Mặt trận Tổ quốc góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992
Ông Huỳnh Đảm, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Vũ Trọng Kim, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Nguyễn Văn Pha, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì Hội nghị.
Góp ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, các đại biểu đồng tình qua 20 năm thực hiện Hiến pháp năm 1992 với những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử, đến nay, cần tiếp tục sửa đổi Hiến pháp cho phù hợp với tình hình mới của đất nước trong bối cảnh quốc tế có nhiều biến đổi sâu sắc.
Nhiều ý kiến đánh giá cao các nội dung trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp đồng thời cũng trao đổi, góp ý thẳng thắn, tâm huyết, trách nhiệm những vấn đề cần tiếp tục làm rõ, đầy đủ và sâu sắc hơn.
Trong đó, đáng chú ý là các vấn đề về quyền con người, quyền công dân; vai trò, vị trí của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Đảng Cộng sản Việt Nam; Hội đồng Hiến pháp; vấn đề bảo vệ Tổ quốc, giữ vững tư tưởng Hồ Chí Minh... Vai trò, vị trí của Mặt trận Tổ quốc, cùng đó là việc thực hiện quyền giám sát và phản biện xã hội là một trong những vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm góp ý kiến. Theo PGS, TS. Phạm Xuân Hằng, nguyên Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Hà Nội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được Hiến pháp xác định có vị trí rất quan trọng, “là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân”.
Nhưng trên thực tế, việc thể chế hóa một số mặt hoạt động của Mặt trận chưa sát với vị trí của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Chẳng hạn, về giám sát, các hình thức giám sát được luật định là động viên nhân dân thực hiện quyền giám sát, tham gia giám sát cùng chính quyền, tổng hợp ý kiến cử tri.
Như vậy, những hoạt động ấy mới chỉ là những hiện tượng “ngoài cuộc”, chưa phải với tư cách chủ thể ủy thác quyền lực, chủ thể có vị trí “là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân” như Hiến pháp đã quy định.
PGS, TS. Phạm Xuân Hằng cho rằng, vấn đề giám sát và phản biện xã hội cần phải được Hiến pháp quy định cụ thể, rõ ràng hơn trong điều kiện hệ thống chính trị Việt Nam do một tổ chức chính trị duy nhất là Đảng lãnh đạo.
Việc đưa phạm trù phản biện xã hội vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 là đúng và cần thiết, tuy nhiên, trình bày như trong Dự thảo chưa thể hiện được ý nghĩa quan trọng của hoạt động này, đồng thời chưa phản ánh được tầm chủ trương của Đảng về phản biện xã hội.
Nhiều ý kiến cũng đồng tình cần trình bày lại Điều 9 theo hướng dân chủ hơn nữa, bởi, nếu không được bảo đảm bằng Hiến pháp và pháp luật và có chế tài, việc thực hiện quyền giám sát sẽ khó được thực hiện.
Góp ý vào Điều 4, ông Trần Đình Phùng, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tán thành cần tiếp tục khẳng định và làm rõ hơn, đầy đủ hơn bản chất, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, lấy chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.
Tuy nhiên, cần làm rõ hơn vấn đề Đảng lãnh đạo Nhà nước và xã hội để phát huy đầy đủ quyền lãnh đạo của Đảng và khẳng định sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi cách mạng Việt Nam.
Đảng phải nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức và năng lực tổ chức để đủ sức giải quyết các vấn đề thực tiễn cách mạng đặt ra; phòng và chống những nguy cơ suy thoái biến chất của cán bộ, đảng viên. Cần thể chế hóa vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản trong Hiến pháp sửa đổi.
Ông Nguyễn Văn Hằng, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho rằng, khoản 3 của Điều này: “Các tổ chức của Đảng và đảng viên hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật” là chưa thể hiện được bổn phận của Đảng cầm quyền trong khi đây là bổn phận rất quan trọng.
Do đó, đề nghị bỏ khoản này thay bằng “vai trò lãnh đạo của Đảng được đảm bảo bằng pháp luật” mới tạo được cơ sở cho việc “chịu sự giám sát của nhân dân”, “chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình” của Đảng được cụ thể hóa, cơ sở để các cấp ủy, đảng viên chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi của mình, tránh chung chung, hành chính.
Đồng ý với quan điểm này, ông Hoàng Thái, nguyên Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và ông Lê Truyền, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho rằng, nên có luật để Đảng hoạt động công khai, minh bạch, không tùy tiện. Cách thể hiện về vai trò lãnh đạo của Đảng cũng cần được cân nhắc cho hợp lòng dân.
Tán thành quan điểm Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh đề nghị viết thêm: “Nhân dân thực hiện sự giám sát của mình đối với Đảng theo quy định về giám sát xã hội và phản biện xã hội”, từ đó đặt ra yêu cầu sớm xúc tiến xây dựng luật về hoạt động giám sát và phản biện xã hội.
Đề cập Điều 120 của Dự thảo quy định về Hội đồng Hiến pháp, một số ý kiến cho rằng đây là thiết chế mới, lần đầu tiên xuất hiện trong Hiến pháp với ý nghĩa là cơ quan kiểm soát việc thực hiện quyền lực Nhà nước, bảo đảm sự đúng đắn và thượng tôn Hiến pháp - Văn bản có giá trị pháp luật cao nhất.
Tuy nhiên, nếu Điều 120 chỉ quy định thẩm quyền “kiến nghị” của Hội đồng Hiến pháp mà không có thẩm quyền “phán quyết” đối với các luật, văn bản pháp quy và quyết định không phù hợp với Hiến pháp của các cơ quan nhà nước thì thực chất, đây chỉ là cơ quan tư vấn của Quốc hội.
Do đó, kiến nghị gọi tên Hội đồng này là Hội đồng bảo hiến có thẩm quyền phán quyết đối với các luật, văn bản và quyết định không phù hợp với Hiến pháp của tất cả các cơ quan nhà nước.
Liên quan đến quy định về quyền lực nhà nước, một số ý kiến đề nghị, Dự thảo Hiến pháp cần viết rõ hơn cơ cấu quyền lực Nhà nước gồm những gì, giới hạn đến đâu, tính độc lập tương đối của 3 quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp.
Góp ý vào Điều 21 (mới): “Mọi người có quyền sống”, GS, TS. Nguyễn Duy Quý, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Xã hội và Nhân văn cho rằng chưa đủ bởi ngoài quyền sống, mọi người còn có quyền học tập, lao động, mưu cầu hạnh phúc.
Các ý kiến đóng góp trên sẽ được Ban Tổ chức Hội nghị tiếp thu, chuyển đến các cơ quan liên quan và Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992./.
Đẩy mạnh tuyên truyền về biển, đảo trong năm 2013  (20/02/2013)
Thủ tướng phê bình các tỉnh xảy ra tình trạng đốt pháo trong dịp Tết  (19/02/2013)
Cán bộ tiếp dân là cầu nối Đảng, Nhà nước với dân  (19/02/2013)
Danh thắng Yên Tử đón Bằng Di tích quốc gia đặc biệt  (19/02/2013)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Đoàn Tạp chí Cộng sản thăm, làm việc với Đảng Cộng sản Ấn Độ và Đảng Cộng sản Ấn Độ-Mác-xít
- Tổng Bí thư Tô Lâm thăm chính thức Malaysia
- Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên
- Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì Phiên họp lần thứ nhất Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên