TCCSĐT - Ngày 2-3-2010, Chủ tịch Quốc hội U-crai-na Vla-đi-mia Lít-vin đã tuyên bố giải tán liên minh trong Quốc hội nước này, gồm khối mang tên bà Y-u-li-a Ti-mô-sen-kô (BYUT), Khối Lit-vin và phái "U-crai-na của chúng ta - Tự vệ nhân dân" do không có đủ chữ ký của 226 nghị sĩ để khẳng định sự tồn tại trong Quốc hội.
 
1. Liên minh trong Quốc hội U-crai-na sụp đổ

Ngày 2-3-2010, Chủ tịch Quốc hội U-crai-na Vla-đi-mia Lít-vin đã tuyên bố giải tán liên minh trong Quốc hội nước này, gồm khối mang tên bà Y-u-li-a Ti-mô-sen-kô (BYUT), Khối Lit-vin và phái "U-crai-na của chúng ta - Tự vệ nhân dân" do không có đủ chữ ký của 226 nghị sĩ để khẳng định sự tồn tại trong Quốc hội. Động thái này diễn ra một ngày trước khi Quốc hội U-crai-na tiến hành thủ tục bỏ phiếu bất tín nhiệm chính phủ của Thủ tướng Ti-mô-sen-kô. Ngày 3-3, với 243 phiếu thuận, Quốc hội U-crai-na đã thông qua nghị quyết bất tín nhiệm chính phủ của Thủ tướng Y-u-li-a Ti-mô-sen-kô. Theo luật hiện hành của U-crai-na, trong vòng 30 ngày tới, nếu các đảng phái không thành lập được một liên minh mới, Tổng thống có thể ấn định một cuộc bầu cử quốc hội mới.

2. Diễn đàn quốc tế về toàn cầu hóa kinh tế và phát triển tại Cu-ba

Từ ngày 3 đến ngày 7-3-2010, tại thủ đô La Ha-ba-na của Cuba đã tổ chức Diễn đàn quốc tế về toàn cầu hóa kinh tế và phát triển lần thứ 12. Hơn 1.500 đại biểu, gồm các nhà kinh tế, chính trị gia, luật sư, đến từ 40 quốc gia trên thế giới đã tới tham dự. Cuộc khủng hoảng kinh tế, tình hình thương mại - tài chính quốc tế, vai trò của các công ty đa quốc gia, các công ty vừa và nhỏ là những chủ đề chính được thảo luận tại Diễn đàn quốc tế này. Các chuyên gia kinh tế tham dự Hội nghị khẳng định tình trạng thiếu kiểm soát đối với các công ty đa quốc gia, thậm chí tại cả các ngân hàng và các tập đoàn khổng lồ, là một trong những nguyên nhân gây nên cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới lần này. Ngoài những chủ đề chính nêu trên, các đại biểu cũng tập trung bàn thảo về những tác động xã hội của cuộc khủng hoảng kinh tế, được đánh giá là tồi tệ nhất kể từ cuộc Đại suy thoái hồi những năm 30 của thế kỷ trước, cũng như mục đích của Mỹ tại khu vực Mỹ La-tinh liên quan tới thỏa thuận quân sự với Cô-lôm-bi-a

3. Ủy ban châu Âu xúc tiến biện pháp đảm bảo an ninh năng lượng

Ngày 4-3-2010, Ủy ban châu Âu (EC) đã cấp 2,3 tỉ ơ-rô, tương đương khoảng 3,15 tỉ USD, cho 43 dự án năng lượng để nâng cấp mạng lưới cung cấp khí đốt và điện đã cũ kỹ của châu Âu, nhằm bảo đảm nguồn cung cấp năng lượng và tạo thêm việc làm. Số tiền trên là đợt cấp kinh phí thứ hai trong kế hoạch trị giá 4 tỉ ơ-rô, sẽ được sử dụng cho 12 dự án kết nối điện và 31 dự án đường ống khí đốt trong vòng 18 tháng tới. Theo Ủy viên châu Âu phụ trách vấn đề năng lượng, ông Găn-thơ Oét-ting-dơ (Gunther Oetinger), từ trước đến nay, EC chưa bao giờ đồng ý cấp một khoản tiền lớn như vậy cho các dự án năng lượng. Theo EC, các dự án này sẽ phục vụ nhu cầu kết nối năng lượng tốt hơn cho tất cả các nước của Liên minh châu Âu, đồng thời giảm bớt sự cô lập của khu vực xa xôi, như ba nước Ban-tíc, Ai-len và Man-ta. Đợt cấp kinh phí thứ nhất đã được dùng để hỗ trợ các dự án giảm lượng khí thải và xây dựng các nhà máy điện chạy bằng sức gió ở ngoài khơi.

4. Ngoại trưởng Mỹ Hi-la-ry Clin-tơn kết thúc chuyến công du Mỹ La-tinh

Ngày 5-3-2010, Ngoại trưởng Mỹ Hi-la-ry Clin-tơn đã kết thúc chuyến công du 6 nước Mỹ La-tinh gồm U-ru-guay, Ác-hen-ti-na, Chi-lê, Bra-xin, Cốt-xta Ri-ca và Goa-tê-ma-la. Trong chuyến công du này, bà Hi-la-ry đã có cuộc họp quan trọng với giới lãnh đạo Trung Mỹ, tham dự hội nghị Sáng kiến an ninh khu vực Trung Mỹ cùng các đối tác Mê-xi-cô và vùng Ca-ri-bê tổ chức tại Goa-tê-ma-la, và cam kết phối hợp với các nhà lãnh đạo trong khu vực để cải thiện an ninh, tăng cường chống tội phạm có tổ chức. Trong chặng dừng chân tại Côt-xta Ri-ca, Ngoại trưởng Mỹ cho biết chính quyền Tổng thống B. Ô-ba-ma dự định phục hồi viện trợ cho Hôn-đu-rát, vốn bị đình chỉ sau cuộc đảo chính hồi tháng 6-2009, và kêu gọi các nước Mỹ La-tinh khác công nhận chính phủ của tân Tổng thống Pô-phi-ri-ô Lô-bô (Porfirio Lobo). Tuy nhiên, tại Trung Mỹ, chỉ có hai nước là Cốt-xta Ri-ca và Pa-na-ma công nhận chính phủ mới của Hôn-đu-rát. Hãng tin "Infolatam" cho rằng, chuyến công du Mỹ La-tinh lần này của bà Hi-la-ry là nhằm giành lại những gì mà Mỹ đã để mất tại khu vực vốn được coi la "sân sau" của Mỹ nhưng kết quả không đạt được như mong muốn. Chuyến thăm diễn ra ngay sau khi 33 quốc gia Mỹ La-tinh nhất trí thành lập Cộng đồng các nhà nước Mỹ Latinh và Ca-ri-bê (CELAC), một tổ chức không có sự tham gia của Mỹ nhưng bà Hi-la-ry cho rằng CELAC "hoàn toàn không phải là mối đe dọa đối với ảnh hưởng của Mỹ ở khu vực".

5. Hội nghị các Ngoại trưởng EU tại Tây Ban Nha

Ngày 5-3-2010, Hội nghị không chính thức Bộ trưởng Ngoại giao các nước Liên minh châu Âu (EU) đã khai mạc tại thành phố cổ Cô-đô-va ở miền Nam Tây Ban Nha để thảo luận các thách thức mà EU đang phải đối phó. Chủ đề thảo luận trong hai ngày Hội nghị là chiến lược cũng như chính sách đối ngoại chung của EU, các công cụ thực thi chính sách an ninh của khối, vai trò của EU trong tiến trình hòa bình Trung Đông, các sáng kiến bổ sung của EU nhằm giải quyết tiến trình hòa bình trong khu vực này cũng như đánh giá chung hoạt động đối ngoại của EU sau khi Hiệp ước Li-xbon có hiệu lực. Ngoài ra, Hội nghị còn thảo luận về một lập trường chung của EU trong quan hệ với các đối tác quan trọng của thế giới như Mỹ, Trung Quốc, Nga và các nước đang phát triển. Các thỏa thuận đạt được tại Hội nghị không chính thức các Ngoại trưởng sẽ là cơ sở hoạch định và thực thi chính sách đối ngoại chung của EU.

6. Mỹ cam kết cắt giảm vũ khí hạt nhân

Ngày 6-3-2010, Tổng thống Mỹ B.Ô-ba-ma ra tuyên bố nhân kỷ niệm "Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân" bắt đầu có hiệu lực tròn 40 năm, trong đó cam kết, Mỹ sẽ cắt giảm số lượng vũ khí hạt nhân và hạ thấp tầm quan trọng của vũ khí hạt nhân trong chiến lược an ninh quốc gia Mỹ. Ông Ô-ba-ma cho biết, hiện nay Mỹ đang đàm phán với Nga về hiệp ước thay thế cho hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược, và, một khi đạt được hiệp ước này, sẽ cắt giảm kho vũ khí hạt nhân của hai nước với mức rất lớn. Hai bên Mỹ và Nga đã triển khai nhiều vòng đàm phán tại Giơ-ne-vơ để đi đến hiệp ước này. Theo quan chức của hai bên, Mỹ và Nga sắp đạt được thoả thuận về hiệp ước này.

7. Thiên tai gây hậu quả nặng nề tại một số nước châu Âu

Trong tuần qua, tại U-gan-đa mưa lớn kéo dài gây lụt lội và lở đất kinh hoàng trên diện rộng đã chôn vùi toàn bộ ba ngôi làng, nhiều khu chợ trong vùng bị phá hủy hoàn toàn, các trường học buộc phải đóng cửa trong khi bùn đất tràn ngập trên các tuyến đường và làm 86 người thiệt mạng, trong khi số người mất tích là 400. Còn tại Chi-lê, ngày 27-2, tại miền trung Chi-lê đã xảy ra trận động đất mạnh 8,8 độ rích-te, tiếp sau đó gây ra nhiều dư chấn mạnh. Trận động đất đã làm 279 người thiệt mạng, nhiều tòa nhà bị đổ sập và hệ thống thông tin liên lạc bị cắt đứt tại nhiều nơi, trong đó có thủ đô Xan-ti-a-gô. Trận động đất còn gây ra sóng thần ngay sau đó, càn quét 200 km bờ biển miền Trung nước này. Số nạn nhân tử vong trong đợt sóng thần này ước tính lên tới hơn 1.000 người. Riêng các làng ven biển ở Con-xti-lu-xi-ôn đã có hàng trăm người mất tích và không có hy vọng sống sót. Tiếp đó, ngày 4-3, tại miền Bắc Chi-lê lại xảy ra trận động đất mạnh 6,3 độ rích-te và hiện người ta chưa thể đưa ra con số chính xác về thương vong hay thiệt hại do nó gây ra./.