Bản lĩnh người đứng đầu

Từ Thanh
22:52, ngày 07-11-2013

TCCSĐT - Một lần tôi nghe được hai vị cao tuổi đàm đạo. Qua cách nói chuyện, hình như hai vị là công chức hay quan chức đã nghỉ hưu, và có lẽ đã có lúc họ làm việc trong cùng một ngành nghề gì đó (?). Một ông da ngăm đen và một ông da trắng trẻo. Ông da ngăm đen nói:

- Ông có nhớ cậu T không? Bây giờ cậu ấy là người đứng đầu một cơ quan lớn rồi đấy! Cậu này rất bản lĩnh!

Ông da trắng trẻo trả lời:

- Biết rồi, cậu ấy được lắm! Nhưng mà nói cho đúng thì ai chẳng có bản lĩnh, phàm đã là con người. Có chăng là bản lĩnh gì và bản lĩnh như thế nào. Tóm lại, có rất nhiều loại bản lĩnh khác nhau. Cái ta cần là loại bản lĩnh nào mà thôi.

Ông da ngăm đen vội đáp:

Ông nói đúng, cậu T có bản lĩnh tốt, bản lĩnh của người lãnh đạo xuất sắc, người đứng đầu cơ quan tuyệt vời, đem lại nhiều lợi ích cho tập thể. Đấy mới là loại bản lĩnh đáng nể, chứ còn loại bản lĩnh chỉ có làm lợi cho cá nhân, làm hại tập thể, gây nên hận thù, ai oán cho mọi người thì kể làm gì!

Ông da trắng trẻo hỏi:

- Vậy cậu T có bản lĩnh gì? Tôi chỉ biết sơ sơ, còn cụ thể thế nào, xin “tiên sinh chỉ giáo”. Nói xong, ông này mỉm cười ranh mãnh.

Ông da ngăm đen chậm rãi giải thích:

- Để chứng minh bản lĩnh cậu T, tôi xin “trình bày” cho ông rõ. Trước cậu T là một ông khác đứng đầu cơ quan tôi. Ông này nói chung là tốt nhưng rất hay “xúc động”. Cho nên, mỗi lần anh em trong cơ quan có dịp “trình bày” với ông là ông rất thông cảm và linh động giải quyết... Cứ thế, mọi người trong cơ quan thi nhau gặp sếp để “trình bày hoàn cảnh” và nhờ sếp giúp đỡ. Kết quả là, trong cơ quan xuất hiện phong trào “trăm hoa đua nở, trăm nhà đua tiếng”, tình hình cơ quan đâm dở, vì ai cũng chỉ chăm lo cho bộ phận mình, cá nhân mình. Sếp suốt ngày ngồi “nghe” các đối tượng trình bày và liên tục thay đổi kế hoạch công việc của cơ quan - có thể gọi là bản lĩnh “ba phải”. Khi những người cấp dưới chia rẽ, tạo phe phái thì sếp vẫn cứ “ba phải”, lúc thì nghe phe “tả”, lúc lại nghe phe “hữu” mà không có chính kiến riêng của mình. Vì đã là “trăm hoa đua nở, trăm nhà đua tiếng” nên xuất hiện cả hoa “độc hại” và cái “tiếng nói” không hay cho lắm, bởi tất cả đều xuất phát từ các động cơ khác nhau, lợi ích khác nhau. Thôi thì tình hình cứ nháo nhào, rõ là loạn... Ngừng một chút, rồi ông nói tiếp:

- Cũng may, tình trạng đó được khắc phục khi cậu T lên thay ông sếp nọ. Cậu T là người tốt, trung thực, chí công vô tư. Khi các phe phái đã chia rẽ thành “tả” và “hữu” thực sự thì hai bên luôn “tìm lông bới vết” của nhau và tình hình trong cơ quan có vẻ căng thẳng. Cậu T đã có những bước đi chứng tỏ bản lĩnh vững vàng và đáng nể. Cậu ấy vận động, thuyết phục các bên lấy lợi ích tập thể, cơ quan làm mục tiêu trên hết. Điều đáng nói ở đây là cậu ấy không nghe theo phe phái nào, mà chỉ lọc ra những ý hay, ý tốt của cả hai bên. Cái gì tốt thì phát huy, cái gì không tốt thì phê bình theo đúng Điều lệ của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, quy chế, quy định của cơ quan. Từ đó, các phe phái dần hạn chế việc lên gặp lãnh đạo để “trình bày”, phần vì cách đó không có hiệu quả, phần vì cách làm của lãnh đạo đã khác. Các phe phái đều thấy sếp chí công vô tư, gương mẫu, mẫn cán nên chú ý vào công việc chung và chuyên môn của mình. Không khí đoàn kết, vui vẻ, đầm ấm vì tập thể, vì cơ quan được phát triển. Đương nhiên, có một vài cá nhân tỏ thái độ hậm hực, nhưng vì lợi ích cơ quan nên họ buộc phải nêu cao tinh thần đoàn kết. Chỉ có điều, sau đó cậu T được đề bạt lên giữ trọng trách cao hơn, và rồi một lãnh đạo khác về thay.

Thoạt đầu, người ta tưởng bản lĩnh của vị lãnh đạo này giống như bản lĩnh của cậu T. Số là vị lãnh đạo này cũng có vẻ chú ý lắng nghe tất cả các phe phái, gồm “tả”, “hữu” và cả “trung gian”. Thế nhưng, ở sếp có một “đức tính” khác hẳn cậu T là, bất cứ phe phái nào “làm lợi” cho sếp thì sếp đều ủng hộ. Tuy nhiên, chẳng rõ sếp có biết quy tắc “khách ba chủ nhà bảy” hay không, tức là lợi cho sếp ba thì phe phái “đó” được lợi bảy phần... Chỉ trong một thời gian ngắn, tình hình cơ quan lại trở nên phức tạp! Lúc đó tôi (ông da ngăm đen nói) cũng vừa đến tuổi nghỉ hưu. Nhưng nhớ lại, phần đông anh em trong cơ quan đều nhớ đến cậu T. Họ ước ao trở lại thời kỳ cậu T lãnh đạo. Nhiều người trong cơ quan cứ nhắc đi nhắc lại câu “Bao giờ cho đến ngày xưa?”.

Ông da trắng trẻo kết luận:

- Tóm lại là, lợi ích chính là thước đo bản lĩnh, đúng không ông bạn. Chỉ đứng trước lợi ích thì bản lĩnh con người mới bộc lộ rõ nhất. Chỉ có bản lĩnh dám hy sinh cái nhỏ cho cái lớn, cái cá nhân cho đất nước thì bản lĩnh đó mới được kính trọng. Cho dù lịch sử có thăng trầm thế nào thì bản lĩnh tốt đẹp đó sẽ vẫn được lịch sử ghi nhận. Có lẽ đó là quy luật bất di bất dịch, phải không “tiên sinh”. Nói xong, ông cười rất thoải mái.

*

*          *

Nghe qua chuyện của hai ông, tôi cảm thấy hình như ở không ít cơ quan cũng ít nhiều xảy ra những điều tương tự. Có lẽ, cần phải có cơ chế, chính sách, luật pháp quy định thật rõ ràng, cụ thể về quyền hạn, trách nhiệm của người đứng đầu, để làm sao hạn chế đến mức tối đa mặt yếu kém và phát huy cao nhất mặt mạnh ở họ. Đó là cách tốt nhất, lâu bền nhất, để cơ quan, xí nghiệp,... phát triển bền vững và đi lên cùng đất nước./.