Việt Nam - Thụy Điển: Năm mươi năm vững bước hướng tới tương lai

Nghiêm Thị Thanh Thúy ThS, Tạp chí Cộng sản
23:09, ngày 25-01-2019

TCCS - Năm 2019 là năm có ý nghĩa đặc biệt trong quan hệ giữa Việt Nam và Thụy Điển khi hai nước kỷ niệm tròn 50 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (ngày 11-01-1969 - 11-01-2019). Trải qua những khúc quanh lịch sử với nhiều thăng trầm, song mối quan hệ đoàn kết hữu nghị truyền thống giữa hai nước luôn được duy trì và phát triển, đạt nhiều thành tựu mang tính thực chất, hiệu quả, ổn định và lâu dài trên nhiều lĩnh vực.

Tình hữu nghị vượt thời gian

Không thể phủ nhận, một cách vô hình, những năm tháng của một thời bom đạn đã tạo ra những “sợi dây gắn kết” một cách tự nhiên giữa hai dân tộc Việt Nam và Thụy Điển.

Trong thời kỳ đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh đánh phá miền Bắc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, tại Thụy Điển, hàng triệu người thuộc mọi đảng phái, tầng lớp xã hội khác nhau, trong đó có cố Thủ tướng Thụy Điển Ô-lớp Pan-mơ, đã xuống đường tuần hành biểu tình phản đối cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam của đế quốc Mỹ. “Phong trào Việt Nam” từng bước được hình thành, phát triển từ tự phát đến có tổ chức, từ ở một vài địa phương đã nhanh chóng lan rộng trên khắp đất nước Thụy Điển.

Theo thời gian, sự ủng hộ của Thụy Điển đối với cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam ngày càng mạnh mẽ, tích cực. “Phong trào Việt Nam” không những tác động sâu sắc tới mọi hoạt động chính trị - xã hội của Thụy Điển mà còn tác động mạnh mẽ đến cộng đồng quốc tế, đặc biệt là các quốc gia ở khu vực Tây Âu, giúp họ nhận thấy cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ mà nhân dân Việt Nam đang tiến hành là cuộc chiến đấu tiêu biểu cho chính nghĩa chống phi nghĩa. Nhiều nhà lãnh đạo ở các nước có chế độ chính trị - xã hội khác với nước ta, nhiều lãnh tụ các tổ chức quốc gia, quốc tế, các tổ chức tôn giáo, xã hội, chính giới, nhân sĩ, trí thức có tên tuổi đã bằng những hình thức khác nhau tham gia đoàn kết với Việt Nam.

Để tiếp tục khẳng định sự ủng hộ toàn diện đối với cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam, ngày 11-1-1969 Thụy Điển chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam, trở thành quốc gia phương Tây đầu tiên công nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam, trong bối cảnh cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước của nhân dân ta đang trong giai quyết liệt. Việc hai nước lần lượt mở Đại sứ quán tại Thủ đô Hà Nội (tháng 6-1970) và tại Thủ đô Xtốc-khôm (tháng 7-1970) là dấu mốc đặc biệt quan trọng trong quan hệ Việt Nam - Thụy Điển, khẳng định tình đoàn kết gắn bó của Chính phủ và nhân dân hai nước trong những năm kháng chiến gian khổ.

Chuyến thăm Thụy Điển năm 1974 của Thủ tướng Phạm Văn Đồng là chuyến thăm chính thức đầu tiên của người đứng đầu Chính phủ Việt Nam tới một nước phương Tây. Chuyến thăm có ý nghĩa quan trọng góp phần tăng cường sự hiểu biết, tin cậy lẫn nhau, thúc đẩy hợp tác nhiều mặt, làm cho quan hệ hai bên càng thêm gắn bó. Thủ tướng Ô. Pan-mơ đã dành cho nhân dân Việt Nam và phái đoàn Việt Nam sự đón tiếp vô cùng trọng thị, chân tình. Trong bài phát biểu chào mừng Đoàn, Thủ tướng Ô. Pan-mơ nhấn mạnh: “toàn bộ lịch sử Việt Nam chỉ phản ánh một thiên anh hùng ca của một dân tộc từ chối không chịu khuất phục trước sự thống trị của kẻ khác”(1).

Có thể nói, trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và giành độc lập của dân tộc Việt Nam, những tình cảm mà Chính phủ và nhân dân Thụy Điển cùng sự ủng hộ, giúp đỡ của bạn bè quốc tế, đã trở thành nguồn sức mạnh và là nhân tố quan trọng góp phần đưa cách mạng Việt Nam đi tới thắng lợi hoàn toàn vào năm 1975.

Những bước tiến mới trong quan hệ giữa hai nước

Bề dày lịch sử cùng kề vai sát cánh đã tạo nền tảng vững chắc cho quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Việt Nam và Thụy Điển trong suốt 5 thập niên qua, không chỉ về chính trị - ngoại giao mà còn về kinh tế - thương mại, đầu tư, hợp tác phát triển, văn hóa - du lịch, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ...

Về hợp tác chính trị - ngoại giao, kể từ khi chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao, mối quan hệ hợp tác truyền thống tốt đẹp giữa hai nước luôn được gìn giữ, củng cố và phát triển, trên tinh thần hữu nghị hợp tác quốc tế. Hai bên thường xuyên trao đổi nhiều đoàn cấp cao và đoàn ngoại giao sang thăm lẫn nhau. Các chuyến thăm của lãnh đạo hai nước không chỉ minh chứng cho sự quan tâm mà còn cho thấy quyết tâm chính trị của hai nước mong muốn tăng cường và thúc đẩy sự hợp tác song phương trên mọi lĩnh vực hiện nay cũng như trong tương lai, thông qua việc ký kết nhiều hiệp định. Với chính sách đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa, Việt Nam khẳng định luôn coi trọng quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt với Thụy Điển, sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi để Thụy Điển mở rộng quan hệ kinh tế - thương mại với khu vực Đông Nam Á. Thụy Điển cũng thể hiện quyết tâm mở rộng quan hệ hợp tác nhiều mặt với Việt Nam, ủng hộ Việt Nam tăng cường hợp tác với Liên minh châu Âu (EU); xác định Việt Nam là đối tác quan trọng và là một trong những ưu tiên trong chính sách đối ngoại của mình theo hướng tập trung tăng cường quan hệ với các nước Đông Nam Á, phát triển các mối quan hệ giúp bảo đảm lợi ích an ninh và kinh tế của Thụy Điển.

Tháng 11-2017, trong bối cảnh hai nước hướng tới kỷ niệm 50 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (11-1-1969 - 11-1-2018), việc lãnh đạo hai nước nhất trí thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược theo ngành trên một số lĩnh vực, như giáo dục - đào tạo, khoa học - đời sống, y tế và môi trường, nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam của Bộ trưởng Ngoại giao Thụy Điển Ma-gót Uôn-xtrom tiếp tục được coi là dấu mốc quan trọng đánh dấu bước tiến mới sâu sắc và toàn diện trong quan hệ giữa hai nước.

Các cơ chế hợp tác, như tham khảo chính trị cấp thứ trưởng ngoại giao, Ủy ban liên Chính phủ, được hai nước duy trì hiệu quả. Hai bên còn phối hợp chặt chẽ và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương khu vực và quốc tế, như Liên hợp quốc, Liên minh Nghị viện thế giới (IPU), Diễn đàn Hợp tác Á - Âu (ASEM), Tổ chức Thương mại thế giới (WTO)... Thụy Điển coi trọng quan hệ hợp tác hữu nghị truyền thống và tin cậy đối với Việt Nam, hỗ trợ Việt Nam hội nhập khu vực và thế giới, ủng hộ Việt Nam và EU sớm ký kết, chính thức phê chuẩn và đưa vào thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA); ủng hộ Việt Nam ứng cử vào vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021...

Thời gian qua, quan hệ hợp tác giữa Quốc hội hai nước cũng phát triển hết sức tốt đẹp. Ngoài việc trao đổi những vấn đề trong công tác lập pháp, giám sát, Việt Nam và Thụy Điển còn trao đổi kinh nghiệm và thông tin liên quan đến cơ cấu tổ chức, bộ máy của Quốc hội, các ủy ban; các vấn đề liên quan đến bộ máy giúp việc của các ủy ban trong Quốc hội mỗi nước. Hai bên cũng tích cực mở rộng tiếp xúc lãnh đạo cấp cao và các cơ quan của Quốc hội, nhất trí phối hợp có hiệu quả trong các lĩnh vực trên các diễn đàn nghị viện quốc tế. Chuyến thăm hữu nghị chính thức Thụy Điển vào tháng 4-2017 của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam một lần nữa là minh chứng sinh động cho mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị truyền thống, gắn bó giữa nhân dân hai nước nói chung và Quốc hội hai nước nói riêng. Đây cũng là chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam đến Thụy Điển sau 24 năm kể từ chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh vào năm 1993.

Về hợp tác kinh tế, Thụy Điển hiện là bạn hàng quan trọng của Việt Nam tại khu vực Bắc Âu, trong khi Việt Nam là một trong các đối tác thương mại chủ yếu của Thụy Điển ở Đông Nam Á, với kim ngạch thương mại hai chiều đạt trên 1,2 tỷ USD/năm(2). Hai nước đặt mục tiêu đưa kim ngạch thương mại song phương lên 2 tỷ USD vào năm 2020. Các sản phẩm xuất khẩu chính của Việt Nam sang Thụy Điển, bao gồm cà-phê, chè, gia vị, sản phẩm nhựa, cao su, các sản phẩm da, đồ gỗ, sản phẩm gỗ, giầy dép, thủ công mỹ nghệ, đồ gốm... Việt Nam nhập khẩu từ Thụy Điển chủ yếu các mặt hàng nguyên liệu thô, hóa chất, bột giấy, vải sợi, chất dẻo nguyên liệu, máy móc, thiết bị phụ tùng, thiết bị y tế. Thụy Điển cũng là thị trường nhiều tiềm năng đối với các sản phẩm của Việt Nam, như sản phẩm da, cao su, gạo, hạt tiêu, rau quả, xe đạp, hải sản... Từ cơ cấu các mặt hàng xuất - nhập khẩu chính của hai nước cho thấy, cơ cấu ngành hàng của Việt Nam và Thụy Điển có sự bổ sung cho nhau. Đây là yếu tố thuận lợi trong hợp tác thương mại giữa hai nước, nhất là khi EVFTA có hiệu lực.

Trong lĩnh vực hợp tác đầu tư, tính đến tháng 12-2016, Thụy Điển có 52 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Việt Nam với tổng số vốn đăng ký đạt 92,7 triệu USD, đứng thứ 43/115 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam(3), tập trung chủ yếu trên các lĩnh vực viễn thông, công nghệ thông tin, cơ khí, giao thông vận tải, thiết bị y tế và quy hoạch kiến trúc. Các dự án của Thụy Điển có mặt tại 7 tỉnh, thành phố của Việt Nam, bao gồm Hà Nội, Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh, Long An, Vĩnh Phúc, Đà Nẵng và Hưng Yên. Mặc dù hợp tác đầu tư chưa tương xứng với tiềm năng và mong muốn của hai nước, song ngày càng có nhiều nhà đầu tư, nhiều tập đoàn công nghiệp lớn của Thụy Điển có mặt tại Việt Nam, như Ericsson, Comviq, ABB, Alfa-Laval, IKEA, Electrolux... Riêng Tập đoàn Comvik Thụy Điển có dự án hợp tác kinh doanh dịch vụ viễn thông di động với Tổng Công ty Bưu chính viễn thông Việt Nam với tổng số vốn đầu tư khoảng 340 triệu USD thông qua công ty cung cấp thiết bị Ericsson (chiếm trên 80% tổng số vốn đầu tư của Thụy Điển vào Việt Nam).

Trong hợp tác phát triển, Thụy Điển không chỉ là quốc gia Bắc Âu viện trợ phát triển chính thức (ODA) cho Việt Nam sớm nhất (từ năm 1967) mà còn là nước viện trợ không hoàn lại lớn nhất cho Việt Nam, với tổng số tiền viện trợ tính đến nay đạt 3,5 tỷ USD, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực cải cách kinh tế, xây dựng thể chế, cải cách hành chính, nhà nước pháp quyền, luật pháp, phát triển nguồn lực, y tế, năng lượng, viễn thông, môi trường và biến đổi khí hậu... Nhà máy giấy Bãi Bằng, Bệnh viện nhi Thụy Điển, Bệnh viện đa khoa Uông Bí,... là những minh chứng điển hình của sự hỗ trợ, hợp tác mà Thụy Điển dành cho Việt Nam. Bên cạnh đó, Thụy Điển cũng giúp Việt Nam phục hồi nhiều cơ sở sản xuất công nghiệp, như Nhà máy điện Thủ Đức, Nhà máy giấy Tân Mai, Nhà máy diêm Thống Nhất; giúp cải tạo mạng lưới điện Hà Nội; hỗ trợ chương trình nghiên cứu về thuốc và y tế cơ sở. Các chương trình, dự án hỗ trợ của Thụy Điển được thực hiện thông qua Quỹ Phát triển quốc tế Thụy Điển (SIDA) đã phát huy hiệu quả tích cực, góp phần vào việc cải thiện đời sống của nhiều người dân ở những vùng nhận viện trợ phát triển, xóa đói - giảm nghèo tại Việt Nam. Sau năm 2013, Thụy Điển ngưng cung cấp viện trợ phát triển song phương cho Việt Nam, quan hệ hợp tác phát triển giữa hai nước chuyển sang quan hệ đối tác bình đẳng cùng có lợi.

Hợp tác văn hóa - du lịch giữa Việt Nam và Thụy Điển thời gian qua cũng được thúc đẩy mạnh mẽ. Sự kiện “Năm Thụy Điển tại Việt Nam” và “Năm Việt Nam tại Thụy Điển” lần lượt được tổ chức tại hai nước với nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật đặc sắc, giúp nhân dân hai nước có dịp “trở lại” những năm tháng gắn bó trước đây và ngày càng thêm hiểu biết lẫn nhau. Hai bên hiện đã hoàn thành một số dự án hợp tác dài hạn trong lĩnh vực văn hóa - thông tin, như nâng cấp Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, chuyển giao công nghệ phát thanh trực tiếp cho một số đài phát thanh địa phương, Quỹ Giao lưu văn hóa Việt Nam - Thụy Điển... Du lịch cũng là lĩnh vực hợp tác đầy tiềm năng và là kênh quan trọng gắn bó quan hệ thường xuyên giữa nhân dân hai nước. Năm 2017, khách du lịch Thụy Điển đến Việt Nam đạt 44.000 lượt, cao hơn nhiều so với 37.000 lượt năm 2016(2).

Về hợp tác giáo dục - đào tạo, là một trong những nước có nền giáo dục tiên tiến và bề dày lịch sử lâu đời ở khu vực Bắc Âu, trong nhiều năm qua Thụy Điển đã giúp Việt Nam đào tạo nhiều chuyên gia, kỹ sư, tiến sĩ trong các ngành lâm nghiệp, giấy, năng lượng, công nghệ sinh học, y học, báo chí. Bên cạnh đó, một số trường đại học lớn của Thụy Điển, như Đại học Uppsala, đã liên kết với Đại học Quốc gia Hà Nội mở các khóa đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức tại Việt Nam.

Về hợp tác y tế, trước thời điểm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao (năm 1969), Thụy Điển đã bắt đầu có những hoạt động hỗ trợ y tế cho Việt Nam. Những năm đầu tiên, hỗ trợ y tế của Thụy Điển dành cho Việt Nam chủ yếu dưới hình thức cung cấp thuốc men, trang thiết bị y tế. Giai đoạn tiếp theo, hỗ trợ của Thụy Điển luôn gắn liền với ưu tiên chiến lược, chuyển dần từ hỗ trợ “phần cứng” (xây dựng kết cấu hạ tầng, cung cấp trang thiết bị y tế) sang những hỗ trợ có tính chất “phần mềm” (xây dựng chính sách, chiến lược và năng lực y tế).

Để đáp ứng nhu cầu ngày càng gia tăng, sự hợp tác giữa hai nước thời gian qua cũng được mở rộng sang nhiều lĩnh vực khác, như nông nghiệp, khoa học - công nghệ, môi trường biển, ứng phó với biến đổi khí hậu... và đều đạt những kết quả khả quan.

Có thể nói, về tổng thể, mối quan hệ hợp tác hữu nghị truyền thống Việt Nam - Thụy Điển ngày càng phát triển cả về bề rộng lẫn chiều sâu. Tuy nhiên theo đánh giá từ nhiều phía, quan hệ hợp tác kinh tế - thương mại, đầu tư cũng như văn hóa - giáo dục... giữa hai nước còn khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng to lớn của hai nước. Mặt khác, nhiều cơ chế hợp tác giữa hai nước chưa phù hợp, cần được hoàn thiện để tạo điều kiện thuận lợi cho hai nước thúc đẩy giao lưu phát triển kinh tế - thương mại. Bên cạnh đó, ngoài những yếu tố khách quan, như tình hình khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, tác động của cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế toàn cầu, yếu tố chủ quan, như thiếu hụt thông tin chuyên sâu về thị trường, sự cách trở về địa lý, sự khác biệt về chế độ chính trị - xã hội và ý thức hệ, sự khác biệt về văn hóa, tâm lý, thói quen, cũng khiến mối quan hệ hợp tác truyền thống đã được thiết lập giữa hai bên chưa đạt được những bước tiến như mong muốn.

Nền tảng tốt đẹp cho tương lai

Nhìn lại quan hệ Việt Nam - Thụy Điển trong 50 năm qua có thể thấy, với những nền tảng tốt đẹp đã có và nhiều tiềm năng còn có thể phát huy hơn nữa trong tương lai, cùng với thiện chí và tình cảm của cả hai phía, quan hệ Việt Nam - Thụy Điển hứa hẹn sẽ tiếp tục tiến lên phía trước vì thịnh vượng chung của hai nước, hai dân tộc, góp phần vào sự hợp tác giữa hai khu vực Á - Âu cũng như toàn thế giới.

Một là, hợp tác Việt Nam - Thụy Điển phù hợp với bối cảnh quốc tế và tình hình mới của thế giới, với xu thế toàn cầu hóa và xu thế hòa bình, ổn định, hợp tác trong quan hệ quốc tế, đặc biệt là xu hướng chuyển dịch kinh tế sang phía Đông cùng với sự phát triển năng động của khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Hai là, Thụy Điển có thể chia sẻ những lợi thế của một nước công nghiệp có kinh nghiệm phát triển hàng trăm năm với Việt Nam - một nước đang trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Ba là, Thụy Điển đang tập trung tạo nhiều cơ hội kinh doanh hơn tại khu vực châu Á thông qua việc củng cố và mở rộng thêm nhiều mối quan hệ với các nước, như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc...; bước phát triển trong quan hệ thương mại và đầu tư sẽ mang lại lợi ích cho cả hai bên cũng như đóng góp vào hòa bình và ổn định ở khu vực châu Á.

Bốn là, với khoảng 17.000 người(5) - cộng đồng người Việt Nam ở Thụy Điển là cầu nối góp phần thúc đẩy việc mở rộng và phát triển hơn nữa mối quan hệ giữa hai nước.

Việt Nam qua quá trình mở rộng các quan hệ hợp tác kinh tế - thương mại với Thụy Điển, cũng rút ra được những kinh nghiệm ban đầu để nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của mình. Để có thể đứng vững và mở rộng thị phần trên thị trường Thụy Điển trong bối cảnh xu thế bảo hộ thương mại trên thế giới có chiều hướng gia tăng, các doanh nghiệp Việt Nam cần nâng cao tính cạnh tranh và đa dạng hóa các chủng loại hàng xuất khẩu, chú trọng vào các mặt hàng thuộc về thế mạnh và phải tuân thủ đúng quy định, tiêu chuẩn của Thụy Điển về an toàn, độ bền, trọng lượng, chất liệu, chất lượng của sản phẩm. Đồng thời, cần nâng cao tính chuyên môn của các hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư, thiết lập mạng lưới quan hệ hữu hiệu nhằm đáp ứng nhu cầu trao đổi thông tin thương mại nhanh và chính xác cho các doanh nghiệp...

Là thành viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), Thụy Điển cũng có nhiều tập đoàn bán buôn và bán lẻ với hệ thống phân phối trên toàn khu vực châu Âu cũng như tại nhiều khu vực khác trên thế giới. Thêm vào đó, Thụy Điển cũng là đất nước đa dạng về văn hóa dẫn đến đa dạng về nhu cầu và thị hiếu tiêu dùng. Vì thế, các doanh nghiệp Việt Nam cần kết hợp tốt hơn nữa với cơ quan xúc tiến thương mại Việt Nam tại Thụy Điển để tiến hành nghiên cứu thị trường, lựa chọn những mặt hàng tiềm năng phù hợp với năng lực của mình, trên cơ sở đó xác định chiến lược kinh doanh, chiến lược tiếp cận thị trường, tìm ra phương thức xúc tiến thương mại phù hợp nhất với ngành hàng, mặt hàng cụ thể của mình. Mặt khác, công tác thông tin, quảng bá hình ảnh về một đất nước Việt Nam đổi mới, mở cửa, có những thế mạnh về các chủng loại hàng hóa hấp dẫn và phù hợp với thị trường Thụy Điển là một việc cần thiết để thu hút sự chú ý của các doanh nghiệp và công ty Thụy Điển.

Bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên, khí hậu và năng lượng hướng tới mục tiêu xây dựng một thế giới xanh, sạch, đẹp và an toàn là một yêu cầu cấp thiết đang đặt ra trong quá trình phát triển bền vững. Thụy Điển là một trong những quốc gia phát triển mạnh về khoa học - công nghệ cũng như ứng dụng thành công những thành tựu kỹ thuật hiện đại vào việc giải quyết nhiều vấn đề toàn cầu, như bảo vệ môi trường, cải tạo tự nhiên và khắc phục những vấn đề ô nhiễm khí quyển do mặt trái của toàn cầu hóa gây ra. Đó cũng đang là những vấn đề Việt Nam phải đối mặt trong quá trình hội nhập quốc tế và phát triển đất nước. Vì vậy, việc mở rộng quan hệ, tăng cường tiếp xúc, trao đổi những kinh nghiệm trong xử lý những vấn đề mà hai bên cùng quan tâm sẽ thực sự hữu ích đối với cả hai nước./.

-----------------------------------------------------

(1) Xem: https://dantri.com.vn/the-gioi/olof-palme-nguoi-khoi-nguon-moi-quan-he-doc-nhat-vo-nhi-viet-nam-thuy-dien-20160602163016451.htm
(2) Xem: http://baoquocte.vn/viet-nam-thuy-dien-thuc-day-quan-he-doi-tac-chien-luoc-trong-mot-so-linh-vuc-61358.html
(3) Xem: https://www.vietnamplus.vn/tiep-tuc-phat-trien-quan-he-huu-nghi-voi-thuy-dien-hungary-va-sec/439400.vnp
(4) Xem: http://dangcongsan.vn/thoi-su/quan-he-viet-nam-thuy-dien-ngay-cang-toan-dien-va-sau-sac-473857.html
(5) Xem: https://vov.vn/nguoi-viet/them-mot-su-ho-tro-cho-nguoi-viet-moi-den-thuy-dien-432233.vov