Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương và tác động của nó đối với địa - chính trị khu vực châu Á - Thái Bình Dương
TCCS - Tại Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) được tổ chức ở Việt Nam vào tháng 11-2017, 11 quốc gia châu Á - Thái Bình Dương tiếp tục thống nhất theo đuổi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) với tên gọi mới là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Điều này được dự đoán sẽ mang đến những thay đổi lớn trong “bàn cờ” chính trị ở khu vực cũng như trên thế giới, và thậm chí, CPTPP được đánh giá có khả năng tạo ra sự sắp xếp lại những “thế cờ” hiện tại và tạo ra một “bàn cờ” hoàn toàn mới.
CPTPP - xu hướng tất yếu của nền thương mại thế giới
Ngày 08-3-2018, tại Xan-ti-a-go (Chi-lê), các bộ trưởng kinh tế, thương mại của 11 nước đã chính thức ký kết CPTPP. Việc ký kết này mở ra lộ trình để chính phủ các nước trình cơ quan có thẩm quyền của các nước thông qua. Đây được coi là phiên bản mới của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) không có Mỹ, sau khi nước này chính thức rút khỏi Hiệp định vào tháng 11-2017 tại Hội nghị APEC. Hiệp định mới lần này đã bổ sung hai từ “toàn diện” (Comprehensive) và “tiến bộ” (Progressive) vào tên gọi chính thức. Sự bổ sung này thể hiện tính đồng thuận cao trong nội bộ các nước tham gia đàm phán, khẳng định tầm vóc, chất lượng và ý nghĩa của CPTPP - một Hiệp định có tính tiêu chuẩn cao, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực.
Số lượng thành viên trong CPTPP là 11 nước(1), với quy mô kinh tế chiếm khoảng 13,5% GDP và 15,2% tổng kim ngạch thương mại toàn cầu, thấp hơn khá nhiều so với quy mô của TPP khi có Mỹ tham gia (38,2% GDP và 26,5% kim ngạch thương mại toàn cầu)(2). Tại lễ ký kết, các bộ trưởng đã thông qua Tuyên bố chung với quan điểm cho rằng, CPTPP sẽ giúp tăng cường mối liên kết cùng có lợi giữa các nền kinh tế thành viên và thúc đẩy thương mại, đầu tư và tăng trưởng kinh tế trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Hiệp định này thể hiện cam kết chung của các nước thành viên đối với hệ thống thương mại hiệu quả, tuân thủ quy tắc và minh bạch, có tính mở đối với tất cả các nền kinh tế sẵn sàng chấp nhận các điều khoản của Hiệp định. Ký kết CPTPP là tín hiệu quan trọng chống lại xu hướng bảo hộ và chiến tranh thương mại đang tồn tại trên toàn cầu, thể hiện hướng đi của thương mại tiến bộ trong thế kỷ XXI.
Về nội dung, CPTPP vẫn sẽ tích hợp các nội dung trước đây của TPP. Tuy nhiên, trong số 8.000 trang tài liệu của CPTPP được thông qua, có hơn 20 điều khoản đã bị tạm hoãn hoặc sửa đổi so với thỏa thuận, chủ yếu là các cam kết cứng rắn về sở hữu trí tuệ mà Mỹ là quốc gia đề xuất trước đây(3); đồng thời bổ sung các quy định về tính hiệu lực, quy trình rút lui, gia nhập, cũng như rà soát lại các điều khoản cho CPTPP trong tương lai. Hiệp định sẽ có hiệu lực sau 60 ngày khi có ít nhất sáu quốc gia thành viên hoàn tất các thủ tục phê chuẩn. Nhìn chung, nội dung của CPTPP không có nhiều thay đổi so với TPP, nhưng so với các hiệp định khác, nội dung của CPTPP được đánh giá tương đối toàn diện, không chỉ về thương mại mà còn về đầu tư, sở hữu trí tuệ và nhiều lĩnh vực khác.
Việc cùng ký kết CPTPP không chỉ nhằm thúc đẩy kinh tế - thương mại, mà còn là bước đi mang tính địa - chiến lược để tạo nên khối liên kết giữa các nước thành viên trong bối cảnh Trung Quốc đang lớn mạnh với nhiều tham vọng. Sự thay đổi vị thế chiến lược trên “bàn cờ” thế giới là một trong những mối quan tâm bậc nhất của 11 quốc gia thành viên khi quyết định tham gia CPTPP, đặc biệt đối với Nhật Bản. Việc Mỹ rút khỏi TPP đồng nghĩa với việc Nhật Bản - nền kinh tế chỉ xếp sau Mỹ trong TPP trước đây - sẽ là nhân tố chủ chốt trong CPTPP.
Bên cạnh đó, CPTPP còn đóng vai trò là một “biểu tượng” cho sự trở lại của xu hướng tự do hóa thương mại, trong bối cảnh xu hướng bảo hộ đang trỗi dậy và bắt đầu gây ra những tác động nhất định đến nền thương mại thế giới. Từ khi Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) được thành lập vào năm 1995, tự do hóa thương mại đã dần trở thành một mục tiêu mà mọi quốc gia đều hướng đến. Những rào cản thuế quan và đầu tư dần được dỡ bỏ, các vấn đề biên giới dần được khắc phục... tất cả nhằm thiết lập một nền tảng thống nhất và công bằng chung cho thương mại toàn cầu, theo cả chiều rộng (tăng số lượng thành viên WTO) lẫn chiều sâu (ký kết và thực thi các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương, từ truyền thống đến thế hệ mới). Tuy nhiên, trong bối cảnh làn sóng bảo hộ thương mại trỗi dậy mạnh mẽ, xu hướng tự do hóa thương mại đã và đang bị làm chệch hướng, nhất là từ khi Tổng thống Đ. Trăm cùng triết lý “nước Mỹ trên hết” lên nắm quyền điều hành nền kinh tế lớn nhất thế giới. Khi đó, lợi ích dân tộc và trào lưu bảo hộ đã trở thành nhân tố quan trọng trong chính sách đối ngoại của Mỹ, trực tiếp thách thức và đụng độ với xu hướng thương mại tự do toàn cầu. Sự kiện này đang dần tạo nên những ảnh hưởng nhất định đến chính sách đối ngoại của những quốc gia ủng hộ trào lưu bảo hộ. Do đó, việc CPTPP được tiếp tục và gần như chắc chắn được triển khai trong thời gian tới, sẽ là lời khẳng định rằng, xu hướng tự do hóa thương mại tiếp tục là một xu hướng tất yếu của nền thương mại thế giới.
Tác động của CPTPP đối với địa - chính trị ở châu Á - Thái Bình Dương
Đây là vấn đề lớn bởi Hiệp định có tính tương tác rất rộng đối với nhiều quốc gia, khu vực. Thậm chí, có ý kiến cho rằng Hiệp định sẽ đẩy “cuộc chơi” địa - chính trị khu vực và toàn cầu sang một trạng thái mới.
Đối với Mỹ: dù không nằm trong nhóm nước khởi thảo Hiệp định nhưng việc tham gia TPP của Mỹ đánh dấu vị thế toàn cầu của Hiệp định và đẩy Hiệp định lên tầm trung tâm trong các bàn đàm phán quốc tế trong suốt 6 năm (2010 - 2016). TPP được Mỹ thúc đẩy trong bối cảnh chiến lược xoay trục sang châu Á - Thái Bình Dương được đẩy mạnh để “tái cân bằng” nhằm tăng cường ảnh hưởng và tạo thành một liên minh kiềm chế sự “trỗi dậy” của Trung Quốc, từ đó củng cố, duy trì vị thế lãnh đạo của Mỹ tại khu vực này. Vì vậy, khi rút khỏi TPP, Mỹ đã phải điều chỉnh chiến lược, gần như không nhắc đến vấn đề “xoay trục”, “tái cân bằng” và đề cập đến một khái niệm chiến lược mới là “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”. Khi rút khỏi TPP, trên thực tế Mỹ đã chịu tổn thất lớn vì đã làm mất lòng tin không chỉ đối với các quốc gia còn lại trong TPP mà còn với những quốc gia không tham gia TPP, nhưng luôn có niềm tin vào “giá trị Mỹ” và ủng hộ vai trò của Mỹ trong dẫn dắt thế giới nói chung và khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói riêng. Sau khi Mỹ rút khỏi TPP, nhiều đồng minh và đối tác quan trọng nhất của Mỹ, như Nhật Bản, Ca-na-đa, Mê-hi-cô... đã nhanh chóng tăng cường quan hệ với Liên minh châu Âu (EU) và các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Đối với Nhật Bản: sau khi Mỹ rút khỏi TPP, Nhật Bản trở thành quốc gia có nhiều nỗ lực lớn nhất trong việc hoàn tất CPTPP khi thúc đẩy thành công các cuộc đàm phán cũng như bảo toàn phần lớn nội dung của TPP trước đây. Nhật Bản thuộc nhóm nước lớn và mạnh nhất trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, vì thế, khi CPTPP có hiệu lực, Nhật Bản sẽ là quốc gia chủ chốt tạo nền tảng mới trong địa - chính trị châu Á - Thái Bình Dương. Lần đầu tiên trong gần 80 năm kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, Nhật Bản không chỉ tạo ra sự lãnh đạo toàn cầu mà còn thể hiện năng lực lớn hơn để đạt được mục tiêu của mình. Với CPTPP, Nhật Bản sẽ giữ vai trò chủ đạo và sẽ là đối trọng với một Trung Quốc đang có tham vọng chi phối kinh tế khu vực châu Á và thế giới với việc triển khai mạnh mẽ việc thành lập Ngân hàng Phát triển hạ tầng châu Á (AIIB) và thúc đẩy Sáng kiến “Vành đai, Con đường”.
Thứ nhất, CPTPP giúp Nhật Bản củng cố vai trò tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Các chuyên gia dự đoán CPTPP sẽ tạo thêm 147 tỷ USD cho các nước thành viên ngay trong năm đầu tiên đi vào hoạt động, từ đó tạo điều kiện cho tăng trưởng kinh tế và GDP của Nhật Bản với vai trò là nước có nền kinh tế lớn nhất trong khối, cũng là nước có nền sản xuất hùng mạnh nhất. Ngoài ra, thỏa thuận này sẽ thể chế hóa các quy tắc thương mại mới cho các giao dịch thương mại ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Chẳng hạn như, khuôn khổ của CPTPP có thể sẽ trở thành mô hình cho các hiệp định thương mại đa phương khác, trong đó có Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) - cơ chế đang đàm phán và Trung Quốc là nước dẫn dắt. CPTPP sẽ tăng cường tác động của Nhật Bản đối với các cuộc đàm phán RCEP. Do đó, CPTPP giúp Nhật Bản củng cố và thể hiện vai trò hàng đầu của mình trong khu vực, tạo lập chỗ đứng vững chắc trong nền kinh tế và ngoại giao toàn cầu.
Thứ hai, CPTPP giúp Nhật Bản kiềm chế sự gia tăng quyền lực của Trung Quốc. Gần đây, những động thái của Trung Quốc đã cho thấy dấu hiệu Trung Quốc muốn trở thành nhà lãnh đạo mới của thế giới trên các phương diện, trước hết là kinh tế. Tham vọng của Trung Quốc đã gây ra mối quan tâm cực đoan ở Nhật Bản rằng, không gian lãnh đạo trong khối thương mại tự do châu Á - Thái Bình Dương được khởi tạo bởi Mỹ sẽ bị lấp đầy bởi nền kinh tế Trung Quốc, đe dọa vai trò chính trị và kinh tế trong tương lai của Nhật Bản ở châu Á - Thái Bình Dương. Bằng cách thiết lập CPTPP, Nhật Bản có thể kiềm chế sự bành trướng về kinh tế và thương mại của Trung Quốc trong khu vực bằng cách sử dụng “chiến lược đa phương hóa” trong CPTPP.
Thứ ba, CPTPP cũng giúp Nhật Bản đối phó với áp lực của Mỹ để đàm phán hiệp định song phương giữa Mỹ và Nhật Bản. Kể từ cuối năm 2017, Mỹ đã thúc đẩy Nhật Bản ký một hiệp định thương mại tự do song phương mang lại lợi ích thương mại rõ rệt cho Mỹ trong tăng cường tiếp cận với thị trường Nhật Bản. Không chỉ vậy, vào tháng 3-2018, Mỹ đã loại Nhật Bản khỏi danh sách các nước được miễn thuế đối với thép và nhôm, nhằm tạo áp lực để Nhật Bản ký hiệp định song phương nói trên. Các diễn biến này cho thấy, Mỹ đang có những động thái sử dụng kinh tế như một vũ khí để thách thức Nhật Bản. Trong bối cảnh này, bằng cách ký kết CPTPP, Nhật Bản có thể sử dụng những điều khoản của hiệp định để đàm phán lại những điều kiện chèn ép của Mỹ, với lý do những điều khoản này vượt ra ngoài quy định của CPTPP. Chuyên gia thương mại Nhật Bản Ka-du-hi-tô Ya-ma-si-ta (Kazuhito Yamashita) thậm chí còn đề xuất, nếu Mỹ vẫn còn chèn ép Nhật Bản trong hiệp định song phương thì Nhật Bản có thể khuyên Mỹ cùng tham gia CPTPP vì Nhật Bản hiện đã chuyển hướng chiến lược sang các hiệp định thương mại tự do đa phương.
Vì vậy, CPTPP sẽ là nền tảng mà Nhật Bản có thể thiết lập quyền lực kinh tế và ngoại giao của mình ở châu Á - Thái Bình Dương. Hiện tại, Nhật Bản đang tiếp tục cải thiện triển vọng tăng trưởng của mình và cần thu hút thêm nhiều vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài. Với GDP tổng cộng 10.000 tỷ USD của các thành viên CPTPP, Nhật Bản có thể cố gắng tăng gấp đôi lượng vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài vào năm 2020 và thực hiện được mục tiêu của chính quyền Thủ tướng Sin-dô A-bê. Do đó, một trong những mục tiêu quan trọng của Nhật Bản là duy trì vai trò hàng đầu trong CPTPP, qua đó bảo đảm kế hoạch tăng trưởng dài hạn trong nước và tăng cường sức mạnh chính trị quốc tế.
Đối với Trung Quốc: Sự vắng mặt của Mỹ trong CPTPP sẽ mang lại cơ hội lớn hơn cho Trung Quốc trong việc định hình lại nhiều tiêu chuẩn và quy định thương mại toàn cầu theo hướng có lợi cho Trung Quốc. Điều đó đồng nghĩa với việc Trung Quốc sẽ gia tăng ảnh hưởng tại châu Á - Thái Bình Dương và ngược lại, vị thế của Mỹ ở khu vực càng ngày càng sụt giảm. Trung Quốc sẽ thông qua quá trình đàm phán nhằm hiện thực hóa RCEP và Sáng kiến “Vành đai, Con đường” để tiếp quản những khoảng trống quyền lực do Mỹ để lại và gia tăng tầm mức ảnh hưởng của mình. Tất nhiên, cuộc chiến thương mại thực sự đang diễn ra giữa Mỹ và Trung Quốc thể hiện sự chủ động cao và sự lấn lướt hoàn toàn trong chính sách của Mỹ.
Nhiều chuyên gia đánh giá, việc Mỹ rút khỏi TPP và không tham gia CPTPP sẽ là cơ hội lớn cho Trung Quốc tại không gian châu Á - Thái Bình Dương. Nhưng trên thực tế, lợi thế chưa chắc đã nghiêng về phía Trung Quốc, bởi TPP từng được coi như một công cụ kiềm tỏa ảnh hưởng của Trung Quốc tại khu vực này khi mà Trung Quốc khởi xướng và dẫn dắt các vòng đàm phán RCEP. Việc ký kết CPTPP đã cho thấy mong muốn của các quốc gia thành viên trong việc tăng cường sức mạnh chung cũng như nội lực của mỗi thành viên. Việc CPTPP đi vào hoạt động sẽ ít nhiều tác động tới Trung Quốc, bởi mỗi thành viên trong CPTPP sẽ “vừa là một đối tác, vừa là một đối thủ tiềm tàng” của Trung Quốc, vì thế Trung Quốc trong thời gian gần đây đã nối lại đối thoại với với Nhật Bản và cải thiện quan hệ với một số thành viên của ASEAN.
Đối với các nước ASEAN: CPTTP đi vào hoạt động sẽ có ý nghĩa trong cả vấn đề an ninh và chính trị, đặc biệt là tại khu vực Tây Thái Bình Dương nói chung và Biển Đông nói riêng. Thời gian vừa qua, ASEAN cũng chịu nhiều sức ép từ bên ngoài, gây khó khăn, áp lực nhằm chia rẽ sự thống nhất, đoàn kết giữa các quốc gia thành viên đối với vấn đề Biển Đông. Vì vậy, cùng với nỗ lực của ASEAN trong các cơ chế đa phương, tìm kiếm sự cân bằng ngay trong từng cơ chế để ứng phó với sự áp đảo vượt trội về kinh tế lẫn quân sự từ bên ngoài thì CPTPP với 11 nước thành viên có những lợi ích chung trên bình diện kinh tế và an ninh có thể mang đến thêm một cơ hội để các nước trong khu vực giữ gìn sự hòa bình, ổn định, phát triển và thịnh vương.
Trong tương lai, rất có thể CPTPP sẽ không chỉ dừng lại ở con số 11 thành viên như hiện tại. Đã có một số quốc gia bày tỏ sự quan tâm và cân nhắc đến việc tham gia Hiệp định, như Thái Lan, Cô-lôm-bi-a, Hàn Quốc, In-đô-nê-xi-a, Phi-líp-pin và thậm chí là cả nước Anh “hậu Brexit”. Bản thân Tổng thống Mỹ Đ. Trăm cũng đã để ngỏ khả năng có thể xem xét việc tham gia CPTPP nếu đáp ứng các điều kiện đàm phán của phía Mỹ.
Khả năng CPTPP đi vào hiệu lực trong thời gian tới là khá rõ, và, khi đó sẽ có những thay đổi lớn trong “bàn cờ chính trị” không chỉ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, mà còn trên toàn thế giới với vai trò khá nổi bật của Nhật Bản. /.
-------------------------------------------
(1) Bao gồm Ô-xtrây-li-a, Bru-nây, Ca-na-đa, Chi-lê, Nhật Bản, Ma-lai-xi-a, Mê-hi-cô, Niu Di-lân, Pê-ru, Xin-ga-po và Việt Nam
(2) https://thediplomat.com/2018/02/tpp-2-0-the-deal-without-the-us/
(3) Theo Trungtamwto.vn
Tác động của chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đối với khu vực: cơ hội và thách thức  (13/12/2018)
Khai mạc huấn luyện tiền triển khai Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2  (13/12/2018)
Bộ Chính trị làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng  (13/12/2018)
Bế mạc Đại hội Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VII, nhiệm kỳ 2018 - 2023  (13/12/2018)
Toàn văn bài phát biểu của Tổng Bí thư tại đại hội Hội Nông dân  (12/12/2018)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên