TCCSĐT - Xác định nâng cao chất lượng cán bộ, công chức cấp xã có vai trò, vị trí hết sức quan trọng, quyết định sự thành công trong xây dựng nông thôn mới, vì vậy, trong thời gian qua, tỉnh Kiên Giang rất chú trọng bồi dưỡng, nâng cao chất lượng cán bộ cấp xã; ban hành quy chế, quy định, chế độ, tiêu chuẩn,... để xây dựng một đội ngũ cán bộ cấp xã đủ năng lực đảm trách những nhiệm vụ trước mắt cũng như lâu dài.


Về chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức các xã nông thôn ở Kiên Giang

Địa bàn nông thôn tỉnh Kiên Giang khá rộng với 118/145 xã, phường, thị trấn, có vị trí chiến lược về kinh tế, xã hội và an ninh, quốc phòng, là nhân tố quyết định sự phát triển kinh tế xã hội bền vững của tỉnh. Bởi vậy, Kiên Giang luôn chú trọng thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX “Về đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở xã, phường, thị trấn”; Nghị quyết Trung ương 7 khoá X, về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Nghị định 92/2010/NĐ-CP của Chính phủ về “Chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở xã”. Thực hiện Nghị định số 114/2003/NĐ-CP ngày 10-10-2003 về cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn; UBND tỉnh ban hành Quyết định số 12/2008/QĐ-UBND ngày 14-3-2008 về Quy chế tuyển dụng, quản lý, sử dụng cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn. Từ năm 2009 đến nay đã tuyển dụng 669 công chức (Đại học 42; Cao đẳng 28; Trung cấp 599). Hội đồng nhân dân tỉnh khóa VIII đã ra Nghị quyết 51/2007/NQ-HĐND, ngày 01-7-2007, theo đó Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định số 25/2007/QĐ-UBND, ngày 27-7-2007 “Về chính sách trợ cấp đối với cán bộ xã, phường, thị trấn nghỉ việc và nghỉ hưu trước tuổi”, theo Quyết định này đã giải quyết 2.216 người (cán bộ: 178; công chức: 29; những người hoạt động không chuyên trách cấp xã: 376; những người hoạt động không chuyên trách ấp, khu phố 1.633 trường hợp), với tổng kinh phí chi trả: 26.379.316.098 đồng. Kết quả đó đã góp phần nâng lên một bước về chất lượng cán bộ, công chức cấp xã và những người hoạt động không chuyên trách xã, ấp.

Trên tinh thần Quyết định số 40/2006/QĐ-TTg ngày 15-02-2006 về việc phê duyệt kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức giai đoạn 2006 - 2010; Quyết định 1956/QĐ-TTg ngày 27-11-2009 về phê duyệt “Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang đã tiến hành triển khai thực hiện theo từng giai đoạn từ 2011 - 2015 và từ 2015 - 2020. Đến nay, cán bộ xã có trình độ chuyên môn từ trung cấp trở lên chiếm 55,94% so với năm 2005 tăng 34,66%; trình độ trung cấp lý luận chính trị chiếm 68,35%, so với năm 2005 tăng 10,71%; công chức xã có trình độ chuyên môn từ trung cấp chiếm 89,44%, so với năm 2005 tăng 45,69%; trình độ chính trị sơ cấp chiếm 39,15%, so với 2005 tăng 14,05%; những người hoạt động không chuyên trách xã có trình độ chuyên môn: từ sơ cấp trở lên chiếm 29,96%, trình độ chính trị: từ sơ cấp trở lên chiếm 5,51%. 

Nhìn chung, công tác tuyển dụng; đào tạo, bồi dưỡng; thực hiện chính sách đối với cán bộ, công chức cấp xã, đã được các cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm chỉ đạo, thực hiện, qua đó, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức xã từng bước được nâng lên, ngày càng đáp ứng tốt hơn yêu cầu tiêu chuẩn hóa cán bộ và hiệu quả thực hiện nhiệm vụ chính trị ở cơ sở. Nguồn cán bộ giữ chức vụ qua bầu cử phần lớn là người tại chỗ, cũng là cán bộ nguồn bổ sung cho cấp huyện. Chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức cấp xã có nhiều cải thiện so với trước, như chế độ bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội đối với những người hoạt động không chuyên trách cấp xã, đại bộ phận cán bộ, công chức cơ sở an tâm phấn khởi, hoàn thành nhiệm vụ chính trị địa phương. 

Một số tồn tại, hạn chế

- Chính sách đãi ngộ đối với cán bộ cơ sở còn nhiều bất hợp lý: đối với những người hoạt động không chuyên trách cấp xã hưởng mức phụ cấp quy định không quá 1,00 lần so với mức lương tối thiểu chung như hiện nay là quá thấp; một số chức danh trưởng các ban Đảng không là công chức là chưa phù hợp, chưa động viên cán bộ cơ sở yên tâm công tác; chính sách thu hút chưa khuyến khích được cán bộ, công chức giỏi, sinh viên có trình độ chuyên môn cao về công tác ở cơ sở. 

- Công tác đào tạo, bồi dưỡng tuy có nhiều cố gắng nhưng còn chạy theo số lượng (một số địa phương, đơn vị chưa cử đúng đối tượng, nhu cầu, chuyên ngành cần đào tạo), chưa cân đối giữa đào tạo với sử dụng, chưa quản lý chặt chẽ đội ngũ cán bộ dự nguồn sau đào tạo (hiện nay còn nhiều trường hợp được cử đi đào tạo tại các trường trung cấp và đại học đã tốt nghiệp chưa được bố trí công việc theo quy hoạch), chưa có kế hoạch cụ thể để thực hiện tốt quá trình chuyển đổi các thế hệ cán bộ cấp xã.

- Nội dung và chất lượng đào tạo (nhất là hệ tại chức) chưa cao; một số cán bộ, công chức cấp xã có hiện tượng học nhằm hợp thức hóa bằng cấp. Việc đào tạo lại đội ngũ cán bộ cấp cơ sở chưa được thực hiện đồng bộ về mọi mặt, mới chỉ đào tạo về lý luận chính trị và chuyên môn nghiệp vụ mà chưa chú ý bồi dưỡng về kỹ năng quản lý điều hành, tổ chức thực hiện, nhất là xử lý những tình huống khó khăn ở cơ sở; phương thức đào tạo chưa đa dạng. 

- Trong quy hoạch cán bộ cơ sở, mới chỉ dừng lại ở các chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt mà chưa chú ý đến các chức danh khác và đội ngũ làm công tác chuyên môn, còn 44,1% cán bộ cấp xã chưa qua đào tạo trung cấp chuyên môn; 31,65% chưa qua đào tạo lý luận chính trị sơ cấp; 10,55% công chức chưa qua đào tạo trung cấp chuyên môn; 60,84% công chức chưa qua đào tạo lý luận chính trị sơ cấp. Riêng những người hoạt động không chuyên trách cấp xã chưa qua đào tạo lý luận chính trị: 94,49%; chưa qua đào tạo chuyên môn: 70,04%; không chuyên trách ấp, khu phố chưa qua đào tạo chính trị: 85,85% và chuyên môn chiếm 95,59% (do chưa tốt nghiệp trung học phổ thông). 

Trong công tác chỉ đạo, điều hành ở một số nơi còn bộc lộ yếu kém về năng lực, trình độ, nhất là việc cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước vào tình hình cụ thể địa phương còn lúng túng, chưa đủ sức giải quyết những vấn đề nảy sinh phức tạp theo thẩm quyền, tính tự chủ trong công việc còn hạn chế.

Nguyên nhân tồn tại:

- Một số cấp ủy đảng, chính quyền cơ sở chưa coi trọng đúng mức công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ cơ sở nên một số chỉ tiêu theo tiêu chuẩn quy định đạt thấp. 

- Cán bộ chủ yếu vừa học vừa làm nên thời gian học tập trung không nhiều; một số cán bộ cơ sở, nhất là cán bộ là người dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng khó khăn, xa trung tâm, những cán bộ đã có tuổi còn có tâm lý ngại đi học, nên ảnh hưởng đến công tác tuyển sinh đào tạo. Mặt khác, hoàn cảnh kinh tế gia đình của không ít cán bộ còn khó khăn cũng ảnh hưởng nhiều tới việc học tập của cán bộ.

- Ở một số cơ sở, số lượng cán bộ có trình độ giáo dục phổ thông, chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị còn thấp và thiếu đồng đều nên việc bố trí cùng lúc nhiều cán bộ đi đào tạo còn khó khăn.

- Giáo trình đào tạo tuy đã được cải tiến song vẫn chưa thật phù hợp với đối tượng cán bộ cơ sở.

- Chế độ chính sách cho cán bộ được cử đi đào tạo, bồi dưỡng tuy đã được điều chỉnh, bổ sung, nâng cao hơn so với trước, song còn thấp và chưa phù hợp với giá cả của thị trường hiện nay.

- Công tác sử dụng sau đào tạo còn hạn chế, một số cán bộ dự nguồn được cử đi đào tạo đã tốt nghiệp trở về địa phương nhưng chưa được bố trí, sử dụng, vì số cán bộ hiện đang công tác chưa đủ tuổi nghỉ hưu nên chưa thể thay thế, cá biệt có nơi còn hiện tượng cục bộ địa phương.

Nâng cao chất lượng cán bộ, công chức xã bảo đảm thực hiện chương trình, mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020

Một là, nâng cao nhận thức của các cấp ủy, chính quyền cơ sở về nhiệm vụ xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã. Cần có kế hoạch “dài hơi” để xây dựng chiến lược cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý bao gồm các chức danh Bí thư, Chủ tịch Hội đồng nhân nhân, Ủy ban nhân dân cấp xã, tập trung đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ hiện có, chú trọng tạo nguồn để bổ sung vào bộ máy cấp uỷ, chính quyền cơ sở. 

Hai là, đánh giá đúng thực trạng theo từng nhóm chức danh cán bộ, làm cơ sở cho việc sắp xếp, bố trí và xây dựng quy hoạch, kế hoạch đào tạo sử dụng cán bộ. Thường xuyên rà soát, định kỳ hằng năm tiến hành công tác đào tạo bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ. Đa dạng hóa các loại hình đào tạo, bồi dưỡng phù hợp với từng đối tượng theo chức danh; khuyến khích cán bộ, công chức tự học, tự đào tạo để nâng cao trình độ. Đào tạo cán bộ, công chức phải căn cứ vào quy hoạch, tiêu chuẩn chức danh và nhu cầu bố trí, sử dụng cán bộ, công chức. Đối với số cán bộ, công chức trẻ có triển vọng, lớp tạo nguồn cần phải đào tạo cơ bản, toàn diện để có kiến thức cơ bản, có năng lực thực tiễn và có kỹ năng thực hành để đáp ứng yêu cầu về lâu dài.

Ba là, cần trẻ hóa đội ngũ cán bộ ở cơ sở, ưu tiên tuyển dụng công chức xã là người ở địa phương, con em dân tộc trên địa bàn có trình độ chuyên môn cao, tình nguyện về công tác. Xây dựng kế hoạch luân chuyển, tăng cường cán bộ tỉnh, huyện về những cơ sở còn yếu kém hoặc có nhiều cán bộ chưa được đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ để tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ này đi đào tạo. Cần có chính sách, cơ chế cụ thể, đồng bộ trong việc tạo nguồn cán bộ cơ sở tại chỗ và thu hút cán bộ trẻ có trình độ đại học chính quy, có chuyên ngành phù hợp về công tác ở vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, xem đây là việc rèn luyện thực tế sau học tập, là thời gian tập sự, thử thách để sinh viên trở thành cán bộ, công chức, là nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý trong tương lai.

Bốn là, các trường cao đẳng, trường chính trị tỉnh và trung tâm bồi dưỡng chính trị các huyện, thị, thành phố cần nghiên cứu đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp đào tạo, tập trung đào tạo đối tượng là cán bộ chủ chốt theo hướng lồng ghép, kết hợp giữa đào tạo chuyên môn với lý luận chính trị, quản lý nhà nước, tin học và kỹ năng hành chính. Hướng việc đào tạo, phát triển nguồn nhân lực gắn với tạo nguồn cán bộ để bổ sung, thay thế, xây dựng nguồn nhân lực tại chỗ, trong đó đặc biệt chú ý con em ở địa phương không có điều kiện đi học xa, bộ đội hoàn thành nghĩa vụ quân sự xuất ngũ, tình nguyện về công tác tại địa phương đạt tiêu chuẩn được lựa chọn đi đào tạo về lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ và quản lý nhà nước để bố trí bổ sung cho đội ngũ cán bộ xã. Việc tuyển, chọn người đi đào tạo phải bảo đảm đúng đối tượng, đúng địa chỉ, trong quy hoạch, đồng thời cần đánh giá, kết quả sử dụng cán bộ, công chức xã sau đào tạo để bổ sung giáo trình đào tạo cán bộ cơ sở cho phù hợp.

Năm là, tỉnh cần tăng cường kinh phí cho việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã trong những năm tới, có chế độ ưu tiên đãi ngộ đặc biệt dành riêng cho cán bộ, công chức dân tộc thiểu số đi học, đặc biệt ưu tiên cho việc đào tạo cán bộ nguồn, cán bộ vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng, nhằm động viên họ yên tâm học tập để nâng cao trình độ, năng lực lãnh đạo và quản lý, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới. 

Sáu là, bổ sung hoàn thiện quy chế, quy trình đánh giá, nhận xét quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, điều động, luân chuyển, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử, thực hiện tốt chính sách đối với cán bộ... Nguồn quy hoạch cán bộ trẻ từ 25-30 tuổi đạt từ 30%, nữ đạt 20%, cán bộ trình độ kỹ thuật, chuyên môn đạt 20% trở lên. Đến 2020 có 100% cán bộ, công chức xã đạt chuẩn (trong đó 50% cán bộ, công chức có trình độ cao đẳng, đại học); 100% cán bộ xã biết sử dụng máy vi tính, từng bước thay thế những cán bộ lãnh đạo, quản lý yếu kém về năng lực, trình độ, không đủ uy tín để thực hiện nhiệm vụ. Đồng thời, cần giải quyết thỏa đáng chính sách, chế độ đối với cán bộ cấp tỉnh, huyện được tăng cường về cơ sở, kể cả chế độ phụ cấp, khen thưởng, đề bạt, đào tạo bồi dưỡng... 

Một số đề xuất, kiến nghị

1. Trung ương nghiên cứu có cơ chế tăng thêm 1 Phó Bí thư; 1 Phó Chủ tịch cấp xã so với quy định chung hiện nay đối với những xã vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, những xã có địa bàn rộng, có đông dân tộc để thực hiện kế hoạch rèn luyện và phục vụ công tác luân chuyển, đào tạo cán bộ theo quy hoạch.

2. Trung ương cho phép tăng thêm số lượng mỗi xã 2 biên chế công chức dự bị để phục vụ công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cơ sở và công tác tăng cường cán bộ về cơ sở để rèn luyện thực tiễn.

3. Trung ương nghiên cứu ban hành chính sách đầu ra cho các đối tượng là cán bộ, công chức cấp xã được nghỉ công tác trước tuổi, nhằm từng bước trẻ hoá, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức xã./.