Xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên trong Binh chủng Tăng thiết giáp theo tinh thần “7 dám” đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của tình hình mới

Nguyễn Đức Dinh            
Thiếu tướng, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Binh chủng Tăng thiết giáp
15:12, ngày 04-10-2023

TCCS - Quán triệt bài phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Quân ủy Trung ương lần thứ sáu, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Đảng ủy Binh chủng Tăng thiết giáp xác định: Phát huy tính tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, xây dựng đội ngũ cán bộ “7 dám”(1). Đây là định hướng căn bản, toàn diện để xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên của Binh chủng đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng Binh chủng tinh, gọn, mạnh, chính quy, hiện đại.

Thiếu tướng Nguyễn Đức Dinh, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Binh chủng Tăng thiết giáp động viên cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 215 sau khi hoàn thành khoa mục thực hành phục vụ tập huấn cán bộ tăng thiết giáp toàn quân năm 2023 _ Ảnh: Xuân Thủy

Thời gian qua, các cấp ủy, tổ chức đảng trong toàn Đảng bộ Binh chủng Tăng thiết giáp luôn chấp hành nghiêm nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt đảng. Việc nghiên cứu, quán triệt, triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, hướng dẫn của cấp trên nói chung, về xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên nói riêng, được tiến hành nghiêm túc, hiệu quả. Các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, “Mẫu mực, tiêu biểu”; thường xuyên chú trọng xây dựng môi trường văn hóa trong sạch, lành mạnh; phát huy dân chủ đi đôi với tăng cường kỷ luật, kỷ cương; tạo mọi điều kiện thuận lợi để cán bộ, chiến sĩ phát huy trí tuệ, năng lực và sức sáng tạo trong huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và trong công tác chuyên môn. Nhờ đó, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức đảng, chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu của Binh chủng không ngừng được nâng lên. Tuyệt đại đa số cán bộ, đảng viên trong Binh chủng có bản lĩnh chính trị vững vàng, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng; có tinh thần trách nhiệm, ý chí quyết tâm cao, không ngại khó, ngại khổ, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.   

Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới ở Binh chủng Tăng thiết giáp thời gian qua còn có những hạn chế. Một số cán bộ, đảng viên trong Binh chủng chưa phát huy hết tinh thần trách nhiệm; chưa tích cực trong tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống; chưa thật sự toàn tâm, toàn ý cho cơ quan, đơn vị; dựa dẫm, ỷ lại, làm việc cầm chừng hoặc hời hợt cho xong; có công thì nhận, có lỗi thì đùn đẩy, ngại đấu tranh, né tránh trách nhiệm. Thậm chí, cá biệt còn có cán bộ, đảng viên thiếu nhiệt huyết phấn đấu, chưa thật sự gương mẫu trong lời nói và hành động; ngại khó, ngại khổ; hành động thiếu quyết liệt, chưa vì lợi ích chung và vẫn có những vi phạm đến mức phải xử lý.

Để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được và khắc phục triệt để hạn chế, khuyết điểm, góp phần xây dựng Binh chủng Tăng thiết giáp thực sự tinh, gọn, mạnh, chính quy, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, cán bộ, đảng viên trong Binh chủng cần quán triệt, thực hiện tốt theo tinh thần “7 dám” mà đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ ra, cụ thể ở một số vấn đề sau:

Thứ nhất, “dám nghĩ”: Là tư duy chủ động theo hướng tích cực, sự nhìn nhận khách quan, toàn diện những vấn đề đặt ra trong thực tiễn ở từng cơ quan, đơn vị một cách khoa học, từ đó mạnh dạn đề ra các giải pháp đưa cơ quan, đơn vị phát triển. Dám nghĩ còn là tư duy độc lập, thể hiện “tâm, tầm, trí” của cán bộ, đảng viên. Người cán bộ, đảng viên có tinh thần dám nghĩ sẽ luôn trăn trở, lo lắng cho nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị; suy nghĩ để tìm ra cái mới, có hiệu quả, vì lợi ích của tập thể, của xã hội, chứ không phải nhằm mưu lợi cá nhân. Theo đó, từng cán bộ, đảng viên trong Binh chủng Tăng thiết giáp phải “tích cực tư duy” và “tư duy tích cực”, phải nghĩ về cái mới trong khả năng thực hiện của bản thân, những việc có lợi mang lại hiệu quả thiết thực cho cơ quan, đơn vị; loại bỏ những suy nghĩ tiêu cực, lạc hậu; chống bệnh thủ cựu chỉ vì lợi ích nhóm, lợi ích của cá nhân mà gây hại cho tập thể và cơ quan, đơn vị. Muốn nghĩ đúng và trúng, đòi hỏi cán bộ, đảng viên phải sâu sát thực tế, gần gũi với quần chúng, yêu thương bộ đội, nắm chắc tình hình mọi mặt của cơ quan, đơn vị, đặc biệt là hoạt động của bộ đội xe tăng trong môi trường mới. Từ đó, có tư duy toàn diện, dự báo sớm tình hình, đề xuất các chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện sát với đặc thù, yêu cầu, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị mình. Tư duy đúng là cơ sở cho nói đúng, làm tốt.

Thiếu tướng Nguyễn Đức Dinh, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Binh chủng Tăng thiết giáp với cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn Tăng thiết giáp 202_Ảnh: Xuân Thủy

Thứ hai, “dám nói”: Là nói đúng quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nói có văn hóa; nói những vấn đề không giáo điều, sách vở mà gắn với thực tiễn của cơ quan, đơn vị, từ đòi hỏi của đổi mới và yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của cán bộ, chiến sĩ. Dám nói thể hiện dũng khí, tính cương trực, thẳng thắn, sự công tâm của cán bộ, đảng viên khi nhận định, xem xét, giải quyết một vấn đề, một sự vật, hiện tượng nào đó... Tuy nhiên, việc thực hành dám nói cũng đòi hỏi phải đúng nơi, đúng lúc, đúng đối tượng; trên tinh thần xây dựng, để tăng cường sự đoàn kết, tin tưởng lẫn nhau, để cơ quan, đơn vị ổn định và phát triển. Dám nói để phản biện xã hội, từ đó đi đến thống nhất, chứ không phải thích nói gì thì nói, đụng đâu nói đó, phát ngôn tùy tiện, nói không có căn cứ, không có cơ sở hoặc để tâng bốc, nịnh bợ lẫn nhau, làm hại đơn vị, hại đồng đội. Theo đó, cán bộ, đảng viên trong Binh chủng Tăng thiết giáp cần suy nghĩ chín chắn, thấu đáo về các vấn đề trước khi nói; lời nói phải chân thành, có sức thuyết phục, lôi cuốn để quân nhân trong cơ quan, đơn vị thấu hiểu và thực hiện; thấy đúng phải bảo vệ, thấy sai phải kiên quyết đấu tranh; thực hiện tốt tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt các tổ chức cũng như trong đời sống hằng ngày.

Thứ ba, “dám làm”: Thể hiện tinh thần trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong việc biến những suy nghĩ, dự định, lời nói trở thành hiện thực. Dám làm thể hiện bản lĩnh, năng lực tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao của người quân nhân. Đối với lãnh đạo, chỉ huy ở các cơ quan, đơn vị, dám làm thể hiện bản lĩnh, tính quyết đoán và trách nhiệm của người cán bộ trong công việc; là năng lực xây dựng, ban hành nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch, hoạch định chương trình hành động với các biện pháp tổ chức thực hiện khoa học, hợp lý, chính xác, phát huy được hiệu quả trên thực tế. Dám làm phải gắn với biết làm. Dám làm thể hiện rõ năng lực, trình độ của người cán bộ, đảng viên, tính tổ chức, tính khoa học, cụ thể và tính hiệu quả trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ của họ; khác hẳn với làm liều, làm ẩu, làm cho có, làm cầm chừng để đối phó, làm chỉ vì tư lợi cá nhân. Với tinh thần đó, cán bộ, đảng viên trong Binh chủng Tăng thiết giáp phải làm những cái hay, cái mới, cái thiết thực và có hiệu quả. Nói phải đi đôi với làm, nói được thì phải làm được và khi đã làm thì làm cho đến nơi, đến chốn, làm với tinh thần trách nhiệm và khả năng cao nhất. Dám làm của cán bộ, đảng viên trong Binh chủng là biểu hiện của sự nêu gương, cũng chính là cách tốt nhất để lay động, cảm hóa cán bộ, chiến sĩ thuộc quyền, bởi “một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”(2); tránh tình trạng “nói một đằng, làm một nẻo”, “nói thì hay, làm thì dở”, nói nhiều mà làm ít, nói nhưng không làm.

Thứ tư, “dám chịu trách nhiệm”: Thể hiện vai trò, trách nhiệm của người cán bộ, đảng viên trên từng cương vị, chức trách, là hành động gương mẫu, đầu tàu của họ trước mọi công việc, luôn sẵn sàng đón nhận cả thành công và những thất bại, rủi ro ngoài ý muốn. Đối với người lãnh đạo, chỉ huy, dám chịu trách nhiệm thể hiện ở tính cầu thị, sẵn sàng tiếp nhận sự phê bình, đóng góp từ tập thể, đồng chí, đồng đội, cấp trên, cấp dưới để điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ huy, điều hành phù hợp với thực tế cơ quan, đơn vị và chịu trách nhiệm với quyết định đó. Dám chịu trách nhiệm còn là “dám từ chối”, “dám nói không” với những việc làm sai trái, tham nhũng, tiêu cực... Theo đó, cán bộ, đảng viên trong Binh chủng Tăng thiết giáp phải dám chịu trách nhiệm về những lời nói, việc làm của mình trước tập thể, trước bộ đội. Khi chưa hoàn thành nhiệm vụ hoặc mắc sai lầm, khuyết điểm thì phải thẳng thắn nhìn nhận, tìm ra nguyên nhân, biện pháp khắc phục; đấu tranh với mọi biểu hiện “tranh công, đổ lỗi”, “trốn tránh trách nhiệm”, đổ lỗi cho “khách quan” hay bao biện cho những hạn chế, khuyết điểm, việc làm của bản thân. Người cán bộ, nhất là cán bộ chủ trì phải dám chịu trách nhiệm với kết quả, hiệu suất thực hiện nhiệm vụ hay thất bại của cơ quan, đơn vị mình phụ trách; kiên quyết xử lý nghiêm sai phạm theo đúng quy định, thẩm quyền, triệt để nói không với bệnh thành tích, bao che, giấu giếm khuyết điểm.

Thứ năm, “dám đổi mới, sáng tạo”: Thể hiện khả năng tư duy toàn diện trên cơ sở năng lực, trình độ và vai trò của mỗi cán bộ, đảng viên; là dám thay thế cái cũ hoặc làm cho cái cũ trở thành cái mới tốt hơn; cải biến cái chưa phù hợp thành cái phù hợp, cái bất hợp lý thành cái hợp lý để đáp ứng yêu cầu của sự phát triển. Sáng tạo là biểu hiện của sự mạnh dạn đưa ra những ý tưởng mới, sáng kiến để ứng dụng vào thực tế, mang lại lợi ích cho tập thể và xã hội; là xu thế tất yếu khách quan của sự phát triển. Như vậy, dám đổi mới, sáng tạo phản ánh năng lực tổng hợp nền tảng tri thức khoa học với bản lĩnh chính trị của cán bộ, đảng viên. Theo đó, cán bộ, đảng viên trong Binh chủng Tăng thiết giáp phải không ngừng đổi mới, sáng tạo cả trong tư duy và hành động; sẵn sàng từ bỏ những cái cũ, cái lạc hậu, cái không còn phù hợp đang cản trở sự phát triển; đồng thời, tiếp thu những cái mới, tiến bộ, phù hợp, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của quân đội nói chung, của Binh chủng nói riêng trong tình hình mới. Tuy nhiên, đổi mới, sáng tạo không có nghĩa là phủ nhận hoàn toàn cái cũ, mà phải biết kế thừa, phát huy, duy trì những cái còn mang lại hiệu quả, có lợi cho cơ quan, đơn vị. Muốn đổi mới, sáng tạo, cán bộ, đảng viên phải học hỏi kinh nghiệm của các thế hệ đi trước, học ở cấp trên, đồng cấp, cấp dưới, học ở mọi người, học ở mọi lúc, mọi nơi; đồng thời, phải triệt để khắc phục chủ nghĩa kinh nghiệm, giáo điều, rập khuôn, máy móc.

Thứ sáu, “dám đương đầu với khó khăn, thử thách”: Thể hiện bản lĩnh của người cán bộ, đảng viên, tinh thần không sợ hãi, rụt rè, lùi bước và hành động tích cực, chủ động, xông pha đi đầu, dấn thân vào những công việc khó, việc mới chưa có tiền lệ, những nhiệm vụ phức tạp, gian khổ nhằm làm chuyển biến tình hình theo hướng phát triển, có lợi cho tập thể, xã hội. Để làm được điều này, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải đứng vững trên lập trường giai cấp công nhân, luôn kiên định mục tiêu, lý tưởng cách mạng; dũng cảm, tiên phong, không sợ hy sinh, gian khổ để hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Được tiếp nối, thụ hưởng những giá trị truyền thống vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam, Binh chủng Tăng thiết giáp Việt Nam anh hùng, mỗi cán bộ, đảng viên trong Binh chủng cần giữ vững và phát huy phẩm chất tốt đẹp của người quân nhân cách mạng, nhất là “bản lĩnh, tinh thần thép” của người chiến sĩ xe tăng trong tình hình mới. Cấp ủy, tổ chức đảng các cấp cần làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, xây dựng cho cán bộ, đảng viên bản lĩnh chính trị vững vàng, tâm thế chủ động, sẵn sàng nhận và hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao, nhất là những nhiệm vụ mới, khó khăn, phức tạp.

Tổ chức kiểm tra chi bộ và các đồng chí chi ủy viên theo kế hoạch ở Đảng bộ Cục Chính trị Binh chủng Tăng thiết giáp_Ảnh: Xuân Thủy

Thứ bảy, “dám hành động vì lợi ích chung”: Là mục tiêu, yêu cầu cao nhất mà “6 dám” nêu trên cần phải đạt được, nếu thiếu hoặc coi nhẹ vấn đề này, người cán bộ, đảng viên không những không hoàn thành nhiệm vụ mà còn dễ sa vào chủ nghĩa cá nhân, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Bên cạnh đó, ở môi trường quân sự có tính đặc thù, nếu thiếu quyết đoán, không dám hành động thì sẽ dẫn đến việc thực hiện kế hoạch, nhiệm vụ bị trì trệ, bỏ lỡ thời cơ, thất bại trong xử lý các tình huống. Do vậy, cán bộ, đảng viên trong Binh chủng phải sâu sát, nắm chắc tình hình, chủ động, nhạy bén và kiên quyết hành động với động cơ trong sáng; bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, hiệu quả, vì sự phát triển vững mạnh của cơ quan, đơn vị; không lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao để thu vén, trục lợi cá nhân, làm tổn hại đến tập thể. Đồng thời, cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ chủ trì các cấp cần trao truyền nhiệt huyết, tạo môi trường, điều kiện, cơ chế, chính sách thuận lợi, trọng dụng và quyết liệt bảo vệ những cán bộ, đảng viên có tinh thần trách nhiệm, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám vượt lên khó khăn, dám hành động vì lợi ích chung.

Có thể nói, tinh thần “7 dám” nêu trên vừa là mục tiêu, vừa là giải pháp quan trọng để bồi dưỡng, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên trong Binh chủng Tăng thiết giáp có đủ đức, đủ tài, có uy tín, trách nhiệm cao. Do vậy, mỗi cán bộ, đảng viên của Binh chủng, trước hết là cấp ủy, cán bộ chủ trì các cấp phải tích cực học tập, nghiên cứu, thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện và thực hiện nhất quán, đồng bộ, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ, sâu rộng, để “7 dám” đi sâu, thẩm thấu vào suy nghĩ, lời nói, việc làm hằng ngày, góp phần làm sáng mãi phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, hình ảnh người chiến sĩ xe tăng, xây dựng Binh chủng thực sự cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới./.

--------------------

(1) Bao gồm: Dám nghĩ; dám nói; dám làm; dám chịu trách nhiệm; dám đổi mới, sáng tạo; dám đương đầu với khó khăn, thử thách và dám hành động vì lợi ích chung
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 1, tr. 284