Bộ đội Biên phòng tích cực vận động nhân dân giữ vững chủ quyền, an ninh biên giới
TCCS - Hình ảnh những người lính biên phòng với màu áo xanh thân thương đã trở nên gần gũi thân thuộc với đồng bào các dân tộc vùng biên giới, hải đảo. Đến với dân bằng sự thực tâm, cán bộ, chiến sĩ biên phòng đã nói cho dân hiểu, làm cho dân tin, tập hợp được đông đảo quần chúng nhân dân tham gia xây dựng nền biên phòng toàn dân, giữ vững chủ quyền, an ninh biên giới.
“3 bám, 4 cùng” với dân
Nước ta có đường biên giới trên đất liền dài gần 5.000km, bờ biển dài 3.260km; khu vực biên giới gồm 1.109 xã, phường, thị trấn/235 huyện, thị/44 tỉnh, thành phố với dân số khoảng 2,3 triệu hộ. Đây là nơi sinh sống của 51 dân tộc anh em, phân bố dân cư thưa thớt; đời sống vật chất và tinh thần của đa số đồng bào các dân tộc còn nhiều thiếu thốn và lạc hậu. Thời gian qua, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên các tuyến biên giới cơ bản ổn định, song vẫn tiềm ẩn những yếu tố phức tạp. Các thế lực thù địch và phản động lợi dụng vấn đề tôn giáo, dân tộc, đời sống khó khăn, thiếu hiểu biết về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đẩy mạnh chiến lược “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ, phá hoại sự nghiệp cách mạng, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc và mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị truyền thống của Việt Nam với các nước láng giềng. Đồng thời tăng cường các thủ đoạn kích động lôi kéo các phần tử bất mãn, những quần chúng nhẹ dạ, cả tin, nhận thức hạn chế để tuyên truyền, phát triển đạo trái pháp luật; kích động di, dịch dân cư tự do nhằm gây chia rẽ, mất lòng tin của quần chúng nhân dân với Đảng, Nhà nước. Hoạt động của các loại tội phạm, nhất là tội phạm về ma túy, mua bán người, buôn lậu, gian lận thương mại... diễn biến phức tạp với tính chất ngày càng tinh vi, xảo quyệt và manh động hơn. Bên cạnh đó, tình trạng ngư dân một số tỉnh vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác thủy hải sản diễn biến phức tạp; bọn phản động kích động giáo dân gây tình hình phức tạp ở một số địa phương, nhất là tại 4 tỉnh miền Trung sau sự cố môi trường biển nghiêm trọng năm 2016.
Những năm qua, khu vực biên giới đã được Đảng, Nhà nước và các địa phương quan tâm đầu tư phát triển về nhiều mặt, đời sống nhân dân từng bước nâng lên. Tuy nhiên, địa bàn biên giới vẫn còn nhiều vấn đề bất cập, yếu kém so với các khu vực khác. Đó là hệ thống chính trị cơ sở nhiều địa phương còn hạn chế, đặc biệt, tổ chức đảng và đảng viên trong vùng đồng bào dân tộc còn mỏng và yếu, còn nhiều thôn, bản chưa đủ đảng viên để thành lập chi bộ; công tác phát triển đảng viên là người dân tộc khó khăn; đội ngũ cán bộ cơ sở ở một số địa phương năng lực lãnh đạo, quản lý, điều hành chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ; kết cấu hạ tầng khu vực biên giới còn nhiều khó khăn, hiệu quả sử dụng còn thấp. Nhiều phong tục, tập quán lạc hậu của người dân chưa xóa bỏ triệt để, một số hoạt động văn hóa truyền thống mang bản sắc văn hóa dân tộc đang ngày bị mai một.
Xuất phát từ thực tế trên, quán triệt mục tiêu, quan điểm của Nghị quyết số 25-NQ/TW, ngày 3-6-2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”, các cấp ủy đảng Bộ đội Biên phòng đã tăng cường đổi mới công tác vận động quần chúng; tập hợp sức mạnh của toàn dân thành phong trào quần chúng rộng khắp tham gia quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới và xây dựng khu vực biên giới ngày càng vững mạnh. Cán bộ, chiến sĩ làm công tác vận động quần chúng luôn thực hiện tốt 3 bám (bám địa bàn, bám dân, bám địch), 4 cùng (cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc).
Nhìn lại cả chặng đường đã qua, cho thấy, công tác vận động quần chúng của bộ đội biên phòng đã góp phần quan trọng đưa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với đồng bào các dân tộc trên biên giới; nâng cao nhận thức, trách nhiệm, củng cố niềm tin của đồng bào với Đảng, Nhà nước và Quân đội; góp phần giải quyết kịp thời các vấn đề nảy sinh trên khu vực biên giới. Đơn cử, trong vụ bạo loạn ở khu công nghiệp Formosa - Hà Tĩnh và sau sự cố môi trường biển ở 4 tỉnh miền Trung năm 2016, các đơn vị Bộ đội Biên phòng, trực tiếp là Bộ đội Biên phòng Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình đã tăng cường hàng trăm cán bộ, chiến sĩ bám địa bàn, các giáo xứ; đồng thời tích cực, chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương xử lý kịp thời không để lan rộng. Với sự vào cuộc chủ động, tích cực của Bộ đội Biên phòng, những điểm nóng về an ninh trật tự sau sự cố môi trường biển đã được “hạ nhiệt” kịp thời. Các cán bộ, chiến sĩ biên phòng đã thực hiện tốt việc tuyên truyền, vận động nhân dân, đặc biệt là giáo dân không mắc mưu phá hoại của các thế lực phản động, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn khu vực biên giới biển.
Ngoài ra, các đơn vị Bộ đội Biên phòng đã tập trung tham mưu và trực tiếp tham gia với chính quyền các xã biên giới trong công tác xây dựng đảng, củng cố quốc phòng - an ninh; quy hoạch ổn định dân cư; đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ tại chỗ, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức quần chúng. Bộ đội Biên phòng hiện đang tăng cường 332 đồng chí cán bộ Bộ đội Biên phòng cho các xã trọng điểm ở khu vực biên giới, nhiều đồng chí trực tiếp tham gia các chức danh của hệ thống chính trị cơ sở, trong đó có 9 đồng chí huyện ủy viên, 13 bí thư đảng ủy xã. Việc tăng cường cán bộ Bộ đội Biên phòng cho các xã, thị trấn biên giới đã kịp thời bổ sung nguồn cán bộ còn thiếu cho địa phương để tham gia xây dựng củng cố cơ sở chính trị, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xóa đói, giảm nghèo, củng cố quốc phòng, an ninh. Trong tình hình hiện nay, việc tăng cường cán bộ Bộ đội Biên phòng cho các xã, thị trấn biên giới là một chủ trương đúng đắn, kịp thời đáp ứng nhu cầu cấp thiết về công tác cán bộ. Thực tế đã chứng minh, các cán bộ xã do Bộ đội Biên phòng tăng cường đã phát huy tốt vai trò tham mưu và trực tiếp tham gia củng cố cơ sở chính trị, phát triển kinh tế, xã hội khu vực biên giới; xây dựng thế trận biên phòng toàn dân vững mạnh.
Cùng với việc tăng cường cán bộ xã, các đơn vị biên phòng còn giới thiệu hơn 1.400 đồng chí đảng viên tham gia sinh hoạt đảng tạm thời tại các chi bộ thôn, bản biên giới, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo tổ chức đảng địa phương. Trong những năm qua, lực lượng bộ đội biên phòng đã giúp các địa pương xóa 572 thôn, bản trắng đảng viên; phát triển trên 17.000 đảng viên mới, lựa chọn, bồi dưỡng, đào tạo gần 3 nghìn lượt cán bộ cấp xã và thôn, bản.
Sáng tạo nhiều mô hình phát triển tế kinh tế - xã hội
“Bộ đội Biên phòng rất thương dân. Mọi việc bà con nhờ, bộ đội biên phòng đều giúp đỡ nhiệt tình, không ngại gian khổ. Người dân chúng tôi ai cũng quý, cũng tin Bộ đội Biên phòng”. Đó là lời chia sẻ mộc mạc của ông Lầu Mí Sáu, Bí thư Chi bộ thôn Lẻo Chá Phìn A, xã Lũng Làn, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang. Thời gian qua, bộ đội biên phòng luôn là chỗ dựa tin cậy của bà con trong thôn. Cán bộ biên phòng tặng con giống, xây nhà cho người nghèo, giúp trẻ có áo ấm đến trường, giúp người dân thôn Lẻo Chá Phìn A làm đường giao thông, xây bể nước, bồi dưỡng quần chúng vào đảng. Việc gì có lợi cho người dân nơi đây đều có dấu ấn của những người lính biên phòng.
Thôn Lẻo Chá Phìn A chỉ là một trong số hàng nghìn thôn, bản biên giới đã và đang nhận được sự giúp đỡ, hỗ trợ của Bộ đội Biên phòng trên hầu hết các mặt của đời sống dân sinh. Trong nhiều năm qua, thấu hiểu, chia sẻ với những khó khăn của người dân, bộ đội biên phòng chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các xã biên giới thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế xã hội, triển khai xây dựng nông thôn mới. Xuất phát từ lợi ích thiết thực của nhân dân, bộ đội biên phòng đã trực tiếp xây dựng, triển khai hàng chục mô hình giúp dân, điển hình là chương trình “Bò giống cho người nghèo biên giới”. Thực hiện chỉ đạo của nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng chủ trì phối hợp với 5 cơ quan Trung ương và Tập đoàn Công nghiệp - viễn thông Quân đội ký kết thực hiện Chương trình. Mục tiêu của Chương trình từ năm 2014 đến hết năm 2016 sẽ trao tặng 24.000 con bò cho hộ nghèo ở 11 tỉnh khu vực biên giới phía Bắc với tổng kinh phí khoảng 360 tỉ đồng. Đến nay, các đơn vị đã giao gần 25.000 con bò giống cho đồng bào nghèo, hoàn thành mục tiêu đề ra.
Với chương trình “Xuân Biên phòng ấm lòng dân bản”, từ năm 2016 đến nay, vào dịp tết hằng năm, bộ đội biên phòng đã tặng 44 nghìn suất quà, trị giá 20,5 tỉ đồng, 105 ngôi nhà, trị giá 7,6 tỉ đồng cho người nghèo. Ngoài ra, bộ đội biên phòng còn tổ chức 25 đợt khám, chữa bệnh; trao tặng 10 công trình dân sinh cho người dân biên giới.
Mong muốn có một tương lai tốt đẹp hơn cho trẻ em vùng biên giới, từ năm 2014, các đơn vị biên phòng đã thực hiện chương trình “Nâng bước em tới trường”. Đến nay, bộ đội biên phòng đã đỡ đầu 2.844 cháu ở khu vực biên giới có hoàn cảnh khó khăn, trong đó có 87 học sinh Lào, 99 cháu học sinh Cam-pu-chia, 820 cháu mồ côi, mỗi cháu được hỗ trợ 500.000/tháng cho đến khi học hết lớp 12. Số tiền này do cán bộ, chiến sĩ biên phòng trích lương đóng góp. Đặc biệt có 40 cháu học sinh được bộ đội biên phòng nhận về đơn vị nuôi dưỡng, chăm sóc. Ngoài ra, các đơn vị còn tặng xe đạp, đồ dùng học tập, tổ chức thường xuyên các bữa ăn tình thương tại một số điểm trường, thành lập tổ cắt tóc “Tay kéo biên phòng” cắt tóc cho các trẻ em khu vực biên giới.
Từ thực tế nhiều hộ dân trên biên giới do quá nghèo khó, phải ở trong những ngôi nhà dột nát, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng phối hơp với Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam triển khai đợt vận động “Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới, hải đảo”. Các đơn vị đã xây dựng được trên 7.000 ngôi nhà và hơn 300 công trình dân sinh với kinh phí vận động được trên 300 tỉ đồng. Bên cạnh đó, lực lượng bộ đội biên phòng cũng phối hợp với các địa phương thực hiện Đề án bảo tồn, phát triển bền vững dân tộc La Hủ (huyện Mường Tè, Lai Châu); tộc người Đan Lai (huyện Con Cuông, Nghệ An); dân tộc Chứt (Hà Tĩnh, Quảng Bình).
Ngoài các chương trình trên, tại khu vực biên giới biển, lực lượng bộ đội biên phòng triển khai chương trình “Hãy làm sạch biển”. Hoạt động này đã trở thành chương trình tình nguyện thường xuyên của tổ chức đoàn các đồn biên phòng tuyến biển. Mỗi tháng một lần, cán bộ, chiến sĩ biên phòng phối hợp với tổ chức đoàn địa phương, đơn vị kết nghĩa triển khai các hoạt động thu gom rác thải, tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cáo ý thức bảo vệ môi trường biển. Đến nay, bộ đội biên phòng phối hợp với các lực lượng đã tham gia vệ sinh, thu gom trên 870 nghìn tấn rác thải và trồng gần 80ha rừng ngập mặn.
Vận động nhân dân góp sức bảo vệ biên giới
Trong những năm qua, thực hiện Chỉ thị 01/CT-TTg, ngày 9-01-2015, của Thủ tướng Chính phủ “Về việc tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”, các đơn vị Bộ đội Biên phòng đã tham mưu, phối hợp với địa phương vận động và tổ chức cho 100% các hộ gia đình có ruộng nương, đồi rừng ở khu vực biên giới ký kết tham gia bảo vệ đường biên, mốc quốc giới. Trên thực tế, nhân dân khu vực biên giới đóng góp to lớn vào công tác bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới Tổ quốc. Nhân dân đã cung cấp hàng nghìn tin có giá trị phục vụ nhiệm vụ đấu tranh với các hành động xâm canh, xâm cư, vi phạm quy chế biên giới, phòng, chống tội phạm. Trên tuyến biên giới biển, các đơn vị đã tham mưu, tổ chức thành lập và duy trì hoạt động có hiệu quả hàng nghìn tổ, đội tàu thuyền, bến bãi an toàn với trên 1.000 phương tiện của ngư dân giúp đỡ nhau trong sản xuất làm ăn trên biển và phối hợp bảo vệ chủ quyền biển, đảo.
Công tác vận động quần chúng của bộ đội biên phòng cũng góp phần quan trọng đẩy mạnh công tác đối ngoại biên phòng và ngoại giao nhân dân, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển. Các đơn vị biên phòng đã tham mưu cho chính quyền địa phương tổ chức kết nghĩa với các cụm dân cư bên kia biên giới. Đến nay, đã tổ chức ký kết nghĩa được 176 cặp cụm dân cư hai bên biên giới. Thực hiện mô hình kết nghĩa “Xây dựng đồn - trạm hữu nghị, biên giới bình yên” tại các khu vực biên giới, cửa khẩu trọng điểm, lực lượng bộ đội biên phòng đã tổ chức kết nghĩa giữa 137 đồn biên phòng Việt Nam với lực lượng bảo vệ biên giới, cửa khẩu các nước láng giềng. Những hoạt động trên đã góp phần xây dựng nền biên phòng toàn dân vững chắc, xây dựng biên giới hòa bình hữu nghị, hơp tác và phát triển.
Trung tướng Hoàng Xuân Chiến, Tư lệnh Bộ đội Biên phòng khẳng định: “Tại khu vực biên giới, mặc dù dân trí còn thấp, đời sống người dân còn nhiều khó khăn nhưng người dân luôn tin vào Đảng và Nhà nước. Khi có sự việc xảy ra, nhất là những vấn đề liên quan đến chủ quyền, người dân luôn tin Đảng, tin chế độ, thực hiện tốt việc bảo vệ lợi ích quốc gia dân tộc”.
Hiện tại, trên khu vực biên giới có 38.083 hộ gia đình và 1.460 tổ tự quản đường biên, mốc quốc giới; hơn 7.800 tổ tự quản an ninh trật tự. Người dân cũng đăng ký tham gia hơn 1.400 tổ tàu thuyền an toàn, 54 đội sản xuất an toàn trên biển. Trong quá trình lao động trên biển, người dân đã cung cấp hàng nghìn tin có giá trị cho bộ đội biên phòng phục vụ công tác đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo./.
Lễ thượng cờ ASEAN tại Hà Lan  (09/08/2018)
Nguyên nhân giảm tốc kinh tế Trung Quốc và những thách thức  (09/08/2018)
Khai mạc Phiên họp thứ 26 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội  (08/08/2018)
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay