Chính trị xanh tại châu Âu: Nhận thức phát triển

TS Hồ Thu Thảo
Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học quốc gia Hà Nội
09:18, ngày 01-10-2024

TCCS - Diễn biến chính trị và xã hội ở châu Âu thời gian qua cho thấy chính trị xanh (green politics) đang trở thành xu hướng nhận được sự quan tâm của giới chức và người dân. Đặc biệt, trong những năm gần đây, khi tình trạng biến đổi khí hậu đang trở thành vấn đề cấp bách và một số đảng truyền thống ở châu Âu đang dần mất đi sự ủng hộ của người dân dưới tác động của nhiều biến cố chính trị, thì các đảng Xanh (Green parties) lại càng khẳng định được uy tín và vai trò quan trọng trong chính trường châu Âu. 

Phát triển tư duy, nhận thức về môi trường  - nền tảng của xu hướng chính trị xanh trên thế giới

Trên thực tế, xu hướng chính trị xanh được phát triển khi vấn đề môi trường ngày càng được các nước quan tâm. Tại châu Âu, quá trình phát triển tư duy, nhận thức về môi trường được chia thành ba giai đoạn với những sự chuyển biến tương ứng.

Giai đoạn thứ nhất khởi đầu cùng với sự ra đời của các nền văn minh cổ đại đầu tiên trên Trái đất. Cũng chính từ lúc này, những nhận thức đầu tiên về mối quan hệ giữa con người và môi trường tự nhiên có lẽ đã hình thành. Môi trường được tiếp cận vừa dưới góc độ tôn giáo như thần linh để thờ phụng, vừa như công cụ để khai thác nhằm bảo đảm sự sống của con người. Ý thức hay mong muốn bảo vệ môi trường lúc này nhìn chung chưa hình thành. Mục tiêu sinh tồn được quan tâm hàng đầu trong nhận thức của con người đối với thiên nhiên trong giai đoạn này. 

Giai đoạn thứ hai bắt đầu khi cuộc cách mạng công nghiệp ở châu Âu diễn ra vào những năm 1760. Cột mốc này đã mở ra kỷ nguyên khai thác và sử dụng các nguồn nhiên liệu hóa thạch như than đá, khí đốt tự nhiên và dầu mỏ với tốc độ cao để phục vụ tiến trình công nghiệp hóa, tuy nhiên đã dẫn tới tình trạng gây ô nhiễm bầu khí quyển ở mức độ nghiêm trọng. Các tác động rõ rệt từ cuộc cách mạng công nghiệp đến môi trường sống và sức khỏe con người đã góp phần hình thành nên nhận thức về bảo vệ môi trường từ sớm ở châu Âu. Các đạo luật đầu tiên về vấn đề bảo vệ môi trường đã được thông qua vào năm 1810 tại Pháp và năm 1814 tại Anh, trước khi mở rộng ra nhiều quốc gia khác trong khu vực. Tuy nhiên, những nhận thức ban đầu này vẫn rời rạc và không thể vượt qua được mối quan tâm về lợi ích kinh tế. Cho tới trước những năm 70 của thế kỷ XX, mục tiêu kinh tế có thể coi là yếu tố chi phối hoặc kìm hãm những nỗ lực bảo vệ môi trường ở châu Âu.

Giai đoạn thứ ba bắt đầu sau khi Chiến tranh thế giới lần thứ hai kết thúc, mở ra giai đoạn tiếp theo trong nhận thức của con người về môi trường. Dấu mốc lịch sử này đã dẫn tới sự chuyển đổi sâu sắc và đồng thời trên nhiều khía cạnh của đời sống quốc tế. Cấu trúc kinh tế - chính trị - xã hội thay đổi toàn diện làm bộc lộ những mặt trái và những mối đe dọa mới, từ đó tạo động lực cho sự hình thành các quan điểm và tư tưởng mới với mục tiêu chống lại sự thay đổi, trong đó các phong trào bảo vệ môi trường chiếm tỷ lệ không nhỏ. Trong giai đoạn này, nhận thức của con người về vấn đề môi trường đã trở thành một phần trong một hệ tư tưởng lớn hơn nhằm mục tiêu cải cách xã hội. Cụ thể:

Thứ nhất, ở khía cạnh kinh tế, nhu cầu hoạch định một trật tự kinh tế thế giới mới trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết sau khi Chiến tranh thế giới lần thứ hai kết thúc, chủ yếu nhằm hai mục tiêu: Một là, bảo đảm một hệ thống tiền tệ toàn cầu ổn định và một hệ thống thương mại quốc tế mở; hai là, tái thiết nền kinh tế châu Âu sau chiến tranh. Giải pháp cho hai vấn đề này chính là sự ra đời của ba trụ cột tài chính quốc tế thuộc hệ thống Bretton Woods, bao gồm Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) thành lập năm 1946 và Hiệp định chung về thuế quan và mậu dịch (GATT) ký kết năm 1947. Ba trụ cột này đã trở thành nền tảng cốt lõi của hệ thống kinh tế toàn cầu với Mỹ và Tây Âu là trung tâm, thúc đẩy sự tự do hóa về dòng vốn, tỷ giá hối đoái và các hoạt động thương mại. Lúc này, mặt trái của nền kinh tế toàn cầu ngày càng bộc lộ rõ rệt, trong đó có vấn đề môi trường.

Thứ hai, ở khía cạnh chính trị, có thể nói, bức tranh chính trị thế giới giai đoạn này được định hình rõ nét bởi trật tự hai cực Yalta, với trọng tâm là sự đối đầu về ý thức hệ giữa Mỹ và Liên Xô. Cuộc chạy đua khốc liệt này một mặt thúc đẩy sự tương tác, phối hợp và chia sẻ không ngừng giữa các quốc gia về kinh tế, công nghệ, an ninh và quân sự; mặt khác, rút cạn các nguồn cung lương thực, năng lượng và nguyên liệu thô. Chiến tranh lạnh đã trở thành cuộc chạy đua không chỉ về ý thức hệ, mà còn về quyền kiểm soát tài nguyên thiên nhiên. Nói cách khác, thiên nhiên đã trở thành công cụ bị quân sự hóa. Cùng với quá trình khai thác và tiêu thụ các nguồn tài nguyên thiên nhiên, tình trạng ô nhiễm tại các khu đô thị và khu công nghiệp, khả năng hủy diệt của bom nguyên tử và hậu quả sinh thái khôn lường của việc sử dụng loại vũ khí hủy diệt này đã buộc con người phải nhận ra hành động của mình có thể gây nguy hiểm, thậm chí gây thảm họa cho Trái đất và môi trường thiên nhiên.

Thứ ba, ở khía cạnh xã hội, làn sóng nhận thức mạnh mẽ về môi trường đã xuất hiện, bởi những hiểm họa môi trường xảy ra liên tiếp ở mức độ và tần suất cao. Bên cạnh đó, trong bối cảnh cuộc chiến giữa hai hệ tư tưởng đối lập, hàng loạt quan điểm, học thuyết, hoạt động, phong trào và tổ chức chính trị - xã hội mới ra đời. Nhận thức về các vấn đề xã hội nói chung và môi trường nói riêng được lan rộng thông qua các công trình xuất bản, các cơ chế hợp tác quốc tế, các tổ chức phi chính phủ và những phong trào xã hội ở nhiều quốc gia phương Tây. Ở Mỹ và Tây Âu, hệ thống chính trị tương đối mở đã tạo điều kiện cho các phong trào xã hội phát triển mạnh mẽ vào những thập niên 60 và 70 của thế kỷ XX. Trên thực tế, các phong trào xã hội này tập trung vào các cuộc biểu tình phản hạt nhân (phản đối việc sản xuất vũ khí hạt nhân và sản xuất điện bằng năng lượng hạt nhân)(1). Mặc dù không phải là mục tiêu duy nhất của làn sóng biểu tình này, song vấn đề môi trường vẫn luôn là mối lo ngại lớn, xuất phát từ những tác động của việc vận hành các cơ sở điện hạt nhân.

Như vậy, cùng với dòng chảy lịch sử, nhận thức về môi trường của con người đã trải qua nhiều chuyển biến. Qua từng thời kỳ, nhận thức này lần lượt bị chi phối bởi những mục tiêu khác nhau như mục tiêu sinh tồn, mục tiêu kinh tế và mục tiêu cải cách xã hội. Bắt nguồn từ phong trào phản hạt nhân phát triển mạnh trong những năm 1960, sự quan tâm của xã hội tới các vấn đề môi trường ngày càng trở nên rõ nét. Các học thuyết mới về môi trường củng cố thêm nhận thức về hiểm họa sinh thái phía sau nền kinh tế, chính trị toàn cầu, cùng với phản ứng dây chuyền mạnh mẽ của quần chúng, góp phần biến diễn ngôn truyền thống về “bảo tồn thiên nhiên” trở thành các diễn ngôn chính trị với trọng tâm “bảo vệ môi trường”(2). Đồng thời, các phong trào môi trường vốn ít nhiều mang tính tự phát của mỗi địa phương và khu vực đã hợp nhất và hướng đến mục tiêu tham gia sâu hơn vào nền chính trị quốc gia.

Từ đó, chính trị xanh chính thức được hình thành như một xu hướng, một hệ tư tưởng nhằm thúc đẩy mô hình xã hội mà trong đó, tính bền vững về mặt sinh thái, công lý xã hội và dân chủ cơ sở được bảo đảm. Theo sau sự xuất hiện của quan điểm chính trị xanh, mạng lưới các tổ chức phi chính phủ vì môi trường ngày càng mở rộng và khẳng định được vị trí của mình trong các diễn đàn quốc tế. Cùng với đó, các đảng Xanh đầu tiên trên thế giới đã được thành lập vào năm 1972 tại Anh, Australia và New Zealand, mở đường cho sự ra đời và phát triển của hàng loạt đảng Xanh tại nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là ở châu Âu.

Đảng Xanh tham gia Chính phủ liên hiệp cầm quyền ở Đức (Trong ảnh: Thủ tướng Olaf Scholz (đại diện Đảng Dân chủ Xã hội - SPD), Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế Robert Habeck (Đảng Xanh) và Bộ trưởng Tài chính Christian Lindner (Đảng Dân chủ Tự do - FDP) tại một cuộc họp báo_Ảnh: AFP/ TTXVN

Sự phát triển của chính trị xanh tại châu Âu

Biểu hiện của chính trị xanh ở châu Âu được thể hiện thông qua sự hiện diện của hai yếu tố cấu thành quan trọng.

Yếu tố cấu thành thứ nhất, đó là các tổ chức phi chính phủ hoạt động vì môi trường đã hình thành và phát triển mạnh mẽ tại châu Âu từ đầu những năm 70 của thế kỷ XX. Cho đến nay, một số tổ chức đã phát triển trên quy mô toàn khu vực, thậm chí là toàn cầu, có thể kể đến, như: European Environmental Bureau với trọng tâm ưu tiên là bảo tồn đa dạng sinh học, chống ô nhiễm môi trường, chống biến đổi khí hậu và bảo đảm nền kinh tế tuần hoàn; Climate Action Network Europe tập trung vào các vấn đề khí hậu bền vững và chính sách năng lượng và phát triển; Seas at Risk với mục tiêu ưu tiên là bảo tồn và phục hồi môi trường biển; European Environment Agency tập trung vào nhiệm vụ nâng cao nhận thức của cộng đồng về các vấn đề môi trường ở châu Âu; David Shepherd Wildlife Foundation với trọng tâm bảo vệ động vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng và nâng cao nhận thức cộng đồng về việc bảo vệ và bảo tồn môi trường sống của động vật hoang dã…

Có thể thấy, tuy đều có mục tiêu xuyên suốt là bảo vệ môi trường và ngăn chặn tác động tiêu cực đối với môi trường, song giữa các tổ chức phi chính phủ này lại có những khác biệt nhất định về lĩnh vực ưu tiên. Bên cạnh đó, cách thức hoạt động của các tổ chức này cũng rất đa dạng, như: Tham gia đối thoại trực tiếp với các tập đoàn gây ô nhiễm và các cơ quan chính phủ; vận động hoặc tư vấn cho quá trình hoạch định và phát triển các chính sách về môi trường ở cả cấp độ quốc gia và cấp độ khu vực; thu thập và cung cấp dữ liệu về môi trường; tài trợ ngân sách, sáng kiến và nhân lực cho các dự án nghiên cứu hoặc bảo vệ môi trường… Cùng với mức độ cam kết và chuyên môn sâu đối với những tiêu chuẩn hay vấn đề môi trường cụ thể, các tổ chức này sẽ tạo nên một mạng lưới đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ giải quyết các vấn đề môi trường trong khu vực, thể hiện ở ba khía cạnh sau:

Thứ nhất, khả năng tác động tới chính phủ. Thông qua hoạt động nghiên cứu và hỗ trợ nghiên cứu, các tổ chức phi chính phủ - với dữ liệu đáng tin cậy và chuyên môn sâu - có thể đưa ra giải pháp hiệu quả và bền vững cho các vấn đề môi trường cụ thể. Từ đó, các tổ chức có thể vận động, tư vấn hoặc hỗ trợ chính phủ hoạch định và phát triển các chính sách xã hội nói chung và chính sách môi trường nói riêng.

Thứ hai, khả năng thu hút truyền thông và dư luận. Với mục tiêu và cách thức hoạt động đa dạng, các tổ chức phi chính phủ trở thành một lực lượng mạnh mẽ với nguồn lực, thông tin, uy tín và khả năng ảnh hưởng tới nhiều đối tượng, trong đó có truyền thông và dư luận. Việc thu hút được sự quan tâm của người dân và các phương tiện truyền thông đại chúng sẽ hỗ trợ hiệu quả, thúc đẩy sự cải tiến và đổi mới liên tục các biện pháp ứng phó hoặc giảm thiểu tác động đến môi trường.   

Thứ ba, khả năng điều chỉnh hành vi cộng đồng. Khả năng đưa ra các kết quả nghiên cứu độc lập và khách quan, đặc biệt là mức độ lan tỏa và uy tín của các tổ chức phi chính phủ cũng góp phần quan trọng trong việc gia tăng hiểu biết, nâng cao nhận thức của người dân về các vấn đề môi trường ở cả cấp độ quốc gia và quốc tế và trên hết là tạo ra sự thay đổi trong hành vi và văn hóa của cộng đồng. Do vậy, mặc dù không trực tiếp tham gia hệ thống chính trị, song với vị trí trung gian giữa chính phủ - chủ thể chính sách và các doanh nghiệp, cộng đồng - đối tượng chính sách, các tổ chức phi chính phủ đóng vai trò đáng kể trong việc thúc đẩy quá trình hoạch định, cũng như tuân thủ các chính sách về môi trường.

Yếu tố cấu thành thứ hai, đó là các đảng Xanh đang ngày càng khẳng định vị trí trong hệ thống chính trị và bộ máy cầm quyền của các quốc gia châu Âu. Tuy không có số lượng đông đảo như các tổ chức phi chính phủ vì môi trường, song kể từ thập niên 80 của thế kỷ XX, các đảng Xanh đã dần gia tăng sự hiện diện tại nhiều quốc gia châu Âu, thách thức các mô hình đảng chính trị truyền thống và đặt ra các vấn đề mới trong chương trình nghị sự của chính phủ. Sự hình thành và phát triển của các đảng Xanh là biểu hiện rõ nét nhất của xu hướng chính trị xanh, khi các diễn ngôn, tư tưởng và sáng kiến hướng đến mục tiêu bảo vệ môi trường và công bằng xã hội bắt đầu được sử dụng như một công cụ nhằm đạt được mục đích chính trị(3).

Có thể thấy, mặc dù cùng đề cao tầm quan trọng của môi trường và hướng tới mục tiêu giải quyết các vấn đề môi trường, song giữa các đảng Xanh và các tổ chức phi chính phủ có sự khác biệt đáng kể về mức độ tham gia hệ thống chính trị cũng như khả năng đưa ra các quyết định chính sách. Cụ thể, các đảng Xanh có thể tham gia các hoạt động tranh cử, bầu cử với mục tiêu đạt được quyền lực chính trị thông qua sự hiện diện trong bộ máy cầm quyền. Khi tham gia chính phủ, các đảng Xanh có thể trực tiếp đưa ra đề xuất chính sách và thực hiện chương trình nghị sự. Đồng thời, bên cạnh mối quan tâm chung về môi trường, các đảng Xanh - với tư cách là đảng chính trị - có xu hướng tích hợp yếu tố môi trường và bền vững vào tất cả các khía cạnh của đời sống chính trị - xã hội, từ đó đưa ra các chương trình nghị sự toàn diện trên nhiều lĩnh vực, như an ninh, kinh tế, xã hội, ngoại giao,…

Cần nhấn mạnh rằng chính trị xanh đã và đang trở thành xu hướng nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của người dân châu Âu, điều này chủ yếu đến từ cách tiếp cận hướng tới bảo vệ đồng thời cả môi trường và nhu cầu phát triển của con người, cũng như sự quan tâm đáng kể của đa số đảng Xanh đối với các vấn đề nhân quyền và quyền tự do cơ bản của người dân. Bên cạnh đó, khi xem xét sự hình thành và phát triển của chính trị xanh trong tiến trình lịch sử của châu Âu, có thể thấy một số đặc điểm của xu hướng chính trị này như sau:

Một là, sự nổi lên của xu hướng chính trị xanh nói chung và các đảng Xanh nói riêng gắn liền và được duy trì bởi sự quan tâm ngày càng mạnh mẽ của con người về các vấn đề môi trường. Tuy nhiên, chỉ khi nhận thức về môi trường được gắn với nỗi lo sợ về hiểm họa hạt nhân và mong muốn thay đổi cấu trúc xã hội, thì các đảng Xanh mới chính thức được hình thành và tham gia chính trường châu Âu.

Đảng xanh của Pháp trước thềm cuộc bầu cử châu Âu_Nguồn: Alamy.com

Hai là, xu hướng chính trị xanh có thể hình thành sớm ở châu Âu bởi cuộc cách mạng “hậu duy vật” về tư tưởng và giá trị ở phương Tây, trong đó nhấn mạnh mối liên hệ sâu sắc giữa con người và thiên nhiên, đồng thời thúc đẩy nhận thức về môi trường và bảo tồn sinh quyển. Cuộc cách mạng này là kết quả của một số đặc trưng của xã hội phương Tây nói chung và châu Âu nói riêng lúc bấy giờ, như sự tăng trưởng vượt bậc về kinh tế, sự phổ biến của giáo dục trình độ cao và sự ổn định của nền chính trị.

Ba là, mức độ quan tâm tới các vấn đề môi trường của một quốc gia cũng không phải điều kiện duy nhất cho sự hình thành xu hướng chính trị xanh tại quốc gia đó. Trước hết, cần lưu ý rằng nhận thức về các vấn đề môi trường có thể rất khác nhau ở các khu vực có đặc điểm kinh tế, chính trị, xã hội khác nhau. Đơn cử như, khác với các nước châu Âu, ở nhiều quốc gia đang phát triển, các vấn đề môi trường chủ yếu vẫn mang nặng tính “vật chất” bởi nó gắn liền với nguồn tài nguyên thiên nhiên để phát triển kinh tế, đồng thời là yếu tố quan trọng nhằm bảo đảm sinh kế của người dân. Bên cạnh đó, hệ thống chính trị cũng có vai trò quyết định đối với sự hình thành và phát triển của các đảng Xanh. Cụ thể, tinh thần đa nguyên của các nền dân chủ lâu đời ở châu Âu cho phép sự tồn tại và cạnh tranh đồng thời của nhiều đảng phái trong hệ thống chính trị của một quốc gia, do đó các đảng Xanh được thành lập, công nhận và hoạt động chính trị một cách hợp pháp.

Bốn là, các tổ chức phi chính phủ vì môi trường hoạt động độc lập với chính phủ, không tham gia trực tiếp vào bộ máy công quyền, do đó sẽ bị hạn chế về khả năng ra quyết định hay khả năng có tiếng nói trong các diễn đàn và cơ chế hợp tác quốc tế vốn do các quốc gia kiểm soát. Tuy nhiên, các tổ chức này đã thành công trong việc thiết lập các kênh hành động mới, thậm chí vượt qua ranh giới quốc gia thông qua các mạng lưới của riêng mình, từ đó tạo dựng được uy tín và tầm ảnh hưởng tới nhiều khía cạnh của đời sống chính trị - xã hội, buộc chính phủ và doanh nghiệp phải có trách nhiệm và tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường quốc tế.

Năm là, việc tham gia chính trường đã mang lại cho các đảng Xanh ở châu Âu tầm ảnh hưởng đáng kể trong việc đưa môi trường trở thành một vấn đề chính trị trọng tâm. Mặc dù các đảng phái chính trị khác cũng có thể đề cập đến vấn đề môi trường trong các diễn ngôn của mình, song các đảng Xanh vẫn là những chủ thể chính trị tập trung vào mục tiêu môi trường một cách nhất quán và có tính thuyết phục, do đó là sự lựa chọn đáng tin cậy đối với các cử tri quan tâm đến các vấn đề môi trường.

Sáu là, khó có thể đặt các đảng Xanh ở một vị trí vững chắc trong hệ thống công quyền, do bên cạnh mối quan tâm chung về môi trường, lập trường chính trị của các đảng Xanh có thể khác nhau. Mặc dù vậy, trong hầu hết chính phù liên minh, đảng Xanh vẫn có xu hướng chia sẻ quan điểm và quyền lực chính trị với các đảng cánh tả như dân chủ xã hội hay tự do.

Bảy là, ​những năm gần đây chứng kiến sự ủng hộ của người dân châu Âu đối với các đảng Xanh đang tăng lên ở nhiều quốc gia dưới tác động của các vấn đề môi trường và biến động chính trị. Tuy nhiên, do các đảng Xanh cho đến nay chỉ có thể nắm quyền thông qua tham gia chính phủ liên minh với một hoặc nhiều đảng khác, quyền lực của các đảng Xanh sẽ bị hạn chế và khả năng tác động của các chủ thể này đối với tương lai của chính trị toàn cầu vẫn chưa rõ ràng.

Nhìn chung, đa phần các đảng Xanh chia sẻ quan điểm và nền tảng triết lý gắn liền với bốn trụ cột là sinh thái bền vững, dân chủ cơ sở, công bằng xã hội và bất bạo động. Đây đều là những mục tiêu bền vững và nhân văn, phù hợp với lợi ích và nhu cầu của đại bộ phận quần chúng. Do đó, khi biến đổi khí hậu trở thành một vấn đề toàn cầu nghiêm trọng, thì các đảng Xanh ở châu Âu cũng nhận được sự quan tâm và ủng hộ mạnh mẽ hơn. Không chỉ gia tăng đáng kể số ghế đại diện trong nghị viện, mà các đảng Xanh hiện còn đang trực tiếp tham gia điều hành chính phủ liên minh tại 5 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) là Áo, Ireland, Bỉ, Đức và Latvia. Thực tế này là minh chứng cho việc các đảng Xanh đang và sẽ hoàn toàn có khả năng tiếp tục củng cố vị thế chính trị của mình, trước hết tại châu Âu./.

-----------------------

(1) Laakkonen, S., Pál, V., Tucker, R.: The Cold War and environmental history: complementary fields (Tạm dịch: Chiến tranh lạnh và lịch sử môi trường: các lĩnh vực bổ sung), Cold War History, 2016, 16, 1-18
(2) Legnér, M., Lilja, S.: Living Cities: An Anthology in Urban Environmental History (Tạm dịch: Living Cities: Tuyển tập Lịch sử Môi trường Đô thị), Formas, tr. 10 - 31
(3) Năm 1972, các đảng Xanh đầu tiên trên thế giới được thành lập, trong đó có Đảng Nhân dân của Anh, tiền thân của Đảng Xanh sau này. Năm 2019, Đảng Xanh Phần Lan giành được 20 ghế trong Nghị viện, tham gia điều hành chính phủ liên minh cùng với bốn đảng khác là Đảng Trung tâm, Đảng Dân chủ Xã hội, Đảng Liên minh cánh tả và Đảng Nhân dân Thụy Điển; Đảng Xanh Áo giành được gần 14% phiếu bầu và 26 ghế trong Nghị viện, thành lập chính phủ liên hiệp với Đảng Trung hữu theo đường lối bảo thủ. Năm 2020, Đảng Xanh Ireland giành được 12 ghế trong Nghị viện, thành lập liên minh đảng cầm quyền cùng hai đảng trung hữu là Fianna Fail và Fine Gael. Năm 2021, Đảng Xanh Đức giành được tỷ lệ phiếu bầu cao nhất trong lịch sử, tham gia chính phủ liên minh của Thủ tướng Olaf Scholz với sáu vị trí trong nội các, bao gồm phó thủ tướng và ngoại trưởng. Năm 2023, Đảng Xanh mới thành lập năm 2017 của Latvia tham gia chính phủ liên minh với ba đại diện giữ các chức vụ Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ Giao thông vận tải và Bộ Văn hóa.