Những dấu ấn trong chính sách đối ngoại của Thủ tướng Ấn Độ Na-ren-đra Mô-đi sau 5 năm cầm quyền
TCCS - Trong 5 năm qua kể từ khi lên nắm quyền vào tháng 5-2014, Thủ tướng Ấn Độ Na-ren-đra Mô-đi đã triển khai chính sách đối ngoại toàn diện, đa phương, “đa liên kết” với những bước đi ngoại giao quyết liệt, khôn khéo, kết hợp với các mục tiêu phát triển kinh tế quốc gia, đưa Ấn Độ trở thành cường quốc khu vực và thế giới. Với hai mục tiêu lớn là phát triển kinh tế và gia tăng vị thế quốc tế của đất nước, trong đó tập trung vào vai trò ngoại giao cấp cao, ngoại giao láng giềng, điều chỉnh quan hệ với các nước lớn và ngoại giao kinh tế, chính sách đối ngoại của Ấn Độ đang được triển khai tích cực, bước đầu đạt được mục tiêu trong việc nâng cao vai trò của nước này trong cấu trúc quyền lực khu vực và ảnh hưởng trên toàn cầu, hứa hẹn những thay đổi tương quan so sánh lực lượng có lợi cho Ấn Độ.
Những kỳ vọng về sự thay đổi vị thế của Ấn Độ dưới thời Thủ tướng N. Mô-đi
Trong những năm cuối của thiên niên kỷ trước, sự bứt phá trong tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ cùng với việc tiến hành các vụ thử hạt nhân năm 1998 đã cho thấy sự khẳng định của Ấn Độ trong việc trở thành lực lượng quan trọng trong nền chính trị châu Á và hướng đến phạm vi toàn cầu. Thỏa thuận hạt nhân Ấn Độ - Mỹ năm 2005 cho phép Ấn Độ bỏ qua những quy tắc chặt chẽ của thương mại hạt nhân, và việc thỏa thuận được ký kết thành công có ý nghĩa tái cấu trúc cán cân quyền lực toàn cầu, gắn kết Ấn Độ và Mỹ trong những mục tiêu và lợi ích chung. Tuy nhiên, trong suốt một thập niên sau đó, Chính phủ của Thủ tướng Man-mô-han Xinh (2004 - 2014) dường như vẫn chưa thực hiện được mục tiêu củng cố vị thế của Ấn Độ. Do đó, việc Thủ tướng N. Mô-đi đắc cử vào năm 2014 được coi là dấu hiệu của một giai đoạn quyết liệt hơn trong việc điều chỉnh chính sách đối ngoại của nước này, đặc biệt khi ông đã thực hiện một loạt chuyến công du tới các cường quốc ngay sau khi nhậm chức.
Các nhà lãnh đạo thế giới đánh giá rằng, Ấn Độ dưới thời Thủ tướng N. Mô-đi có sự quyết đoán và năng động hơn trong chính sách kinh tế và đối ngoại. Tiềm năng chính sách ngoại giao của một quốc gia thường được đánh giá dựa trên hai yếu tố: 1- Sự lãnh đạo chính trị của nước đó, trong đó sự năng động và quyết đoán là nhân tố quan trọng nhất; 2- Sự ủng hộ chính trị trong nước và sự tin tưởng của người dân về tương lai đất nước. Ấn Độ dưới thời Thủ tướng N. Mô-đi hiện tập trung cả hai yếu tố này.
Ấn Độ có quan hệ đối tác chiến lược với Trung Quốc, Mỹ, Nga và Nhật Bản, tuy nhiên trong thập niên qua, những mối quan hệ này chưa được làm sâu sắc và đúng tầm do sự suy giảm trong tăng trưởng kinh tế dẫn đến việc hạn chế gia tăng ảnh hưởng và vai trò của Ấn Độ. Từ khi lên cầm quyền, Thủ tướng Ấn Độ N. Mô-đi đã tiến hành những bước thay đổi mạnh mẽ trong chính sách đối ngoại nhằm khôi phục những mối quan hệ trước đây với các nước lớn, tập trung xoay quanh ba mục tiêu chính: Thứ nhất, nâng quan hệ chiến lược với các nước lớn lên đúng tầm, từ đó tạo điều kiện cho Ấn Độ trở thành một lực lượng quan trọng trong bàn cờ chính trị toàn cầu; Thứ hai, tái sắp xếp “bàn cờ” khu vực Nam Á, củng cố tầm ảnh hưởng bao trùm của Ấn Độ trong khu vực; Thứ ba, tăng cường hợp tác với các nước lớn và các nước láng giềng, hướng tới mục tiêu và lợi ích an ninh và kinh tế của Ấn Độ.
Có thể thấy, tuy mới nắm quyền được 5 năm, song Thủ tướng Ấn Độ N. Mô-đi đã tạo ra những dấu ấn riêng biệt trong chính sách đối ngoại trong bối cảnh quốc tế và khu vực có nhiều biến chuyển nhanh chóng.
Những điểm nổi bật trong chính sách đối ngoại của Ấn Độ dưới thời Thủ tướng N. Mô-đi
Thứ nhất, tăng cường quan hệ đối với các nước lớn. Đột phá mang dấu ấn lịch sử trong chính sách đối ngoại của Ấn Độ dưới sự điều hành của Thủ tướng N. Mô-đi là chủ động cải thiện, mở rộng, thúc đẩy quan hệ với Trung Quốc. Đối với quốc gia láng giềng lớn trong khu vực này, Ấn Độ thực hiện chính sách vừa cứng rắn, vừa khôn khéo. Điều này đã được Thủ tướng N. Mô-đi thể hiện trong cam kết sau khi đắc cử, đó là sẽ kiên quyết can dự mạnh mẽ hơn vào khu vực. Đi đôi với những tuyên bố và động thái quân sự cứng rắn, như củng cố sức mạnh quân sự, tăng cường khả năng phòng thủ quốc gia; thắt chặt quan hệ an ninh, quân sự với Mỹ, các nước đồng minh, các nước trong và ngoài khu vực, chính sách đối ngoại của Ấn Độ cũng thể hiện sự mềm dẻo, linh hoạt, chủ động mở rộng quan hệ với Trung Quốc nhằm chấn hưng nền kinh tế, “tận dụng tối đa thực lực mềm”, tăng cường thương mại và thu hút đầu tư của Trung Quốc vào Ấn Độ, đồng thời nỗ lực giải quyết vấn đề tranh chấp biên giới vốn tồn tại từ lâu giữa hai nước. Ngoài các cuộc đàm phán về vấn đề biên giới, các cuộc trao đổi song phương cũng mang lại khả năng tạo ra động lực mới cho quan hệ hai nước.
Một trong những ưu tiên trong chính sách ngoại giao của Ấn Độ là đẩy mạnh việc khôi phục mối quan hệ với Mỹ, khi mối quan hệ này đã bị tổn hại do căng thẳng ngoại giao và tranh chấp thương mại trước đây. Nhận thức của Chính phủ của Thủ tướng N. Mô-đi trong việc tăng cường mối quan hệ gần gũi với Mỹ sẽ là điều quan trọng để Ấn Độ thực hiện những mục tiêu kinh tế và an ninh của mình. Ấn Độ hy vọng, sự hợp tác với Mỹ sẽ giúp nước này củng cố vị thế trên bản đồ chính trị khu vực và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế hiện đang suy giảm so với tốc độ chung của các nền kinh tế mới nổi. Đối với Mỹ, Ấn Độ là một trong những đối tác có sức hút mạnh bởi vị trí địa - chiến lược, quy mô và lực lượng quân sự tương đối tiên tiến của quốc gia này.
Trong bối cảnh phải xử lý các cuộc xung đột ở những khu vực biên giới, Ấn Độ đã tìm cách nâng mối quan hệ song phương với Mỹ lên một cấp độ mới. Hiện hai nước đẩy mạnh hợp tác an ninh - quốc phòng, chống khủng bố, sở hữu trí tuệ, an ninh hàng hải ở châu Á - Thái Bình Dương. Sự thành công trong chính sách đối ngoại của Thủ tướng N. Mô-đi được cho là đã chấm dứt tình trạng mâu thuẫn về chính trị của Ấn Độ đối với nước Mỹ và mang lại những mục tiêu rõ ràng cho Ấn Độ. Ngược lại, Mỹ cũng coi Ấn Độ là trung tâm trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ.
Ấn Độ chú trọng củng cố quan hệ với Nga - một đồng minh chiến lược, đối tác truyền thống, có tiềm năng quân sự - quốc phòng hàng đầu thế giới. Trong những năm gần đây, quan hệ Ấn Độ - Nga được tăng cường, thúc đẩy về mọi mặt. Hai bên thường xuyên gặp gỡ, tiếp xúc trao đổi đoàn cấp cao, đạt được hàng loạt thỏa thuận mới nhằm tăng cường và đa dạng hóa quan hệ đối tác chiến lược. Trong chuyến thăm đầu tiên của người đứng đầu Chính phủ Ấn Độ tới Nga (từ ngày 23 đến 24-12-2015), hai bên đã nhất trí tăng cường hợp tác trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là quốc phòng và năng lượng (ký 15 văn kiện hợp tác, 6 biên bản ghi nhớ). Đối với Ấn Độ, Nga là nhà cung cấp năng lượng, công nghệ hạt nhân và vũ khí quan trọng. Thắt chặt quan hệ với Nga sẽ tạo thuận lợi trong quá trình thảo luận Hiệp định thương mại tự do giữa Ấn Độ và Liên minh kinh tế Á - Âu (EEU). Hơn nữa, trong bối cảnh Nga và Trung Quốc tăng cường củng cố quan hệ trong thời gian gần đây, Ấn Độ không muốn “đứng ngoài cuộc” trong tam giác chiến lược Nga - Trung Quốc - Ấn Độ, vốn là một trục quan trọng trong quan hệ quốc tế.
Quan hệ Ấn Độ - Nhật Bản đang ở thời điểm rất tốt đẹp và hứa hẹn nhiều triển vọng hợp tác. Quỹ đạo của quá trình phát triển này được bắt đầu từ một thập niên trước đây và đã tăng tốc trong vài năm qua. Nhưng chính “chất xúc tác mới” giữa Thủ tướng Nhật Bản Sin-dô A-bê và Thủ tướng Ấn Độ N. Mô-đi đã đưa mối quan hệ này lên tầm cao mới. Nhật Bản đã thừa nhận địa vị của Ấn Độ như là một quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân và sẵn sàng hợp tác kinh doanh mặc dù Ấn Độ không phải là một bên tham gia Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT). Nhật Bản và Ấn Độ đang nổi lên như những đối tác chiến lược quan trọng do hai nước ngày càng nhận thức rõ các lợi ích tiềm năng của mối quan hệ song phương. Những cuộc gặp gỡ giữa Thủ tướng S. A-bê và Thủ tướng N. Mô-đi không đơn giản nhằm khôi phục vị thế quốc gia thông qua tăng trưởng kinh tế và chính sách đối ngoại mà còn thể hiện sự thay đổi cán cân quyền lực và cân bằng quyền lực ở châu Á, tạo ra các không gian chiến lược, bối cảnh chính trị để các nước phát triển. Việc Ấn Độ và Nhật Bản tiếp tục phát triển mạnh mẽ và hướng tới mối quan hệ hợp tác song phương toàn diện, ổn định hơn sẽ là nhân tố cơ bản ảnh hưởng đến cục diện khu vực.
Thứ hai, đề cao vai trò ngoại giao cấp cao và ngoại giao láng giềng. Trong nhiệm kỳ của mình, Thủ tướng Ấn Độ N. Mô-đi chủ trương ưu tiên phát triển quan hệ ngoại giao đối với các nước láng giềng, thể hiện qua việc ông liên tục tiến hành các chuyến công du đến hầu hết các quốc gia Nam Á; không ngừng đẩy mạnh các cuộc gặp gỡ cấp cao nhằm nhấn mạnh vai trò và vị thế của Ấn Độ với khu vực láng giềng lân cận.
Kể từ khi Ấn Độ giành được độc lập, chưa từng có Thủ tướng nào tham dự nhiều cuộc họp thượng đỉnh song phương và đa phương trong những năm đầu cầm quyền như Thủ tướng N. Mô-đi. Ngay khi trở thành Thủ tướng, ông N. Mô-đi đã mời các nhà lãnh đạo các nước thuộc Hiệp hội Hợp tác khu vực Nam Á (SAARC) đến dự lễ tuyên thệ nhậm chức. Đã có tới 8 nhà lãnh đạo các nước Nam Á đến tham dự buổi lễ này - một điều chưa từng có tiền lệ trước đây. Đây là tín hiệu cho thấy hướng đi mới trong chính sách đối ngoại của Ấn Độ là coi trọng các nước láng giềng, bất kể đó là nước nhỏ hay nước mà Ấn Độ đang có mâu thuẫn, tranh chấp.
Thêm vào đó, Ấn Độ chủ trương đặt quan hệ ngoại giao đối với các nước láng giềng lên vị trí ưu tiên khi liên tục thực hiện các chuyến công du đến hầu hết các quốc gia Nam Á. Ngay sau khi nhậm chức, tháng 6-2014, Thủ tướng Ấn Độ đã chọn Bu-tan - quốc gia có vị trí “đắc địa”, một địa bàn chiến lược trong chính sách đối ngoại của Ấn Độ - làm điểm đến đầu tiên. Ông cũng là Thủ tướng Ấn Độ đầu tiên thăm Nê-pan (tháng 8-2014) kể từ 17 năm qua. Trong quan hệ với Pa-ki-xtan, quốc gia có mối quan hệ “nhiều thăng trầm” với Ấn Độ, hai bên đã có những bước tiến “phá băng”, cải thiện quan hệ song phương, từng bước mở ra cơ hội hợp tác cho quan hệ hai nước trong thời gian tới.
Áp-ga-ni-xtan cũng là một minh chứng thành công trong chính sách đối ngoại láng giềng của Ấn Độ. Nguồn vốn viện trợ mà Ấn Độ dành cho công cuộc tái thiết và phát triển của Áp-ga-ni-xtan hiện đạt 2 tỷ USD, đưa Ấn Độ trở thành nhà tài trợ lớn nhất của Áp-ga-ni-xtan trong khu vực. Tiếp đó, Ấn Độ cũng xây dựng thành công quan hệ láng giềng tốt đẹp với Băng-la-đét. Hai bên đã thiết lập mối giao hữu mới với những sáng kiến mới hơn, theo đó được cho là sẽ tạo nên sự “tin cậy chiến lược” hướng tới mối quan hệ đối tác chiến lược song phương mạnh mẽ.
Bên cạnh đó, Thủ tướng N. Mô-đi còn tạo những dấu ấn riêng trong chính sách ngoại giao của Ấn Độ. Ông bắt đầu nhiệm kỳ thủ tướng với rất ít kinh nghiệm về ngoại giao, nhưng đã cho thấy một tư duy nhanh nhạy ấn tượng trong lĩnh vực này. Ông đã thực hiện những bước tiến táo bạo và đưa ra tầm nhìn để nâng cao vị thế của Ấn Độ trên trường quốc tế.
Nhiều nhà phân tích cho rằng, các quốc gia láng giềng có tầm quan trọng chiến lược đối với Ấn Độ trong việc khẳng định vị thế trong khu vực và trên thế giới. Do đó, việc thúc đẩy mối quan hệ với các nước láng giềng Nam Á sẽ giúp Ấn Độ bảo đảm sự ổn định, an ninh và phát triển kinh tế, mở rộng cánh cửa ra bên ngoài, củng cố vai trò của mình, tham gia sắp xếp lại bàn cờ khu vực Nam Á. Chính sách “Láng giềng trước tiên” của ông N. Mô-đi được coi như một điểm sáng trong chính sách đối ngoại của Ấn Độ hiện nay.
Thứ ba, tích cực triển khai các hoạt động ngoại giao kinh tế. Ấn Độ đã áp dụng một số ý tưởng từ chính sách đối nội vào chính sách đối ngoại của nước này, đồng thời nhận thức được vai trò quan trọng của kinh tế trong việc hình thành một chính sách đối ngoại của quốc gia. Ba sáng kiến “Make in India - Sản xuất tại Ấn Độ”, “Digital India - Số hóa Ấn Độ” và “Skill India - Kỹ năng Ấn Độ” đã được đưa ra để kích thích sản xuất, phát triển kinh tế trong nước, qua đó nhấn mạnh ưu tiên của Ấn Độ trước tiên là hồi sinh nền kinh tế. Thông qua nhiều hiệp định song phương và đa phương được ký kết, Ấn Độ đã thể hiện năng lực ngoại giao của mình trong thúc đẩy mối quan hệ với các cường quốc và trong dàn xếp những phương thức hợp tác quốc tế trong bối cảnh một thế giới luôn luôn thay đổi.
Trên thực tế, Ấn Độ đang có những bước chuyển từ cách tiếp cận “không liên kết”(1) sang cách tiếp cận mang tính thực tiễn đương đại và toàn cầu hóa. Về bản chất, điều này có nghĩa là Ấn Độ - một nước sáng lập và lãnh đạo phong trào “không liên kết” - có thể trở nên “đa liên kết” hơn. Việc xây dựng quan hệ đối tác chặt chẽ với các cường quốc, nhằm theo đuổi nhiều lợi ích trong các bối cảnh khác nhau, không chỉ giúp Ấn Độ nâng tầm những ưu tiên cốt lõi, mà còn giữ được quyền tự chủ chiến lược, phù hợp với quan điểm về độc lập chính sách từ trước đến nay của nước này. Việc Ấn Độ chuyển sang hướng “đa liên kết” cho phép tiếp cận chủ động hơn và đây dường như là lựa chọn tốt hơn cho đất nước này.
Một Ấn Độ “đa liên kết” đang hướng nhiều hơn về những nền dân chủ có sự thay đổi chính trị lớn, như việc tái thành lập “tứ giác kim cương” (Ô-xtrây-li-a, Ấn Độ, Nhật Bản, Mỹ). Tuy nhiên, sự kiên quyết của Ấn Độ trong giữ vững lập trường được thể hiện bởi việc từ chối tham gia các lệnh trừng phạt tài chính của Mỹ áp dụng đối với Nga do liên quan đến cuộc khủng hoảng U-crai-na năm 2014.
Không thể phủ nhận, chính sách đối ngoại của Ấn Độ dưới thời Thủ tướng N. Mô-đi đã mang lại sự năng động và truyền động lực cho những hoạt động ngoại giao. Chính sách ngoại giao của Ấn Độ cũng cho thấy, thể chế hoá và quá trình hoạch định chính sách nhiều bên là điều kiện cần thiết đối với một nền ngoại giao hiệu quả và dài hạn.
Tuy bước đầu đạt được những thành công trong việc điều chỉnh chính sách đối ngoại sau 5 năm triển khai, nhưng Ấn Độ cũng gặp không ít thách thức cả trong và ngoài nước. Ở trong nước, Chính phủ của Thủ tướng N. Mô-đi còn phải đương đầu với phe đối lập. Ở ngoài nước, thi hành chính sách ngoại giao với các nước lớn (Trung Quốc, Mỹ, Nga), và giải quyết các xung đột và căng thẳng tại vùng biên giới với Pa-ki-xtan, Trung Quốc là những vấn đề đang đặt ra hiện nay đối với chính sách đối ngoại của Thủ tướng N. Mô-đi. Tuy nhiên, với tài lãnh đạo của mình, Thủ tướng Ấn Độ N. Mô-đi được cho là sẽ giải quyết những vấn đề này một cách ổn thỏa và sẽ tiếp tục điều chỉnh chính sách đối ngoại để gia tăng vị thế của Ấn Độ với tư cách là một nước lớn trong thời gian tới.
“Chính sách hướng Đông” với mục tiêu tăng cường quan hệ với các nước Đông Nam Á, sau đó dần mở rộng ra khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đưa Ấn Độ trở thành một cường quốc kinh tế và quân sự, không chỉ ở khu vực châu Á mà còn trên phạm vi toàn cầu. Tuy nhiên, “Chính sách hướng Đông” chưa giúp Ấn Độ đạt được những mục tiêu đặt ra và dường như Ấn Độ vẫn chỉ là “người quan sát” trong các vấn đề của khu vực Đông Nam Á. Do đó, Thủ tướng đương nhiệm của Ấn Độ đã thực hiện một bước chuyển hết sức quan trọng trong chính sách đối ngoạị, quyết định đẩy nhanh “Chính sách hướng Đông” lên tầm cao mới. Ngày 5-10-2014, Chính phủ Liên minh Dân chủ quốc gia (NDA) do Thủ tướng N. Mô-đi đứng đầu đã quyết định chuyển từ “Chính sách hướng Đông” (Look East) sang “Hành động phía Đông” (Act East). Cụm từ “hành động” trong chính sách thể hiện sự quan tâm của Ấn Độ trong xúc tiến các chương trình kinh tế với các nước Đông Nam Á và thu hút đầu tư, đặc biệt là trong lĩnh vực kết cấu hạ tầng, cũng như thúc đẩy kết nối các điểm thương mại trong khu vực.
Một số nhà phân tích cho rằng, chính sách đối ngoại của Ấn Độ cần phải linh hoạt hơn nữa với các nước lớn và giải quyết các xung đột, căng thẳng tại vùng biên giới với Pa-ki-xtan, Trung Quốc. Tính đến thời điểm hiện tại, chính sách ngoại giao của Ấn Độ vẫn chưa cho thấy nhiều hiệu quả. Tuy nhiên, những người ủng hộ cho rằng, sự thay đổi định hướng chính sách ngoại giao cần thời gian để chứng minh tính hiệu quả, trong khi những chính sách này mới được triển khai trong vòng 5 năm gần đây. Dư luận hy vọng, Ấn Độ sẽ giải quyết những vấn đề này một cách ổn thỏa, và sẽ tiếp tục điều chỉnh chính sách đối ngoại để gia tăng vị thế của Ấn Độ với tư cách là một nước lớn trong thời gian tới./.
----------------------------------------------------------
(1) Từ “Không liên kết”(nonaligned) được sử dụng lần đầu tiên bởi Thủ tướng Ấn Độ Nê-ru trong bài phát biểu của ông ở Hội nghị Cô-lôm-bô (Xri Lan-ca) vào năm 1954 khi ông miêu tả năm nguyên tắc cho quan hệ Trung Quốc - Ấn Độ. Khái niệm “không liên kết” được dùng để miêu tả chính sách đối ngoại của các quốc gia từ chối không liên kết với hay chống lại bất kỳ khối chính trị nào trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh và theo đuổi đường lối độc lập trong chính trị quốc tế. Không liên kết cũng có thể được định nghĩa là không tham gia liên minh quân sự với bất kỳ quốc gia nào trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Chính sách không liên kết vì vậy được cho là giúp các quốc gia không bị vướng vào cuộc xung đột giữa hai khối Xô - Mỹ trong Chiến tranh Lạnh
Gia Lai xây dựng “Làng nông thôn mới”  (15/05/2019)
Thủ tướng tiếp Đại sứ Vương quốc Nauy, Chủ tịch Phòng Kinh tế Áo và Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Romania  (15/05/2019)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên