Giữ vững quốc phòng, an ninh và bảo vệ Tổ quốc trước tác động từ sự điều chỉnh chiến lược của các nước lớn ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương
TCCS - Bước vào những thập niên đầu thế kỷ XXI, cùng với sự dịch chuyển quyền lực thế giới từ Tây sang Đông, khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang có nhiều sự thay đổi sâu sắc. Các nước lớn điều chỉnh chiến lược, thúc đẩy đan xen lợi ích, thực hiện can thiệp linh hoạt hơn, kiềm chế, ngăn chặn lẫn nhau để tạo dựng vị thế. Cục diện khu vực đang có những tác động lớn đến quốc phòng, an ninh và đặt sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trước những cơ hội và thách thức mới.
Điều chỉnh chiến lược thực chất là việc các nước thay đổi đường lối, chính sách; phát huy thế mạnh, khai thác sở trường, lợi thế so sánh để tìm kiếm và đan xen lợi ích từ bên ngoài; xác lập vị thế vượt trội của quốc gia trên các diễn đàn quốc tế và khu vực; hướng lái các quốc gia khác, các khu vực đi theo quỹ đạo riêng phục vụ lợi ích của mình. Đó là sự thay đổi, điều chỉnh chiến lược một cách “công khai, phía trước”, dễ nhận biết. Trên thực tế, các nước lớn còn tiến hành “điều chỉnh ngầm”, khó nhận diện. Trong bối cảnh đó, để duy trì ổn định và phát triển, tất cả các quốc gia, dân tộc đều phải coi trọng lợi ích quốc gia của mình theo nhận thức chung “chỉ có lợi ích quốc gia dân tộc là vĩnh viễn”.
Là một trung tâm phát triển năng động nhất thế giới, châu Á - Thái Bình Dương đang nổi lên mạnh mẽ, trở thành một trong những động lực chủ yếu cho sự phát triển của thế giới. Khu vực này có vị trí địa kinh tế - chính trị - quân sự chiến lược ngày càng quan trọng trên thế giới, đồng thời cũng là trọng tâm của sự cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa các nước lớn trong thế kỷ XXI. Sự điều chỉnh chiến lược, chính sách, tranh giành quyền lực giữa các nước lớn đã làm cho tình hình khu vực luôn ẩn chứa những nhân tố bất ổn và sự biến động khó lường. Bối cảnh đó đã đặt các quốc gia, trong đó có Việt Nam trước những cơ hội và thách thức mới trong mối quan hệ đan cài, đa dạng, phức tạp, nhiều cấp độ, nhiều tầng nấc với các nước lớn, các trung tâm quyền lực của thế giới. Đồng thời, sự điều chỉnh chiến lược của nước lớn ở khu vực đã và đang có những tác động sâu sắc, đa chiều, cả tích cực lẫn tiêu cực đến quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam trong tình hình mới.
Tác động tích cực
Thứ nhất, điều chỉnh chiến lược của nước lớn ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương gia tăng vai trò, vị thế chính trị của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới. Sự điều chỉnh chiến lược của các nước lớn không ngoài mục đích xác lập vị thế “vượt trội” và “tiếng nói” quyết định của họ đối với khu vực. Trong sự tác động của điều chỉnh, cạnh tranh đa chiều đó, vị thế của Việt Nam trên “bàn cờ chính trị” khu vực đang từng bước được nâng cao, là nhân tố mà các nước không thể không tính đến trong chiến lược, chính sách của mình. Với vị trí địa - chính trị, địa - kinh tế chiến lược quan trọng, lại nằm trên các trục giao thông đường biển, đường bộ, đường hàng không huyết mạch của khu vực và quốc tế, là “cửa ngõ” để vươn ra các đại dương và để tiến vào lục địa,... Việt Nam vừa giữ vị trí trung tâm của các hoạt động kinh tế - thương mại, vừa nắm vị trí then chốt trong phòng thủ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói chung và Đông Nam Á nói riêng. Việt Nam còn là “cầu nối” giữa các nước, là đầu mối quan trọng của các hợp tác và liên kết trong khu vực. Từ bước khởi đầu tham gia “sân chơi” hội nhập quốc tế, đến nay Việt Nam đã chủ động tham gia một cách tích cực, đóng vai trò là một trong những nhân tố dẫn dắt, định hướng cho việc xác lập các cơ chế hợp tác trong khu vực. Đồng thời, với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, liên tục, bền vững; chính trị - xã hội ổn định; thị trường năng động, hấp dẫn; cơ chế, thủ tục ngày càng thông thoáng... vai trò và vị thế của Việt Nam ngày càng được khẳng định trong khu vực. Với tư cách một quốc gia có trách nhiệm, một thành viên tích cực, đáng tin cậy trong khu vực và trên trường quốc tế, Việt Nam luôn thu hút được sự quan tâm của nhiều nước lớn. Tuy nhiên, để củng cố vị thế này, đòi hỏi Việt Nam phải có cơ chế, chính sách khôn khéo, linh hoạt; một mặt, thoát khỏi thế bị lôi kéo, ràng buộc, không bị lệ thuộc vào bất kỳ nước nào; mặt khác, phải tận dụng cả “lực kéo” và “lực đẩy” từ sự điều chỉnh chiến lược, cạnh tranh của các nước lớn để nâng cao vị thế chiến lược của mình. Vị thế chính trị của đất nước tăng lên là cơ hội lớn, tạo ra điều kiện thuận lợi rất cơ bản cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thứ hai, điều chỉnh chiến lược của nước lớn ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương tạo thuận lợi cho Việt Nam thực hiện đường lối đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa; qua đó, củng cố quốc phòng, an ninh, tăng cường sức mạnh xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Điều chỉnh chiến lược và tranh giành quyền lực trong khu vực càng gay gắt thì càng có nhiều quốc gia coi trọng và rất muốn đẩy mạnh mức độ gắn kết, hợp tác với Việt Nam - một quốc gia thành viên ASEAN có vị thế địa - chiến lược quan trọng. Đây được coi như nguồn “tài nguyên” quý vốn có, không những gia tăng vị thế chính trị của đất nước mà còn cho phép chúng ta đặt ra các điều kiện với đối tác để bảo vệ lợi ích quốc gia dân tộc trên tinh thần đôi bên cùng có lợi. Ngược lại, cũng chính điều này tạo ra thời cơ để Việt Nam phát triển quan hệ hợp tác trên tất cả các lĩnh vực với các nước. Tuy có sự điều chỉnh chiến lược, song nhìn chung, chính sách đối với Việt Nam của các nước lớn thời gian qua có nhiều điểm tích cực hơn. Thêm vào đó, do có một số tương đồng về quan điểm, “tầm nhìn” và lợi ích chiến lược với các nước lớn; cộng với Việt Nam luôn nhất quán quan điểm là bạn, là đối tác tin cậy, là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế tạo ra tiền đề quan trọng, là điều kiện thuận lợi để thúc đẩy quan hệ đối tác với các nước trong khu vực và trên thế giới lên tầm cao mới và đi vào thực chất. Khi quan hệ đối ngoại được mở rộng, Việt Nam, một mặt, không những phát huy được nội lực mà còn tranh thủ mọi nhân tố có lợi từ bên ngoài; mặt khác, đây chính là đối sách tập hợp lực lượng, huy động và kết hợp chặt chẽ sức mạnh trong nước với sức mạnh quốc tế, sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Cũng trong quá trình này, chúng ta đẩy mạnh hợp tác về quốc phòng, an ninh với các nước lớn có tiềm lực quân sự mạnh, có nền công nghiệp quốc phòng phát triển; tạo điều kiện cho việc tăng cường vũ khí trang bị, huấn luyện chiến đấu, học hỏi kinh nghiệm để xây dựng Quân đội nhân dân “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”, bảo đảm đủ sức mạnh bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong mọi tình huống.
Tác động tiêu cực
Thứ nhất, điều chỉnh chiến lược của nước lớn ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang làm phức tạp hóa và gây khó khăn cho Việt Nam trong quan hệ quốc tế. Khi tiến hành điều chỉnh chiến lược, chính sách, các nước lớn sẽ tăng cường lôi kéo, chế ngự nước khác, gia tăng vùng ảnh hưởng. Cùng với quá trình đó, xuất hiện sự “trỗi dậy” của các cường quốc mới nổi trong khu vực. Vấn đề này sẽ gây ra nhiều hệ lụy đối với những quốc gia nhỏ yếu hơn ở xung quanh là điều khó tránh khỏi. Việc nước lớn có tham vọng kiểm soát không gian địa - chính trị trong khu vực sẽ tạo ra những thách thức mới trong mở rộng quan hệ đối ngoại của các nước nhỏ. Điều này càng làm tăng thêm sự phức tạp cũng như tính nhạy cảm trong quan hệ ứng xử của các nước nhỏ, trong đó có Việt Nam đối với các nước lớn. Để thích ứng, mở rộng, củng cố và ổn định quan hệ; “điều hòa lợi ích” với các nước, phát huy được sức mạnh tổng hợp trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc là một thách thức lớn trực tiếp đối với Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.
Thứ hai, điều chỉnh chiến lược của các nước lớn ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương có thể đẩy các nước nhỏ vào thế bị xâm phạm lợi ích đồng thời làm xuất hiện loại hình “chiến tranh ủy nhiệm”. Trong cục diện khu vực có sự điều chỉnh, cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa các nước lớn, nước nhỏ luôn phải cảnh giác với chính sách thỏa hiệp, “đi đêm” của các nước lớn sẽ gây phương hại đến lợi ích quốc gia, nhất là phương hại đến độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ. Việt Nam luôn là trọng điểm, chịu sự tác động nhiều nhất của quá trình này. Cùng với chiến lược “diễn biến hoà bình” của các thế lực thù địch; âm mưu lấn chiếm, xâm phạm chủ quyền biển, đảo sẽ là hai nguy cơ trực tiếp, song hành. Hơn nữa, ngay trong nội hàm của điều chỉnh chiến lược đã hàm chứa cả việc nước lớn sẵn sàng thỏa hiệp, đổi chác với nhau hoặc nước lớn chấp nhận bỏ qua một vài lợi ích không căn bản của mình để xâm phạm nước nhỏ. Các cuộc khủng hoảng chính trị ở một số khu vực trên thế giới thời gian gần đây đã khẳng định trong nhiều trường hợp, sinh mệnh chính trị, lợi ích cốt lõi của nước nhỏ phụ thuộc vào mối quan hệ giữa các nước lớn. Với việc các nước lớn “vươn tầm ảnh hưởng”, tăng cường khuất phục, làm cho các nước nhỏ trước mắt thì bị động, bất ngờ; sau đó thì bị lệ thuộc vào nước lớn và dần trở thành “vệ tinh”, “sân sau”, “vùng đệm” của họ. Khi nước lớn “điều chỉnh ngầm”, tiến hành “mặc cả” để đổi chác, thỏa hiệp với nhau “trên lưng nước nhỏ” sẽ đẩy nước nhỏ vào tình thế bị xâm phạm lợi ích căn bản; bị rơi vào thế “kẹt” trong “ván cờ chính trị nước lớn”. Thậm chí, không loại trừ khả năng nước nhỏ không tự quyết định được lợi ích tối cao là vận mệnh quốc gia, dân tộc mình. Và ở tình huống “hiểm” nhất của sự điều chỉnh chiến lược; để thực hiện mưu đồ chính trị của mình, nước lớn sẵn sàng “thả lợi ích” để “nhử mồi”, lôi kéo nước khác vào “vòng xoáy”, tiến hành cuộc chiến chống lại một nước thứ ba “không cùng quỹ đạo” với mình. Bản chất vấn đề này chính là gây chiến “qua tay” người khác; “mượn tay” nước khác để phát động chiến tranh - “chiến tranh ủy nhiệm”. Đây là một tình huống chiến lược mới, rất nhạy cảm, hội tụ đủ các yếu tố phức tạp về quốc phòng, an ninh mà Hội nghị Trung ương 8 khóa XI của Đảng đã dự báo. Theo đó, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới sẽ khó khăn hơn, phức tạp hơn. Bên cạnh việc sẵn sàng đánh bại các đối tượng có âm mưu xâm lược, lấn chiếm, lật đổ chế độ chính trị - xã hội và các loại hình chiến tranh như đã từng xảy ra, chúng ta còn phải đối phó thắng lợi với các đối tượng khác hòng chống phá ta dưới các hình thái “chiến tranh ủy nhiệm” mới. Tất nhiên, diễn biến và kết quả của tình huống này như thế nào, nó có xảy ra hay không còn tùy thuộc vào bản lĩnh, nghệ thuật ứng xử của Việt Nam. Điều quan trọng là chúng ta cần khéo duy trì quan hệ cân bằng với tất cả các bên liên quan, đồng thời tăng cường sức mạnh nội tại có thể để đương đầu với các mối đe dọa.
Những vấn đề đặt ra đối với Việt Nam
Thực hiện kiên định về nguyên tắc chiến lược; linh hoạt, sáng tạo về sách lược; tranh thủ mọi tác động tích cực, hạn chế thấp nhất những tác động tiêu cực, mặt trái từ sự điều chỉnh chiến lược của các nước lớn ở khu vực đối với sự nghiệp cách mạng. Tăng cường công tác nghiên cứu, dự báo, đánh giá chính xác cục diện, sự dịch chuyển quyền lực tại khu vực và những diễn biến mới của tình hình; xác định đúng vị thế của quốc gia trên “bàn cờ chính trị” khu vực và thế giới. Giữ vững tính độc lập, tự chủ trong hoạch định đường lối, chính sách; khéo tìm đúng “lối đi”, “cửa thoát”, tận dụng cả lực kéo - đẩy, tác động thuận - nghịch của quá trình điều chỉnh, cạnh tranh chiến lược giữa nước lớn để nâng cao giá trị chiến lược của đất nước; luôn “trụ vững” trong thế cạnh tranh, lôi kéo, “giằng co” giữa các nước lớn trong khu vực. Nắm vững thời cơ; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; mở rộng hợp tác, phát triển; củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, xây dựng sự đồng thuận và “thế trận lòng dân” vững chắc. Từ quan điểm chỉ đạo chung, linh hoạt, sắc bén đề ra đối sách cụ thể:
Một là, xác định đúng đối tác, đối tượng của cách mạng Việt Nam. Trong xu thế tuyệt đối hóa lợi ích, các nước lớn điều chỉnh chiến lược, đan xen hợp tác - đấu tranh, cạnh tranh - kiềm chế lẫn nhau tại khu vực; quan niệm về bạn - thù của các nước có sự thay đổi; Việt Nam đã chủ động điều chỉnh từ “nguyên tắc” xác định bạn - thù dựa trên ý thức hệ chính trị - giai cấp sang “quan điểm” xác định đối tác - đối tượng của cách mạng trên cơ sở nhấn mạnh lợi ích quốc gia - dân tộc; bảo đảm tính phù hợp hơn, linh hoạt hơn. Tư duy mới của Đảng ta khẳng định những ai tôn trọng độc lập, chủ quyền, thiết lập và mở rộng quan hệ hữu nghị và hợp tác bình đẳng, cùng có lợi với Việt Nam đều là đối tác của chúng ta. Ngược lại, bất kể thế lực nào có âm mưu và hành động chống phá mục tiêu của Đảng, Nhà nước ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đều là đối tượng đấu tranh. Tuy nhiên, trong tình hình hiện nay, phải có quan điểm khoa học, biện chứng, linh hoạt. Trong mỗi đối tượng vẫn có thể có mặt cần tranh thủ hợp tác; trái lại, trong một số đối tác vẫn có thể có mặt khác biệt, mâu thuẫn với lợi ích của ta cần đấu tranh. Nghĩa là, trong đối tác có đối tượng, trong đối tượng có đối tác; không có đối tác, đối tượng một cách thuần túy. Vì vậy, trong từng thời điểm cụ thể, cần căn cứ vào chiến lược, sự điều chỉnh chiến lược, âm mưu, thủ đoạn, hành động hiện thời của nước khác đối với Việt Nam để nhận thức rõ ai là đối tác, ai là đối tượng. Tránh mơ hồ, võ đoán, nhìn nhận phiến diện, một chiều, lẫn lộn, đồng nhất hay tuyệt đối hóa đối tác và đối tượng. Đây là vấn đề quan trọng hàng đầu của quốc phòng, an ninh; là cơ sở hoạch định đường lối, chính sách đối nội, đối ngoại đúng đắn để tranh thủ khai thác, phát huy mặt tích cực dưới góc độ đối tác để phát triển đất nước; hạn chế, khắc phục mặt tiêu cực của đối tượng; không để đối tác chuyển hóa thành đối tượng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Hai là, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, tăng cường sức mạnh tổng hợp quốc gia. Trên cơ sở nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa dạng hóa, đa phương hóa; tích cực, chủ động hội nhập quốc tế, để thích ứng với cục diện mới trong khu vực đòi hỏi Việt Nam thực hiện chính sách “ngoại giao cân bằng”, đan xen quan hệ với các nước lớn, không lệ thuộc vào bất kỳ nước nào; linh hoạt, mềm dẻo trong các ứng xử cụ thể theo đúng phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến”; tích cực đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn “quan hệ với các đối tác, nhất là các đối tác chiến lược và các nước lớn có vai trò quan trọng đối với phát triển và an ninh của đất nước, đưa khuôn khổ quan hệ đã xác lập vào thực chất”(1). Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với 186 trong tổng số 193 quốc gia thành viên của Liên hợp quốc; quan hệ kinh tế - thương mại với 230 quốc gia và vùng lãnh thổ; là thành viên tích cực của trên 70 tổ chức, diễn đàn quốc tế và khu vực; tiến hành nâng cấp quan hệ đối tác với các nước lớn (tháng 9-2016; Việt Nam nâng quan hệ với Ấn Độ lên đối tác chiến lược toàn diện; tháng 11-2017: ký kết đối tác toàn diện với Ca-na-đa; tháng 3-2018: nâng quan hệ với Ô-xtrây-li-a lên đối tác chiến lược...), tạo thế cài xen, cân bằng tác động của các nước lớn. Tích cực tham gia tiến trình hội nhập quốc tế ở mức sâu rộng hơn, trước hết là trong khối ASEAN, tham dự sâu vào Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC); ký kết Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Đẩy mạnh đối ngoại quốc phòng, “tích cực tham gia các cơ chế đa phương về quốc phòng, an ninh, trong đó có việc tham gia các hoạt động hợp tác ở mức cao hơn như hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, diễn tập về an ninh phi truyền thống và các hoạt động khác”(2). Chủ động đề xuất, định hình cơ chế hợp tác Hội nghị Bộ trưởng quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+), Diễn đàn An ninh khu vực (ARF)... Thực hiện “thêm bạn, bớt thù”, vừa tranh thủ được nguồn lực và sức mạnh tổng hợp, vừa nâng cao vị thế, uy tín, tiềm lực của đất nước.
Ba là, đẩy mạnh đan xen lợi ích với các nước; ngăn ngừa xung đột quân sự, hạn chế nguy cơ chiến tranh. Chủ động đan xen lợi ích một cách sâu rộng với các đối tác, nhất là với các nước lớn để giữ được “thế cân bằng” và bảo đảm cho đất nước luôn đứng vững trước các tác động lôi kéo của điều chỉnh, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ở khu vực. Thông qua đan xen lợi ích với các nước trong khu vực, tác động và buộc các bên, các nước thay đổi quan điểm, nhận thức, hành động trong xử lý các vấn đề quốc tế trên tinh thần tôn trọng lợi ích của nhau, đôi bên cùng có lợi; đồng thời kiềm chế các hành động quá khích, cực đoan, gây hấn, xâm phạm, phá hoại nhau giữa các nước. Đây là giải pháp hạn chế nguyên nhân dẫn đến xung đột quân sự, ngăn chặn không để chiến tranh xảy ra. Đẩy mạnh xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, tối ưu, giữ được nước mà không phát động chiến tranh. Củng cố lòng tin chính trị quốc tế; không đi theo nước này để chống nước khác; ngược lại, cũng không trông chờ, dựa dẫm, ỷ lại bất kỳ nước nào trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Mặt khác, luôn tỉnh táo, xử lý đúng đắn, thận trọng các mối quan hệ quốc tế, tránh làm ảnh hưởng xấu đến lợi ích của nước khác trong bối cảnh mới của thế giới đương đại.
Bốn là, giải quyết những tranh chấp chủ quyền, quyền chủ quyền trên khu vực Biển Đông trên nguyên tắc hòa bình và thượng tôn luật pháp quốc tế, trong đó Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS). Trong bối cảnh khu vực châu Á - Thái Bình Dương có sự điều chỉnh, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn và vì lợi ích chiến lược, các nước lớn sẽ gia tăng sự hiện diện, can dự sâu hơn, làm cho an ninh trên Biển Đông diễn biến phức tạp. Đây không chỉ là những tác động trực tiếp, trước tiên mà còn là thử thách nghiêm trọng đối với quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc. “Chìa khóa” để Việt Nam giải quyết tranh chấp với các bên, các nước có liên quan là quán triệt, thực hiện đúng quan điểm ứng xử 2B (bình tĩnh, bình thường); ba không (không liên minh quân sự với nước ngoài, không cho nước khác đặt căn cứ quân sự tại Việt Nam để tiến công nước khác, không sử dụng và đe dọa sử dụng vũ lực); bốn tránh (tránh xung đột về quân sự, tránh đối đầu về kinh tế, tránh bị cô lập về ngoại giao, tránh bị lệ thuộc về chính trị); ba điều không để mất (không để mất chủ quyền lãnh thổ, không để mất hòa bình và ổn định, không để mất tình hữu nghị với các nước) và 8K (kiên quyết, kiên trì, khôn khéo, không khiêu khích, không mắc mưu khiêu khích, kiềm chế, không để nước ngoài lấn chiếm, không để xảy ra xung đột). Nhanh chóng thúc đẩy tiến trình thông qua và thực thi Bộ Quy tắc ứng xử của các bên trên Biển Đông (COC) với các bên có liên quan, không để tình hình thêm phức tạp. Những giải pháp cụ thể trên đây góp phần “giữ nước từ lúc chưa nguy, trị nước từ khi chưa loạn”; là thực hiện bảo vệ Tổ quốc ngay từ trong hòa bình, chủ động bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa trong bối cảnh cục diện khu vực có sự điều chỉnh, cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa các nước lớn hiện nay. /.
------------------------------------------------------------------------
(1), (2) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr. 155
Chấn chỉnh tình trạng gây khó khăn trong giải quyết thủ tục hành chính  (27/12/2018)
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
- Phát huy hệ giá trị con người Việt Nam, hoàn thiện chuẩn mực đội ngũ cán bộ ngành ngoại giao trong thời kỳ mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay