Ý nghĩa lịch sử của chiến thắng chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam - 40 năm nhìn lại và bài học cho hiện nay
TCCS - Sau 21 năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, chỉ được hưởng hòa bình rất ngắn ngủi, nhân dân Việt Nam lại phải bước vào cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam. Kỷ niệm 40 năm ngày chiến thắng (07-01-1979 - 07-01-2019) là dịp để chúng ta đánh giá ý nghĩa lịch sử và rút ra những bài học từ cuộc chiến tranh vừa thực hiện quyền tự vệ, vừa thực hiện nghĩa vụ quốc tế này.
Sau khi lên nắm quyền, tập đoàn Pôn Pốt - Iêng Xa-ri đã thiết lập chế độ độc tài, phá vỡ mọi quan hệ sản xuất, thiết chế xã hội, ra sức khủng bố, tàn sát, thanh trừng có hệ thống, biến đất nước Chùa Tháp thành “một lò sát sinh khổng lồ, một địa ngục trần gian chìm trong máu và nước mắt”. Về đối ngoại, tập đoàn Pôn Pốt không ngừng kích động tư tưởng thù hằn dân tộc với các quốc gia láng giềng, phủ nhận trắng trợn lịch sử và truyền thống đoàn kết, hữu nghị của nhân dân Việt Nam đã kề vai, sát cánh với nhân dân Cam-pu-chia trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược; công khai đòi hoạch định lại biên giới Việt Nam - Cam-pu-chia với những yêu sách vô lý.
Ngày 03-5-1975, quân Pôn Pốt đánh chiếm các đảo Thổ Chu và Phú Quốc của Việt Nam; trong cả năm 1975 đã gây ra 110 vụ xung đột vũ trang trên 20 điểm dọc biên giới Việt Nam - Cam-pu-chia. Sang năm 1976, số vụ xâm lấn vũ trang càng tăng. Chỉ riêng các tỉnh biên giới thuộc địa bàn Quân khu 7, quân Pôn Pốt gây ra 280 vụ khiêu khích, lấn chiếm 20 điểm (tăng 2,7 lần so với năm 1975); ở địa bàn Quân khu 5 và Quân khu 9, các vụ xâm phạm đều tăng với tính chất ngày càng nghiêm trọng hơn. Cùng với xâm lấn đất đai, quân Pôn Pốt đã gây nên nhiều vụ thảm sát, giết hại hàng nghìn người dân Việt Nam vô tội. Để chuẩn bị cho kế hoạch gây chiến tranh xâm lược, Pôn Pốt nhanh chóng tăng cường lực lượng quân sự - từ 7 sư đoàn (năm 1975) lên 14 sư đoàn (năm 1977) và 23 sư đoàn (năm 1978)(1).
Với tinh thần hữu nghị, Việt Nam chủ trương giải quyết vấn đề biên giới bằng đàm phán, hòa bình. Tuy nhiên, tập đoàn Pôn Pốt - Iêng Xa-ri lại đi ngược thiện chí của chúng ta, ngày càng đẩy mạnh tần suất, quy mô và cường độ các cuộc xâm lấn biên giới. Chiến thuật chủ yếu của chúng là tác chiến ban đêm, sử dụng lực lượng từ trung đội, đại đội đến trung đoàn, thậm chí có một số trận cấp sư đoàn, nhằm vào các mục tiêu quan trọng ở gần biên giới và thực hiện đánh nhanh, rút nhanh. Khi gặp quân chủ lực của ta thì phân tán, luồn lách để bảo toàn lực lượng rồi tổ chức tập kích, phục kích đánh tiêu hao, gây cho ta nhiều tổn thất. Đêm 30-4-1977, quân Pôn Pốt mở cuộc tiến công lớn trên toàn tuyến biên giới tỉnh An Giang. Hành động này không còn mang tính chất là những vụ xung đột quân sự ở phạm vi biên giới, quy mô nhỏ lẻ, mà đã phát triển thành cuộc chiến tranh xâm lược.
Trước chiều hướng leo thang chiến tranh của tập đoàn phản động Pôn Pốt - Iêng Xa-ri, cuối tháng 11-1977, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định mở cuộc tiến công trừng trị quân xâm lược trên toàn tuyến biên giới Tây Nam của Tổ quốc, nhằm tiêu diệt và làm tan rã, đẩy quân Pôn Pốt ra khỏi biên giới, buộc chúng đàm phán, chấm dứt mọi xung đột bằng con đường hòa bình. Đó là hành động tự vệ chính đáng của Việt Nam trước những cuộc xâm phạm lãnh thổ hết sức thô bạo của quân Pôn Pốt, nhằm bảo vệ chủ quyền quốc gia, bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân.
Sau thời gian dài đánh trả quân Pôn Pốt xâm lấn biên giới với mức độ kiềm chế và những đề nghị giải quyết bất đồng bằng thương lượng, hòa bình không đem lại kết quả, ngày 15-6-1978, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương xác định: Tập đoàn Pôn Pốt - Iêng Xa-ri, với sự xúi giục và ủng hộ của thế lực nước ngoài, đã phản bội sự nghiệp cách mạng của nhân dân Cam-pu-chia, gây nên thảm họa diệt chủng tàn bạo ở trong nước và tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Lúc này, hai dân tộc Việt Nam và Cam-pu-chia đều có chung một kẻ thù nguy hiểm cần phải diệt trừ, đó là tập đoàn Pôn Pốt - Iêng Xa-ri. Theo đó, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương xác định mục tiêu cho lực lượng vũ trang Việt Nam là: “Tiêu diệt và làm tan rã cho được một bộ phận quan trọng sinh lực địch, đánh gãy xương sống của tập đoàn phản động Cam-pu-chia; tạo điều kiện thuận lợi cho lực lượng cách mạng chân chính của Cam-pu-chia phát triển về mọi mặt, tiến lên đánh đổ tập đoàn phản động cầm quyền”(2).
Ngày 05-12-1978, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương mở hội nghị thông qua “Kế hoạch sẵn sàng chiến đấu của Bộ Tổng Tham mưu”, với mục tiêu: Kiên quyết đánh bại âm mưu xâm lược, chia rẽ, làm suy yếu Việt Nam, bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa; đánh đổ tập đoàn phản động Pôn Pốt - Iêng Xa-ri, thực hiện nhiệm vụ quốc tế giúp nhân dân Cam-pu-chia làm lại cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân; trong thực hiện phải bảo đảm chuẩn bị tất cả các mặt quân sự và chính trị, đánh chắc thắng, nhanh, gọn; lực lượng cách mạng Cam-pu-chia là người quyết định trực tiếp, cuối cùng(3).
Thực hiện kế hoạch này, từ ngày 23-12-1978, lực lượng vũ trang trên toàn tuyến biên giới Tây Nam mở cuộc phản công quét sạch lực lượng địch đã xâm nhập lãnh thổ Việt Nam, tiêu diệt khối quân chủ lực tập trung của Pôn Pốt, hỗ trợ lực lượng vũ trang cách mạng và nhân dân Cam-pu-chia tiến công và giành quyền làm chủ đất nước. Bằng các đòn tiến công liên tiếp, đến ngày 30-12-1978, bộ đội ta đã tiêu diệt toàn bộ các mục tiêu, phá vỡ hoàn toàn tuyến phòng ngự cơ bản của địch, giải phóng một số tỉnh miền Đông của Cam-pu-chia. Tiếp đó, thực hiện lời kêu gọi của Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Cam-pu-chia, quân tình nguyện Việt Nam phối hợp với các lực lượng vũ trang cách mạng và nhân dân Cam-pu-chia tiến công quân địch trên tất cả các hướng, giải phóng Thủ đô Phnôm Pênh, lật đổ chế độ Pôn Pốt, cứu đất nước Cam-pu-chia khỏi họa diệt chủng, giành chính quyền về tay nhân dân; kết thúc thắng lợi cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam, đồng thời cứu giúp nhân dân Cam-pu-chia thoát khỏi nạn diệt chủng.
Cuộc chiến đấu chống lại quân Pôn Pốt xâm lược là hành động tự vệ chính đáng và cần thiết của nhân dân Việt Nam nhằm chống cuộc chiến tranh xâm lược do tập đoàn Pôn Pốt - Iêng Xa-ri gây ra. Đồng thời, đáp ứng lời kêu gọi của những người cách mạng chân chính Cam-pu-chia, Việt Nam đã giúp đỡ nhân dân Cam-pu-chia đánh đổ chế độ diệt chủng Pôn Pốt, cứu dân tộc Cam-pu-chia thoát khỏi họa diệt vong - đó là hành động phù hợp pháp lý và đạo lý, vì nghĩa tình quốc tế cao cả. Thắng lợi đó khẳng định quyết tâm bảo vệ chủ quyền quốc gia, dân tộc của quân và dân ta; là thắng lợi của tinh thần quốc tế, trách nhiệm với đồng loại của nhân dân Việt Nam; góp phần giữ vững hòa bình ở khu vực Đông Nam Á; vạch trần bản chất phản động, hiếu chiến, chủ nghĩa dân tộc cực đoan, phân biệt chủng tộc, chế độ độc tài của chính quyền Pôn Pốt - Iêng Xa-ri, cảnh báo cho nhân loại cảnh giác trước nguy cơ của “chủ nghĩa phát-xít mới”.
Thắng lợi của cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam đã để lại những bài học cần được nghiên cứu, vận dụng cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa ngày nay.
Một là, thường xuyên nâng cao cảnh giác, đánh giá đúng tình hình, âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù; nhận thức đúng về mối quan hệ giữa xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Giai đoạn đầu của cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam, do chưa nhận rõ được bản chất của kẻ thù nên khi chúng tiến công xâm lược, chúng ta thiếu sự đề phòng, phải chịu nhiều tổn thất. Đó là hệ quả của việc mất cảnh giác, chưa nắm vững mối quan hệ giữa hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; cho rằng nước ta chỉ còn một nhiệm vụ chiến lược duy nhất là cách mạng xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội(4). Việc chậm xác định kẻ thù một cách rành mạch, dứt khoát đã đặt chúng ta vào tình thế bị bất ngờ trong việc đối phó với cuộc chiến tranh xâm phạm biên giới do tập đoàn phản động Pôn Pốt phát động. Tuy vậy, sau khi nắm chắc tình hình, xác định đúng âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù, Đảng ta đã đề ra chủ trương, đường lối, mục tiêu chính trị đúng đắn, sáng tạo cho cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam. Đó là nhân tố quan trọng để quân và dân ta hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc và thực hiện nghĩa vụ quốc tế, giúp nhân dân Cam-pu-chia thoát khỏi họa diệt chủng.
Trong giai đoạn hiện nay, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục có những diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó dự báo. Cạnh tranh chiến lược, xung đột lợi ích giữa các nước lớn và sự chi phối đối với các nước nhỏ tạo nên sự bất ổn về an ninh đối với nhiều quốc gia, nhất là những nước có vị trí chiến lược quan trọng. Với chúng ta, mặc dù thế và lực, sức mạnh tổng hợp đã được tăng cường, uy tín quốc tế ngày càng được nâng cao, song vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Do vậy, công tác nắm vững tình hình, phân tích, dự báo chính xác, đánh giá đúng đối tượng, đối tác là nhiệm vụ hết sức quan trọng. Các đơn vị trong Quân đội, nhất là cơ quan tham mưu chiến lược phải quán triệt, nắm vững Nghị quyết số 347- NQ/QUTW, ngày 23-5-2015, của Quân ủy Trung ương, “Về nâng cao chất lượng tham mưu và dự báo chiến lược quốc phòng đến năm 2020 và những năm tiếp theo” để chủ động làm tốt công tác nghiên cứu, đánh giá, dự báo tình hình, làm cơ sở tham mưu với Đảng, Nhà nước hoạch định đường lối quân sự, quốc phòng đúng đắn, khoa học, “Có kế sách ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa; chủ động phòng ngừa, phát hiện sớm và triệt tiêu các nhân tố bất lợi, nhất là các nhân tố bên trong có thể gây ra đột biến”(5); kịp thời tổ chức triển khai xử lý thắng lợi các tình huống, không để Tổ quốc bị động, bất ngờ về chiến lược. Để thực hiện tốt vấn đề này, các cơ quan chiến lược của Bộ Quốc phòng phải thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các ban, bộ, ngành có liên quan, trực tiếp là Bộ Công an, Bộ Ngoại giao để chia sẻ thông tin, nắm chắc tình hình trong nước, khu vực và quốc tế, nhất là những diễn biến liên quan đến quốc phòng, an ninh và sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.
Để nâng cao sức mạnh, hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ đất nước, phải luôn nhận thức một cách toàn diện và thấu đáo về mối quan hệ giữa xây dựng và bảo vệ Tổ quốc - hai nhiệm vụ chiến lược xuyên suốt của cách mạng Việt Nam - là mối quan hệ có tính quy luật trong truyền thống dựng nước đi đôi với giữ nước của dân tộc ta. Để thực hiện tốt hai nhiệm vụ này, phải nâng cao cảnh giác, huy động mọi tiềm lực, sẵn sàng tiến hành mọi hoạt động bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ lợi ích quốc gia, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng đất nước. Sự kết hợp chặt chẽ giữa hai nhiệm vụ chiến lược không chỉ trong nhận thức, mà còn cả trong hành động, trong mỗi nhiệm vụ, lĩnh vực, khu vực, địa bàn, trong mọi chủ thể, mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, là cơ sở quan trọng để xây dựng một nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, toàn diện để bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Hai là, xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh đáp ứng yêu cầu bảo vệ đất nước.
Chiến tranh biên giới Tây Nam diễn ra ngay sau kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nên trong thời gian đầu chúng ta gặp nhiều khó khăn trong giải quyết các vấn đề liên quan đến bảo vệ Tổ quốc. Sau khi có Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư (tháng 7-1978) của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IV, nhờ phát huy được sức mạnh của lực lượng vũ trang ba thứ quân, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc, xây dựng được kế hoạch đánh địch tại chỗ và kế hoạch phối hợp tác chiến giữa các lực lượng, tập trung lực lượng hợp lý trên các khu vực trọng điểm, quân và dân ta đã đánh bại nhiều cuộc tiến công của địch, bảo vệ chủ quyền đất nước, hoàn thành nghĩa vụ quốc tế.
Để bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong mọi tình huống, đòi hỏi phải quán triệt quan điểm xây dựng nền quốc phòng vững mạnh là nội dung quan trọng hàng đầu trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đó là một nền quốc phòng toàn dân, toàn diện, ngày càng hiện đại, mang tính chất hòa bình, tự vệ, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành thống nhất của Nhà nước; bảo đảm sự thống nhất cả về tổng thể và chiều sâu, theo hướng vững chắc trên địa bàn cả nước, mạnh ở từng trọng điểm; là sự “kết hợp chặt chẽ kinh tế, văn hóa, xã hội với quốc phòng, an ninh và quốc phòng, an ninh với kinh tế, văn hóa, xã hội trong từng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, chú trọng vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển, đảo”(6), phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, các loại hình tổ chức kinh tế - xã hội và từng vùng, miền, nhằm huy động mọi nguồn lực xã hội cho quốc phòng, tạo sức mạnh tổng hợp để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trong xây dựng tiềm lực quốc phòng, trước hết, phải coi trọng xây dựng tiềm lực chính trị - tinh thần vững chắc, ngang tầm yêu cầu, nhiệm vụ; xây dựng tiềm lực kinh tế nhằm tăng khả năng tích lũy, dự trữ cơ sở vật chất để thúc đẩy tăng trưởng nhanh, bền vững và phục vụ cho nhiệm vụ quốc phòng khi có tình huống xảy ra; xây dựng tiềm lực khoa học - công nghệ để phát triển nền quốc phòng hiện đại và xây dựng tiềm lực quân sự - nhân tố cốt lõi của tiềm lực quốc phòng, bảo đảm tính toàn diện, vững chắc, có chiều sâu ngay từ thời bình và nhanh chóng, kịp thời chuyển hóa thành thực lực quốc phòng trong mọi tình huống.
Kết hợp chặt chẽ giữa xây dựng tiềm lực quốc phòng vững mạnh với xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc, tạo sức mạnh tổng hợp cao, bảo vệ Tổ quốc trong mọi điều kiện. Đó là thế trận tổng hợp được xây dựng và từng bước hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ quốc phòng trong thời bình, sẵn sàng chuyển hóa thành thế trận chiến tranh nhân dân khi đất nước có chiến tranh. Để đạt được mục tiêu đó, vấn đề mấu chốt là phải phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân và mọi nguồn lực cho xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, trong đó nội lực là chủ yếu. Đối với các địa phương, cần thấu suốt quan điểm của Đảng về kết hợp kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế, thực hiện quy hoạch dân cư phù hợp với xây dựng thế trận quốc phòng trên từng hướng, khu vực và địa bàn cả nước; phát triển kinh tế phải bảo đảm đi đôi với tăng cường tiềm lực, thế trận quốc phòng. Chú trọng củng cố thế trận quốc phòng toàn dân trên địa bàn chiến lược, trọng điểm, biên giới, biển, đảo. Đẩy mạnh và vận hành hiệu quả cơ chế lãnh đạo, điều hành theo tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW, ngày 22-9-2008, của Bộ Chính trị khóa X, “Về tiếp tục xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành khu vực phòng thủ vững chắc trong tình hình mới”, Nghị định số 152/2007/NĐ-CP, ngày 10-10-2007, của Chính phủ, “Về khu vực phòng thủ” và Nghị định số 02/2016/NĐ-CP, ngày 5-1-2016, của Chính phủ, “Về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 152/2007/NĐ-CP ngày 10 tháng 10 năm 2007 của Chính phủ về khu vực phòng thủ”. Làm tốt công tác xây dựng hậu phương chiến lược, căn cứ hậu phương chiến lược, căn cứ hậu cần, kỹ thuật, công trình cất giấu vũ khí, trang bị,... trên từng hướng chiến lược; bảo đảm tốt cho mọi hoạt động, kể cả khi hoạt động độc lập trong mọi tình huống, bảo vệ vững chắc Tổ quốc cả thời bình và thời chiến.
Ba là, tập trung xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh, làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.
Trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam, lực lượng vũ trang Việt Nam vốn được tôi luyện trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, dày dặn kinh nghiệm, khả năng tác chiến cao, tinh thần chiến đấu anh dũng, và do vậy, đã phát huy vai trò nòng cốt trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới, giúp nhân dân Cam-pu-chia thoát khỏi họa diệt chủng.
Trong giai đoạn hiện nay, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc có những nội dung và yêu cầu mới; sức mạnh bảo vệ Tổ quốc không chỉ riêng là sức mạnh của lực lượng vũ trang, mà còn là sức mạnh tổng hợp của toàn dân, lấy sức mạnh chính trị, tinh thần, kinh tế, khoa học - công nghệ làm cơ sở để kết hợp và phát huy sức mạnh thời đại vào sự nghiệp củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc. Tuy vậy, lực lượng vũ trang vẫn đóng vai trò nòng cốt. Các cấp ủy, chỉ huy các cấp phải quán triệt, thấu suốt quan điểm của Đảng về vị trí, vai trò của mỗi lực lượng để có chủ trương, giải pháp phù hợp. Phải tập trung xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XII của Đảng. Chú trọng xây dựng Quân đội cả về con người và vũ khí, trang bị theo quan điểm “người trước, súng sau” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, lấy xây dựng con người là trung tâm, là nhân tố quyết định thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Do vậy, cùng với quá trình hiện đại hóa lực lượng vũ trang theo các đề án về điều chỉnh tổ chức biên chế và chiến lược trang bị cho Quân đội đến năm 2025, chúng ta cần tiếp tục đổi mới công tác giáo dục chính trị, tư tưởng nhằm bảo đảm cho Quân đội luôn giữ vững bản lĩnh cách mạng, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Coi trọng công tác xây dựng, huấn luyện lực lượng dân quân tự vệ vững mạnh, rộng khắp, làm nòng cốt thực hiện công tác quốc phòng, quân sự tại cơ sở. Xây dựng lực lượng dự bị động viên thực sự hùng hậu, có chất lượng, sẵn sàng mở rộng, phát triển khi có tình huống. Đồng thời, chú trọng xây dựng, mở rộng lực lượng quốc phòng, an ninh trong các cơ quan, ban, ngành, địa phương và các tổ chức doanh nghiệp,... đáp ứng yêu cầu quốc phòng trong mọi tình huống. Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng huấn luyện, giáo dục - đào tạo theo tinh thần Nghị quyết số 765-NQ/QUTW, ngày 20-12-2012, của Quân ủy Trung ương, về “Nâng cao chất lượng huấn luyện giai đoạn 2013 - 2020 và những năm tiếp theo”; chú trọng huấn luyện nâng cao khả năng làm chủ vũ khí, trang bị kỹ thuật mới, hiện đại cho cả lực lượng thường trực, dự bị động viên và dân quân tự vệ. Coi trọng nâng cao chất lượng công tác hậu cần, kỹ thuật, công nghiệp quốc phòng..., bảo đảm tốt cho nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu.
Bốn là, đẩy mạnh công tác đối ngoại quốc phòng và hội nhập quốc tế, góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc từ sớm, từ xa.
Trong quá trình lãnh đạo cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, Đảng ta đã tranh thủ sự ủng hộ từ bên ngoài, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh quốc tế, nội lực với ngoại lực, tạo nên sức mạnh tổng hợp để chiến thắng kẻ thù, giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước. Đẩy mạnh công tác đối ngoại nhằm tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, kịp thời nắm bắt xu thế của thế giới, khu vực và của các quốc gia, từ đó tranh thủ sự ủng hộ của các nước, của cộng đồng quốc tế. Trong đó, công tác đối ngoại quốc phòng giữ vai trò quan trọng, là một mặt trận, một lĩnh vực bảo vệ Tổ quốc bằng biện pháp hòa bình; đấu tranh một cách minh bạch, thẳng thắn với những quốc gia bất đồng về lợi ích, quan điểm, trong đó có quan điểm về chủ quyền, chế độ chính trị và những quan điểm khác liên quan đến quân sự, quốc phòng.
Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Quân ủy Trung ương, công tác đối ngoại quốc phòng là một trong những trụ cột để củng cố, tăng cường quan hệ với các nước láng giềng, nước lớn, các nước trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và các nước trên thế giới; là kênh quan trọng, hiệu quả, góp phần bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, nâng cao vai trò, vị thế của đất nước, của Quân đội trên trường quốc tế. Để nâng cao hơn nữa vai trò và hiệu quả của công tác đối ngoại quốc phòng, chúng ta cần tiếp tục quán triệt sâu sắc và triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 806-NQ/QUTW, ngày 31-12-2013, của Quân ủy Trung ương, “Về hội nhập quốc tế và đối ngoại về quốc phòng đến năm 2020 và những năm tiếp theo”. Thống nhất mục tiêu nhất quán và xuyên suốt của hội nhập quốc tế và đối ngoại về quốc phòng là bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc từ sớm, từ xa, giữ vững ổn định chính trị, tạo môi trường hòa bình và tạo điều kiện thuận lợi cho các lĩnh vực khác hội nhập quốc tế để xây dựng, phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Trong tổ chức thực hiện, công tác đối ngoại quốc phòng cần quán triệt và thực hiện nghiêm túc các quan điểm chỉ đạo có tính nguyên tắc trong đường lối đối ngoại của Đảng, đó là: giữ vững độc lập, tự chủ, rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ; với phương châm: tích cực, chủ động, linh hoạt, sáng tạo và hiệu quả, “vừa hợp tác, vừa đấu tranh”. Tiếp tục đưa công tác đối ngoại quốc phòng đi vào chiều sâu, bền vững, trong đó ưu tiên hợp tác với các nước láng giềng, có chung đường biên giới, các nước trong khu vực, phát triển mối quan hệ hợp tác với các nước lớn, tăng cường quan hệ với các nước bạn bè truyền thống và các nước công nghiệp phát triển, nhằm hướng tới mục tiêu cao nhất là tăng cường quốc phòng, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn Tổ quốc.
Thắng lợi của cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam đã bảo vệ vững chắc độc lập dân tộc và giúp nhân dân Cam-pu-chia thoát khỏi nạn diệt chủng. Những bài học rút ra từ cuộc chiến tranh đó cần được tiếp tục nghiên cứu, vận dụng trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ mới./.
-------------------------------------------------
(1) Bộ Quốc phòng, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam: Lịch sử quân sự Việt Nam, Thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc (1975 - 2000), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2014, t. 13, tr. 148
(2) Báo cáo chuyên đề về chiến tranh biên giới Tây Nam, hồ sơ số 1175, phòng Quân ủy Trung ương, Trung tâm Lưu trữ Bộ Quốc phòng
(3) Cục Tác chiến Bộ Tổng Tham mưu: Lịch sử Cục Tác chiến (1945 - 2005), Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2005, tr. 749
(4) Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng (tháng 12-1976) viết: “Với thắng lợi hoàn toàn và triệt để của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, cách mạng Việt Nam đã chuyển sang giai đoạn mới, giai đoạn cả nước độc lập, thống nhất làm nhiệm vụ chiến lược duy nhất là tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa, tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội...”. Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, tr. 500
(5) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr. 149
(6) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Sđd, tr. 149
Việt Nam - Thụy Điển: Năm mươi năm vững bước hướng tới tương lai  (25/01/2019)
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thắp hương tưởng niệm các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước  (25/01/2019)
Thủ tướng tiếp xúc song phương bên lề Hội nghị WEF Davos 2019  (25/01/2019)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay