TCCSĐT - Luật Cảnh sát biển Việt Nam số 33/2018/QH14 và Luật Công an nhân dân số 37/2018/QH14 vừa được Quốc hội khóa XIV thông qua tại Kỳ họp thứ 6, có hiệu lực thi hành từ ngày 01-7-2019. Để bảo đảm thi hành Luật Cảnh sát biển Việt Nam và Luật Công an nhân dân, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch triển khai thi hành các luật này.

Luật Cảnh sát biển Việt Nam năm 2018

 
 Luật Cảnh sát biển Việt Nam  năm 2018, có hiệu lực thi hành từ ngày 01-7-2019. Ảnh minh họa.

Luật Cảnh sát biển Việt Nam số 33/2018/QH14 được Quối hội khóa XIV thông qua tại Kỳ họp thứ 6 ngày 19-11-2018, có hiệu lực thi hành từ ngày 01-7-2019.

Theo Kế hoạch, tháng 3-2019, các bộ, ngành và UBND cấp tỉnh tổ chức kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật về Cảnh sát biển Việt Nam và văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan, báo cáo về Bộ Quốc phòng để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ; đề xuất sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ, ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật để phù hợp với Luật.

Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật triển khai thi hành Luật có hiệu lực đồng thời với Luật Cảnh sát biển Việt Nam từ ngày 01-7-2019; xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các Đề án triển khai thực hiện Luật theo Kế hoạch này. Trong đó, Bộ Quốc phòng chủ trì xây dựng Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Cảnh sát biển Việt Nam (Điều 25, 26, 29, 31, 34); Nghị định quy định việc quản lý, sử dụng và danh mục các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ của Cảnh sát biển Việt Nam (Điều 15); Thông tư của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định quy trình tuần tra, kiểm tra, kiểm soát của Cảnh sát biển Việt Nam (Điều 13); Thông tư của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định điều kiện, tiêu chuẩn tuyển chọn công dân vào Cảnh sát biển Việt Nam (Điều 35); Quyết định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành quy định về trang bị của Cảnh sát biển Việt Nam (Điều 33); Quyết định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành Quy chế phối hợp giữa cảnh sát biển Việt Nam và các lực lượng thuộc Bộ Quốc phòng (Điều 22).

Trong năm 2019 và các năm tiếp theo, Bộ Quốc phòng chủ trì tổ chức truyên truyền, phổ biến Luật và các văn bản quy định chi tiết thi hành với nội dung, hình thức phù hợp cho từng đối tượng nhằm nâng cao nhận thức pháp luật và trách nhiệm xây dựng Cảnh sát biển Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; tương xứng với vị trí, vai trò, nhiệm vụ, quyền hạn của Cảnh sát biển Việt Nam trong tình hình mới, nhất là tại địa bàn các tỉnh, thành phố ven biển, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa.

Tổ chức tập huấn Luật cho cán bộ chủ trì bộ, ngành trung ương, địa phương, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân và cán bộ có liên quan nhằm nâng cao trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai đồng bộ, sâu rộng, thiết thực và hiệu quả.

Từ năm 2020 đến năm 2025, Bộ Quốc phòng chủ trì xây dựng Đề án, Kế hoạch củng cố, sắp xếp, cơ cấu lại trung tâm Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ Cảnh sát biển Việt Nam hiện có để cụ thể hóa quan điểm của Đảng tại Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22-10-2018).

Luật Công an nhân dân năm 2018

 
 Luật Công an nhân dân năm 2018 có những quy định mới. Ảnh minh họa.

Luật Công an nhân dân số 37/2018/QH14 vừa được Quốc hội khóa XIV thông qua tại Kỳ họp thứ 6 ngày 20-11-2018, có hiệu lực thi hành từ ngày 01-7-2019, riêng các quy định về cấp bậc hàm cao nhất là cấp tướng; phong, thăng, giáng, tước cấp bậc hàm cấp tướng; các quy định về bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, giáng chức các chức vụ có cấp bậc hàm cao nhất là cấp tướng sẽ có hiệu lực từ ngày 11-01-2019.

Luật Công an nhân dân 2018 có những điểm mới. Tại Điều 8 Luật Công an nhân dân 2018 quy định: Công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân là thực hiện nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc trong lực lượng vũ trang nhân dân. Hằng năm, Công an nhân dân được tuyển chọn công dân trong độ tuổi gọi nhập ngũ vào phục vụ trong Công an nhân dân. Thời hạn công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia công an nhân dân giảm từ 3 năm xuống 2 năm.

Bộ trưởng Bộ Công an quyết định kéo dài thời hạn phục vụ tại ngũ của hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ nhưng không quá 6 tháng trong trường hợp sau đây: Để bảo đảm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu; Đang thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, cứu nạn, cứu hộ.

Thủ tục tuyển chọn công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân được áp dụng như tuyển chọn công dân thực hiện nghĩa vụ quân sự tại ngũ. Công dân được tuyển chọn vào công an nhân dân cần đáp ứng tiêu chuẩn về chính trị, phẩm chất đạo đức, trình độ, sức khỏe, độ tuổi và năng khiếu phù hợp với công tác công an; Có nguyện vọng và công an nhân dân có nhu cầu.

Luật Công an nhân dân 2018 chỉ quy định tiêu chí, nguyên tắc xác định cấp bậc hàm cao nhất là Trung tướng đối với các đơn vị trực thuộc Bộ Công an và cấp bậc hàm Thiếu tướng đối với Giám đốc Công an cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (trừ Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh).

Một số điểm mới quan trọng khác trong Luật Công an nhân dân 2018 là Luật không quy định về cơ cấu của Công an nhân dân mà giao Chính phủ quy định; Chức vụ cơ bản của sĩ quan Công an nhân dân không còn chức “Tổng cục trưởng”; Công an xã sẽ được Chính phủ quy định về xây dựng thành lực lượng chính quy…

Để Luật Công an nhân dân năm 2018 đi vào đời sống, Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Công an nhân dân năm 2018. Mục tiêu của Kế hoạch nhằm phân công nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương triển khai thi hành Luật Công an nhân dân năm 2018, bảo đảm kịp thời, thống nhất, hiệu quả.

Theo Kế hoạch, trong năm 2019 và 2020, Bộ Công an chủ trì biên soạn, in, cấp phát tài liệu, tuyên truyền, phổ biến Luật Công an nhân dân năm 2018 cho cán bộ, chiến sĩ trong Công an nhân dân, cán bộ, công chức và nhân dân; xây dựng và triển khai kế hoạch tập huấn chuyên sâu về Luật Công an nhân dân năm 2018 cho cán bộ lãnh đạo chủ chốt, báo cáo viên pháp luật Công an các cấp, các học viện, nhà trường trong Công an nhân dân.

Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật của Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình ở Trung ương và địa phương tuyên truyền, phổ biến Luật Công an nhân dân năm 2018 và các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết, biện pháp thi hành. Các bộ, ngành có liên quan, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm tổ chức tuyên truyền, phổ biến Luật Công an nhân dân năm 2018 trong cơ quan, đơn vị, địa phương.

Về các văn bản quy định chi tiết, biện pháp thi hành Luật Công an nhân dân năm 2018, Thủ tướng Chính phủ phân công Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ, Bộ Quốc phòng và các bộ, ngành có liên quan xây dựng Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định cụ thể chức vụ, chức danh của sĩ quan Công an nhân dân có cấp bậc hàm cao nhất là Trung tướng, Thiếu tướng chưa được quy định cụ thể trong Luật Công an nhân dân năm 2018; Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Công an nhân dân năm 2018 (khoản 4 Điều 33, khoản 3 Điều 39, điểm b khoản 1 Điều 41, điểm a khoản 3 Điều 41, các khoản 6,7 Điều 41, khoản 3 Điều 42); Nghị định quy định về thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân; Nghị định thay thế Nghị định số 77/2010/NĐ-CP ngày 12-7-2010; Nghị định về phát triển công nghiệp an ninh...

Bộ Công an xây dựng, ban hành Thông tư quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương; Công an xã, phường, thị trấn và các đơn vị còn lại trong Công an nhân dân.

Bộ Công an rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các thông tư, văn bản cần thiết khác của Bộ trưởng Bộ Công an quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Công an nhân dân năm 2018.

Các bộ, ngành, HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình xây dựng kế hoạch cụ thể triển khai thi hành Luật Công an nhân dân năm 2018; tổ chức kiểm tra, rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến Luật Công an nhân dân năm 2018 gửi kết quả về Bộ Công an để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ; đề xuất sửa đổi, bổ sung thay thế, bãi bỏ, ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật cho phù hợp với Luật Công an nhân dân năm 2018./.