Hà Nội cùng cả nước chủ động phòng, chống thiên tai trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19
TCCS - Để chủ động phòng, chống thiên tai năm 2021 trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến ngày càng phức tạp, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành Chỉ thị số 09/CT-UBND, ngày 5-4-2021, “Về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2021”; đề nghị các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị trên địa bàn nghiêm túc quán triệt, tiếp tục rà soát, hoàn thiện kế hoạch và tổ chức thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 42-CT/TƯ, ngày 24-3-2020, của Ban Bí thư Trung ương Đảng, “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai” trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19.
Chỉ đạo quyết liệt, sẵn sàng các phương án
Hiện nay, dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều địa phương đang phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Cả nước đang tập trung mọi nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch. Trong khi đó, theo quy luật và thực tiễn nhiều năm, khoảng thời gian từ nay đến cuối năm là cao điểm diễn ra bão, lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất… Do vậy, đặt ra yêu cầu phải bảo đảm điều hành thông suốt và thực hiện các tình huống sát thực tiễn để để chủ động ứng phó với thiên tai, giảm thiểu thiệt hại, bảo đảm an toàn phòng, chống dịch bệnh. Mỗi người dân cần tự trang bị cho bản thân những kiến thức, kỹ năng hữu ích là điều cần thiết, đặc biệt là người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là địa bàn thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai.
Hiện nay, công tác phòng, chống thiên tai (PCTT) sẽ càng khó khăn, áp lực và nhiều thách thức hơn trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Xác định rủi ro, thách thức kép, ngay từ đầu năm 2020, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT đã ban hành văn bản hướng đẫn các địa phương chủ động rà soát, chuẩn bị phương án ứng phó với thiên tai trong bối cảnh dịch bệnh. Để sẵn sàng cho công tác PCTT năm 2021, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT đã ban hành văn bản số 76/TWPCTT, ngày 30-6-2021, gửi chủ tịch ủy ban nhân dân (UBND) các tỉnh, thành phố chỉ đạo triển khai kết luận của Phó Thủ tướng, Trưởng ban tại Hội nghị trực tuyến về công tác PCTT và tìm kiếm cứu nạn (TKCN) năm 2021 và văn bản số 60/TWPCTT, ngày 11-5-2021, gửi Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các tỉnh, thành phố. Trong đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và TKCN yêu cầu các địa phương phải chủ động chuẩn bị kịch bản ứng phó cho tình huống này. Các địa phương giữ vai trò đặc biệt quan trọng, quyết định trong tổ chức PCTT và TKCN; tiếp tục phát huy tối đa phương châm “4 tại chỗ”, ứng phó kịp thời, hiệu quả, đặc biệt là xây dựng kịch bản ứng phó trong tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo đã tổ chức các hội nghị tập huấn trực tuyến toàn quốc đến cấp xã, hướng dẫn xây dựng kế hoạch, phương án PCTT trong bối cảnh COVID-19 với trên 1.200 điểm cầu tham dự. Tổng cục PCTT - Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo đang đôn đốc các địa phương hoàn thành phương án ứng phó với thiên tai trong điều kiện dịch bệnh; tổ chức thường trực 24/24 giờ để sẵn sàng tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ khi có tình huống thiên tai lớn xảy ra.
Để chủ động ứng phó với tình huống “thảm họa kép” thiên tai và dịch bệnh, Tổng cục PCTT đã xây dựng các tài liệu hướng dẫn địa phương xây dựng kế hoạch, phương án ứng phó thiên tai, trong đó đặc biệt là cuốn tài liệu “Sổ tay hướng dẫn PCTT trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19”. Cuốn sổ tay lồng ghép những thông điệp 5K trong phòng, chống dịch của Bộ Y tế, kết hợp đưa ra các kịch bản, kế hoạch, phương án ứng phó thiên tai cụ thể, phù hợp với đặc điểm của mỗi vùng, miền. Qua đó bảo đảm các cấp chính quyền và người dân đều nắm được các hướng dẫn, kỹ năng an toàn trước thiên tai, dịch bệnh. Ngoài ra, Tổng cục PCTT cũng chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng các tài liệu, ấn phẩm truyền thông đặc sắc như Infographic, sản phẩm truyền hình, truyền thanh… để tăng cường phổ biến tại các địa phương, từ đó, giúp nhiều người dân dễ dàng tiếp cận, góp phần củng cố thành trì PCTT, dịch bệnh trong các cộng đồng.
Chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch, bảo đảm an toàn trong phòng, chống thiên tai trong bối cảnh dịch bệnh
Từ đầu năm 2021 đến nay, cả nước đã xảy ra 53 trận động đất nhẹ, 105 trận mưa đá, giông lốc, 5 đợt không khí lạnh, gió mùa đông, 11 trận mưa lớn, lũ cục bộ, trong đó 2 trận lũ ống, lũ quét và 21 vụ sạt lở bờ sông. Tính đến hết tháng 5 - 2021, thiên tai đã làm 21 người chết, 29 người bị thương, trên 4.300 nhà bị sập đổ, hư hỏng; gây thiệt hại trên 32.000 ha lúa, hoa màu; 6.583m đường giao thông sạt lở; 15.945 m3 đất đá, bê tông. Ước tính giá trị thiệt hại về kinh tế khoảng 119 tỷ đồng. Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, các tháng còn lại của năm 2021 khả năng xuất hiện khoảng 12 đến 14 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực Biển Đông và trong đó 5 đến 7 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta. Lũ trên các sông Bắc bộ, Bắc Trung bộ, Tây Nguyên phổ biến ở mức báo động 1 đến báo động 2 và trên báo động 2. Các sông ở Yên Bái, Ninh Bình, từ Quảng Bình đến Bình Thuận ở mức báo động 2 đến báo động 3, có sông trên báo động 3. Lũ đầu nguồn sông Cửu Long ở mức báo động 1 đến báo động 2. Lũ lớn, lũ quét và sạt lở đất trên các sông suối nhỏ, vùng thượng lưu các sông; ngập úng tại các thành phố và các khu đô thị. Xu thế biến đổi khí hậu diễn ra nhanh và phức tạp, nguy cơ xảy ra thiên tai ngày càng gia tăng, bất thường, gây thiệt hại ngày càng nghiêm trọng tới sản xuất, kinh doanh và tính mạng của người dân, đặt ra yêu cầu phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai trong thời gian tới cần được quan tâm toàn diện hơn, nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương.
Nhằm bảo đảm an toàn trong phòng, chống thiên tai trong bối cảnh dịch bệnh, Ban Chỉ đạo phòng, chống COVID-19, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các địa phương khuyến cáo người dân cần thường xuyên theo dõi tình hình thiên tai và dịch bệnh trong khu vực (thông báo về các điểm tránh trú an toàn, chủ động khai báo y tế, cách ly tại nhà); chuẩn bị vật dụng cần thiết phòng trường hợp phải sơ tán khi có thiên tai (khẩu trang, đồ ăn, nước sát khuẩn...). Trước thiên tai cần lưu ý công tác giảm nhẹ rủi ro thiên tai và chuẩn bị ứng phó kịp thời như chuẩn bị phương án ứng phó 4 tại chỗ (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ và hậu cầu tại chỗ) kết hợp với việc thực hiện 5K của Bộ Y tế (Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tụ tập - Khai báo y tế) và chiến lược về vắc-xin phòng COVID-19. Trong trường hợp phải đi sơ tán do thiên tai, người dân cần lưu các số điện thoại quan trọng như số điện thoại của UBND xã, y tế, cứu hộ địa phương để liên lạc trong trường hợp cần hỗ trợ khẩn cấp. Để bảo đảm sơ tán an toàn, người dân tuân thủ theo sự hướng dẫn của chính quyền và những người có trách nhiệm. Khi đi sơ tán trong bối cảnh thiên tai và dịch bệnh COVID-19, người dân cần chủ động cài đặt ứng dụng Bluezone để cập nhật tin tức và kiểm tra tình trạng người tiếp xúc với mình. Sau khi đến nơi sơ tán, nếu có biểu hiện sốt, ho, mất vị giác, mệt mỏi, người dân cần báo ngay cho cán bộ hướng dẫn, quản lý và lưu ý không dùng chung đồ ăn thức uống, đồ dùng với người lạ, thường xuyên phải rửa tay bằng xà phòng, hoặc sử dụng dung dịch sát khuẩn cồn trên 60 độ. Đặc biệt, tại nơi sơ tán, người dân tránh tụ tập với người ngoài gia đình. Trong trường hợp người dân đã tiêm vắc-xin nhưng vẫn phải tuân thủ quy định 5K của Bộ Y tế, hạn chế tối đa chạm vào các bề mặt chung, chỉ rời khỏi nơi sơ tán khi được phép. Đặc biệt lưu ý đối với những gia đình có trẻ nhỏ, khi đi sơ tán cần bảo đảm trẻ em luôn có người lớn đi cùng, luôn để trẻ em trong tầm mắt, tránh lạc trẻ trên đường sơ tán. Người lớn cần nhắc trẻ em chú ý đi cùng bố mẹ và gia đình mình hoặc cần biết gia đình mình ở đâu trong trường hợp không ở cùng nhau; dạy trẻ ghi nhớ số điện thoại, thông tin liên lạc của bố mẹ để báo ngay cho cán bộ khu sơ tán nếu bị lạc hoặc trong trường hợp khẩn cấp. Gia đình nhắc trẻ tuyệt đối không được đi theo hay nói chuyện với người lạ tại khu sơ tán, luôn đeo khẩu trang cho trẻ trong lúc di chuyển và ở tại khu vực sơ tán... Bố mẹ cần lắng nghe, động viên khi trẻ muốn chia sẻ vì khi đi sơ tán, trẻ em dễ cảm thấy bất an; chú ý phòng tránh tai nạn thương tích cho trẻ em khi thiên tai xảy ra, nhất là đuối nước.
Đối với trường hợp có thiên tai nhưng không phải đi sơ tán, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các địa phương cần hướng dẫn người dân gia cố, chằng chống nhà cửa, cất đồ đạc, vật dụng quan trọng lên nơi cao ráo, tắt các nguồn điện trong nhà để tránh nước lũ lên cao làm hỏng đồ dùng. Thiên tai xảy ra có thể không có nước sạch, không có điện, mỗi gia đình cần chủ động chuẩn bị nước uống đủ dùng trong 5 - 7 ngày, dự trữ các loại thực phẩm có hạn sử dụng dài và không cần chế biến, đèn pin, đèn dầu để chiếu sáng, sạc đủ pin điện thoại và các thiết bị cần thiết khác. Giai đoạn phục hồi sau thiên tai, người dân cần thực hiện việc hỗ trợ người dân ổn định cuộc sống, vệ sinh môi trường, bảo đảm nước sạch; tiếp tục quan tâm đến việc truy vết đối tượng mắc COVID-19, rút kinh nghiệm, hoàn thiện các kịch bản, kế hoạch. Các địa phương rà soát lồng ghép công tác phòng, chống dịch COVID-19 và phương án ứng phó thiên tai cho phù hợp, điều chỉnh việc sơ tán dân theo hướng tại chỗ, hạn chế sơ tán tập trung; ưu tiên tiêm vắc-xin phòng dịch cho lực lượng làm công tác PCTT, TKCN và nhân dân ở những nơi có nguy cơ cao. Đồng thời, các địa phương cần nâng cao nhận thức cộng đồng thông qua việc thông tin, tuyên truyền, phổ biến về kiến thức, kỹ năng ứng phó với thiên tai,... Ngoài ra, Ban Chỉ đạo phòng, chống COVID-19, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các địa phương cần có sự phân công nhiệm vụ rõ ràng; danh sách các tổ và phương án thay thế, bổ sung nhân sự, danh sách đối tượng yếu thế, các trường hợp F0, F1, F2, khai báo y tế và phương án đi chuyển đến khu sơ tán, khu cách ly y tế; sơ đồ bố trí khu sơ tán, khu cách ly, kho, các công trình, danh sách các phương tiện huy động, nhu cầu huấn luyện, đào tạo, tập huấn, diễn tập; nhu cầu bổ sung vật chất.
Cùng với các địa phương trên cả nước, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội chỉ đạo các cấp, các ngành tuyệt đối không lơ là chủ quan, mất cảnh giác; chủ động triển khai các giải pháp phòng, chống thiên tai. Thành phố yêu cầu các ngành chức năng, các địa phương khẩn trương xây dựng phương án, kế hoạch phòng, chống thiên tai năm 2021; kiện toàn và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên ban chỉ huy phòng, chống thiên tại và tìm kiếm cứu nạn; tổ chức kiểm tra, đánh giá chất lượng hồ đập, đê điều, các công trình phòng, chống thiên tai. Các đơn vị, địa phương tăng cường công tác quản lý và xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật đê điều, thủy lợi ngay từ khi phát sinh, không để phát sinh vi phạm mới. Chuẩn bị đầy đủ lực lượng, vật tư, phương tiện triển khai hiệu quả phương châm bốn tại chỗ để xử lý các sự cố, thiên tai ngay từ những giờ đầu. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu áp dụng công nghệ hiện đại trong xây dựng hệ thống đê điều, hồ đập, bảo đảm an toàn bền vững, sử dụng hiệu quả trong phòng, chống thiên tai, kết hợp phát triển giao thông.
Ðể chủ động phòng, chống thiên tai năm 2021, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố đã ban hành chỉ thị đề nghị các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị trên địa bàn nghiêm túc quán triệt, tiếp tục rà soát, hoàn thiện kế hoạch và tổ chức thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 42-CT/TƯ, ngày 24-3-2020, của Ban Bí thư Trung ương Ðảng “Về tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai”; Chương trình số 05-CTr/TU, ngày 17-3-2021, của Thành ủy Hà Nội về “Đẩy mạnh công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường; chủ động phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, ứng phó biến đổi khí hậu trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025”. Theo đó, các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị tập trung xây dựng kế hoạch, phương án phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2021 cụ thể, sát thực tế của địa phương, đơn vị; triển khai công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thiên tai theo phương châm bốn tại chỗ. Bên cạnh đó, tập trung kiểm tra, rà soát các khu vực nguy hiểm, các trọng điểm xung yếu, nhất là các khu vực có nguy cơ cao về sạt lở, lũ quét, ngập lụt ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn dân cư để chủ động sơ tán, di dời khi xảy ra thiên tai. Thường xuyên tổ chức kiểm tra, đánh giá hiện trạng đê, kè, cống, hồ đập và các công trình phòng, chống thiên tai để kịp thời phát hiện hư hỏng, sửa chữa, khắc phục bảo đảm an toàn công trình. Các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn để toàn thể nhân dân biết, chủ động phòng ngừa, ứng phó theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn; tổ chức diễn tập phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn./.
Ban Bí thư họp xem xét, xử lý kỷ luật tổ chức đảng và đảng viên vi phạm  (17/08/2021)
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thăm, động viên cán bộ, người dân Hà Nội thực hiện công tác phòng, chống COVID-19  (14/08/2021)
Vietcombank tài trợ 5 tỷ đồng hỗ trợ công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại tỉnh Sóc Trăng  (13/08/2021)
Agribank ủng hộ 300 tỷ đồng cho các hoạt động phòng, chống dịch COVID-19  (13/08/2021)
- Quản lý văn phòng đại diện của các cơ quan báo chí tại khu vực miền Trung hiện nay
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Kinh tế di sản trong bối cảnh hội nhập quốc tế của Việt Nam hiện nay
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay