Giải pháp phát huy chuỗi logistics cảng biển trên nền tảng hệ sinh thái cảng biển - vận tải biển - dịch vụ ở Thành phố Hồ Chí Minh
TCCS - Thành phố Hồ Chí Minh là đầu tàu kinh tế, là cửa ngõ quan trọng trong sự phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế của cả nước. Do đó, phát huy giá trị chuỗi logistics cảng biển trên nền tảng hệ sinh thái cảng biển - vận tải biển - dịch vụ hàng hải cần nhiều giải pháp để đưa Thành phố Hồ Chí Minh trở thành trung tâm logistics mang tầm vóc quốc tế.
Một số quan niệm chung về chuỗi logistics cảng biển
Điều 233 Luật Thương mại năm 2005 quy định rõ: “Dịch vụ logistics là hoạt động thương mại, theo đó thương nhân tổ chức thực hiện một hoặc nhiều công việc bao gồm nhận hàng, vận chuyển, lưu kho, lưu bãi, làm thủ tục hải quan, các thủ tục giấy tờ khác, tư vấn khách hàng, đóng gói bao bì, ghi ký mã hiệu, giao hàng hoặc các dịch vụ khác có liên quan đến hàng hóa theo thoả thuận với khách hàng để hưởng thù lao”(1). Hiện nay, quan niệm về “logistics tích hợp” (Integrated Logistics) đã thay thế cho khái niệm logistics truyền thống. Theo đó, logistics tích hợp là quá trình tích hợp các bước, chuỗi dịch vụ nhằm tối ưu hóa nỗ lực quản trị tổng thể. Trong bối cảnh thương mại quốc tế ngày càng mở rộng, logistics cảng biển tập trung xây dựng chuỗi dịch vụ gắn với hệ sinh thái cảng biển - vận tải biển - dịch vụ hàng hải gắn kết các cảng biển, cảng cạn, kho bãi vệ tinh, trung tâm phân phối và hệ sinh thái số.
Theo đó, hoạt động của chuỗi logistics tích hợp trên nền tảng hệ sinh thái cảng biển - vận tải biển - dịch vụ hàng hải bao gồm: Thứ nhất, hoạt động tại cảng biển được chia thành 6 hệ thống thứ cấp cùng hệ thống thông tin của cảng hình thành quy trình logistics cảng gồm: Hệ thống hỗ trợ hành trình của tàu; hệ thống hỗ trợ tàu vào cảng; hệ thống xếp dỡ; hệ thống phục vụ hàng quá cảnh; hệ thống lưu kho bãi; hệ thống liên kết vận tải nội địa. Thứ hai, hoạt động tại các cơ sở cảng cạn gồm việc nhận và gửi hàng hóa được vận chuyển bằng container; đóng hàng hóa, dỡ ra khỏi container; tập kết container để vận chuyển đến cảng biển và nơi khác; kiểm tra, hoàn tất thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu; gom, chia hàng hóa lẻ; tạm chứa hàng hóa xuất, nhập khẩu và container của các chủ hàng; là nơi sửa chữa và bảo dưỡng container. Thứ ba, hoạt động của các trung tâm logistics gồm các cơ sở gắn với chức năng cụ thể, như trung tâm hậu cần, trung tâm phân phối hậu cần, trạm vận chuyển hàng hóa, trung tâm phân phối hàng hóa, trung tâm phân phối vận tải hàng hóa, trung tâm hậu cần, cụm hậu cần, công viên hậu cần, nút hậu cần, khu hậu cần, trung tâm vận chuyển hàng hóa, công viên phân phối, kho trung tâm…
Thực trạng chuỗi logistics cảng biển trên nền tảng hệ sinh thái cảng biển - vận tải biển - dịch vụ hàng hải ở Thành phố Hồ Chí Minh
Trong 5 năm gần đây, hoạt động logistics Việt Nam có nhiều khởi sắc. “Năm 2023, WorldBank xếp Việt Nam đứng thứ 43 trong bảng xếp hạng chỉ số hiệu quả logistics (LPI), chỉ đứng sau Singapore, Malaysia, Thái Lan và cùng vị trí với Philippines trong ASEAN”(2); lọt vào top 10/50 thị trường Logistics mới nổi theo Chỉ số xếp hạng Emerging Markets Index 2023; xếp hạng 4 thế giới về cơ hội logistics quốc tế (International Logistics Opportunities); đứng thứ 16 về chỉ tiêu cơ hội logistics trong nước (Domestic logistics opportunities); đứng thứ 19 về Chỉ tiêu nguyên tắc kinh doanh (Business Fundametals); đứng thứ 16 về chỉ số kỹ thuật số (Digital Readiness) và được đánh giá là thị trường có tiềm năng phát triển logistics hàng đầu ASEAN(3).
Với vai trò trung tâm của vùng kinh tế trọng điểm phía nam nói riêng và cả nước nói chung, Thành phố Hồ Chí Minh là nơi sản xuất và tiêu dùng lượng lớn hàng hóa. Bên cạnh đó, Thành phố có lợi thế về vị trí địa lý khi nằm giữa các trục giao thông bắc - nam, đông - tây nên trở thành trung tâm lưu chuyển hàng hóa trong nước và xuất nhập khẩu cho các tỉnh phía nam. Với những thuận lợi đặc thù về thương mại và vận tải quốc tế, Thành phố Hồ Chí Minh đã và đang có vị thế lý tưởng để trở thành trung tâm logistics của khu vực phía nam và cả nước.
Là cửa ngõ giao lưu quốc tế, trong nhiều thập niên gần đây, Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương có tốc độ tăng trưởng nhanh với tỷ trọng dịch vụ cao trong cơ cấu GRDP. Có một số ngành của Thành phố chiếm tỷ trọng lớn, như vận tải kho bãi năm 2019 chiếm 80,4%; công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 26,6%; thương nghiệp, sửa chữa xe có động cơ chiếm 29,4% so với cả nước(4). Hiện nay, Thành phố dẫn đầu về chỉ số phát triển logistics, và hơn 70% số doanh nghiệp logistics của cả nước đang tập trung ở Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương lân cận trong Vùng kinh tế trọng điểm phía nam. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, mỗi năm dịch vụ logistics đạt mức tăng trưởng từ 14 - 16%. Hiện tại, “ngành logistics đang đóng góp khoảng 9% cho GRDP của Thành phố và đang trên đà phát triển. Dự báo, trong 10 năm tới, sự phát triển của ngành logistics sẽ giúp Thành phố trở thành trung tâm sản xuất hàng hóa, dịch vụ trọng yếu trong vùng và khu vực, có tiềm lực để đẩy mạnh xuất khẩu, phát triển nền kinh tế thương mại trên quy mô lớn”(5).
Tuy nhiên, hạ tầng logistics của Thành phố Hồ Chí Minh đang trở thành một điểm nghẽn, giao thương hàng hóa hai chiều chưa tương xứng với tiềm năng(6). Thành phố Hồ Chí Minh cũng nhìn nhận có 2 điểm nghẽn lớn đang cản trở sự phát triển logistics, đó là hạ tầng logistics và phát triển nguồn nhân lực. Trong đó, về hạ tầng giao thông, hệ thống đường giao thông chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của Thành phố, đặc biệt là các tuyến đường vành đai kết nối Thành phố với các tỉnh đông - tây nam bộ triển khai còn chậm. Do đó, giao thương hàng hóa 2 chiều giữa Thành phố với các tỉnh còn chưa tương xứng với tiềm năng. Về phát triển nguồn nhân lực, sự liên kết giữa hệ thống các trường đào tạo với các doanh nghiệp logistics chưa chặt chẽ, thiếu sự tương tác, kết nối để nắm bắt nhu cầu từ đào tạo đến đầu ra; mặt khác, chất lượng nguồn nhân lực logistics cũng chưa tương xứng với tiềm năng phát triển của Thành phố.
Thấy được những bất cập trên, trong những năm gần đây, Thành phố Hồ Chí Minh đã hết sức chú trọng đầu tư, phát triển hạ tầng logistics, đặc biệt là hệ sinh thái logistics cảng biển, bao gồm:
Thứ nhất, hệ thống cảng biển tại Thành phố Hồ Chí Minh
Hiện nay, cả nước có 5 nhóm cảng biển, trong đó hàng hóa qua cảng biển số 4 và số 5 thuộc địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh chiếm đến 461 - 540/1.322 triệu tấn, tức là chiếm 35 - 41%(7) lượng hàng hóa thông qua cảng biển của cả nước. Thành phố Hồ Chí Minh đang đầu tư cảng Cần Giờ với mục tiêu trở thành cảng trung chuyển quốc tế. Hệ thống cảng biển của Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay gồm có 10 cảng, bao gồm: Tân cảng Sài Gòn; cảng Sài Gòn; cảng Tân Thuận Đông; cảng Bến Nghé; cảng container quốc tế Việt Nam; cảng rau quả; cảng Lotus; cảng xăng dầu nhà Bè; cảng container trung tâm Sài Gòn; cảng Sài Gòn - Hiệp Phước. Tuy nhiên, hệ thống cảng biển tại Thành phố Hồ Chí Minh dù nhiều nhưng nhỏ lẻ, thiếu tập trung và sự liên kết; luồng vào và độ sâu bến thường hẹp, nông nên hạn chế tàu có trọng tải lớn vào hoạt động.
Thứ hai, hệ thống cảng cạn (ICD) tại Thành phố Hồ Chí Minh đóng vai trò quan trọng trong phát triển logistics tích hợp, là nơi trung chuyển hàng hóa đến các cảng biển. Trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh có 8 cảng cạn (ICD) đang hoạt động, gồm: ICD Transimex; ICD Tân Cảng Sóng Thần; ICD Tracomexco - Phước Long 3, ICD Sotrans, ICD Tây Nam - Tanamexco, ICD Phúc Long; ICD Phước Long 1; Depost Tân cảng - Mỹ Thủy. Trong hệ thống này, cụm ICD Trường Thọ nằm ở cửa ngõ phía đông Thành phố, là mắt xích đặc biệt quan trọng trong hệ thống hạ tầng trung chuyển hàng hóa tại Vùng Kinh tế trọng điểm phía nam, hậu phương cho các cảng biển tại Thành phố Hồ Chí Minh và Vũng Tàu. Theo Quyết định số 1201/QĐ-BGTVT, ngày 11-6-2018, của Bộ Giao thông Vận tải, về “Phê duyệt Quy hoạch chi tiết phát triển hệ thống cảng cạn Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ có 7 ICD trên địa bàn, gồm 5 ICD ở khu vực kinh tế Đông Bắc thành phố Hồ Chí Minh, 2 ICD ở khu vực kinh tế phía tây nam Thành phố Hồ Chí Minh, nhằm 2 mục tiêu thay thế cho cụm ICD Trường Thọ sau khi di dời, đồng thời đáp ứng nhu cầu luân chuyển hàng hóa đi qua khu vực Thành phố Hồ Chí Minh ngày càng tăng.
Thứ ba, các trung tâm logistics của Thành phố Hồ Chí Minh được coi là yếu tố quan trọng trong hệ thống kết cấu hạ tầng logistics, được xây dựng nhằm thực hiện các chức năng cơ bản, như lưu kho bãi, xếp dỡ hàng, gom hàng, chia nhỏ hàng, phối hợp phân chia hàng, lưu giữ hàng tối ưu, tạo ra giá trị gia tăng, chuyển tải và logistics ngược. Hiện nay, Thành phố có các trung tâm lớn gồn: Trung tâm logistics cảng Cát Lái; Khu trung tâm khai thác cảng, dịch vụ biển và logistics, ICD Tân Cảng - Long Bình; Trung tâm logistics công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh; Green Linh Trung center; Trung tâm Củ Chi; Trung tâm cụm cảng Hiệp Phước; Trung tâm logistics BW Tân Hiệp.
Từ những phân tích trên, có thể thấy, chuỗi logistics tích hợp cảng biển Thành phố Hồ Chí Minh có một số điểm mạnh, điểm yếu cùng các cơ hội, thách thức phát triển sau: Trước hết, logistics cảng biển tại thành phố Hồ Chí Minh có nhiều điểm mạnh, như vị trí địa lý đắc địa, là cửa ngõ giao thương để phát triển hệ sinh thái cảng biển - vận tải biển - dịch vụ hàng hải và kết nối với thị trường bên ngoài. Từ đó có đóng góp to lớn cho phát triển kinh tế Thành phố và vùng kinh tế trọng điểm phía nam. Nơi đây cũng có kết cấu hạ tầng phát triển gồm cảng biển vận tải và kho bãi, hệ thống trung tâm logistics khá phong phú.
Tuy nhiên, chi phí cho chuỗi logistics cảng biển tại Thành phố Hồ Chí Minh khá cao, do việc đầu tư vào kết cấu hạ tầng vận tải, kho bãi và các chi phí phát sinh; hạ tầng kém; thủ tục hành chính, hải quan phức tạp; cạnh tranh khốc liệt. Bên cạnh đó, việc phát triển chuỗi logistics cảng biển Thành phố Hồ Chí Minh gặp phải thách thức do thiếu nhân lực có chất lương, việc đào tạo nhân lực logistics còn có nhiều bất cập; thiếu chi phí đầu tư công nghệ; sự phức tạp trong quản lý chuỗi cung ứng; sự cạnh tranh gay gắt đòi hỏi những nỗ lực rất lớn với những kì vọng ngày càng cao. Mặc dù vậy, cơ hội phát triển logistics tích hợp trên nần tảng hệ sinh thái cảng biển - vận tải biển - dịch vụ hàng hải tại Thành phố Hồ Chí Minh là rất lớn nhờ vào các yếu tố: Sự phục hồi sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển do nhu cầu xuất nhập khẩu cải thiện; sự cải thiện hạ tầng; áp dụng công nghệ tiên tiến và quy trình đổi mới sáng tạo trong quản lý và vận hành hệ thống logistics; sự phát triển của thương mại điện tử; sự gia tăng của chuỗi cung ứng toàn cầu; nhu cầu về dịch vụ logistics chuyên nghiệp tăng nhanh.
Giải pháp phát huy giá trị chuỗi logistics cảng biển tại Thành phố Hồ Chí Minh
Với vị trí quan trọng đặc biệt, các cơ sở logistics trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giúp vận chuyển toàn bộ hàng hóa lưu thông giữa các tỉnh qua địa bàn này và kết nối với thị trường quốc tế, trong đó đẩy mạnh phát triển logistics cảng biển phải được coi trọng hàng đầu.
Để phát triển logistics tương xứng với tiềm năng, lợi thế, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ban hành Kế hoạch số 5276/KH-UBND, ngày 9-9-2024, về triển khai thực hiện nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu về tăng cường đầu tư phát triển hạ tầng logistics, nâng công suất bốc dỡ, kho chứa cảng biển; đón đầu các chuỗi cung ứng, hình thành trung tâm cung ứng dịch vụ logistics tầm cỡ khu vực. Theo đó, Thành phố sẽ tập trung chuyển đổi, áp dụng logistics xanh trong chuỗi cung ứng giúp vận chuyển hàng hóa hiệu quả mà vẫn giảm thiểu khí thải, ô nhiễm, thân thiện môi trường, xem đây là một trong những điều kiện tiên quyết để phát triển, hội nhập, giúp các doanh nghiệp gia tăng khả năng cạnh tranh và tăng trưởng bền vững. Đồng thời, ưu tiên triển khai các dự án ứng dụng thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, công nghệ kỹ thuật cao, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh, sử dụng năng lượng tái tạo và áp dụng các biện pháp bảo vệ môi trường. Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước và dịch vụ công, phát triển hạ tầng kỹ thuật số phải được thực hiện để tạo điều kiện cho kết nối và trao đổi thông tin nhanh chóng và hiệu quả, góp phần vào quá trình chuyển đổi số của Thành phố Hồ Chí Minh.
Mục tiêu của Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030, phát triển logistics trở thành một ngành có vị trí, vai trò quan trọng trong nền kinh tế Thành phố trên cơ sở tận dụng tối đa các cơ hội đón đầu các chuỗi cung ứng toàn cầu; thúc đẩy hình thành các chuỗi cung ứng xanh, hiện đại và từng bước tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, đáp ứng nhu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, phát triển mạng lưới kết nối. Phấn đấu đưa Thành phố trở thành trung tâm cung ứng dịch vụ logistics tầm cỡ khu vực Đông Nam Á, trong đó tập trung đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng logistics và cảng biển đồng bộ, hiện đại, tăng cường kết nối các trung tâm kinh tế, công nghiệp, thương mại dịch vụ, phân phối của Vùng Đông Nam Bộ và Vùng kinh tế trọng điểm phía nam.
Tầm nhìn đến năm 2045, Thành phố phấn đấu phát triển logistics trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, bền vững, hiệu quả, chất lượng và có giá trị gia tăng cao, có khả năng cạnh tranh trong khu vực và thế giới, phát huy lợi thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu trên cơ sở chủ động xây dựng, phát triển các chuỗi cung ứng theo hướng bền vững, tích hợp, tối ưu hóa và quản lý hiệu quả để nâng cao khả năng linh hoạt, nhanh chóng thích ứng với sự biến đổi của thị trường. Phấn đấu xây dựng Thành phố trở thành trung tâm cung ứng dịch vụ logistics tầm cỡ khu vực châu Á và thế giới.
Về mục tiêu cụ thể, đến năm 2030, tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ logistics vào GRDP trên 8,5%; tốc độ tăng trưởng doanh thu dịch vụ logistics của doanh nghiệp Thành phố từ 15 - 20%/năm; tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics đạt trên 60%; góp phần kéo giảm tỷ lệ chi phí logistics cả nước so với GDP quốc gia khoảng 12 - 15%, xếp hạng theo chỉ số LPI trên thế giới đạt thứ hạng 45 trở lên. Phấn đấu đến năm 2045, tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ logistics vào GRDP trên 12%, tăng trưởng doanh thu dịch vụ logistics của doanh nghiệp từ 10 - 12%/năm; tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics trên 70%; góp phần kéo giảm tỷ lệ chi phí logistics cả nước so với GDP quốc gia khoảng 10 - 12%, xếp hạng theo chỉ số LPI trên thế giới đạt thứ hạng 30 trở lên.
Trong những năm tới, Thành phố Hồ Chí Minh chú ý một số vấn đề sau: (i) Phát triển kết cấu hạ tầng nói chung, kết cấu hạ tầng cảng biển, cảng cạn, trung tâm logistics, phát triển đội tàu biển nói riêng; (ii) Tích cực và đi đầu trong chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, số hóa trong phát triển logistics, đặc biệt là logictisc cảng biển; (iii) Chú trọng phát triển nguồn nhân lực, tập trung vào vấn đề đào tạo nguồn nhân lực logistics; (iv) Phát triển, đổi mới, cập nhật hành lang pháp lý, cơ chế chính sách. Mặt khác, thành phố cũng cần thúc đẩy quá trình nâng cấp cung cấp dịch vụ logistics lên 3PL và 4PL; phát triển logistics điện tử (E-logistics) và quản trị chuỗi cung ứng hiệu quả trong đó cần chú trọng chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp đã, đang tham gia vào mô hình chiến lược 3PL đặc thù, như Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn, Transimex, ITL, Gemadept, Vinalink, Vinafco, VOSA...
Bên cạnh đó Thành phố cần tạo sự kết nối đồng bộ chuỗi logistics cảng biển nhằm bảo đảm tốc độ, nhu cầu vận chuyển, xuất/nhập khẩu hàng hóa phục vụ cho thương mại và phát triển cung ứng, góp phần thúc đẩy nền kinh tế phát triển và hội nhập quốc tế hiệu quả, an toàn./.
----------------------------
(1) Điều 233, Mục 4, Chương VI, Luật Thương mại Việt Nam, 2005
(2) Báo cáo Logistics Việt Nam năm 2023, mục 1.2.1. Chỉ số LPI 2023, tr. 29
(3) Xem: Báo cáo Logistics Việt Nam 2023, mục 1.2. Logistics thế giới năm 2023 và một số mô hình quốc gia phát triển, tr. 31
(4) Cục Thống kê Thành phố Hồ Chí Minh, năm 2019
(5) V. Lê: TP Hồ Chí Minh đẩy mạnh phát triển logistics, Báo điện tử Đảng Cộng sản, ngày 7-10-2024, https://tphcm.dangcongsan.vn/tin-tuc/tp-ho-chi-minh-day-manh-phat-trien-logistics-603756.html
(6) Hồng Lực: TP. Hồ Chí Minh: Giải quyết 2 điểm nghẽn trong ngành Logistics, Tạp chí Công Thương điện tử, ngày 2-10-2022, https://tapchicongthuong.vn/tp--ho-chi-minh--giai-quyet-2-diem-nghen-trong-nganh-logistics-99369.htm
(7) Báo cáo Năng lực cảng biển Việt Nam, Viện nghiên cứu và phát triển Logistics Việt Nam, 2022
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh  (05/10/2024)
Để dịch vụ logistics vùng Đông Nam Bộ phát triển nhanh, bền vững trong bối cảnh mới  (03/10/2024)
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
- Phát huy hệ giá trị con người Việt Nam, hoàn thiện chuẩn mực đội ngũ cán bộ ngành ngoại giao trong thời kỳ mới
- Xây dựng, hoàn thiện tổ chức bộ máy hệ thống chính trị Việt Nam “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả” theo chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Pháp: Nền tảng góp phần phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Pháp
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng "Điện Biên Phủ trên không" năm 1972 - biểu hiện sinh động về vấn đề “bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa”