TCCS - Trong những năm gần đây, nhằm đẩy mạnh tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam tích cực tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA), nhất là các FTA thế hệ mới. Trong đó, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) được đánh giá là những FTA thế hệ mới đang được triển khai tích cực, do vậy cần nắm bắt những cơ hội, vượt qua các thách thức để tận dụng hiệu quả, mang lại những lợi ích cho doanh nghiệp Việt Nam.

Ngay từ những năm 80 của thế kỷ XX, Đảng và Nhà nước ta đã sớm nhận thức được tính cần thiết và tất yếu của hội nhập kinh tế quốc tế. Từ đó đến nay, đường lối, chủ trương hội nhập kinh tế quốc tế của Đảng ta không ngừng được hoàn thiện, phù hợp với tình hình cụ thể của từng giai đoạn, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước và được tích cực thể chế hóa, như: Nghị quyết số 19/NQ-CP, ngày 18-3-2014, của Chính phủ, “Về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia”; Nghị quyết số 02/NQ-CP, ngày 10-1-2022, của Chính phủ, “Về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022”.

Trong tiến trình hội nhập quốc tế toàn diện về chính trị, quốc phòng - an ninh, văn hóa - xã hội, khoa học - công nghệ và giáo dục - đào tạo, hội nhập kinh tế quốc tế là nội dung trọng tâm và là một bộ phận quan trọng, xuyên suốt của công cuộc đổi mới đất nước. Theo đó, tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam có nhiều bước tiến quan trọng. Trong năm 2019, CPTPP chính thức có hiệu lực ở Việt Nam; năm 2020, Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) ký kết EVFTA. Theo đó, ngoài những lĩnh vực truyền thống như tiếp cận thị trường/MA, rào cản kỹ thuật trong thương mại, biện pháp vệ sinh dịch tễ (SPS), rào cản kỹ thuật (TBT), quy tắc xuất xứ, hợp tác hải quan, đầu tư, dịch vụ, pháp luật và thể chế, những FTA thế hệ mới này đem đến cho các bên ký kết cơ hội mở rộng các lĩnh vực: mua sắm chính phủ/mua sắm công, cạnh tranh, sở hữu trí tuệ, lao động, môi trường, các vấn đề xuyên biên giới… Điểm quan trọng là FTA thế hệ mới có mức độ cam kết rộng nhất, bao phủ gần như toàn bộ các lĩnh vực về hàng hóa và dịch vụ; có mức độ cam kết sâu nhất, mức cắt giảm thuế gần như về 0%; có cơ chế thực thi chặt chẽ. Đối với CPTPP, Việt Nam cam kết xóa bỏ gần 100% số dòng thuế, trong đó 65,8% số dòng thuế có thuế suất 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực; 86,5% số dòng thuế có thuế suất 0% vào năm thứ 4 kể từ khi Hiệp định có hiệu lực; 97,8% số dòng thuế có thuế suất 0% vào năm thứ 11 kể từ khi Hiệp định có hiệu lực; các mặt hàng còn lại cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu với lộ trình xóa bỏ thuế tối đa vào năm thứ 16 hoặc theo hạn ngạch thuế quan. Đối với EVFTA, Việt Nam cam kết xóa bỏ 65% dòng thuế ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực; xóa bỏ trên 99% số dòng thuế trong vòng 9 năm; số còn lại sẽ áp dụng hạn ngạch thuế quan với mức thuế trong hạn ngạch là 0%.

Tận dụng các FTA thế hệ mới, xuất khẩu cá tra 11 tháng năm 2022 của Việt Nam đạt 2,2 tỷ USD (tăng 61,9%) so với cùng kỳ năm trước_Ảnh: TTXVN

Không chỉ vậy, ngoài việc hưởng lợi ích từ việc xóa bỏ hàng rào thuế quan, quyền lợi và trách nhiệm của doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia các FTA thế hệ mới còn là việc tiếp nhận kịp thời thông tin về các FTA, hưởng các ưu đãi theo FTA, được bảo vệ lợi ích khi thực thi các FTA đồng thời với trách nhiệm thực thi hiệu quả các FTA. Đặc biệt, việc tham gia FTA thế hệ mới giúp các doanh nghiệp Việt Nam có khả năng nắm bắt các cơ hội để tăng cường đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường các nước tham gia hiệp định, đơn cử như với CPTPP (1): Thứ nhất, lợi ích về xuất khẩu: Việc các nước, trong đó có các thị trường lớn như Nhật Bản, Canada giảm thuế nhập khẩu về 0% cho hàng hóa của Việt Nam sẽ tạo ra những tác động tích cực trong việc thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu. Theo đó, doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu hàng hóa sang thị trường các nước thành viên CPTPP sẽ được hưởng cam kết cắt giảm thuế quan ưu đãi. Về cơ bản, các mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh của Việt Nam, như nông, thủy sản, điện, điện tử đều được xóa bỏ thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Với mức độ cam kết như vậy, theo nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, xuất khẩu của Việt Nam có thể sẽ tăng thêm 4,04% đến năm 2035. Việc tham gia FTA với các nước CPTPP sẽ giúp Việt Nam có cơ hội cơ cấu lại thị trường xuất nhập khẩu theo hướng cân bằng hơn. Thứ hai, lợi ích về việc tham gia chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu: Các nước CPTPP chiếm 13,5% GDP toàn cầu với tổng kim ngạch thương mại hơn 10.000 tỷ USD, trong đó bao gồm các thị trường lớn, như Nhật Bản, Canada, Australia. Tham gia CPTPP sẽ mở ra nhiều cơ hội trong hình thành chuỗi cung ứng, là điều kiện quan trọng để nâng cao trình độ phát triển của nền kinh tế, tăng năng suất lao động, giảm dần việc gia công lắp rắp, tham gia các công đoạn sản xuất có giá trị gia tăng cao hơn, từ đó phát triển các ngành điện tử, công nghệ cao, sản phẩm nông nghiệp xanh…

Ngoài ra, các FTA thế hệ mới mở ra cơ hội thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam tự nâng cấp chính mình, chấp nhận những luật chơi mới, khó hơn để tiến sâu hơn, vươn lên những công đoạn có giá trị cao hơn trong chuỗi cung ứng, chuỗi phân phối toàn cầu (2), đặc biệt như thị trường EU vốn là thị trường có yêu cầu khắt khe về chất lượng và tiêu chuẩn cao đối với hàng hóa, dịch vụ. CPTPP và EVFTA cũng đề cao vai trò doanh nghiệp và tầm quan trọng của việc thiết lập các cơ chế tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận các lợi ích của tự do thương mại. Đây là cách tiếp cận tiến bộ và thực tiễn, bởi doanh nghiệp chính là chủ thể đưa các cam kết vào thực tiễn. Mức độ doanh nghiệp khai thác các cam kết là thước đo giá trị của hiệp định.

Trên thực tế, sau ba năm thực thi CPTPP và hai năm triển khai EVFTA, các doanh nghiệp Việt Nam đã đạt được những kết quả tích cực ban đầu trong việc tận dụng những ưu đãi từ các hiệp định này. Trước tiên có thể thấy đó là lợi ích về thuế quan, nhất là ở những thị trường mới như Canada, Mexico. Tiếp đến là những tác động tích cực đối với cải cách thể chế (như các biện pháp cải cách thủ tục hành chính, điều chỉnh chính sách, pháp luật), đồng thời với đó là các lợi ích kỳ vọng trong tương lai (trong các kế hoạch hợp tác, liên doanh với đối tác nước ngoài để tận dụng các FTA thế hệ mới). Ngoài ra, còn có lợi ích từ các cam kết quy tắc được coi là tiêu chuẩn cao như các bảo hộ về quyền sở hữu trí tuệ…

Năm 2019, thương mại quốc tế bị ảnh hưởng đáng kể bởi căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc, xung đột thương mại ở nhiều khu vực trên thế giới, sự suy giảm tương ứng của nhiều nền kinh tế... Các năm 2020 - 2021, dịch bệnh COVID-19 bùng phát và lan rộng toàn cầu, hoạt động thương mại bị xáo trộn chưa từng có tiền lệ. Diễn biến dịch bệnh, chính sách giãn cách xã hội, các quyết định đóng cửa tạm thời nền kinh tế, đứt gãy chuỗi sản xuất và vận tải… là những yếu tố bất thường, tác động trực tiếp tới hoạt động thương mại. Trong bối cảnh đó, thương mại giữa Việt Nam với các đối tác CPTPP vẫn được kết nối thông suốt. Năm đầu tiên (năm 2019), kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang khối này đạt 39,5 tỷ USD. Năm thứ hai (năm 2020), dưới tác động của dịch bệnh COVID-19, kim ngạch xuất khẩu giảm nhẹ, đạt 38,75 tỷ USD, nhưng bước sang năm thứ ba đã lấy lại đà tăng trưởng, cho thấy nỗ lực vượt khó khăn của doanh nghiệp Việt Nam. Theo Bộ Công Thương, năm 2021, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với thị trường CPTPP đạt 91,4 tỷ USD. Việt Nam xuất khẩu nông sản, máy móc - thiết bị, điện thoại - linh kiện, hàng dệt may, da giày, thủy sản… sang 10 quốc gia thành viên CPTPP với giá trị 46 tỷ USD và nhập khẩu từ thị trường này 45,4 tỷ USD. Trong đó, các thị trường xuất khẩu đạt giá trị lớn gồm: Singapore, Malaysia, Nhật Bản, Australia, Canada, Mexico, Chile. Ba thị trường còn lại (Peru, Brunei và New Zeland) dù tăng trưởng mạnh, nhưng giá trị tuyệt đối trong giao dịch thương mại còn thấp (3).

Trong 8 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu giữa Việt Nam với các nước thành viên CPTPP đạt 41 tỷ USD, tăng 38,7% so với cùng kỳ năm 2021. Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ khu vực này đạt 35 tỷ USD, tăng 17,2% so với cùng kỳ năm 2021 (4). Theo một nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB), dự báo đến năm 2030, xuất khẩu của Việt Nam sang các nước CPTPP sẽ tăng lên 80 tỷ USD, chiếm khoảng 20% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Đối với EVFTA, các doanh nghiệp bắt đầu thể hiện tính tích cực hơn và những lợi ích của Hiệp định đem lại rõ rệt hơn. Tỷ lệ sử dụng chứng nhận xuất xứ ưu đãi theo Hiệp định tăng cao. Đáng chú ý, 6 tháng năm 2022, tỷ lệ này đã tăng trên 32% - cao hơn khoảng hơn 4 lần so với tỷ lệ tận dụng ưu đãi trong CPTPP (5). Trong giao dịch thương mại với EU, riêng năm 2021, thương mại hai chiều giữa Việt Nam và EU đạt 63,6 tỷ USD, tăng trưởng 14,8% so với năm 2020. Cụ thể, tổng giá trị hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang EU đạt 45,8 tỷ USD, tăng 14,2%; còn EU xuất khẩu sang Việt Nam đạt 17,9 tỷ USD, tăng 16,5% so với năm 2020. Đáng chú ý, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sử dụng giấy chứng nhận xuất xứ (C/O mẫu EUR.1) đạt khoảng 7,8 tỷ USD, cho thấy nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã tận dụng tốt cơ hội từ việc cắt giảm thuế quan của EU theo EVFTA (6). Trong 6 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu sang EU đạt 23,82 tỷ USD, tăng 22,6% so với năm 2021 và nhập khẩu đạt 7,88 tỷ USD, giảm 4,7% so với năm 2021 (7).

Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội, việc tham gia các FTA thế hệ mới cũng đem lại những thách thức đối với các doanh nghiệp Việt Nam:

Một là, các điều khoản của FTA được đánh giá tạo ra nhiều khó khăn mới cho Việt Nam trong việc xây dựng chính sách, pháp luật trong các lĩnh vực khác nhau. Trong đó, đáng chú ý là vấn đề về lao động, bảo vệ môi trường, sở hữu trí tuệ. Do vậy, việc nâng cao sự hiểu biết và kiến thức cơ bản về các khái niệm, quy định điều chỉnh các FTA trong các lĩnh vực liên quan là rất quan trọng đối với các nhà hoạch định chính sách và các doanh nghiệp của Việt Nam, tăng khả năng tiếp cận với hệ thống thương mại toàn cầu (8).

Hai là, sau một thời gian thực thi các FTA thế hệ mới, lợi ích nhận được từ các hiệp định này còn hạn chế. Nguyên nhân chủ yếu là do các doanh nghiệp chưa nắm rõ về những ưu đãi thuế quan theo các hiệp định, cũng như khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng của nước nhập khẩu. Phần lớn các doanh nghiệp mới chỉ hiểu biết sơ bộ về hiệp định, số lượng doanh nghiệp hiểu biết rõ về các cam kết trong các FTA thế hệ mới liên quan tới hoạt động kinh doanh của mình chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Chẳng hạn như, trong so sánh với các FTA khác của Việt Nam, tỷ lệ hiểu biết về cam kết CPTPP ở mức tương đối hoặc biết rõ là 25%, chỉ cao hơn mức trung bình (23%) và kém khá xa so với các FTA ASEAN là 31%. Trong đó, nhóm doanh nghiệp biết rõ, tận dụng hiệu quả từ CPTPP là khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (29,7%), doanh nghiệp 100% vốn nhà nước (27,3%) (9). Thực trạng này phản ánh việc tuyên truyền, phổ biến chung về các FTA thế hệ mới còn hạn chế. Với một FTA khó và phức tạp như CPTPP, cần thiết phải có những biện pháp thông tin chuyên sâu, chi tiết và hữu ích hơn cho các doanh nghiệp.

Ba là, bên cạnh việc mở ra nhiều cơ hội phát triển thị trường Việt Nam, hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam định hướng hoạt động thương mại và đầu tư với các đối tác thương mại nước ngoài, các FTA thế hệ mới cũng đặt ra các quy định và yêu cầu khắt khe đối với các bên tham gia nhằm nâng cao tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm và thúc đẩy các nguyên tắc cơ bản của phát triển bền vững. Việc tuân thủ các tiêu chuẩn này nhằm bảo đảm nền kinh tế Việt Nam hoạt động hiệu quả, đáp ứng các yêu cầu của chuỗi cung ứng toàn cầu. Do đó, các doanh nghiệp phải đối mặt với những thiệt hại do sức ép cạnh tranh (phổ biến nhất là thiệt hại do sản phẩm của doanh nghiệp phải cạnh tranh gay gắt hơn với hàng hóa nhập khẩu hưởng ưu đãi), cũng như chi phí tuân thủ (các khoản chi phí tăng thêm để sẵn sàng cho các cam kết tiêu chuẩn cao về sở hữu trí tuệ, lao động, môi trường…).

Để khắc phục trở ngại, tận dụng hiệu quả cơ hội

Bộ Công Thương phối hợp với Đại sứ quán Vương quốc Anh tổ chức Lễ ra mắt Cổng thông tin cơ sở dữ liệu thương mại Việt Nam (VNTR) miễn phí cung cấp các thông tin cập nhật bằng tiếng Việt và tiếng Anh về nội dung trong các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia_Ảnh: TTXVN

Hiện nay, tình hình thế giới diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, ảnh hưởng mạnh đến kinh tế toàn cầu cũng như từng quốc gia, nhất là đại dịch COVID-19; cuộc xung đột Nga - Ukraine dẫn đến chuỗi cung ứng, lao động, sản xuất đứt gãy cục bộ; giá cả nguyên vật liệu đầu vào và nông sản ở mức cao, lạm phát ở nhiều nước tăng cao; an ninh năng lượng, an ninh lương thực ở mức đáng báo động, an ninh phi truyền thống, như thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu… diễn biến phức tạp; nhiều quốc gia, trong đó có những đối tác lớn của Việt Nam thay đổi chính sách theo hướng tăng lãi suất, thắt chặt tiền tệ, tài khóa... dẫn đến tổng cầu suy giảm (10). Do vậy, để phát huy hiệu quả từ việc tận dụng những FTA thế hệ mới, đồng thời giảm thiểu những tác động tiêu cực không mong muốn, khắc phục những hạn chế, tránh gặp rủi ro trong quá trình thực thi các cam kết, cần thực hiện một số giải pháp:

Thứ nhất, các cơ quan nhà nước cần tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng công tác xây dựng thể chế, nhất là việc thể chế hóa kịp thời các quan điểm, đường lối của Đảng về hội nhập kinh tế quốc tế, bảo đảm phù hợp với các cam kết và thông lệ quốc tế. Ngày 24-8-2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 9/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 95/2020/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn thực hiện về đấu thầu mua sắm theo Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), trên cơ sở đó, cần tiếp tục thể chế hóa, nội luật hóa các cam kết quốc tế, đặc biệt là đối với các FTA. Việc sửa đổi Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa nhằm tạo khuôn khổ pháp lý cụ thể cho hoạt động tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, quản lý chất lượng, đánh giá sản phẩm hàng hóa của Việt Nam phù hợp với các cam kết trong các FTA thế hệ mới mà Việt Nam tham gia. Đồng thời, tận dụng các cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, quá trình chuyển đổi số, thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ sản phẩm, hàng hóa Việt Nam có chất lượng, đáp ứng tiêu chuẩn quốc gia và vượt qua các hàng rào kỹ thuật trong thương mại. Điều quan trọng trong sửa đổi luật là cần chú ý đến việc tăng cường quản lý nhà nước trong lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng nhưng vẫn phải tạo “lực đẩy và lực kéo” để doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững.

Thứ hai, hoạt động phổ biến tuyên truyền về các FTA thế hệ mới được thực hiện bởi các cơ quan nhà nước trong thời gian tới cần đi vào chi tiết, với các nội dung được xây dựng theo hướng gắn sát thực tiễn, ngắn gọn, phù hợp với mối quan tâm của từng nhóm đối tượng doanh nghiệp cụ thể. Các chương trình, hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp cần tập trung vào các hoạt động thực chất nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, xúc tiến thương mại ở tầm quốc gia một cách hệ thống, nhất là ở các thị trường mới, cập nhật thông tin thị trường và kết nối cung - cầu. Các hoạt động này cũng cần được thiết kế theo các nhóm đối tượng riêng, với ưu tiên đặc biệt dành cho các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ.

Thứ ba, đề cao vai trò của doanh nghiệp, xác định rõ doanh nghiệp là chủ thể, trung tâm trong các hoạt động kinh tế đối ngoại thông qua việc tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình thực hiện các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế; tiếp tục đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư, kinh doanh và xuất nhập khẩu hàng hóa; đặc biệt là định hướng, hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra thị trường nước ngoài để tiếp cận công nghệ tiên tiến, tiếp thu kinh nghiệm quản lý và đưa lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc nhằm thay đổi tầm nhìn và kỹ năng lao động (11). Công tác nghiên cứu thị trường, tham mưu chính sách và nâng cao hiệu quả hỗ trợ doanh nghiệp trong nước xây dựng, điều chỉnh chiến lược, kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp, tận dụng các cơ hội từ các hiệp định.

Thứ tư, cần có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp hơn nữa về thông tin thương mại thông qua phát triển hệ thống thông tin thị trường, tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, tăng cường công tác phân tích, dự báo thị trường và nghiên cứu, ban hành các chính sách tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, qua đó hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp, hiệu quả chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị hàng hóa. Tăng cường công tác cảnh báo các quy định về rào cản và những vấn đề phát sinh đối với hàng hóa xuất khẩu (12).

Thứ năm, các doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ về cam kết trong các FTA, nhất là FTA thế hệ mới; tìm hiểu kỹ về thị trường các nước thành viên FTA. Chủ động đối phó với các biện pháp phòng vệ thương mại, như: Thường xuyên trao đổi thông tin với đối tác nhập khẩu; cập nhật thông tin cảnh báo sớm; tham gia tích cực vào quá trình điều tra, phối hợp tích cực với cơ quan điều tra. Từ đó, chủ động sử dụng biện pháp phòng vệ thương mại. Đồng thời, nâng cao năng lực cạnh tranh, thông qua áp dụng các tiêu chuẩn, kỹ thuật, tuân thủ quy định của thị trường đối tác; áp dụng công nghệ vào sản xuất, quản lý; xây dựng chiến lược, lựa chọn khách hàng, lựa chọn thị trường.

Ngoài ra, liên kết và hợp tác trong kinh doanh để cùng mạnh, qua đó thu lợi ích trực tiếp hoặc gián tiếp từ quá trình này cũng là điều cần chú ý. Đồng thời, thay vì những nỗ lực đơn lẻ kém hiệu quả, doanh nghiệp cần tăng cường hợp tác (trong khuôn khổ Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI hay các hiệp hội doanh nghiệp) để vận động chính sách, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, qua đó phát huy sức sáng tạo và hội nhập quốc tế thành công./.

-------------------------

(1) Xem: Bộ Công thương: Sổ tay Hội nhập kinh tế quốc tế, Văn phòng Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế, Nxb. Dân trí, Hà Nội, 2021
(2) “EVFTA thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam tự nâng cấp chính mình”, Tạp chí Tài chính online, ngày 7-8-2020, https://tapchitai chinh.vn/evfta-thuc-day-cac-doanh-nghiep-viet-nam-tu-nang-cap-chinh-minh.html
(3) “Xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường CPTPP tăng trưởng dương”, Trang thông tin điện tử Trung tâm WTO và hội nhập, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, ngày 21-3-2022, https://trungtamwto.vn/chuyen-de/20302-xuat-khau-cua-viet-nam-sang-cac-thi-truong-cptpp-tang-truong-duong
(4) Thế Hoàng: “Việt Nam xuất siêu 6 tỷ USD sang thị trường CPTPP”, Báo Đầu tư online, ngày 11-10-2022, https://baodautu.vn/viet-nam-xuat-sieu-6-ty-usd-sang-thi-truong-cptpp-d175141.html
(5) Tuệ Minh: “Doanh nghiệp đã nắm bắt cơ hội và tận dụng hiệu quả EVFTA sau 2 năm thực thi”, Cổng thông tin điện tử Bộ Công thương, ngày 28-7-2022, https://moit.gov.vn/tin-tuc/thi-truong-nuoc-ngoai/doanh-nghiep-da-nam-bat-co-hoi-va-tan-dung-hieu-qua-evfta-sau-2-nam-thuc-thi.html
(6) “Các FTA thế hệ mới kích đà tăng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam”, Cổng thông tin điện tử Bộ Công thương, ngày 15-5-2022, https://moit.gov.vn/tin-tuc/thi-truong-nuoc-ngoai/cac-fta-the-he-moi-kich-da-tang-kim-ngach-xuat-khau-cua-viet-nam.html
(7) Tuệ Minh: “Doanh nghiệp đã nắm bắt cơ hội và tận dụng hiệu quả EVFTA sau 2 năm thực thi”, Cổng thông tin điện tử Bộ Công thương, ngày 28-7-2022, https://moit.gov.vn/tin-tuc/thi-truong-nuoc-ngoai/doanh-nghiep-da-nam-bat-co-hoi-va-tan-dung-hieu-qua-evfta-sau-2-nam-thuc-thi.html
(8) Xem: Phan Thanh Vũ: “Những thách thức trong lĩnh vực lao động, môi trường và sở hữu trí tuệ khi hội nhập quốc tế”, Trang thông tin điện tử Thông tấn xã Việt Nam,  ngày 5-11-2021, https://news.vnanet.vn/?created=365%20day&keyword=FTA&servicecateid=1&scode=1&qcode=17
(9) Chuyên đề: “Doanh nghiệp Việt Nam sau hai năm thực thi hiệp định CPTPP”, Trang thông tin điện tử Trung tâm WTO và hội nhập, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, https://trungtamwto.vn/file/21001/chuyen-de--doanh-nghiep-viet-nam-sau-2-nam-thuc-thi-cptpp.pdf
(10) Phạm Tiếp: “Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến với các cơ quan đại diện thương mại Việt Nam ở nước ngoài”, Trang thông tin điện tử Thông tấn xã Việt Nam, ngày 19-8-2022, https://news.vnanet.vn/?created=365%20day&keyword=hi%E1%BB%87p%20%C4%91%E1%BB%8Bnh&servicecateid=1&scode=1&qcode=17
(11) Phương - Diệp: “Hội nghị Đối ngoại toàn quốc: Nâng cao tư duy đối ngoại trong phát triển kinh tế”, Báo VietnamPlus điện tử, ngày 14-12-2021, https://www.vietnamplus.vn/hoi-nghi-doi-ngoai-nang-cao-tu-duy-doi-ngoai-trong-phat-trien/760755.vnp
(12) Chuyên san EVFTA với thương mại Việt Nam, Chuyên ngành: Hàng nông sản, Quý IV-2021, Cổng thông tin điện tử Bộ Công thương, http://www.moit.gov.vn/upload/2005517/fck/files/chuyen.san.FVFTA_voi_thuong_mai_Viet_nam.pdf