Những thách thức chờ đợi chính phủ mới ở Italy
TCCSĐT - Thế bế tắc chính trị kéo dài ở Italy đã chính thức được tháo gỡ khi chính phủ liên minh dân túy và cực hữu của tân Thủ tướng Giuseppe Conte vượt qua cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội ngày 06-6-2018. Tuy nhiên, chính phủ mới sẽ còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức cả về đối nội lẫn đối ngoại.
“Nút thắt” chính trị được tháo gỡ
Italy rơi vào khủng hoảng chính trị sau khi không có chính đảng hoặc liên minh nào giành được đa số ghế trong cuộc bầu cử quốc hội ngày 04-3 vừa qua để tự đứng ra thành lập chính phủ. Ngày 23-5, theo đề cử của liên minh Liên đoàn phương Bắc và Phong trào 5 Sao (M5S), Tổng thống Italy Sergio Mattarella đã giao nhiệm vụ thành lập chính phủ mới cho Giáo sư luật G. Conte. Tuy nhiên, những nỗ lực của ông G. Conte đã thất bại do Tổng thống không chấp thuận đề cử ông P. Savona, nhân vật được cho là có quan điểm hoài nghi châu Âu, làm Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính.
Tiếp đó, ngày 28-5, Tổng thống S. Mattarella chỉ định ông C. Cottarelli, 64 tuổi, cựu Giám đốc điều hành của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), làm Thủ tướng lâm thời để thành lập chính phủ mới. Song, tất cả các đảng phái đều tuyên bố sẽ phản đối một chính phủ kỹ trị khi bỏ phiếu tại Quốc hội, đồng thời sẽ thúc đẩy bầu cử sớm vào mùa Thu tới nếu không thể thành lập một chính phủ liên minh. Ông C. Cottarelli sau đó đã từ chức và Tổng thống S. Mattarella một lần nữa bổ nhiệm ông G. Conte trở lại cương vị Thủ tướng.
Ngày 31-5, lãnh đạo của đảng M5S Luigi Di Maio và Tổng thống S. Mattarella đã đạt được một thỏa thuận chính trị mới nhằm phá vỡ thế bế tắc chính trị ở nước này. Theo đó, Luật sư G. Conte đã chấp nhận trở lại cương vị Thủ tướng, đồng thời trình lên Tổng thống S. Mattarella danh sách nội các do mình đề cử. Trong danh sách nội các này, nhân vật nổi tiếng với quan điểm hoài nghi châu Âu, cựu Bộ trưởng Công nghiệp P. Savona được đề cử chức vụ Bộ trưởng phụ trách các vấn đề Liên minh châu Âu (EU). Giáo sư Kinh tế Chính trị thuộc Đại học Tor Vargata Rome, ông G. Tria, được đề cử giữ chức Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính như một sự nhượng bộ. Một số tên tuổi khác như ông Enzo Moavero Milanesi được đề cử làm Ngoại trưởng, Luật sư G. Bongiorno làm Bộ trưởng Công chính. Ngày 01-6, Luật sư G. Conte chính thức tuyên thệ nhậm chức, trở thành tân Thủ tướng Italy.
Với việc Chính phủ của tân Thủ tướng G. Conte vượt qua cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội, Italy kết thúc cuộc khủng hoảng chính trị. Tuy nhiên, chính phủ mới sẽ còn phải đối mặt với nhiều thách thức cả về đối nội lẫn đối ngoại.
Thử thách còn ở phía trước
Italy là một trong 6 thành viên sáng lập Cộng đồng than thép châu Âu, tiền thân của EU ngày nay, đến nay, Italy là nền kinh tế lớn thứ 3 của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone). Cuộc khủng hoảng vừa qua trên chính trường Italy không đơn thuần là biểu hiện mâu thuẫn giữa Tổng thống và các đảng cực hữu, dân túy mà là một sự khủng hoảng có tính hệ thống về mặt thể chế kéo dài nhiều năm qua. Dưới lăng kính tài chính còn là cuộc đối đầu giữa phe ủng hộ đồng euro và phe “hoài nghi châu Âu” muốn đi theo con đường Brexit của nước Anh bởi những toan tính lợi ích phe nhóm. Bởi vậy, nội các của Thủ tướng G. Conte sẽ còn gặp nhiều khó khăn trong điều hành đất nước.
Về đối nội, chính phủ mới sẽ phải nỗ lực nhằm thực hiện các cam kết mang tính “dân túy” được đưa ra khi vận động tranh cử, như thúc đẩy tăng trưởng cho nền kinh tế vốn đang trì trệ, giảm thuế, nâng cao đời sống của người dân, giảm bớt tình trạng thất nghiệp, nợ công và thâm hụt ngân sách, củng cố hệ thống ngân hàng vốn đang có những gánh nặng nợ xấu khổng lồ và giải quyết vấn đề người di cư. Thực tế hiện nay, các doanh nghiệp và người tiêu dùng Italy phải chịu một mức lãi suất cho vay thực tế (tỷ lệ này đã được điều chỉnh theo tỷ lệ lạm phát 0,6%) là trên 2%. Lãi suất cho vay này là quá cao, trong khi năng suất của nền kinh tế đã bị trì trệ trong nhiều năm, kết hợp với sự sụt giảm mạnh về đầu tư, tăng trưởng GDP dự báo sẽ thấp hơn 1% mỗi năm, trong vòng từ 3 đến 5 năm tới. Bên cạnh đó, do đà tăng trưởng của thương mại thế giới đang chậm lại, kinh tế Italy dễ rơi vào tình trạng suy thoái. Thuế của chính phủ sẽ giảm, khiến cho việc trả nợ nợ công ngày càng trở nên khó khăn hơn. Nếu không giải quyết được bài toán này, cử tri Italy sẽ quay lưng lại với liên minh cầm quyền.
Trong bài phát biểu tại Thượng viện Italy, ngày 06-6, Thủ tướng G. Conte cam kết sẽ thay đổi mạnh mẽ Italy, xóa bỏ khoảng cách chênh lệch về tăng trưởng giữa nước này với EU nhưng vẫn bảo đảm được tình trạng ổn định về tài chính và sự tín nhiệm của các thị trường. Thủ tướng G. Conte cho biết, chính phủ của ông không có kế hoạch rời khỏi Eurozone. Ông G. Conte cũng kêu gọi xây dựng một châu Âu mạnh mẽ và công bằng hơn, đồng thời cam kết ngăn chặn hoạt động đưa người di cư bất hợp pháp vào Italy, giảm bớt tỷ lệ nợ công thông qua các biện pháp thúc đẩy tăng trưởng chứ không phải bằng các biện pháp “thắt lưng buộc bụng”. Tiếp đó, ngày 10-6, tân Bộ trưởng Kinh tế Italy G. Tria cho biết, Italy có kế hoạch tập trung cắt giảm nợ công, quan tâm tới thúc đẩy tăng trưởng và việc làm. Các mục tiêu và dự báo kinh tế mới của chính phủ sẽ được công bố vào tháng 9 tới và các chỉ số này sẽ gắn liền với việc tiếp tục lộ trình giảm tỷ lệ nợ công/GDP. Thực tế, sau nhiều năm kinh tế Italy rơi vào tình trạng trì trệ và thiếu động lực cải cách, các khoản nợ của chính phủ Italy đã lên tới trên 2.000 tỷ euro (2,3 nghìn tỷ USD), tương đương với hơn 130% GDP.
Về vấn đề nhập cư, tân Thủ tướng Italy mong muốn châu Âu áp dụng một hệ thống tự động và bắt buộc mọi nước thành viên EU phải tiếp nhận các đơn của người tị nạn. Thủ tướng Italy cũng yêu cầu các đối tác châu Âu chia sẻ gánh nặng vấn đề di cư công bằng hơn.
Về đối ngoại, việc chính phủ mới ở Italy có quan điểm chống nhập cư, hoài nghi châu Âu đang khiến giới chức EU quan ngại. Mặc dù tân Thủ tướng Italy tuyên bố nước này không có ý định rời khỏi Eurozone, nhưng các chính sách tài khóa mang tính dân túy, cực hữu của chính phủ mới sẽ khiến quan hệ giữa Italy với các nước EU trở nên khá căng thẳng trong thời gian tới. Nguyên nhân là do Italy có thể đề cao các giá trị của nước này và phớt lờ những quy định của EU.
Việc một chính phủ dân túy lên cầm quyền ở Italy đã tác động trực tiếp đến Pháp và tham vọng của Paris trong việc thúc đẩy cải cách EU. Trước đây, đã từng tồn tại quan điểm ở Pháp cho rằng, Paris cần coi trọng đối tác Italy bởi có thể học hỏi được nhiều điều từ sự thành công của quốc gia này. Ngay sau sự kiện Brexit, một số chuyên gia còn cho rằng, Italy có khả năng sẽ thay thế Anh tham gia nhóm “Bộ Tam” lãnh đạo EU cùng với Đức và Pháp. Tuy nhiên, kỳ vọng này đã bị lu mờ cùng với các diễn biến gần đây trên chính trường Italy và Italy thậm chí có thể sẽ trở thành “cơn đau đầu mới” đối với EU.
Có hai thách thức lớn từ Italy có thể làm suy yếu EU. Đó là sự chia rẽ Bắc - Nam liên quan đến vấn đề kinh tế và sự chia rẽ Đông - Tây liên quan đến các giá trị cốt lõi của EU. Sự chia rẽ Bắc - Nam không chỉ tác động tiêu cực về mặt kinh tế và văn hóa mà còn tác động tới chính trường Italy. Trong cuộc tổng tuyển cử ngày 04-3 vừa qua, những người ủng hộ 2 đảng phái vừa liên minh thành lập chính phủ là Phong trào 5 sao (M5S) và đảng Liên đoàn tập trung chủ yếu ở miền Bắc và miền Nam Italy. Mặc dù vậy, tại Italy cũng đang tồn tại sự chia rẽ Đông - Tây giữa các đảng phái truyền thống trung tả và trung hữu.
Các nước châu Âu, trong đó có Pháp, thường không chú trọng đến các diễn biến ở Italy và do đó, không lường hết được các hậu quả khi tình hình Italy diễn biến theo chiều hướng tiêu cực. Lần này, Pháp và EU sẽ không thể hạn chế được các tác động tiêu cực từ diễn biến trên chính trường Italy. Lần đầu tiên, liên minh giữa các lực lượng chính trị chống EU, chống các đảng phái truyền thống lên nắm quyền ở Italy - một trong các nước thành viên sáng lập EU. Lựa chọn này của người dân Italy có thể sẽ tác động tiêu cực tới tiến trình phát triển của toàn bộ “dự án EU”. Italy gần đây tuyên bố sẽ không phê chuẩn Hiệp định Kinh tế và Thương mại Toàn diện giữa EU với Canada (CETA), điều này có khả năng làm gián đoạn một hiệp định lớn nhất của EU trong nhiều năm tới. Nếu quốc gia Nam Âu này xích lại gần hơn với các nước Đông Âu bằng việc theo đuổi các mô hình ở Hungary hay Ba Lan thì không chỉ Bắc Âu, mà cả Tây Âu sẽ phải đối mặt với nguy cơ gia tăng ảnh hưởng của “mô hình dân chủ trong khuôn khổ”. Mối nguy hiểm thực sự không phải là nguy cơ Italy sẽ rời EU giống như Anh bởi đa số người dân nước này không sẵn sàng cho việc lặp lại kịch bản tương tự Brexit. Vấn đề là Italy, giống như Hungary và Ba Lan, vẫn tham gia EU nhưng lại xem thường và không tuân thủ các quy định và giá trị cốt lõi của liên minh. Việc Thủ tướng G. Conte bổ nhiệm kinh tế gia P. Savona có tư tưởng hoài nghi châu Âu làm Bộ trưởng phụ trách các vấn đề châu Âu càng thổi bùng các quan ngại đó theo cái nhìn của những người ủng hộ châu Âu.
Quan hệ Pháp - Italy sẽ khó có thể “xuôi chèo mát mái” bởi hai bên vẫn còn nhiều chia rẽ và hoài nghi giữa một Tổng thống Pháp luôn đấu tranh chống lại chủ nghĩa dân túy đang ngày một gia tăng tại châu Âu, với một nhà lãnh đạo Italy có tư tưởng dân túy và bài châu Âu mạnh mẽ. Những căng thẳng quanh vụ tàu nhân đạo Aquarius chở theo hơn 600 người nhập cư bị Italy từ chối tiếp nhận chỉ là “giọt nước làm tràn ly” cho thấy rõ hơn những căng thẳng tiềm ẩn giữa hai nước đã tồn tại từ nhiều năm nay. Dù cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Pháp - Italy vẫn đã diễn ra sau các cuộc đấu khẩu ngoại giao liên quan đến việc tiếp nhận người tị nạn trên tàu Aquarius. Tại cuộc gặp, hai nhà lãnh đạo Pháp - Italy đã nhất trí quan điểm về việc EU nên xây dựng các trung tâm tị nạn của khối đặt tại các quốc gia, nơi có nhiều người di cư bắt đầu hành trình đến châu Âu. Tuy nhiên, với ảnh hưởng chính trị suy yếu của Đức, quan hệ giữa ban lãnh đạo EU và nhiều nước Trung - Đông Âu căng thẳng, tình hình chính trị Tây Ban Nha bế tắc…, Tổng thống Pháp E. Macron sẽ rất khó khăn với kế hoạch thành lập một “liên minh EU gần gũi hơn bao giờ hết”.
Tuy nhiên, các nhà quan sát kỳ cựu ngoài EU lại dự đoán rằng, chính sách đối ngoại của Italy đối với châu Âu sẽ không thay đổi nhiều so với các chính sách của chính phủ tiền nhiệm. Bởi việc bổ nhiệm ông Enzo Moavero Milanesi làm Ngoại trưởng Italy được xem là bước đi củng cố lòng tin, trong bối cảnh nội các mới bổ nhiệm quá nhiều gương mặt bất ngờ, thì riêng nhân sự đối ngoại cho thấy “đây là lĩnh vực mà chính phủ mới không muốn thay đổi”. Vị trí ngoại trưởng là bộ mặt của đất nước trên thế giới và việc bổ nhiệm một nhân vật được biết đến và đáng kính trọng vào vị trí này là rất quan trọng. Gần đây, ông P. Savona cũng bày tỏ quan điểm rằng, việc duy trì đồng euro là “tuyệt đối cần thiết”.
Bên ngoài EU, Italy sẽ phải giải quyết thận trọng mối quan hệ với các cường quốc lớn trên thế giới, đặc biệt là Mỹ. Năm 2016, trước khi hai Chủ tịch đảng Phong trào 5 Sao và Liên đoàn phương Bắc nắm giữ vai trò lãnh đạo quốc gia, ông M. Salvini đã đến Mỹ và chụp ảnh với Tổng thống Mỹ D. Trump, đồng thời bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với ông chủ Nhà Trắng. Bên cạnh đó, S. Bannon, một trong những “kiến trúc sư” cho chiến dịch tranh cử của ông D. Trump, đã cố vấn cho ông M. Salvini và đảng Liên đoàn phương Bắc trong năm 2018. Tuy nhiên, với một nền kinh tế chủ yếu dựa vào xuất khẩu, Italy sẽ đặc biệt “tỉnh táo” trước các chính sách của Mỹ có thể gây ảnh hưởng tới lĩnh vực xuất khẩu của Italy.
Về mối quan hệ với Nga, ngay trong bài phát biểu đầu tiên trước Thượng viện, Thủ tướng Italy đã công bố một số chính sách ưu tiên về kinh tế, tài chính, nhập cư cũng như chính sách đối ngoại với Nga. Tiếp đó, ngay trước khi tham dự Hội nghị Nhóm 7 nước Công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) tại Canada, tân Thủ tướng Italy G. Conte lên tiếng ủng hộ lời kêu gọi của Tổng thống Mỹ D. Trump về việc khôi phục tư cách thành viên của Nga trong G7. Thủ tướng G. Conte bày tỏ hy vọng rằng, G7 sẽ kết nạp Nga trở lại sớm nhất có thể. Đây là những vấn đề khá nhạy cảm tại EU thời gian qua, báo hiệu những căng thẳng mới có thể gia tăng giữa Italy với các nước thành viên còn lại của EU.
Về thỏa thuận hạt nhân Iran, Italy từng là nước ủng hộ thỏa thuận này, nhưng do Mỹ đã rút khỏi thỏa thuận và áp đặt trở lại các lệnh trừng phạt đối với Tehran, nên các công ty Italy giờ đây sẽ phải quyết định liệu Mỹ hay Iran là thị trường quan trọng hơn đối với nước mình.
Có thể thấy, đây là lần đầu tiên một chính phủ dân túy, cực hữu lên nắm quyền ở một đất nước là thành viên sáng lập của EU. Bởi vậy, những diễn biến trên chính trường Italy thời gian tới có thể sẽ còn nhiều điều bất ngờ./.
Chủ tịch nước làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu  (19/07/2018)
Thủ tướng tiếp Chủ tịch Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản  (19/07/2018)
Dấu ấn của đoàn Việt Nam tại Diễn đàn Chính trị Cấp cao 2018 của Liên hợp quốc về phát triển bền vững  (19/07/2018)
Việt Nam hoan nghênh cuộc gặp thượng đỉnh giữa Nga và Hoa Kỳ  (19/07/2018)
Khẩn trương ổn định cuộc sống người dân sau bão số 3  (19/07/2018)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên