Huyện Hải Hà chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp góp phần nâng cao giá trị sản phẩm
TCCS - Những năm qua, để nâng cao giá trị các sản phẩm nông nghiệp và đời sống của người nông dân, huyện Hải Hà thực hiện nhiều giải pháp nhằm chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa. Nhờ đó, sản xuất nông nghiệp của huyện Hải Hà có bước chuyển biến tích cực, tạo cơ sở cho việc định hướng phát triển kinh tế - xã hội và chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
Trong những năm qua, huyện Hải Hà đã vận dụng các cơ chế, chính sách của Trung ương, tỉnh, huyện để đầu tư cho phát triển nông, lâm nghiệp - thủy sản theo hướng sản xuất hàng hóa; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, gắn kết sản xuất với tiêu thụ và thị trường, qua đó góp phần nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp. Trên cơ sở điều kiện tự nhiên, tập quán canh tác, thế mạnh của từng xã, Hải Hà xác định 10 sản phẩm nông, lâm, thủy sản thế mạnh cần tập trung đầu tư thúc đẩy phát triển, gồm: Chè, rau các loại, thịt gà và trứng gà, thịt lợn, tôm thẻ chân trắng, nhuyễn thể, cá lồng bè, gỗ, chè hoa vàng, quế. Trên cơ sở này, huyện đã xây dựng và thực hiện các tiểu dự án đối với từng sản phẩm, trong đó, xác định rõ nội dung cần đầu tư, lộ trình triển khai, kinh phí thực hiện.
Huyện Hải Hà đã thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội và lợi thế của từng địa phương, trong đó chủ động quy hoạch các vùng sản xuất tập trung trên cả 3 lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Đến nay, toàn huyện hình thành 17 vùng sản xuất nông, lâm, thủy sản tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa theo chuỗi...; đồng thời, đẩy mạnh chuyển giao ứng dụng các tiến bộ khoa học - công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, từng bước góp phần làm thay đổi tư duy và phương pháp tổ chức sản xuất của người nông dân; hình thành và phát triển các trang trại, vùng sản xuất hàng hóa gắn với thị trường tiêu thụ…
Đối với lĩnh vực trồng trọt, huyện quy hoạch 7 vùng sản xuất hàng hóa tập trung bao gồm: Vùng trồng lúa thâm canh, vùng trồng ngô thâm canh, vùng trồng rau an toàn, vùng trồng mía tím, vùng trồng chè, vùng trồng cây ăn quả, vùng trồng cây dược liệu. Trong đó, cây chè Hải Hà được xác định là một trong 6 sản phẩm định hướng xây dựng sản phẩm OCOP cấp quốc gia của Quảng Ninh. Hiện toàn huyện có gần 770ha trồng chè. Để giữ gìn và phát triển thương hiệu của địa phương, từ năm 2016, huyện đã triển khai đề án tổng thể phát triển vùng chè tập trung chất lượng cao. Các mô hình đầu tư thâm canh diện tích chè kinh doanh theo quy trình sản xuất nông nghiệp tốt VietGAP cũng luôn được hỗ trợ. Cùng với đó là dành nguồn lực cho sửa chữa, cải tạo, nâng cấp nhà xưởng; chuyển giao quy trình kỹ thuật, công nghệ chế biến; khuyến khích trồng mới những giống chè, như Ngọc Thúy, Hương Bắc Sơn, Kim Tuyên... có năng suất, chất lượng cao, khả năng chống chịu tốt với sâu bệnh. Huyện tăng cường sự phối hợp giữa người trồng chè với doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và các cơ quan quản lý để tạo sản lượng và giá trị ổn định cho cây chè. Đối với các giống cây trồng khác, huyện đã đưa thêm nhiều mô hình sản xuất mới vào ứng dụng phát triển, hướng dẫn người dân, như phát triển các giống lúa mới RVT, Đài thơm 8, VNR20, VRN 95; ST25; phát triển các loại rau; cải tạo vườn tạp bằng việc trồng ghép giống na mới (na Đài Loan (Trung Quốc)) vào trồng tại địa phương...
Trong lĩnh vực chăn nuôi, huyện Hải Hà đã quy hoạch tổng thể và chi tiết các khu chăn nuôi tập trung ứng dụng công nghệ cao gắn với an toàn dịch bệnh trên địa bàn các xã, trong đó quy hoạch xây dựng khu chăn nuôi công nghệ cao tại 3 xã (Quảng Sơn, Quảng Thành, Quảng Chính). Đồng thời, khuyến khích, hỗ trợ phát triển chăn nuôi trang trại, gia trại hiệu quả cao, thân thiện với môi trường; quy hoạch các điểm giết mổ tập trung và có cơ chế, giải pháp phát huy hiệu quả hệ thống cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung theo quy hoạch.
Lĩnh vực thủy sản trên địa bàn huyện được quy hoạch 5 vùng nuôi trồng: Vùng nuôi tôm, vùng nuôi nhuyễn thể, vùng nuôi sá sùng, vùng nuôi lồng bè, vùng nuôi thủy sản nước ngọt. Cụ thể, huyện tập trung phát triển nuôi trồng tại bãi triều ở các xã Quảng Minh, Quảng Phong, thị trấn Quảng Hà và nuôi lồng bè, rào chắn ở xung quanh xã đảo Cái Chiên. Hiện nay, huyện đã hình thành, duy trì được gần 360ha nuôi tôm thẻ chân trắng, gần 650ha nuôi nhuyễn thể và khoảng 60.000m2 lồng bè trên biển. Ngành nông nghiệp cũng luôn đồng hành với người nông dân trong việc khuyến cáo, hướng dẫn triển khai thời vụ nuôi trồng, kiểm soát con giống, cải tạo ao đầm, khuyến khích đưa giống vật nuôi phù hợp, có hiệu quả kinh tế cao như cá song, ốc hương vào nuôi.
Đối với lĩnh vực lâm nghiệp, huyện quy hoạch 2 vùng sản xuất, gồm: Vùng trồng cây nguyên liệu gỗ quy mô hơn 11.000ha và vùng trồng cây lâm sản ngoài gỗ quy mô 595ha. Hiện nay, các mô hình kinh tế rừng trên địa bàn được chú trọng, gắn với mục tiêu tăng diện tích trồng rừng gỗ lớn là loài bản địa như lim, trám, giổi, lát hoa, thông. Huyện đang tập trung chỉ đạo các đơn vị chức năng, địa phương xây dựng và triển khai kế hoạch trồng rừng sản xuất, kinh doanh gỗ lớn và chuyển hoá rừng gỗ nhỏ sang gỗ lớn, phấn đấu đưa năng suất bình quân rừng trồng chuyển hoá từ gỗ nhỏ sang kinh doanh gỗ lớn đạt từ 12m3 trở lên/ha/năm; đưa tỷ lệ gỗ lớn từ 30% - 40% sản lượng khai thác hiện nay lên 50% - 60% các năm tiếp theo...
Trong thời gian tới, để phát triển nông nghiệp hàng hóa theo hướng bền vững, huyện tập trung thực hiện một số giải pháp, chú trọng đẩy mạnh cơ giới hóa, đồng bộ các khâu trong quá trình sản xuất; phát triển hệ thống thủy lợi tưới tiêu chủ động cho vùng cây màu, cây công nghiệp, cây ăn quả; tăng cường mối liên kết bốn nhà trong sản xuất nông nghiệp, đẩy mạnh phát triển các mô hình hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới, tiếp tục phát triển các tổ liên kết trong lĩnh vực nông nghiệp. Đồng thời, tăng cường xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu hàng nông sản thông qua các kênh thông tin truyền thông, triển lãm, các hội chợ nông sản…
Việc xác định rõ lợi thế tự nhiên, định vị được nhu cầu thị trường giúp huyện Hải Hà có định hướng, giải pháp rõ ràng, hiệu quả trong cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp. Đây là nền tảng vững chắc, thúc đẩy phát triển thế mạnh của địa phương, đóng góp vào sự phát triển chung trên địa bàn./.
Thị xã Đông Triều tích cực chuyển đổi số trong nông nghiệp  (02/10/2022)
Thành phố Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh): Triển vọng phát triển ngành năng lượng tái tạo  (28/09/2022)
Huyện Tiên Yên: Tích cực chuyển đổi phương thức sản xuất nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới  (28/09/2022)
Quảng Ninh ưu tiên phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ  (20/09/2022)
Thành phố Cẩm Phả nỗ lực xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh  (18/09/2022)
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay