Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 18-3 đến ngày 24-3-2013)
1. Việt Nam ủng hộ cơ chế kiểm soát buôn bán vũ khí
Từ ngày 18 đến ngày 28-3-2013, Hội nghị cuối cùng của Liên hợp quốc về Hiệp ước Buôn bán vũ khí thông thường (ATT) đang diễn ra ở Niu Oóc, Mỹ, dự kiến sẽ tập trung thảo luận những khía cạnh cụ thể với mục tiêu hoàn thành cơ chế quốc tế mang tính ràng buộc pháp lý đầu tiên, điều chỉnh hoạt động chuyển giao vũ khí giữa các quốc gia. Đến nay, trên thế giới vẫn chưa có một hiệp ước nào để kiểm soát các hoạt động buôn bán các loại vũ khí thông thường. Tại Hội nghị này, Đại sứ Lê Hoài Trung, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, Trưởng đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị, khẳng định Việt Nam chia sẻ những quan ngại về hậu quả nặng nề do tình trạng buôn bán vũ khí trái phép gây ra đối với hòa bình, an ninh, phát triển và cuộc sống con người trên thế giới. Đại sứ Lê Hoài Trung nêu rõ Việt Nam cho rằng để có hiệu quả, ATT cần bảo đảm tính cân bằng giữa vấn đề nêu trên với các vấn đề khác, như quyền tự vệ của các quốc gia, giữ gìn hòa bình và an ninh quốc tế, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, và giải quyết các tranh chấp thông qua biện pháp hòa bình,… Ngoài ra, theo Đại sứ Lê Hoài Trung, ATT cần phải mang tính thực tiễn, không phân biệt, đồng thời quá trình thương lượng cần diễn ra cởi mở, minh bạch và dựa trên cơ sở đồng thuận giữa các nước tham gia. Đại sứ Lê Hoài Trung khẳng định Việt Nam sẽ tham gia tích cực trong quá trình diễn ra Hội nghị vì mục tiêu chung của cộng đồng quốc tế là giảm thiểu hậu quả của nạn buôn bán vũ khí trái phép trên thế giới.
2. Hội nghị Khu vực Đông Nam Á
Ngày 19-3-2013, Hội nghị Khu vực Đông Nam Á với sự tham dự của các quan chức chính phủ và đại diện nhiều tổ chức xã hội dân sự đến từ các nước In-đô-nê-xi-a, Cam-pu-chia, Ti-mô Lét-xte, Lào, Ma-lai-xi-a, Phi-líp-pin và Việt Nam, đã thông qua Tuyên bố chung kêu gọi phụ nữ tham gia nhiều hơn vào các chương trình chống tham nhũng. Phát biểu tại Hội nghị, Tổng Thư ký Liên minh Phụ nữ In-đô-nê-xia Đi-an Ca-ti-ca-xa-ri (Dian Kartikasari) nhấn mạnh đã đến lúc phụ nữ cần giữ vai trò chủ động và tích cực hơn trong cuộc chiến chống tham nhũng. Theo bà Đ. Ca-ti-ca-xa-ri, phụ nữ và trẻ em là những đối tượng đầu tiên chịu ảnh hưởng tiêu cực của tệ nạn này, đồng thời cũng là những người chịu ảnh hưởng nhiều nhất. Tham nhũng không chỉ gây thiệt hại vật chất và tinh thần mà còn cả về con người bởi đây là một trong những tác nhân góp phần làm tăng tỷ lệ tử vong bà mẹ và trẻ sơ sinh, ảnh hưởng đến phúc lợi của người dân và an sinh xã hội. Cũng tại Hội nghị, các đại biểu đã thông qua Kế hoạch hành động nhấn mạnh tầm quan trọng đẩy mạnh giáo dục phòng, chống tham nhũng; thực hiện các hành động chung nâng cao nhận thức xã hội về các giá trị của sự trung thực, sự thật và minh bạch; nâng cao sự tham gia của phụ nữ ở các cấp cơ sở trong quá trình tham vấn xây dựng chính sách phát triển và chương trình chống tham nhũng; nâng cao năng lực cho các cơ quan giám sát về chống tham nhũng ở tất cả các cấp;...
3. Hội nghị ACDFIM 10 tại Bru-nây
Ngày 20-3-2013, Hội nghị không chính thức Tư lệnh Lực lượng quốc phòng các nước ASEAN lần thứ 10 (ACDFIM 10) tại Bru-nây đã ký Tuyên bố chung nhấn mạnh vai trò của quân đội các nước ASEAN trong ứng phó với thách thức an ninh khu vực. Tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe báo cáo và thảo luận kết quả Hội nghị không chính thức những người đứng đầu ngành tình báo quốc phòng các nước ASEAN lần thứ 10 (AMIIM 10) và Hội nghị không chính thức Cục trưởng tác chiến các nước ASEAN lần thứ 3 (AMOIM 3). Đại biểu quân đội các nước ASEAN dự Hội nghị nhất trí cao những kết quả mà AMIIM 10 và AMOIM 3 đạt được. Các ý kiến phát biểu đều cho rằng, chủ đề của Hội nghị lần này do nước chủ nhà lựa chọn: “Cùng nhau bảo vệ người dân và tương lai của chúng ta” là rất phù hợp và sát với mục tiêu mà cộng đồng ASEAN đang hướng tới vào năm 2015 - một cộng đồng chia sẻ, gắn kết và hướng tới người dân. Tham luận của Trưởng các đoàn tại Hội nghị đã nêu bật những diễn biến phức tạp mới của tình hình khu vực và thế giới. Các ý kiến cũng đánh giá cao những kết quả hợp tác quốc phòng giữa các quốc gia trong khu vực và mong muốn tăng cường phối hợp giữa quân đội các nước ASEAN.
4. Ấn Độ là quốc gia đầu tiên có khả năng phóng tên lửa hành trình siêu thanh từ tàu ngầm
Ngày 20-3-2013, Giám đốc Tập đoàn Không gian vũ trụ BrahMos của Ấn Độ, Xi-va-tha-nu Pi-lai (Sivathanu Pillai) cho biết Ấn Độ đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới có khả năng phóng thành công phiên bản tên lửa hành trình siêu thanh BrahMos từ tàu ngầm. Ấn Độ đã có cuộc thử nghiệm tại Vịnh Ben-gan, ngoài khơi thành phố cảng miền Nam Vi-xa-kha-pát-nam (Visakhapatnam), thuộc bang An-đra Pra-đét (Andhra Paradesh). Tên lửa đã đạt tới tầm bắn 290 km. Theo ông X. Pi-lai, có thể trang bị tên lửa này cho các tàu ngầm với cấu trúc phóng theo chiều thẳng đứng. Trước đó, Ấn Độ đã thử thành công các phiên bản BrahMos phóng từ tàu nổi và từ mặt đất để trang bị cho Hải quân và Lục quân. Chương trình tên lửa BrahMos là một liên doanh giữa Tổ chức Nghiên cứu và phát triển quốc phòng của Ấn Độ với Công ty NPO Mashinostroeyenia của Nga. BrahMos là sự kết hợp giữa tên hai dòng sông Bra-ma-pu-tra (Brahmaputra) ở Ấn Độ và Mốt-xcơ-va (Moskva) ở Nga.
5. Đối thoại Quốc phòng quốc tế Gia-các-ta 2013
Trong 2 ngày 20 và 21-3-2013, tại In-đô-nê-xi-a, Diễn đàn Đối thoại quốc phòng quốc tế Gia-các-ta (JIDD) lần thứ ba đã diễn ra tại Trung tâm Hội nghị quốc tế với chủ đề “Quốc phòng và Ngoại giao trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương”. Diễn đàn năm nay tập trung trao đổi các vấn đề như sự nổi lên của châu Á và cục diện địa chính trị mới trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương; tác động của châu Á trong các lĩnh vực kinh tế, quốc phòng và ngoại giao; các mối đe dọa và thách thức ở châu Á - Thái Bình Dương; các thách thức hàng hải tại những vùng biển tranh chấp; tăng cường kiểm soát và hợp tác ngăn chặn những “lỗ hổng” biên giới; tăng cường năng lực công nghiệp quốc phòng ở châu Á - Thái Bình Dương. Tại Diễn đàn, Bộ trưởng Quốc phòng In-đô-nê-xi-a Pu-nô-mô Y-u-gian-tô-rô (Purnomo Yusgiantoro) nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, an ninh và ổn định ở châu Á - Thái Bình Dương - khu vực tăng trưởng năng động nhất và đang là động lực tăng trưởng chủ chốt của nền kinh tế toàn cầu. Ông P. Y-u-gian-tô-rô cho rằng Diễn đàn JIDD là một trong những cơ hội kết nối để các nước trong khu vực đối thoại mở, qua đó tìm kiếm các giải pháp đối phó với những thách thức, nhằm xây dựng và bảo vệ một môi trường hòa bình, an ninh, ổn định và thuận lợi cho phát triển.
6. Diễn đàn quốc tế “Sinh thái đô thị” tại Nga
Từ ngày 20 đến ngày 23-3-2013, Diễn đàn quốc tế “Sinh thái đô thị” lần thứ 13 đã diễn ra tại trung tâm triển lãm LenExpro ở Xanh Pê-téc-bua, Nga với sự tham gia của đại diện các khu vực của Nga và hơn 10 nước trên thế giới. Diễn đàn năm nay là một trong những sự kiện chính của Năm bảo vệ môi trường tự nhiên tại Nga. Khai mạc Diễn đàn là Hội nghị với chủ đề sự biến đổi khí hậu toàn cầu và tác động của nó đến nền kinh tế cũng như điều kiện sinh thái ở các thành phố lớn. Các chuyên gia đến từ Đức, Áo, Phần Lan và nhiều nước khác đã trình bày các dự án tái sinh những vùng đất ô nhiễm. Diễn đàn cũng cung cấp thông tin hoạt động bảo vệ môi trường, tổ chức theo dõi hệ sinh thái và pháp luật bảo vệ sinh thái. Ngoài ra, tại khu triển lãm còn trưng bày hiện vật theo đề tài: Quản lý chất thải: công nghệ và thiết bị; Công nghệ môi trường; tái chế sinh thái;...
7. Khánh thành Quảng trường “Hiệp định Pa-ri ” tại Choi-si-lơ-roi
Chiều 23-3-2013 (tức sáng 24-3 theo giờ Hà Nội), trong khuôn khổ tuần lễ các hoạt động kỷ niệm 40 năm ký kết Hiệp định Pa-ri về chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam, tại trung tâm thành phố Choi-si-lơ-roi (Choisy-Le-Roi), ngoại ô Pa-ri đã diễn ra Lễ khánh thành Quảng trường mang tên “Hiệp định Pa-ri” và cột “Biểu tượng vì hòa bình”. Buổi Lễ do chính quyền thành phố Choi-si-lơ-roi phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp tổ chức. Cột “Biểu tượng vì hòa bình” do nữ họa sỹ Pháp Đô-mi-ni-cơ Mít-xơ-côn (Dominique Miscault) thiết kế, mang ngôn ngữ điêu khắc hiện đại được làm bằng chất liệu sơn phun lên sắt tạo hình. Biểu tượng này mang “dấu ấn đặc biệt” của tình đoàn kết hữu nghị gắn bó giữa Choi-si-lơ-roi và Hà Nội cũng như giữa Pháp và Việt Nam. Dưới chân cột biểu tượng là bia đá mang dòng chữ: “Từ năm 1968 đến năm 1973, Choi-si-lơ-roi đã đón đoàn đại biểu Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sang đàm phán và ký kết Hiệp định Pa-ri về chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam, ngày 27-01-1973. Choi-si-lơ-roi vinh dự được đóng góp cho hòa bình”. Phát biểu tại buổi lễ, nguyên Phó Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Thị Bình đánh giá cao sự ủng hộ, giúp đỡ hiệu quả, vô tư và những tình cảm chân thành, quý báu của nhân nhân thành phố Choi-si-lơ-roi cũng như của Nhà nước và nhân dân Pháp đã dành cho Việt Nam. Về phần mình, Thị trưởng thành phố Đa-ni-en Đa-vít (Daniel Davisse) nêu bật “ý nghĩa tưởng niệm và kỷ niệm quan trọng” của biểu tượng không chỉ đối với hiện tại mà cả đối với tương lai, nó luôn nhắc chúng ta trong cuộc chiến đấu vì hòa bình của nhân loại và lương tri của con người.
8. Hội thảo về thu hẹp khoảng cách phát triển trong tiến trình ASEAN hội nhập
Ngày 24-3-2013, tại In-đô-nê-xi-a, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã phối hợp với Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) tổ chức Hội thảo chuyên đề quốc tế về thu hẹp khoảng cách phát triển trong tiến trình hội nhập nhằm hướng tới một cộng đồng chung vào năm 2015 của ASEAN. Tại Hội thảo, các diễn giả thuộc Trung tâm Phát triển OECD, Ban Thư ký ASEAN, Viện Nghiên cứu kinh tế ASEAN và Đông Á đã giới thiệu, trao đổi quan điểm và thảo luận về các vấn đề liên quan đến Báo cáo “Triển vọng Đông Nam Á 2013: Thu hẹp khoảng cách phát triển” vừa được OECD công bố, trong đó nhấn mạnh sự cần thiết tăng cường hội nhập, thu hẹp khoảng cách phát triển của các nước ASEAN 4, bao gồm Cam-pu-chia, Lào, Mi-an-ma và Việt Nam so với các nước thành viên còn lại ASEAN 6, bao gồm Xin-ga-po, Bru-nây, Ma-lai-xi-a, Thái Lan, Phi-líp-pin và In-đô-nê-xi-a. Hội thảo cũng đã tập trung phân tích những vấn đề chính sách tăng trưởng mà các nước ASEAN 4 phải đối mặt trong quá trình phát triển và thu hẹp khoảng cách phát triển trong ASEAN, đồng thời phát huy tối đa đà tăng trưởng của mình (được OECD dự là 6 - 7% những năm tới) trong tiến trình hội nhập. Phát biểu tham luận tại Hội thảo, Giám đốc của Trung tâm Phát triển OECD tại châu Á, Kên-xư-kê Ta-na-ca (Kensuke Tanaka) lưu ý rằng ngoài chênh lệch thu nhập giữa các nước thành viên, ASEAN cần chú trọng hơn nữa đến tình trạng này trong những lĩnh vực quan trọng khác, như nghèo đói và phát triển nguồn nhân lực./.
Tăng trưởng GDP quý I đạt 4,89%  (26/03/2013)
Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Ấn Độ (Mác-xít) thăm Việt Nam  (26/03/2013)
Bắt đầu diễn tập gìn giữ hòa bình quốc tế tại Nepal  (26/03/2013)
Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 18 đến ngày 24-03-2013  (26/03/2013)
"Đưa Ba Vì thành mô hình điểm về nông thôn mới"  (26/03/2013)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Thông cáo báo chí Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII
- Bế mạc Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII
- Tổng Bí thư Tô Lâm trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên