của địa phương./.
Thành phố Hà Nội: Đa dạng sản phẩm để khôi phục và phát triển du lịch  (26/10/2022)
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng "Điện Biên Phủ trên không" năm 1972 - biểu hiện sinh động về vấn đề “bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa”