TCCSĐT - Trong nỗ lực củng cố quan hệ với khu vực từng được coi là “sân sau” của Mỹ, Ngoại trưởng Mỹ R. Tillerson thực hiện chuyến công du kéo dài một tuần từ ngày 01 đến 08-02-2018 tới 5 nước Mỹ Latinh gồm Mexico, Argentina, Peru, Colombia và Jamaica.

Mỹ tăng cường củng cố vị thế tại Mỹ Latinh

 
Ngoại trưởng Mỹ R. Tillerson. Ảnh: rferl.org

Tại chặng dừng chân đầu tiên ở Mexico, Ngoại trưởng Mỹ R. Tillerson đã có cuộc hội đàm với Tổng thống Mexico Enrique Peña Nieto với việc nhất trí về tầm quan trọng của việc thúc đẩy một chương trình làm việc chung đối với các lĩnh vực đổi mới, khởi nghiệp, sự phát triển của lực lượng lao động, bình đẳng giới, các cơ chế hợp tác song phương, tăng cường phối hợp trong vấn đề an ninh với việc chia sẻ trách nhiệm.

Thúc đẩy hợp tác kinh tế và an ninh, thông qua lịch trình tổ chức các sự kiện trong khuôn khổ các hoạt động của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) năm 2018 khi Argentina giữ chức chủ tịch G20 là những nội dung trao đổi tại cuộc gặp ở thủ đô Buenos Aires (Argentina) giữa Tổng thống Argentina M. Macri và Ngoại trưởng R. Tillerson. Theo đó, Ngoại trưởng R. Tillerson nhận định Argentina là một trong những quốc gia mà Mỹ có quan hệ năng động nhất ở Mỹ Latinh, khẳng định cam kết của Washington trong thúc đẩy trao đổi kinh tế, thương mại với Buenos Aires, đồng thời tuyên bố Mỹ ủng hộ những chính sách cải cách của Tổng thống M. Macri hướng tới phát triển kinh tế, cũng như việc Argentine gia nhập Tổ chức Hợp tác và Phát triển (OECD).

Tại cuộc hội đàm ở thủ đô Lima (Peru), Ngoại trưởng R. Tillerson ở và Tổng thống Peru Pedro Pablo Kuczynski chia sẻ quan điểm cần tăng cường bảo vệ nền dân chủ tại Mỹ Latinh cũng như thúc đẩy kinh tế phát triển vì sự thịnh vượng của người dân. Hai bên cũng thảo luận về những nội dung liên quan đến tình hình Venezuela và Hội nghị thượng đỉnh các nước châu Mỹ lần thứ 8 dự kiến diễn ra tại Lima vào trung tuần tháng 4 tới với chủ đề tập trung vào cuộc chiến chống tham nhũng và củng cố nền dân chủ.

Trong chuyến thăm Colombia, Ngoại trưởng R. Tillerson đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ Tổng thống Juan Manuel Santos trong cuộc chiến chống tội phạm ma túy, cũng như việc xóa bỏ diện tích canh tác cây coca. Ông R. Tillerson khẳng định hai bên đã thảo luận “thẳng thắn” về mối liên hệ giữa quốc gia sản xuất và quốc gia tiêu thụ ma túy, đồng thời nhấn mạnh Colombia là đối tác quan trọng của Mỹ trong việc chia sẻ những giá trị dân chủ. Liên quan tới tình hình khu vực, Ngoại trưởng R. Tillerson tuyên bố, Nhà Trắng đang xem xét khả năng hỗ trợ nguồn lực cho Colombia để giải quyết cuộc khủng hoảng di cư của người dân Venezuela.

Tại chặng dừng chân cuối cùng trong chuyến công du các nước Mỹ Latinh ở Jamaica, Ngoại trưởng R. Tillerson đã có cuộc hội đàm với Thủ tướng Jamaica Andrew Michael Holness để thảo luận về hợp tác ngoại giao, an ninh, kinh tế, đặc biệt là hợp tác năng lượng. Tại cuộc hội đàm, Ngoại trưởng R. Tillerson khẳng định, Washington muốn xây dựng quan hệ hợp tác cùng có lợi, phục vụ sự thịnh vượng của Tây bán cầu nhằm mở ra những cách tiếp cận tài chính cho các nước trong khu vực này tăng cường năng lực lọc dầu và khí hóa lỏng. Về phần mình, Thủ tướng M. Holness khẳng định, Jamaica sẽ thúc đẩy thương mại với Mỹ.

Chuyến công du Mỹ Latinh của Ngoại trưởng R. Tillerson diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa Mỹ và các nước khu vực Mỹ Latinh đang vấp phải trở ngại do những thay đổi của Chính quyền Tổng thống D. Trump trong chính sách di cư, chủ trương bảo hộ thương mại, cũng như lập trường cứng rắn về vấn đề Venezuela. Trong khi đó, tình hình chính trị tại một số nước Mỹ Latinh có nhiều biến động trong thời gian qua cũng tác động tới mối quan hệ giữa Mỹ với khu vực. Nhiều nước Mỹ Latinh đã không còn phụ thuộc vào Mỹ như trước đây. Thêm vào đó, việc các cường quốc khác như Trung Quốc, Nga, Ấn Độ ngày càng quan tâm tới Mỹ Latinh cũng khiến ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực bị suy giảm.

Nếu xét tới các thỏa thuận đạt được tại từng nước, ngoài việc thúc đẩy hợp tác an ninh, chống khủng bố và chống ma túy, kết quả chuyến thăm có thể nói chưa được như mong đợi của Mỹ, bởi quan điểm của Mỹ trong vấn đề Venezuela, vấn đề di cư vẫn không được các nước khu vực ủng hộ. Một vấn đề nhạy cảm cũng “phủ bóng đen” lên chuyến thăm lần này của Ngoại trưởng Mỹ là thương mại. Chính sách “Nước Mỹ trên hết” của Tổng thống D. Trump dẫn tới việc Mỹ yêu cầu đàm phán lại NAFTA với Mexico và Canada, cũng như nâng mức thuế chống bán phá giá đánh vào mặt hàng xăng sinh học của Argentina lên tới hơn 70%, cũng khiến quan hệ song phương giữa Mỹ với các nước này trong tình trạng căng thẳng. Tuy vậy, chuyến thăm của Ngoại trưởng R. Tillerson lần này cũng là cơ hội để Mỹ củng cố lại vai trò và vị thế trong khu vực, trong bối cảnh Washington đang định hình lại chiến lược hướng tới tương lai tại Mỹ Latinh.

Phát biểu tại Đại học Texas ngay trước thềm chuyến thăm, Ngoại trưởng R. Tillerson tuyên bố Học thuyết Monroe, vốn được Mỹ sử dụng để can thiệp vào khu vực Mỹ Latinh vì lợi ích của Washington, vẫn còn nguyên giá trị. Trong năm 2018, tại khu vực Mỹ Latinh sẽ diễn ra nhiều cuộc bầu cử quan trọng ở Mexico, Brazil, Colombia. Với vị trí nằm trong chiến lược địa - chính trị của Washington, chuyến công du của người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ có ý nghĩa quan trọng trong lộ trình hiện thực hóa tham vọng này.

Nỗ lực xây dựng một ASEAN đoàn kết, tự cường và sáng tạo

 
  Các Ngoại trưởng ASEAN chụp ảnh tại Hội nghị. Ảnh: TTXVN

Trong hai ngày 05 và 06-02-2018, các Bộ trưởng Ngoại giao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã tổ chức Hội nghị hẹp tại Singapore. Đây là Hội nghị cấp Bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên của ASEAN do Singapore chủ trì trong năm 2018, năm thứ 3 triển khai Cộng đồng ASEAN.

Tại Hội nghị, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đã kiểm điểm việc triển khai kết quả Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 31 diễn ra tại thủ đô Manila (Philippines) vào tháng 11-2017, xác định trọng tâm ưu tiên hợp tác ASEAN 2018, định hướng quan hệ đối ngoại của ASEAN, tăng cường vai trò trung tâm của ASEAN trong các tiến trình khu vực và trao đổi về các vấn đề khu vực, quốc tế cùng quan tâm.

Các Bộ trưởng bày tỏ nhất trí cao với chủ đề ASEAN 2018 là xây dựng một “ASEAN Tự cường và Sáng tạo”, nhấn mạnh cần nâng cao tính tự cường mọi mặt của khu vực, cả trong các nội dung chính trị - an ninh lẫn hợp tác kinh tế - thương mại nhằm nâng cao tình đoàn kết và vai trò trung tâm của ASEAN. Lãnh đạo các nước cho rằng, cần tận dụng các cơ hội của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 nhằm đề ra các giải pháp kịp thời, sáng tạo, vừa ứng phó hiệu quả với các thách thức, vừa nâng cao tính đoàn kết, tự cường của ASEAN.

Trao đổi về quan hệ đối ngoại của ASEAN, các bộ trưởng nhất trí tăng cường quan hệ với các đối tác của ASEAN là việc làm cần thiết, tranh thủ thêm nguồn lực để xây dựng Cộng đồng. Tuy nhiên, ASEAN cần đoàn kết, thống nhất, duy trì các quy định, quy trình, không để bên ngoài tác động, chia rẽ, nhất là cần nâng cao hiệu quả các cơ chế do ASEAN thành lập và dẫn dắt, từ đó, bảo đảm các định hướng của cấu trúc khu vực. Các bộ trưởng nhất trí trong trường hợp 1 - 2 nước ASEAN bị ảnh hưởng, cả 10 nước cần thể hiện tình đoàn kết.

Kết thúc Hội nghị, Singapore - Chủ tịch ASEAN năm 2018, đã ra Tuyên bố Báo chí phản ánh những nội dung và kết quả chính của Hội nghị. Trên cương vị Chủ tịch ASEAN trong năm 2018, Singapore đã soạn một dự thảo tuyên bố mang tựa đề “Tầm nhìn của các nhà lãnh đạo ASEAN vì một ASEAN năng động và sáng tạo” và sẽ được các nước ASEAN thông qua vào tháng 4 tới. Trong văn kiện, Singapore đã đưa ra 10 nguyên tắc cơ bản, bao gồm nguyên tắc “thống nhất và tập trung”, “chỉ đạo dựa trên các quy định” và “nắm bắt công nghệ”, cùng 30 lĩnh vực ưu tiên đòi hỏi lãnh đạo các nước ASEAN đưa ra cam kết cụ thể. Các lĩnh vực ưu tiên bao gồm việc thúc đẩy một hiệp ước dẫn độ giữa các nước ASEAN nhằm chống tội phạm xuyên quốc gia, thuyết phục Trung Quốc ký Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), thiết lập một mạng lưới các thành phố thông minh ASEAN hay đưa ra các sáng kiến chống khủng bố và cực đoan hóa.

Văn kiện do Singapore soạn thảo cũng đề cập đến một loạt những thách thức mà các nước ASEAN đang phải đối mặt, như sự không rõ ràng ngày càng tăng trong bức tranh chiến lược toàn cầu, bạo lực bắt nguồn từ chủ nghĩa cực đoan, biến đổi khí hậu và các vấn đề hàng hải. Tất cả những vấn đề được Singapore đề cập trong văn kiện nhằm mục đích tạo dựng một ASEAN có sức mạnh để “đối chọi với những thách thức trên tinh thần hợp tác, thống nhất và đạt hiệu quả cao”. Về nguyên tắc thống nhất và tập trung, văn kiện của Singapore nhấn mạnh: “ASEAN sẽ đoàn kết đối mặt với các thế lực gây chia rẽ từ bên ngoài”. Văn kiện dự thảo tuyên bố cũng tái xác nhận nguyên tắc đồng thuận ra quyết định của ASEAN. Văn kiện nhấn mạnh khối sẽ xây dựng một cấu trúc khu vực mở, minh bạch, toàn diện và dựa trên luật pháp. Thêm vào đó, dự thảo tuyên bố tái khẳng định nguyên tắc của ASEAN không can thiệp vào công việc nội bộ của các nước.

Triển vọng ổn định chính trường Đức

 
 Thủ tướng A. Merkel lên tiếng bảo vệ sự nhượng bộ của mình trong thỏa thuận liên minh thành lập Chính phủ Đức giữa CDU/CSU và SPD. Ảnh: AFP/TTXVN

Sau nhiều giờ đàm phán, liên đảng bảo thủ Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) của Thủ tướng Đức A. Merkel và đảng đối tác trung tả Dân chủ Xã hội (SPD) do ông M. Schulz làm chủ tịch đã đạt một thỏa thuận thành lập liên minh chính thức, mở ra hy vọng chấm dứt 4 tháng bế tắc chính trị nghiêm trọng nhất kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai tại nước này.

Ngày 07-02, liên đảng bảo thủ CDU/CSU và đảng SPD đã đạt được thỏa thuận liên minh để thành lập chính phủ mới. Một chính phủ mới sẽ được hình thành và một nhiệm kỳ lần thứ 4 liên tiếp dành cho Thủ tướng A. Merkel. Truyền thông sở tại cho biết, các bên đã được thỏa thuận về các vấn đề trước đó còn tranh cãi, gồm luật lao động, y tế, tài chính. Một trong những trở ngại chính cuối cùng là việc phân chia các bộ, ngành quan trọng và các vị trí lãnh đạo chủ chốt trong chính phủ - vốn luôn là vấn đề gai góc và thường là một trong những nội dung cuối cùng được xác nhận - cũng đã được giải quyết.

Phát biểu tại thủ đô Berlin (Đức), Thủ tướng A. Merkel nhấn mạnh: Tôi tin tưởng rằng thỏa thuận liên minh mà chúng ta vừa nhất trí có thể hình thành nên nền tảng cho một chính phủ ổn định và xuất sắc mà đất nước chúng ta đang rất cần lúc này cũng như nhiều nước khác kỳ vọng. Về phần mình, Chủ tịch đảng SPD M. Schulz đã bày tỏ sự lạc quan khi cho rằng, ông có thể thuyết phục các thành viên trong đảng ủng hộ thỏa thuận liên minh vừa đạt được giữa đảng của ông với liên đảng bảo thủ CDU/CSU của Thủ tướng A. Merkel. Trong một tuyên bố, nhà lãnh đạo SPD M. Schulz cho biết, ông sẽ từ chức chủ tịch đảng sau cuộc bỏ phiếu lấy ý kiến của các thành viên trong đảng về việc có ủng hộ thỏa thuận liên minh vừa đạt được với CDU/CSU hay không. Ông nhấn mạnh mong muốn trở thành Ngoại trưởng Đức trong Chính phủ mới của Thủ tướng A. Merkel nếu các thành viên trong đảng SPD nhất trí tán thành thỏa thuận liên minh này, đồng thời khẳng định ông sẽ đấu tranh để đổi mới Liên minh châu Âu (EU).

Sau cuộc tổng tuyển cử bầu Quốc hội Liên bang vào tháng 9-2017, với kết quả tệ nhất trong vòng gần 70 năm qua, SPD đã tuyên bố rời bỏ liên minh lớn với CDU/CSU để trở thành đảng đối lập. Tiếp đó, cuộc đàm phán thành lập chính phủ liên minh giữa CDU/CSU với đảng Dân chủ Tự do (FDP) và đảng Xanh diễn ra đêm 19 rạng sáng 20-11 đã thất bại sau khi các bên không đạt được sự thống nhất ở nhiều vấn đề, và FDP quyết định rút lui. Tuy nhiên, Thủ tướng A. Merkel và liên đảng bảo thủ CDU/CSU của bà dường như đã không chịu đầu hàng trước khó khăn.

Thực tế cho thấy, trước cuộc đàm phán thành lập chính phủ liên minh mới, Thủ tướng A. Merkel từng nhận định liên đảng CDU/CSU của bà sẽ phải đối mặt với các cuộc đàm phán cứng rắn và khó khăn với đối tác là đảng trung tả SPD, đồng thời nhấn mạnh cuộc đàm phán nhiều khả năng sẽ kéo dài do vẫn còn nhiều vấn đề quan trọng cần phải được giải quyết. Trong khi đó, Chủ tịch đảng SPD M. Schulz cũng bày tỏ mong muốn tiến trình đàm phán có thể sớm kết thúc. Các chuyên gia phân tích cho rằng, việc liên đảng bảo thủ CDU/ CSU và đảng đối tác trung tả SPD tìm được tiếng nói chung trong việc lập chính phủ mới sẽ giúp kéo dài sự tồn tại của “đại liên minh” này kể từ năm 2013 và bà A. Merkel chắc chắn ngồi lại ghế Thủ tướng không chỉ mở ra triển vọng ổn định cho chính trường Đức, mà còn cho cả EU, bởi Berlin luôn giữ vị trí là nền kinh tế “đầu tàu” của khối.

Tiềm ẩn nguy cơ về một cuộc chạy đua hạt nhân mới

 
 Ảnh minh họa. Ảnh: TTXVN

Mỹ vừa công bố chiến lược hạt nhân mới khiến dư luận các nước có những phản ứng trái chiều. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2010, quân đội Mỹ công bố một bản đánh giá về tình hình hạt nhân cũng như các mối đe dọa hạt nhân trong tương lai.

Ngày 02-02, Bộ Quốc phòng Mỹ đã chính thức công bố Báo cáo đánh giá tình hình hạt nhân năm 2018 (NPR), trong đó vạch ra chính sách của Mỹ trong tương lai hướng đến mở rộng và phát triển năng lực hạt nhân. Báo cáo nhận định, nước Mỹ đang đối mặt với một môi trường đe dọa hạt nhân lớn chưa từng có, trong bối cảnh các đối thủ tiềm tàng của Mỹ đạt được những tiến bộ trong việc phát triển và triển khai vũ khí hạt nhân cũng như các hệ thống phóng đầu đạn hạt nhân. Nhấn mạnh mối quan ngại của chính quyền Mỹ đối với CHDCND Triều Tiên, Iran, Trung Quốc và Nga, bản báo cáo dù tái khẳng định cam kết đối với các hiệp ước chống phổ biến vũ khí hạt nhân, song vẫn kêu gọi hiện đại hóa, đa dạng hóa vũ khí hạt nhân nhằm tăng khả năng răn đe. NPR đề xuất phát triển các loại vũ khí hạt nhân theo hướng nhỏ gọn hơn với sức nổ dưới 20 kiloton. Báo cáo lập luận rằng, Mỹ sẽ không bao giờ sử dụng các loại bom hạt nhân có sức công phá lớn mà hướng đến phát triển các loại vũ khí hạt nhân nhỏ gọn như một lựa chọn để đối phó với các tình huống khẩn cấp, bao gồm các cuộc tấn công phi hạt nhân. Cũng theo NPR, Mỹ sẽ tiếp tục duy trì hệ thống bộ ba hạt nhân chiến lược, bao gồm các vũ khí hạt nhân trên bộ, trên biển và trên không, được triển khai rộng rãi hồi thập niên 80 của thế kỷ trước, cho đến khi có các chương trình thay thế khác.

Sau khi Mỹ công bố chiến lược hạt nhân mới, các nước đã đưa ra những phản ứng trái chiều. Ngày 03-02, Nga đã lên án bản chất “hiếu chiến” và “chống Nga” trong chính sách hạt nhân mới của Mỹ, đồng thời cảnh báo sẽ có các biện pháp cần thiết để bảo đảm an ninh quốc gia của mình. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga khẳng định: “Bản chất hiếu chiến và chống Nga trong tài liệu này là rất rõ ràng. Bộ Ngoại giao Nga khẳng định Nga “thất vọng sâu sắc” với các nội dung trong Báo cáo đánh giá tình hình hạt nhân 2018 được Bộ Quốc phòng Mỹ công bố.

Cùng ngày, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif tuyên bố chính sách hạt nhân mới của Mỹ đã vi phạm Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT), đồng thời đưa thế giới đến gần hơn tới sự hủy diệt. Tiếp đó, ngày 04-02, Trung Quốc đã chỉ trích NPR mới của Mỹ khi trong tài liệu này nêu rõ Trung Quốc là một đối thủ hạt nhân tiềm tàng của Mỹ, đồng thời kêu gọi Washington tôn trọng cam kết giảm kho vũ khí hạt nhân của mình. Bộ Quốc phòng Trung Quốc cũng bày tỏ hy vọng Mỹ sẽ từ bỏ tư tưởng chiến tranh Lạnh và gánh trách nhiệm đi đầu trong việc giải trừ hạt nhân.

Ở chiều ngược lại, Nhật Bản - một đồng minh của Mỹ - đã hoan nghênh chính sách hạt nhân mới của Mỹ. Chính phủ Nhật Bản khẳng định đánh giá cao NPR của chính quyền Tổng thống D. Trump, đồng thời nhấn mạnh chính sách mới này giúp tăng cường năng lực phòng thủ trong bối cảnh môi trường an ninh đang ngày càng xấu đi, một phần là do việc CHDCND Triều Tiên phát triển hạt nhân và tên lửa.

Theo các nhà phân tích, chính sách hạt nhân mới này của Mỹ đã chấm dứt các nỗ lực của chính quyền tiền nhiệm của Tổng thống B. Obama nhằm giảm bớt quy mô kho vũ khí của Mỹ cũng như tối thiểu hóa vai trò vũ khí hạt nhân trong kế hoạch quốc phòng, thay vào đó thể hiện tham vọng hạt nhân của Lầu Năm Góc dưới thời Tổng thống D. Trump. Thực tế cho thấy, theo báo cáo công bố hồi tháng 10-2017 của Văn phòng ngân sách Quốc hội Mỹ, chương trình nâng cấp vũ khí hạt nhân giai đoạn năm 2017 - 2046 theo đề xuất của Tổng thống D. Trump sẽ tiêu tốn khoảng 1,2 nghìn tỷ USD. Việc NPR tái khẳng định cam kết đối với các hiệp ước chống phổ biến vũ khí hạt nhân cho thấy về cơ bản Mỹ không gia tăng kho vũ khí hạt nhân mà sẽ hiện đại hóa, đa dạng hóa loại vũ khí này nhằm tăng khả năng răn đe. Nhìn chung, cho dù Báo cáo đánh giá tình hình hạt nhân năm 2018 của Mỹ không thể hiện quan điểm ủng hộ việc mở rộng sở hữu vũ khí hạt nhân, nhưng việc chuyển hướng sang các loại vũ khí nguyên tử cỡ nhỏ vốn dễ dàng triển khai hơn sẽ tạo ra nhiều nguy cơ khó đoán định, có thể gây ra tâm lý bất an cho nhiều quốc gia. Do vậy, các chuyên gia phân tích nhận định, chính sách hạt nhân này của Mỹ có thể là ngòi nổ cho cuộc chạy đua hạt nhân mới./.