Phi-đen Ca-xtơ-rô: Hành trình tới những vùng khói lửa của miền Nam Việt Nam
TCCS - Phi-đen Ca-xtơ-rô, lãnh tụ của cách mạng Cu-ba, đã ba lần sang thăm Việt Nam vào các năm 1973, 1995 và 2003. Chuyến thăm của Phi-đen Ca-xtơ-rô tới Việt Nam đầu tiên vào tháng 9-1973 là sự kiện trọng đại có ý nghĩa chính trị sâu sắc trong lịch sử quan hệ hữu nghị Việt Nam - Cu-ba. Đây là chuyến thăm của vị nguyên thủ nước ngoài đầu tiên đến những khu vực khói lửa nhất của miền Bắc và đặc biệt là vùng giải phóng miền Nam Việt Nam kể từ sau khi Hiệp định Pa-ri về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết.
Chuỗi hoạt động liên tục của Phi-đen và Đoàn đại biểu Cu-ba
Điểm nhấn có ý nghĩa chính trị đặc biệt sâu sắc trong chuyến thăm Việt Nam lần đầu tiên là những hoạt động của Thủ tướng Phi-đen Ca-xtơ-rô và Đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ Cu-ba tại khu vực Vĩnh Linh, Quảng Bình và nhất là trong vùng giải phóng miền Nam Việt Nam ở tỉnh Quảng Trị.
Sáng 14-9-1973, chuyên cơ chở Thủ tướng Phi-đen Ca-xtơ-rô, Thủ tướng Phạm Văn Đồng và các đồng chí trong Đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ Cu-ba từ sân bay Gia Lâm (Hà Nội), đáp xuống sân bay Đồng Hới (Quảng Bình), mở đầu cho chuỗi hoạt động của Phi-đen Ca-xtơ-rô ở những khu vực khói lửa nhất. Ngay khi xuống sân bay, để tranh thủ thời gian, Đoàn nhanh chóng lên đường hướng về phía Nam. Phi-đen Ca-xtơ-rô và Đoàn phải vượt qua là sông Nhật Lệ trên phà Quán Hàu, cách thị xã Đồng Hới về phía Nam 6km. Đây là điểm “huyết mạch”, là cầu nối giao thông đặc biệt quan trọng trên tuyến quốc lộ 1A. Bởi vậy, nơi đây được gọi là “chảo lửa”, ngày đêm hứng chịu những trận ném bom, đánh phá tàn khốc, hòng ngăn chặn sự tiếp viện của hậu phương miền Bắc cho tiền tuyến miền Nam. Đây là lí do để phà lượn tròn trên dòng sông, mà chưa vội đi thẳng, thể theo mong muốn của Phi-đen Ca-xtơ-rô(1).
Vĩnh Linh là nơi từ lâu Phi-đen Ca-xtơ-rô muốn được đến để tận mắt thấy được ý chí và sức mạnh của nhân dân Việt Nam nói chung, nhân dân Vĩnh Linh nói riêng trong cuộc chiến tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược(2). Tại vùng đất thép Vĩnh Linh, Đoàn được đón tiếp rất long trọng, nhưng hết sức ấm áp, thân tình, nồng hậu, như đón người con đi xa, trở về quê hương trong những căn nhà lá đơn sơ vừa mới được dựng lại sau chiến tranh, xung quanh vẫn còn ngổn ngang những hầm hào, hố bom và nhiều dấu tích tội ác chiến tranh của Mỹ. Tại đây, Phi-đen đã gặp gỡ những gương mặt anh hùng của vùng đất thép, nghe họ kể lại những chiến công, như việc tiếp tế cho đảo Cồn Cỏ và cho tiền tuyến trong sự bao vây, đánh phá ác liệt của đế quốc Mỹ, hoặc Hợp tác xã Hồ Xá đã kiên cường bám đồng ruộng để sản xuất dưới mưa bom, bão đạn của địch.
Đến Vĩnh Linh, Thủ tướng Phi-đen Ca-xtơ-rô và các đại biểu trong Đoàn càng thấu hiểu tính chất ác liệt của cuộc chiến tranh và sự chiến đấu quả cảm, bất chấp khó khăn của quân và dân địa phương. Để chia sẻ và trải nghiệm với cuộc sống chiến đấu và lao động gian khổ của người dân ở đây, Phi-đen Ca-xtơ-rô đã quyết định ngủ đêm tại vùng đất thép này - một quyết định làm mọi người hết sức bất ngờ, bởi khu vực Vĩnh Linh khi đó không đủ điều kiện để một vị Thủ tướng ngủ lại.
Sáng sớm 15-9-1973, Đoàn tiếp tục hành trình, vượt vĩ tuyết 17 vào vùng đất giải phóng của tỉnh Quảng Trị. Hết sức xúc động khi đặt chân lên mảnh đất kiên cường đầy khói lửa này, bất chấp nguy hiểm từ phía đối phương - căn cứ quân sự của địch chỉ cách Đông Hà chưa đầy 20km - Phi-đen Ca-xtơ-rô liên tục xuống xe đi bộ để trò chuyện, hỏi thăm đồng bào và quan sát dấu tích của chiến tranh vẫn còn ngổn ngang, trong đó có cả xác xe tăng, xe bọc thép của địch bị quân giải phóng phá hủy còn bừa bãi ở nhiều nơi, tận mắt chứng kiến sức sống mới nơi đây đang nảy mầm, vươn lên mãnh liệt.
Điểm đến tiếp theo của Phi-đen Ca-xtơ-rô và Đoàn đại biểu Cu-ba là cao điểm 241 ở căn cứ Tân Lâm. Nằm ở độ cao 241 mét so với mặt nước biển, có địa hình thuận lợi với tầm quan sát rộng, lại được sự bao bọc bởi phòng tuyến điện tử McNamara, cao điểm 241 là cứ điểm mạnh nhất của địch với uy lực về vũ khí gần như tuyệt đối tại Bắc Quảng Trị. Tại đây, Phi-đen Ca-xtơ-rô gặp gỡ các anh hùng của nhiều địa phương trong cả nước, được nghe kể lại những chiến công trong kháng chiến chống Mỹ, trong đó có báo cáo của Tư lệnh đoàn Khe Sanh thuật lại những trận đánh tiêu biểu của đoàn, nhất là trận bao vây, tấn công căn cứ hỏa lực Tân Lâm; tận mắt thấy những căn hầm kiên cố của các sĩ quan Sài Gòn và nhiều dấu tích của chiến tranh, như các nòng pháo cỡ 175 ly, được Mỹ gọi là “Vua chiến trường”, hoặc những nhà tôn lưu động để giam giữ những người yêu nước(3).
Cũng tại cao điểm 241, cuộc mít tinh trọng thể chào mừng Đoàn đã diễn ra với sự tham dự của các tầng lớp nhân dân của 5 huyện (Gio Linh, Cam Lộ, Hải Lăng, Triệu Phong, Hướng Hóa) cùng với những đơn vị tiêu biểu cho ba thứ quân của các lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng. Thay mặt Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, ông Trần Nam Trung, Phó Chủ tịch đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, bày tỏ sự vui mừng được vinh dự đón tiếp Thủ tướng Phi-đen Ca-xtơ-rô và Đoàn thăm vùng giải phóng, nhấn mạnh sự cống hiến của cách mạng Cu-ba - ngọn cờ đầu của phong trào giải phóng dân tộc ở khu vực Mỹ La-tinh - đối với cách mạng thế giới. Ông đánh giá cao ý nghĩa chuyến đi thăm của Thủ tướng Phi-đen Ca-xtơ-rô và bày tỏ lòng biết ơn chân thành của nhân dân miền Nam Việt Nam đối với sự ủng hộ to lớn, triệt để và kịp thời của Đảng, Chính phủ và nhân dân Cu-ba anh em. Trong lời đáp, Thủ tướng Phi-đen Ca-xtơ-rô ca ngợi truyền thống đấu tranh anh dũng chống giặc ngoại xâm nói riêng, thắng lợi to lớn của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam nói chung.
Tại đây, một hình ảnh mãi mãi đi vào lịch sử quan hệ Việt Nam - Cu-ba là Phi-đen Ca-xtơ-rô trong bộ quân phục màu xanh ô liu, mang trên ngực huy hiệu Chiến sĩ Điện Biên Phủ mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp mới trao tặng, từ trên diễn đàn bước xuống, hòa nhập vào đội quân giải phóng, phất cao lá cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, dõng dạc: “Các đồng chí hãy đem lá cờ bách chiến, bách thắng này cắm giữa Sài Gòn”. Chưa đầy hai năm sau, điều đó trở thành sự thật.
Một trong những địa điểm quan trọng mà Thủ tưởng Phi-đen Ca-xtơ-rô đến là căn cứ quân sự Dốc Miếu của Mỹ và chính quyền Sài Gòn. Được coi là cứ điểm quan trọng nhất của phòng tuyến McNamara, căn cứ quân sự Dốc Miếu là một hệ thống phức tạp bao gồm hầm, nhà vòm, hệ thống lô cốt di động bằng bê tông và trận địa pháo mặt đất hướng bắn ra bờ Bắc sông Bến Hải... Tại đây, Phi-đen Ca-xtơ-rô và Đoàn đại biểu Cu-ba nhận được sự đón tiếp nồng nhiệt và trang trọng của các đơn vị vũ trang địa phương, trong đó có Tiểu đoàn 8 - đơn vị anh hùng; được nghe kể lại những trận chiến đấu quyết tử của quân và dân miền Nam để giành lại cứ điểm Dốc Miếu vào đầu năm 1972, được tận mắt nhìn thấy và đích thân vượt qua địa hình, nơi quân đội Mỹ đã từng bày binh, bố trận bằng phòng tuyến điện tử McNamara nổi tiếng.
Trong hành trình của mình, Thủ tướng Phi-đen Ca-xtơ-rô và Đoàn đại biểu Cu-ba đi dọc theo quốc lộ số 9 - con đường giữ vị trí chiến lược lợi hại, cắt ngang dãy núi Trường Sơn và đường mòn Hồ Chí Minh - huyết mạch giao thông từ Bắc vào Nam. Vì vậy, Mỹ đã xây dựng một hệ thống căn cứ quân sự dày đặc dọc theo tuyến đường này, suốt từ Cửa Việt, qua Đông Hà lên đến Làng Vây, nhằm chặn đứng sự chi viện của hậu phương miền Bắc cho tiền tuyến miền Nam. Tuyến đường này nổi tiếng bởi sự tàn khốc của mưa bom, bão đạn Mỹ; sự hy sinh gian khổ, sự chiến đấu kiên cường và thắng lợi vẻ vang của quân và dân miền Nam.
Thăm trụ sở của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ở Cam Lộ, Phi-đen Ca-xtơ-rô và Đoàn đại biểu Cu-ba đã gặp mặt các đại diện của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và các đồng chí lãnh đạo của Mặt trận Dân tộc giải phóng. Ông bày tỏ: “Chúng tôi thấy rất rõ không khí hòa bình và trật tự đang bao trùm lên khắp nơi ở vùng này. Ở đó, mọi người đang lao động, đồng ruộng đang được cày cấy, đất đai đang được khai khẩn, kể cả bằng máy kéo”(4).
Cũng như tất cả những nơi Phi-đen đi qua, thị xã Đồng Hới bị chiến tranh tàn phá nặng nề, với những dấu tích đổ nát. Phi-đen đứng lặng trên bờ sông Nhật Lệ, lòng nặng trĩu khi nghe kể lại những gương chiến đấu kiên cường và sự hy sinh dũng cảm bảo vệ mảnh đất quê hương trong những trận đánh phá ác liệt của giặc Mỹ. Khắp nơi trên đất Quảng Bình, Phi-đen đều chứng kiến ngổn ngang những dấu tích tội ác của Mỹ, sự chiến đấu kiên cường, hy sinh dũng cảm của quân và dân địa phương. Bởi vậy, Phi-đen luôn tâm niệm, đến miền Bắc, nhất định phải tới thăm Quảng Bình. Ông luôn trăn trở một ước nguyện, làm thế nào để giúp người dân đất lửa này một cách thiết thực nhất. Có lẽ đó là lý do để sau này Cu-ba đã trao tặng tỉnh Quảng Bình một bệnh viện đa khoa hiện đại.
Dấu ấn trong quan hệ Việt Nam - Cu-ba
Chuyến thăm của Phi-đen và Đoàn đại biểu Cu-ba đã để lại dấu ấn sâu đậm trong lịch sử quan hệ hai nước Việt Nam - Cu-ba.
Thứ nhất, đây là chuyến thăm của một vị nguyên thủ đến một nước đã vượt qua thông lệ ngoại giao thông thường. Bởi lẽ, Phi-đen Ca-xtơ-rô là đối tượng số một mà Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) âm mưu thực hiện nhiều vụ ám sát nhất dưới nhiều hình thức tinh vi. Bởi vậy, chuyến đi của Phi-đen vào Quảng Trị được tổ chức hết sức bí mật. Chỉ khi ông đã hoàn thành chuyến thăm Quảng Trị và quay trở lại miền Bắc an toàn, thậm chí đã lên máy bay về nước, các phương tiện thông tin đại chúng mới đưa tin về chuyến thăm.
Thứ hai, nét đặc trưng của chuyến thăm, hay có thể gọi là chuỗi hoạt động của Phi-đen thể hiện ở tính quần chúng sâu rộng. Là một vị nguyên thủ quốc gia, nhưng phong cách của Phi-đen Ca-xtơ-rô rất giản dị, dễ gần, thân thiết.
Thứ ba, hoạt động của Phi-đen Ca-xtơ-rô mang đậm tinh thần chủ nghĩa quốc tế trong sáng, vô tư. Nếu như vào những thời điểm ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ (đầu năm 1966), Phi-đen tuyên bố trước thế giới “Vì Việt Nam, Cu-ba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình”, thì đến với Việt Nam lần này, trong bối cảnh mới, yêu cầu mới của cách mạng Việt Nam, Phi-đen Ca-xtơ-rô tuyên bố, Cu-ba “coi việc được tham gia xây dựng lại Việt Nam là một niềm vinh dự đối với mình”(5). Tuyên bố này đã được thực hiện ngay sau chuyến thăm Việt Nam và có ý nghĩa rất lớn đối với công cuộc cuộc tái thiết đất nước Việt Nam sau chiến tranh. Phi-đen cũng kêu gọi các dân tộc và dư luận thế giới cần hết sức ủng hộ Việt Nam thực hiện Hiệp định Pa-ri, đòi Mỹ và chính quyền Sài Gòn phải thực hiện lệnh ngừng bắn, tôn trọng vùng giải phóng, trả tự do cho các tù chính trị và thi hành những quyền dân chủ của nhân dân miền Nam Việt Nam. Việc thực hiện triệt để Hiệp định Pari sẽ đáp ứng những nguyện vọng chính đáng của nhân dân Việt Nam(6). Chủ nghĩa quốc tế trong sáng còn được biểu hiện trong hoạt động của Phi-đen ngay trước thời điểm đến Việt Nam. Sự đấu tranh có hiệu quả của ông tại Hội nghị cấp cao lần thứ tư Phong trào các nước không liên kết được tổ chức tại An-giê (An-giê-ri) từ ngày 5 đến ngày 9-9-1973 nhằm chống lại khuynh hướng muốn đối lập các nước không liên kết với hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa, góp phần vào thắng lợi trên mặt trận ngoại giao của Việt Nam.
Thứ tư, chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Phi-đen Ca-xtơ-rô là những hoạt động trải nghiệm thực tế, có những điều trước đó chưa từng biết đến, chưa từng nghe thấy, đã để lại trong ông một ấn tượng vô cùng sâu sắc. Những người Việt Nam đánh Mỹ, như Phi-đen từng tiếp xúc, là những người dân bình thường, có lòng yêu Tổ quốc thiết tha, ý thức cách mạng triệt để, sự hy sinh quên mình, tinh thần quốc tế cao cả, sự hăng say, nhiệt tình trong lao động... Sự trải nghiệm đó cùng với chiến tích trong những món quà kỷ niệm của nhân dân Việt Nam trao tặng ông, trong đó có chiếc xe tăng lớn của Mỹ, là động lực cổ vũ đồng bào và chiến sĩ Cu-ba trong lao động, chiến đấu và bảo vệ thành quả của chủ nghĩa xã hội ở Tây bán cầu.
Thứ năm, chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Phi-đen Ca-xtơ-rô là sự kiện chính trị có ý nghĩa rất sâu sắc, trực tiếp ủng hộ hoàn toàn đối với Việt Nam, là sự cổ vũ to lớn đối với cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân miền Nam Việt Nam trong giai đoạn mới, sự biểu thị tình đoàn kết chiến đấu bền chặt giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân Cu-ba. Sau chuyến thăm này, Cu-ba đã có hai quyết định quan trọng: tham gia sửa chữa đường mòn Hồ Chí Minh và giúp Việt Nam xây dựng lại đất nước. Cu-ba đã cử 2 công trình sư sang Nhật Bản mua các thiết bị làm đường, như máy ủi, máy xúc, xe cần trục... trị giá 6 triệu USD(7), và đào tạo cấp tốc 43 chuyên gia Việt Nam trong 7 tháng về thiết bị xây dựng và giao thông (từ tháng 11-1973 đến tháng 5-1974) tại vùng rừng núi ở Cu-ba(8).
Chỉ trong thời gian ngắn từ cuối năm 1974 đến đầu năm 1975, các chuyên gia Cu-ba cùng các chuyên gia và chiến sĩ Việt Nam đã hăng say lao động để hoàn thành những đoạn đường trên dãy Trường Sơn, góp phần vào thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Kể từ năm 1974, hàng trăm chiến sĩ xây dựng quốc tế của Cu-ba đã lao động không quản ngày đêm để giúp Việt Nam xây dựng 5 công trình phúc lợi và kinh tế mà Cu-ba viện trợ với tổng trị giá là 80 triệu USD. Năm 1973, ngành bưu điện Cu-ba đã giúp ngành bưu điện Việt Nam toàn bộ thiết bị và cử chuyên gia sang Việt Nam hướng dẫn lắp đặt một đài thông tin vô tuyến điện duyên hải để tăng cường phương tiện thông tin liên lạc giữa Việt Nam và nước ngoài. Năm 1975, Cu-ba đã vẽ và in gửi tặng Việt Nam 10 triệu tem thư về đề tài cách mạng miền Nam Việt Nam...(9). Những món quà đầy ý nghĩa và rất kịp thời đã góp phần quan trọng vào công cuộc tái thiết đất nước Việt Nam sau chiến tranh.
Bốn mươi lăm năm trôi qua, chuyến thăm lịch sử, hay có thể gọi, chuỗi hoạt động liên tục không mệt mỏi của Thủ tướng Phi-đen Ca-xtơ-rô tại Việt Nam, ở tuyến lửa Quảng Bình - Vĩnh Linh - Quảng Trị đã để lại ấn tượng vô cùng sâu sắc đối với nhân dân Việt Nam. Hình ảnh của Phi-đen sẽ mãi khắc sâu trong tâm khảm mỗi người dân Việt Nam. Đó là tài sản quý giá trong quan hệ mật thiết, hữu nghị Việt Nam - Cu-ba, mối quan hệ, như cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng nói: “phải ra sức giữ gìn như giữ gìn con ngươi của mắt mình” (10)./.
-----------------------------------------------------
(1) Hồ Ngọc Diệp: Lãnh tụ Fidel Castro và chuyến vào tuyến lửa Khu 4, http://cand.com.vn/Phong-su-tu-lieu/Lanh-tu-Fidel-Castro-va-chuyen-vao-tuyen-lua-Khu-4-136127/, cập nhật ngày 22-6-2018
(2) Phát biểu của Phi-đen Ca-xtơ-rô tại Đại hội toàn quốc lần thứ I Hội nghĩa quân thanh niên Cu-ba ngày 6-4-1962, báo Nhân Dân số ra ngày 9-4-1962
(3) Báo Nhân Dân, số ra ngày 18-9-1973
(4), (5), (6) Phát biểu của Thủ tướng Phi-đen Ca-xtơ-rô trong buổi chiêu đãi trọng thể của Đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ Cu-ba, báo Nhân Dân số ra ngày 18-9-1973
(7) Hồ sơ Bộ Quốc phòng số 1576, phông 4 về sự hợp tác giữa Cu-ba và Việt Nam trong việc sửa chữa và mở rộng đường Hồ Chí Minh, Viện Lịch sử Quân sự
(8) R. Vanđét Vivô: Tối mật. Những người Cu-ba trên đường Hồ Chí Minh. Công ty xuất bản đối ngoại, Bộ Văn hóa - Thông tin - Thể thao - Du lịch, Hà Nội 1990, tr. 109
(9) Bộ Ngoại giao, Vụ Cu-ba - Mỹ Latinh: Tài liệu tổng hợp về quan hệ hợp tác Việt Nam - Cu-ba, tháng 5-1979
(10) Phát biểu của Thủ tướng Phạm Văn Đồng tại Vĩnh Linh nhân chuyến thăm hữu nghị của Đoàn đại biểu cấp cao của Đảng và Chính phủ Cu-ba do Thủ tướng Phi-đen Ca-xtơ-rô dẫn đầu tháng 9-1973, báo Nhân Dân số ra ngày 17-9-1973
Giữ vững tư tưởng chính trị nhằm đấu tranh với âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch  (04/10/2018)
Phát huy vai trò của nhân dân trong giám sát cán bộ, đảng viên tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống  (04/10/2018)
Việt Nam đang đi những bước dài trong phòng chống lao phổi  (03/10/2018)
Bệnh tay, chân, miệng và cách phòng cho trẻ  (03/10/2018)
Tạo mọi điều kiện để nhà đầu tư nước ngoài thành công tại Việt Nam  (03/10/2018)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên