Tăng cường quan hệ Việt Nam với các nước thông qua các cơ chế đa phương
Cuộc họp Ủy ban Hợp tác chung ASEAN-Ấn Độ lần thứ 18
Việt Nam đồng chủ trì cuộc họp Ủy ban Hợp tác chung ASEAN-Ấn Độ lần thứ 18.
Cuộc họp lần thứ 18 của Ủy ban Hợp tác chung (JCC) Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) - Ấn Độ đã diễn ra ngày 22-6 tại Jakarta. Cuộc họp được tiến hành dưới sự đồng chủ trì của Đại sứ Nguyễn Hoành Năm, Trưởng Phái đoàn Đại diện Thường trực Việt Nam tại ASEAN và Đại sứ Ấn Độ tại ASEAN, ông Suresh.K.Reddy, cùng sự tham dự của Đại sứ, Trưởng Phái đoàn các nước ASEAN.
Cuộc họp tập trung trao đổi về tình hình hợp tác giữa hai bên thời gian qua, nhất trí về nhiều phương hướng và biện pháp quan trọng thúc đẩy hơn nữa quan hệ ASEAN-Ấn Độ thời gian tới. Các đại biểu ghi nhận nhiều hoạt động được triển khai nhằm kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ đối thoại ASEAN-Ấn Độ trong năm 2017 trên nhiều lĩnh vực về chính trị-an ninh, kinh tế, và văn hóa-xã hội ở các cấp khác nhau, góp phần tăng cường những thành quả hợp tác cũng như củng cố quan hệ gắn kết giữa nhân dân các nước ASEAN và Ấn Độ. Các nước đánh giá cao việc hai bên tổ chức Hội nghị Cấp cao kỷ niệm ASEAN-Ấn Độ tại New Delhi vào tháng 01-2018, xem đây là dấu mốc lịch sử của quan hệ hai bên, trong đó các nhà lãnh đạo đã nhất trí và thông qua Tuyên bố Delhi của hội nghị với nhiều định hướng chiến lược cho hợp tác giữa ASEAN và Ấn Độ thời gian tới.
Hai bên hài lòng ghi nhận nhiều kết quả hợp tác tích cực đạt được trên các lĩnh vực chính trị-an ninh, kinh tế, văn hóa-xã hội, hoan nghênh kết quả thực hiện Kế hoạch Hành động ASEAN-Ấn Độ 2016-2020, trong đó 97/130 dòng hành động được triển khai, đạt tỷ lệ 74,7% (so với năm 2017 là 51,5%). Riêng với 26 lĩnh vực ưu tiên trong giai đoạn 2016-2018, 23 lĩnh vực đã có hoạt động hợp tác với tỷ lệ 88,4%. Với những kết quả tích cực đó, về chính trị-an ninh, quan hệ Đối tác chiến lược ASEAN-Ấn Độ tiếp tục được củng cố và làm sâu sắc hơn trên 28 cơ chế hợp tác song phương.
Ấn Độ tiếp tục là đối tác thương mại lớn thứ 7 của ASEAN với hơn 70 tỷ USD kim ngạch thương mại hai chiều trong năm 2017 và đầu tư trực tiếp từ Ấn Độ vào ASEAN đạt hơn 1 tỷ USD trong năm 2016 (tăng 9,4% so với năm trước). Về văn hóa-xã hội, Ấn Độ là một trong những nước hỗ trợ tích cực nhất cho ASEAN về thu hẹp khoảng cách phát triển, phát triển nguồn nhân lực, đào tạo về công nghệ thông tin, y tế, dược phẩm, ứng phó với biến đổi khí hậu và quản lý thiên tai, cũng như thúc đẩy giao lưu hiểu biết giữa người dân hai khu vực thông qua nhiều chương trình trao đổi định kỳ.
Hai bên nhất trí trong năm bản lề 2018, ASEAN và Ấn Độ cần tiếp tục duy trì đà thực hiện, bảo đảm triển khai hiệu quả các dòng hành động còn lại của Kế hoạch Hành động ASEAN-Ấn Độ 2016-2020 và Danh mục các lĩnh vực ưu tiên đã xác định, góp phần nâng cao hơn nữa hợp tác giữa hai bên. Cụ thể, hai bên nhất trí tăng cường hợp tác chặt chẽ trên các cơ chế hiện có, đồng thời Ấn Độ sẽ tích cực hỗ trợ triển khai Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025, ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN và tham gia tích cực trong các cơ chế do ASEAN dẫn dắt, tăng cường hợp tác hàng hải, chống khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia; tiếp tục gia tăng thương mại và đầu tư; khẳng định cam kết và quyết tâm hoàn thành đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện (RCEP), phát triển kinh tế biển xanh; hợp tác kết nối đường biển, đường bộ, hàng không và kết nối số; hỗ trợ thu hẹp khoảng cách phát triển trong ASEAN, thúc đẩy du lịch, giao lưu nhân dân, bảo tồn di sản văn hóa, trao đổi cán bộ, sinh viên, nâng cao năng lực về công nghệ thông tin, khoa học công nghệ, quản lý thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu... ASEAN hoan nghênh và đánh giá cao việc Ấn Độ tiếp tục đóng góp hơn 1,5 triệu USD cho các Quỹ Hợp tác ASEAN-Ấn Độ và Quỹ Xanh ASEAN- Ấn Độ trong năm nay để triển khai hiệu quả các dự án hợp tác.
Đồng chủ trì cuộc họp, Đại sứ Nguyễn Hoành Năm đã đánh giá cao các kết quả đạt được trong hợp tác ASEAN-Ấn Độ thời gian qua, hoan nghênh Ấn Độ xem ASEAN có vị trí trung tâm trong chính sách “Hành động hướng Đông” của quốc gia này và cam kết tiếp tục hợp tác chặt chẽ thời gian tới, đề nghị Ấn Độ tiếp tục cùng ASEAN đóng góp vì hòa bình, an ninh và hợp tác phát triển của khu vực Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, đặc biệt ở Biển Đông; và tiếp tục hỗ trợ ASEAN củng cố Cộng đồng ASEAN phát triển vững mạnh.
Tại cuộc họp, các nước ASEAN và Ấn Độ bày tỏ đánh giá cao Việt Nam trong vai trò nước Điều phối quan hệ ASEAN-Ấn Độ giai đoạn 2015-2018 đã đưa ra nhiều sáng kiến thiết thực để thúc đẩy hợp tác, phối hợp tổ chức nhiều hoạt động quan trọng kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ASEAN-Ấn Độ trong năm 2017, góp phần nâng quan hệ ASEAN-Ấn Độ lên tầm cao mới.
Theo thông lệ, Thái Lan là nước tiếp theo đảm nhận cương vị Điều phối quan hệ ASEAN-Ấn Độ giai đoạn 2018-2021. Dự kiến cuộc họp Ủy ban Hợp tác chung ASEAN- Ấn Độ lần thứ 19 sẽ diễn ra trong năm 2019 tại Jakarta, Indonesia.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn thăm làm việc Singapore, Ấn Độ
Từ ngày 21 đến 22-6, Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã thăm làm việc tại Singapore và Ấn Độ.
Tại Singapore, Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn đã gặp và làm việc với Quốc vụ khanh cao cấp Bộ Ngoại giao Singapore Mohamad Bin Osman. Hai bên đánh giá quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam và Singapore đang phát triển mạnh mẽ, đặc biệt chuyến thăm chính thức Singapore của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc gần đây, tháng Tư vừa qua đã tăng cường sự tin cậy lẫn nhau và tạo thêm xung lực mới cho quan hệ hai nước.
Hai bên nhất trí tăng cường phối hợp tổ chức tốt các hoạt động thiết thực kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao; thúc đẩy hợp tác an ninh, quốc phòng; tiếp tục tăng cường phối hợp trong các vấn đề khu vực và tại các diễn đàn đa phương quan trọng, nhất là thúc đẩy triển khai xây dựng Cộng đồng ASEAN trong năm 2018 khi Singapore đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á.
Hai bên cũng nhất trí đẩy mạnh hơn nữa hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, du lịch, khoa học-công nghệ, giáo dục-đào tạo…; phối hợp thúc đẩy các dự án ưu tiên trong hợp tác kinh tế; khuyến khích các doanh nghiệp Singapore tăng cường đầu tư vào Việt Nam trong lĩnh vực công nghiệp, năng lượng tái tạo, xây dựng đô thị thông minh, kinh tế số, khởi nghiệp…
Tại thủ đô New Dehli, Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn đã gặp và làm việc với Bộ trưởng Công Thương Ấn Độ Suresh Prabhu, Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Ấn Độ Vijay Kuma Singh, Phó Cố vấn An ninh quốc gia Rajilder Khanna.
Hai bên đánh giá quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Ấn Độ với nền tảng vững chắc dựa trên tình hữu nghị truyền thống, tin cậy lẫn nhau đang phát triển tích cực trong nhiều lĩnh vực như chính trị-ngoại giao, quốc phòng, an ninh, thương mại, đầu tư, khoa học-công nghệ, giáo dục-đào tạo, du lịch…
Hai bên nhất trí thúc đẩy triển khai các thỏa thuận đã đạt được tại chuyến thăm cấp Nhà nước đến Ấn Độ của Chủ tịch nước Trần Đại Quang, tháng Ba vừa qua và chuyến thăm Ấn Độ của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vào tháng Một năm nay.
Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác quốc phòng, an ninh, chia sẻ lập trường và ủng hộ lẫn nhau trong các vấn đề quốc tế và khu vực cũng như tại các diễn đàn đa phương quan trọng như Liên hợp quốc, Diễn đàn Hợp tác Á-Âu (ASEM), Đối thoại ASEAN-Ấn Độ…
Hai bên đánh giá trao đổi thương mại song phương đang phát triển nhanh với kim ngạch năm 2017 đạt 7,6 tỷ USD; nhất trí tăng cường phối hợp khai thác tiềm năng hợp tác thương mại để phấn đấu kim ngạch thương mại đạt mục tiêu 15 tỷ USD vào năm 2020; khuyến khích các doanh nghiệp Ấn Độ mở rộng đầu tư kinh doanh ở Việt Nam trong các lĩnh vực năng lượng, cơ sở hạ tầng, giáo dục, công nghệ thông tin…
Mexico đánh giá cao quan hệ hợp tác thương mại với Việt Nam
Ngày 19-6, Bộ trưởng Kinh tế Mexico, Idelfonso Guajardo Villareal đã tiếp Đại sứ Việt Nam Nguyễn Hoài Dương đến chào xã giao và trao đổi về các giải pháp nhằm thúc đẩy quan hệ kinh tế thương mại Việt Nam - Mexico.
Trong buổi tiếp Đại sứ Nguyễn Hoài Dương, với sự tham dự của Thứ trưởng Juan Carlos Baker tại trụ sở Bộ Kinh tế ở thủ đô Mexico City, Bộ trưởng Idelfonso Guajardo đánh giá cao quan hệ hợp tác thương mại giữa Việt Nam và Mexico trong thời gian gần đây với mức tăng trưởng trao đổi thương mại từ 10-15%/năm. Việt Nam trở thành đối tác thương mại thứ 8 của Mexico tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương và Mexico là bạn hàng lớn thứ hai của Việt Nam tại Mỹ Latinh, với kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt gần 5 tỷ USD trong năm 2017 và chỉ trong quý I-2018 đã tiệm cận gần một tỷ USD theo số liệu của Bộ Kinh tế Mexico.
Ông Idelfonso Guajardo cũng ca ngợi Việt Nam đã có những đóng góp quan trọng trong việc thúc đẩy ký kết Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), đồng thời bày tỏ mong muốn Việt Nam sớm phê chuẩn để Hiệp định có hiệu lực thực thi đúng hạn vào đầu năm 2019, góp phần tạo môi trường thuận lợi đẩy mạnh hơn nữa quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và Mexico, với tư cách là những thành viên sáng lập của CPTPP.
Đại sứ Nguyễn Hoài Dương đã chuyển tới Bộ trưởng Idelfonso Guajardo và lãnh đạo Bộ Kinh tế Mexico lời chào của Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh và chúc mừng việc Mexico trở thành nước đầu tiên phê chuẩn Hiệp định CPTPP. Nhân dịp này, Đại sứ Nguyễn Hoài Dương cũng bày tỏ cảm ơn đối với những nỗ lực của Bộ trưởng, cũng như lãnh đạo Bộ Kinh tế Mexico trong việc thúc đẩy quan hệ kinh tế thương mại giữa hai nước, coi đây là đóng góp quan trọng vào tiến trình hội nhập kinh tế của Việt Nam.
Đại sứ Nguyễn Hoài Dương mong muốn Bộ trưởng và lãnh đạo Bộ Kinh tế Mexico tiếp tục hỗ trợ Đại sứ quán kết nối doanh nghiệp hai nước, thúc đẩy quan hệ kinh tế thương mại song phương, mở cửa thị trường cho những mặt hàng có sức cạnh tranh cao của Việt Nam, cũng như khuyến khích các doanh nghiệp Mexico đầu tư vào Việt Nam, một thị trường tiềm năng với hơn 90 triệu người tiêu dùng, đồng thời cũng là cửa ngõ vào Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), tạo tiền đề cho việc kết nối ASEAN và Liên minh Thái Bình Dương (gồm Mexico, Colombia, Peru và Chile)./.
Ông Erdogan tuyên bố giành chiến thắng trong kỳ bầu cử Thổ Nhĩ Kỳ  (25/06/2018)
Ngày đầu tiên kỳ thi THPT quốc gia  (25/06/2018)
Khai giảng Lớp bồi dưỡng phó bí thư cấp ủy cấp huyện và tương đương  (25/06/2018)
Khai mạc Hội nghị toàn quốc về phòng, chống tham nhũng  (25/06/2018)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
- Đóng góp của phụ nữ Việt Nam qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên