TCCSĐT - Hà Tĩnh là tỉnh thuộc khu vực Bắc Trung bộ, có 03 huyện giáp biên giới Lào, có cửa khẩu quốc tế Cầu Treo (Việt Nam) - Nậm Phào (Lào), đường Quốc lộ 8A đi qua cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo - Nậm Phào, Quốc lộ 12 nối cảng Vũng Áng với cửa khẩu quốc tế Cha Lo tỉnh Quảng Bình qua Lào. Với mối quan hệ đặc biệt giữa tỉnh Hà Tĩnh với hai tỉnh Bolykhămxay, Khăm Muộn và các tỉnh của nước bạn Lào, trong năm qua Hà Tĩnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả nhiều nội dung hợp tác với các địa phương của Lào.
Những nỗ lực không ngừng nghỉ...

Việc các tổ chức phản động Lào lưu vong ở nước ngoài cấu kết với phản động trong nước tăng cường các hoạt động chống phá, kích động, tuyên truyền xuyên tạc chia rẽ tình đoàn kết hữu nghị hai nước Việt - Lào; tình hình di dịch cư của người Mông có nhiều diễn biến phức tạp, nhất là tại hai tỉnh Bolykhămxay, Khăm Muộn; các hoạt động mua bán, tái trồng cây thuốc phiện, cây cần sa có chiều hướng gia tăng, đặc biệt xuất hiện nhiều đường dây, buôn bán vận chuyển ma túy lớn từ Lào về Việt Nam với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, liều lĩnh... đã tác động không nhỏ đến mối quan hệ hợp tác và phát triển của Hà Tĩnh và các tỉnh thuộc nước bạn Lào.

Bằng sự nỗ lực cao của cấp ủy, chính quyền các cấp và nhân dân, các hoạt động hữu nghị giữa Hà Tĩnh và các tỉnh bạn đã không ngừng tăng cường cả chiều rộng lẫn chiều sâu. Hằng năm, nhân các ngày lễ lớn, các sự kiện trọng đại của các tỉnh bạn, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh đã cử các đoàn sang chúc mừng hoặc gửi thư, điện chúc mừng. Hà Tĩnh cùng với hai tỉnh Bolykhămxay và Khăm Muộn luôn duy trì tổ chức Hội nghị cấp cao thường niên nhằm tăng cường mối quan hệ, hợp tác trên các lĩnh vực. Bên cạnh đó, thời gian qua, các cấp, các ngành của hai bên cũng tổ chức các đoàn sang thăm, làm việc và trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau. Nhân dịp kỷ niệm 55 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (05-9-1962 – 05-9-2017), 40 năm Ngày ký hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam - Lào (18-7-1977 – 18-7-2017) tỉnh Hà Tĩnh đã long trọng tổ chức Lễ mít-tinh kỷ niệm với sự tham dự của Đoàn Đại sứ nước CHDCND Lào tại Việt Nam; Đoàn đại biểu cấp cao các tỉnh có mối quan hệ gắn bó với Hà Tĩnh. Buổi lễ đã được tổ chức trang trọng, để lại ấn tượng sâu sắc và góp phần tuyên truyền đến cán bộ, đảng viên và nhân dân về truyền thống mối quan hệ đặc biệt hai nước Việt Nam - Lào.

Ngay sau khi các Biên bản Hội nghị Thường niên giữa hai Đoàn đại biểu biên giới hai nước Việt Nam - Lào được ký kết, tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức quán triệt nội dung và chỉ đạo Ban Biên giới tỉnh, các ngành, các cấp triển khai thực hiện, thường xuyên tổ chức tuyên truyền, giáo dục nhân dân trong khu vực biên giới thực hiện tốt nội dung Biên bản, các Hiệp định, nghị định, quy chế biên giới; các lực lượng chức năng khu vực biên giới đã duy trì giao ban, trao đổi và phối hợp giải quyết tốt tình hình, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự xã hội ở khu vực biên giới. Thường xuyên kiểm tra, bảo vệ an ninh vùng biên, hệ thống mốc quốc giới, xây dựng tuyến biên giới hòa bình, hữu nghị và phát triển. Đấu tranh thắng lợi nhiều chuyên án, vụ án, kế hoạch, trong đó có nhiều chuyên án lớn về mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy. Trong năm, bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh đã phối hợp với lực lượng An ninh của Lào phát hiện 6 đường dây mua bán ma túy xuyên quốc gia, phối hợp đấu tranh thành công 04 chuyên án, bắt 11 đối tượng, thu giữ 137 bánh hê-rô-in, 1.000 bánh cần sa (1.028 Kg), 06 ô-tô.

Thực hiện Kế hoạch tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam - Lào, Ban Chỉ đạo cắm mốc tỉnh Hà Tĩnh đã tích cực chỉ đạo các cơ quan, các lực lượng chức năng chủ động triển khai và hoàn thành công tác cắm mốc với 61/61 mốc và cọc dấu. Đây là một con số ấn tượng trong năm 2017. Bên cạnh đó, các hoạt động kết nghĩa tiếp tục được thực hiện, đã làm son sắt thêm tình anh em hai nước Việt - Lào. Đó là tổ chức ký kết nghĩa giữa Đồn Biên phòng Sơn Hồng với Đại đội bảo vệ biên giới 252, đồn cửa khẩu quốc tế Cầu Treo với đồn Công an 505 và Đại đội bảo vệ biên giới 253 - Bolykhămxay. Tổ chức ký kết nghĩa Bản - Bản (giữa thôn 11 xã Sơn Hồng với bản Xốp Tơng huyện Xay Chăm Phon, giữa xã Sơn Kim 2 với bản Na Pê huyện Khăm Cợt tỉnh Bolykhămxay). Hằng năm, tỉnh Hà Tĩnh và hai tỉnh Bolykhămxay, Khăm Muộn đã cử các đoàn sang giao lưu thể thao và tham dự các hoạt động văn hóa lớn của nhau. Ngoài ra, nhân dịp Tết Cổ truyền Lào, tỉnh Hà Tĩnh cũng giao các ngành liên quan tổ chức Tết té nước cho học sinh và kiều bào Lào đang sinh sống, học tập trên địa bàn tỉnh.

Trên lĩnh vực giáo dục và đào tạo,
Hà Tĩnh là địa phương tiếp nhận đào tạo tiếng Việt và chuyên ngành hệ đại học, cao đẳng, trung cấp và cao đẳng nghề cho cán bộ, học sinh, sinh viên các tỉnh của Lào với số lượng lớn nhất cả nước. Năm học 2017-2018, tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục tiếp nhận các học viên đến từ các tỉnh của Lào. Đến thời điểm hiện nay trường Đại học và các trường Cao đẳng của tỉnh tiếp nhận đào tạo gần 3.000 cán bộ, học viên đến từ 18 tỉnh của Lào, trong đó có 564 học viên trong diện tỉnh Hà Tĩnh hỗ trợ học bổng. Tỉnh đã cấp ngân sách hỗ trợ cán bộ, học sinh, sinh viên Lào hằng năm khoảng 6 đến 7 tỷ đồng.

Trên lĩnh vực y tế,
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh, Bệnh viện Đa khoa cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, Bệnh viện Đa khoa các huyện biên giới, Ban Quân dân y, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Tỉnh Đoàn Hà Tĩnh đã tổ chức khám, chữa bệnh cho hơn 4.400 lượt người Lào, cấp cứu 23 ca, điều trị và cấp thuốc miễn phí trên 700 lượt người với giá trị tiền là 175 triệu đồng và tặng một số thiết bị sách, vở học sinh trị giá 30 triệu đồng.

Trên lĩnh vực văn hoá, thể thao và du lịch, khoa học và công nghệ, tỉnh Hà Tĩnh đã tích cực quảng bá, xúc tiến du lịch trên tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây, đồng thời chủ động làm cầu nối liên doanh, liên kết du lịch giữa các tỉnh, thành phố trong cả nước cùng tham gia quảng bá tiềm năng cơ hội phát triển du lịch theo các tour du lịch với các tỉnh của Lào qua cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo - Nậm Phào (đường 8) và cửa khẩu Cha Lo - Na Phàu (đường 12).

Ngành khoa học công nghệ Hà Tĩnh và tỉnh Bolykhămxay đã tổ chức các chuyến thăm, làm việc trao đổi kinh nghiệm và hỗ trợ lẫn nhau. Hai bên đang đề xuất 02 Bộ thực hiện dự án Hợp tác theo Nghị định thư nguồn vốn của Việt Nam “Hợp tác xây dựng mô hình sản xuất nấm ăn và nấm dược liệu tại tỉnh Bolykhămxay”.

Trên lĩnh vực thương mại và đầu tư, hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư với các địa phương
, doanh nghiệp của Lào được đẩy mạnh. Qua đó, hình thành nên các mối quan hệ hợp tác như thu hút các doanh nghiệp, Công ty của Lào đầu tư vào Hà Tĩnh và Hà Tĩnh đầu tư, sản xuất kinh doanh tại Lào. Trong đó, phải kể đến Công ty TNHH Việt - Lào (Vilaco) đầu tư mở rộng sản xuất các sản phẩm thạch cao tại tỉnh Khăm Muộn. Hiện nay, Công ty đang đầu tư mở rộng khai thác mỏ mới tại bản Tưng, huyện Xebangphay và đầu tư nhà máy tấm trần công nghiệp. Ngoài ra Công ty hỗ trợ đầu tư chương trình nước sạch và khu vệ sinh, xây dựng 01 trường tiểu học, xây dựng 01 nhà mẫu giáo và hỗ trợ học bổng cho huyện Xebangphay, tỉnh Khăm Muộn tổng trị giá 2 tỷ 350 triệu đồng. Công ty Cổ phần cảng Vũng Áng Việt - Lào phục vụ vận tải hàng quá cảnh của Lào (Khăm Muộn và Savannakhet) và phục vụ phát triển hành lang kinh tế Đông - Tây.

Tính đến tháng 10-2017, tổng số lượt tàu ra vào cảng là hơn 119 lượt tàu đến từ nhiều quốc gia khác nhau. Khối lượng hàng hóa qua cảng đạt 1,743,465 tấn. Công ty TNHH MTV Lưới - Thép - Gai Hưng Thịnh đang nâng cấp, mở rộng quy mô nhà máy sản xuất lưới thép mạ kẽm và dây thép gai tại thủ đô Viêng Chăn - Lào. Công ty TNHH giống và Vật tư nông nghiệp Hà Tĩnh đang triển khai dự án đầu tư sản xuất giống cây trồng tại Huyện Khăm Cợt tỉnh Bolykhămxay; Tập đoàn Hoành Sơn mở rộng hợp tác với các doanh nghiệp của Lào trong lĩnh vực vận tải hàng hóa phục vụ cho công tác kinh doanh xuất nhập khẩu qua nước bạn Lào, với doanh thu bình quân hàng năm đạt 180 tỷ đồng (doanh thu vận tải) và 220 tỷ đồng (doanh thu bán hàng hóa)... Những hoạt động thương mại và đầu tư đó, đã làm sâu sắc thêm tình đoàn kết Việt - Lào trên lĩnh vực kinh tế, đưa hai nước anh em cùng đi lên và phát triển trong thời kỳ hội nhập.

Bên cạnh đó, trong những năm qua, tỉnh Hà Tĩnh đã phối hợp chặt chẽ với Ban Công tác đặc biệt và các ngành liên quan của tỉnh Bolykhămxay, Thủ đô Viêng Chăn trong công tác tìm kiếm, cất bốc và di dời hài cốt liệt sỹ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh tại Lào về nước an táng. Từ năm 1999 đến nay đã quy tập được 738 hài cốt liệt sỹ (riêng mùa khô 2016 - 2017 quy tập được 12 hài cốt liệt sỹ).

Về các dự án viện trợ cho Lào, năm 2015
, tỉnh Hà Tĩnh được Chính phủ giao chủ trì dự án “Xây dựng hệ thống thủy lợi huyện Nỏng Bốc, tỉnh Khăm Muộn, bao gồm đoạn kè sông Mê Kông” bằng nguồn vốn do Chính phủ Việt Nam viện trợ cho Chính phủ Lào. Đến thời điểm hiện nay các đơn vị tư vấn đã hoàn thành báo cáo nghiên cứu khả thi dự án và tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý bổ sung của các đơn vị liên quan phía Lào, Hội nghị lấy ý kiến của các sở, ngành liên quan của tỉnh Hà Tĩnh và hoàn thiện Hồ sơ. Hiện nay đã gửi Hồ sơ xin ý kiến của Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương.

Để nâng cao hiệu quả hợp tác và phát triển


Có được những thành công trên là nhờ sự nỗ lực không ngừng của cấp ủy, chính quyền và nhân dân Hà Tĩnh và các tỉnh bạn. Tuy nhiên, trước mắt và lâu dài, mối quan hệ hợp tác và phát triển đó còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Đó là: Tình hình hoạt động của các loại tội phạm trên tuyến biên giới vẫn còn tiềm ẩn phức tạp, nhất là tội phạm buôn bán, vận chuyển ma túy, buôn lậu, gian lận thương mại qua biên giới; đời sống sinh hoạt nhân dân các xã biên giới còn gặp nhiều khó khăn, nhận thức về pháp luật của nhân dân về tội phạm và tệ nạn xã hội còn hạn chế; lượng người, hàng hóa và phương tiện qua lại khu vực biên giới còn thấp, các doanh nghiệp thực hiện đầu tư phát triển chưa nhiều, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của hai nước.

Hoạt động thương mại dịch vụ, xuất nhập khẩu của Hà Tĩnh với các tỉnh của Lào vẫn chưa tương xứng với tiềm năng hai bên; hàng hóa xuất khẩu sang Lào chưa phong phú, bền vững; doanh nghiệp Lào chưa tận dụng hết chính sách ưu đãi của Việt Nam; Quốc lộ 8A đi qua khu vực cửa khẩu xuống cấp, làm ảnh hưởng lớn đến việc lưu thông của phương tiện và hàng hóa khi qua lại tuyến biên giới. Trong khi đó, phía Lào chưa có Khu kinh tế đối xứng với Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Cầu Treo tỉnh Hà Tĩnh nên hoạt động trao đổi thương mại cũng như sức hấp dẫn thu hút đầu tư còn bị hạn chế. Cơ sở hạ tầng Khu kinh tế cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo nói chung và khu vực cửa khẩu Cầu Treo chưa đáp ứng nhu cầu phát triển của Khu kinh tế.

Hệ thống kho tàng, bến bãi chưa có, một số dự án mang tính chất chiến lược tại cửa khẩu chưa được bố trí vốn kịp thời. Việc tuyên truyền, quảng bá về tiềm năng, sản phẩm hàng hóa và trao đổi thông tin giữa tỉnh Hà Tĩnh với các tỉnh của Lào chưa thường xuyên. Việc kết nối, trao đổi, cung cấp thông tin và phối hợp chưa được kịp thời. Một số cơ chế điều hành hoạt động xuất nhập khẩu, chính sách thuế và các quy định về thủ tục hải quan của 2 nước Việt Nam và Lào đều chưa ổn định. Từ đó, ảnh hưởng đến việc tiếp cận, nắm bắt thông tin cũng như quá trình phối hợp thực hiện nhiệm vụ và làm ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất, xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp hai nước.

Việc đào tạo cán bộ, sinh viên cho các tỉnh của Lào là việc làm cần thiết mang tính chính trị sâu sắc, do đó hàng năm tỉnh Hà Tĩnh và Trường Đại học Hà Tĩnh, các Trường Cao đẳng của Hà Tĩnh đã dành một khoản ngân sách nhất định để hỗ trợ, cấp học bổng cho cán bộ, học viên Lào. Tuy vậy, ngân sách tỉnh còn khó khăn, trong khi nhu cầu của các tỉnh bạn Lào gửi cán bộ, học sinh sang học tại Hà Tĩnh ngày càng nhiều nên khó khăn trong việc sắp xếp, bố trí ngân sách, hỗ trợ học viên các tỉnh của Lào...

Nhằm thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị truyền thống đặc biệt và hợp tác toàn diện lâu dài giữa Việt Nam - Lào nói chung, Hà Tĩnh và các tỉnh của bạn Lào nói riêng, cấp ủy, chính quyền và nhân dân Việt Nam - Lào, trong đó có tỉnh Hà Tĩnh và các tỉnh nước bạn Lào cần:

Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động nhân dân khu vực biên giới tuân thủ các Hiệp định, Nghị định, Quy chế biên giới hai nước Việt Nam và Lào; tuyên truyền về mối quan hệ hữu nghị đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào nhằm giáo dục truyền thống cho tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ không ngừng vun đắp và phát huy truyền thống đoàn kết hữu nghị đặc biệt Việt - Lào góp phần xây dựng tuyến biên giới hòa bình, hữu nghị và phát triển.

Thứ hai, cần có chính sách ưu tiên về đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng thiết yếu trong Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, hệ thống thương mại biên giới, các huyện, xã biên giới nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, tạo việc làm ổn định cho nhân dân khu vực biên giới, gắn phát triển kinh tế - xã hội với đảm bảo quốc phòng - an ninh, trật tự xã hội vùng biên giới.

Thứ ba, Trung ương cần sớm có văn bản chấp thuận và ủy quyền cho tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt hồ sơ Quy hoạch chi tiết xây dựng công trình và hồ sơ Dự án đầu tư xây dựng đường giao thông giữa hai cửa khẩu quốc tế Cầu Treo - Nậm Phào (đoạn phía Lào), đồng thời xúc tiến phía Lào thống nhất sử dụng nguồn vốn viện trợ của Chính phủ Việt Nam để triển khai đầu tư xây dựng dự án đường giao thông giữa hai cửa khẩu quốc tế Cầu Treo - Nậm Phào (phía Lào).

Thứ tư, xúc tiến thành lập Khu hợp tác kinh tế biên giới Hà Tĩnh - Bolykhămxay, thiết lập một không gian kinh tế chung, đưa hoạt động thương mại giữa hai nước và trong khu vực ngày một phát triển, hội nhập sâu, rộng hơn đúng như mục tiêu mà Quyết định số 162/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đề ra.

Thứ năm, làm việc với các bộ, ngành Trung ương Lào, Thái Lan để sớm đưa tuyến đường 8A, đường 12 (Việt Nam) và đường 13 (Lào) vào Hiệp định Vận tải xuyên biên giới các nước Tiểu vùng sông Mekong mở rộng (GMS-CBTA) đồng thời tập trung nguồn lực để sớm hoàn thành dự án nâng cấp mở rộng Quốc lộ 8A nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho thu hút đầu tư và hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Cầu Treo.

Thứ sáu, hỗ trợ ngân sách đào tạo cán bộ, học viên Lào cho tỉnh Hà Tĩnh để triển khai ngày càng có hiệu quả nhiệm vụ này, nhằm thắt chặt hơn nữa quan hệ hữu nghị đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai nước Việt Nam - Lào nói chung và Hà Tĩnh với các tỉnh của bạn Lào nói riêng.

Mối quan hệ hợp tác truyền thống và lâu dài giữa tỉnh Hà Tĩnh và các tỉnh nước bạn Lào là mối quan hệ đặc biệt của đặc biệt. Do đó, cấp ủy, chính quyền các cấp, mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là ở các vùng có cùng chung tuyến biên giới hai nước cần được nâng cao nhận thức và hành động, đồng lòng, đoàn kết đưa mối quan hệ đặc biệt này lên tầm cao mới, để hai nước anh em cùng nhau phát triển bền vững, dài lâu./.