Huyện Thanh Oai (thành phố Hà Nội): Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp
TCCS – Việc chú trọng phát triển nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao đem lại nhiều hiệu quả trong xây dựng nông thôn mới cho huyện Thanh Oai. Sản xuất nông nghiệp của huyện có nhiều chuyển biến cả về năng suất và chất lượng, giá trị thu nhập trên các đơn vị canh tác tăng cao qua từng năm, nhiều vùng sản xuất tập trung, mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát huy được tính hiệu quả, là tiền đề vững chắc trong xây dựng nông thôn mới nâng cao.
Tiền đề vững chắc
Ngày 30-3-2021, Thanh Oai đón nhận tin vui từ Quyết định số 488/QĐ-TTg, của Thủ tướng Chính phủ, về “Công nhận huyện Thanh Oai, thành phố Hà Nội đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020”. Đây là kết quả minh chứng cho sự kiên trì, nỗ lực và tinh thần đoàn kết, quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Thanh Oai trong công cuộc xây dựng nông thôn mới. Một trong những yếu tố then chốt dẫn tới thành công của huyện bắt đầu từ việc xác định nâng cao hiệu quả các mô hình sản xuất nông nghiệp gắn với sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Theo đó, Huyện ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân huyện chỉ đạo các xã, thị trấn đẩy mạnh việc phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa tập trung, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, sản xuất theo hướng hữu cơ, VietGap, từng bước ứng dụng công nghệ cao, sản xuất và tiêu thụ theo chuỗi liên kết. Từ bước đi này, địa bàn huyện hình thành nhiều vùng sản xuất tập trung, nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã đem lại hiệu quả kinh tế.
Được thành lập từ năm 2007, Hợp tác xã Hoàng Long là một trong những mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm mang lại nhiều hiệu quả của huyện Thanh Oai. Thực hiện toàn bộ các khâu từ sản xuất, chế biến, vận chuyển bằng quy trình khép kín, hiện đại, hợp tác xã Hoàng Long tạo ra chuỗi thực phẩm an toàn từ nơi sản xuất đến tay người tiêu dùng. Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, một mặt, Hoàng Long sử dụng thức ăn sinh học trong chăn nuôi, bảo đảm an toàn phòng, chống dịch bệnh; mặt khác bảo đảm quy trình chế biến thực phẩm an toàn, giết mổ gia súc theo công nghệ châu Âu, môi trường được xử lý bảo đảm theo quy định. Được đánh giá, công nhận sản phẩm OCOP 4 sao, hàng năm Hoàng Long sản xuất, tiêu thụ hàng nghìn tấn thịt lợn, các sản phẩm từ thịt lợn với giá trị thu nhập 90 tỷ đồng/năm, đem lại lợi nhuận 15 tỷ đồng/năm, giải quyết việc làm cho 30 công nhân với mức lương bình quân 7 triệu đồng/tháng. Năm 2020, hợp tác xã Hoàng Long có 9 sản phẩm được thành phố Hà Nội công nhận làm sản phẩm OCOP đạt 4 sao.
Ở quy mô lớn hơn, là một mô hình hợp tác xã nông nghiệp hoạt động hiệu quả, điển hình tiên tiến của Thanh Oai, mô hình Hợp tác xã nông nghiệp xã Tam Hưng có tổng số thành viên 2.579hộ. Tổng diện tích gieo cấy hàng năm của hợp tác xã là 1.602ha, trong đó diện tích cấy lúa hàng hóa chiếm trên 80% diện tích, đặc biệt có 250ha lúa nếp cái hoa vàng. Hợp tác xã đã thực hiện được 5 dịch vụ: Dịch vụ tưới tiêu bảo vệ đồng ruộng, bảo vệ thực vật; khuyến nông; giống vật tư nông nghiệp; dịch vụ làm đất và dịch vụ bao tiêu sản phẩm, đặc biệt dịch vụ tiêu thụ sản phẩm trong năm 2019 có lãi 735,6 triệu đồng. Năm 2015, hợp tác xã xây dựng thành công nhãn hiệu “Gạo thơm Bối Khê”, được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể. Hiện nay, toàn bộ sản phẩm gạo thơm Bối Khê được sản xuất với quy trình nghiêm ngặt theo tiêu chuẩn VietGAP. Sản phẩm tiêu thụ ổn định tại các cửa hàng tiện ích, kênh phân phối và một số nhà hàng trên địa bàn thành phố thông qua việc điều hành của hợp tác xã. Thực hiện tốt việc sản xuất theo chuỗi liên kết, sản phẩm Gạo thơm Bối Khê được Tổng hội Nông nghiệp Việt Nam bình chọn là 1 trong 150 sản phẩm đạt thương hiệu vàng, đứng trong tốp 50 sản phẩm tại 3 miền được bình chọn. Bên cạnh đó, Hợp tác xã nông nghiệp tại xã Tam Hưng thực hiện tốt việc tiêu thụ sản phẩm cho thành viên, được Liên Minh Hợp tác xã Thành phố công nhận là điển hình tiên tiến trong 3 năm (2017-2019). Năm 2020, Hợp tác xã nông nghiệp xã Tam Hưng nhận Bằng khen của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Uỷ ban nhân dân Thành phố Hà Nội(1).
Giải pháp thời gian tới
Để cơ cấu kinh tế tiếp tục duy trì và phát triển theo hướng tích cực, tạo cơ sở vững chắc cho xây dựng nông thôn mới nâng cao, Huyện Thanh Oai tiếp tục phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp sinh thái, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung chuyên canh theo quy hoạch vùng sản xuất, ứng dụng công nghệ cao, đẩy mạnh hình thành và phát triển chuỗi sản phẩm nông nghiệp. Theo đó, huyện Thanh Oai xác định rõ một số giải pháp cần tập trung để đẩy mạng ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp.
Thứ nhất, thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng tích tụ ruộng đất, sản xuất vùng chuyên canh tập trung, sản xuất theo hướng thực hành tốt VietGap, ứng dụng công nghệ cao và cơ giới hóa sản xuất đồng bộ, đẩy mạnh việc chuyển đổi cơ cấu cấy trồng vật nuôi theo quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất hiệu quả, bền vững.
Thứ hai, đánh giá hiệu quả việc chuyển đổi mô hình canh tác, trên cơ sở đó đề ra các giải pháp tổng thể, lâu dài và xây dựng các vùng chuyên canh hàng hóa chất lượng cao, có thương hiệu với những sản phẩm chủ lực của Thanh Oai, đáp ứng các khâu sản xuất, chế biến và tiêu thụ. Bên cạnh đó, huyện cũng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thuê đất, hợp tác phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, hình thành các dự án phát triển nông nghiệp có quy mô như: nông trại giáo dục, trạng trại nông nghiệp công nghệ cao gắn với du lịch nhà vườn, ẩm thực, homestay… quy mô tối thiểu từ 3 - 5ha trở lên. Công tác quy hoạch gọn vùng sản xuất một số giống lúa hàng hóa chủ lực có lợi thế cạnh tranh trên thị trường, có thương hiệu và chất lượng cao được huyện tiếp tục chú trọng, đồng thời đẩy mạnh phát triển chăn nuôi tập trung xa khu dân cư ở một số địa bàn xã có tiềm năng.
Thứ ba, huyện tiếp tục đầu tư, hoàn thiện hạ tầng kinh tế - xã hội phù hợp với tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn. Chú trọng đẩy mạnh quy hoạch và đầu tư hạ tầng vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, vùng sản xuất hàng hóa tập trung, huyện cũng tập trung phát triển các tổ hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, các mô hình sản xuất hiệu quả điển hình, mở rộng các mô hình liên kết sản xuất hàng hóa với quy mô lớn, xứng tầm.
Thứ tư, huyện tiếp tục nghiên cứu ban hành các chính sách về thuế, đất đai, thủ tục, theo hướng tạo điều kiện, khuyến khích nhằm thu hút các doanh nghiệp tăng cường đầu tư, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, chế biến ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp và phát triển nông nghiệp thông minh.
Thứ năm, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến quan điểm, chủ trương, giải pháp thực hiện phát triển nông nghiệp công nghệ cao tới mọi tầng lớp cán bộ, công chức viên chức, doanh nghiệp và nhân dân để từng bước thay đổi nhận thức, hành động, thói quen canh tác, cách bố trí nguồn lực và sự phối kết hợp đồng bộ trong triển khai thực hiện nhằm tạo ra sản phẩm nông nghiệp có giá trị gia tăng cao, góp phần tích cực trong việc nâng cao đời sống, thu nhập cho người nông dân và xây dựng nông thôn mới./.
------------------------
(1) Uỷ ban nhân dân huyện Thanh Oai: Báo cáo kết quả xây dựng nông thôn mới năm 2020 của huyện Thanh Oai, Thành phố Hà Nội, 2021.
Hà Nội phát triển nguồn nhân lực phục vụ chuyển đổi số  (29/08/2021)
Hà Nội đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền số  (29/08/2021)
Đan Phượng xây dựng nông thôn mới, hướng tới phát triển đô thị  (28/08/2021)
Thủ đô Hà Nội: Quyết tâm chống dịch phục vụ nhân dân  (26/08/2021)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Đoàn Tạp chí Cộng sản thăm, làm việc với Đảng Cộng sản Ấn Độ và Đảng Cộng sản Ấn Độ-Mác-xít
- Tổng Bí thư Tô Lâm thăm chính thức Malaysia
- Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên
- Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì Phiên họp lần thứ nhất Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên