TCCSĐT - Việt Nam và Canada tuy cách xa về địa lý nhưng mối quan hệ giữa hai nước luôn dựa trên các giá trị chung về hòa bình, hợp tác và hữu nghị. Hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 21-8-1973. Qua chặng đường 44 năm, hai nước đã cùng nhau xây dựng mối quan hệ đối tác toàn diện, ổn định, lâu dài và ngày càng phát triển.

Canada - Đất nước với nền văn hóa nhiều màu sắc

Là quốc gia lớn thứ hai trên thế giới về diện tích với 9.984.670 km2, nằm trải dài từ Đại Tây Dương sang Thái Bình Dương, Canada - đất nước của những cây phong lá đỏ không chỉ nổi tiếng về cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ và thơ mộng, cùng hàng ngàn công trình kiến trúc và bảo tàng nghệ thuật trên khắp đất nước, mà còn nổi tiếng là đất nước có nền văn hóa đa sắc tộc và đa sắc thái đến từ khắp các quốc gia trên thế giới.

Cùng với đó, sự phong phú về địa lý đã tạo cho đất nước Canada nhiều cảnh quan thiên nhiên kỳ thú không nơi nào có được như Thác Niagara hùng vĩ, bờ biển British Columbia tuyệt đẹp, bầu trời bao la của vùng bình nguyên, dãy núi tuyết Kananaskis, những cánh đồng hoa hướng dương ở Saskatchewan…

Canada hiện là một trong những quốc gia giàu nhất trên thế giới, có nền kinh tế lớn thứ 7 trên thế giới. Nước này cũng là thành viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD).

Canada có nguồn tài nguyên thiên nhiên đa dạng và phong phú trải dài trên khắp lãnh thổ. Các ngành kinh tế quan trọng của Canada là khai thác dầu khí, gỗ, khoáng sản, ngành công nghiệp ô tô, xe máy… Thị trường xuất khẩu hàng đầu của Canada là Hoa Kỳ.

Hiện chính phủ của Thủ tướng Justin Trudeau triển khai chính sách đối nội với khẩu hiệu “thay đổi thật sự”, tiến hành nhiều chính sách cải cách kinh tế - xã hội để vực dậy nền kinh tế, thúc đẩy đồng thuận và hài hòa phúc lợi của các tầng lớp, sắc tộc trong xã hội, đẩy mạnh công khai minh bạch trong quản lý và điều hành chính phủ…, bước đầu đem lại một số kết quả tích cực, mức độ tín nhiệm cao. Năm 2016, GDP của Canada đạt mức 1.592 tỷ USD, tăng 1,03% so với 1% của năm 2015. Theo dự báo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), năm 2017, nền kinh tế Canada có nhiều dấu hiệu khả quan nhờ sự giảm giá của đồng nội tệ và chính sách tài khóa, tiền tệ phù hợp.

Thúc đẩy quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam - Canada

Tuy cách xa về địa lý nhưng mối quan hệ Việt Nam - Canada dựa trên các giá trị chung về hòa bình, hợp tác và hữu nghị. Trong suốt hơn 4 thập niên qua, mối quan hệ giữa hai nước đã được củng cố và phát triển tốt đẹp, đem lại lợi ích nhiều mặt, thiết thực và cùng có lợi cho cả hai nước.

Quan hệ chính trị - ngoại giao không ngừng được củng cố và tăng cường, đánh dấu bằng các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao, lãnh đạo chính phủ, Quốc hội và nhiều bộ, ngành, đối tác, tổ chức đoàn thể, quần chúng hai nước. Các cuộc tiếp xúc cấp cao và khuôn khổ đối tác toàn diện vừa thể hiện sự tin cậy và hiểu biết lẫn nhau, vừa giúp đưa quan hệ giữa hai nước ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả.

Tại các diễn đàn quốc tế và khu vực, hai bên tích cực phối hợp trong các lĩnh vực: giải trừ quân bị, an ninh khu vực, thương mại quốc tế, trao đổi phiếu bầu làm thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Cùng với sự phát triển không ngừng của quan hệ chính trị - ngoại giao, quan hệ kinh tế - thương mại giữa hai nước cũng tăng lên đáng kể. Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Canada trong khối ASEAN (thị trường ưu tiên của Chương trình Hành động Thị trường Toàn cầu Canada). Năm 2016, kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai nước đạt 4,1 tỷ USD. Tính đến hết quý II-2017, kim ngạch thương mại song phương đạt 2,3 tỷ USD (cao nhất trong ASEAN). Hai nước đặt mục tiêu đạt mức 10 tỷ USD trong 10 năm tới.

Về đầu tư, Canada hiện có 149 dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng số vốn đăng ký là 5,28 tỷ USD, đứng thứ 14/112 nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Nổi bật trong số các dự án đầu tư này là: Dự án khu du lịch Hồ Tràm ở Bà Rịa - Vũng Tàu (4,2 tỷ USD); Dự án xây bệnh viện ở Hải Dương (220 triệu USD); Dự án công ty trách nhiệm hữu hạn Năng lượng gió tại Ninh Thuận (74,4 triệu USD); Công ty Bảo hiểm Manulife (50 triệu USD)…

Hợp tác về viện trợ phát triển (ODA) cũng là điểm sáng và là nét đặc thù trong quan hệ Việt Nam - Canada. Tổng giá trị ODA Canada dành cho Việt Nam từ năm 1990 đến nay là hơn 800 triệu USD. Năm 2009, Canada đưa Việt Nam vào danh sách 20 nước ưu tiên nhận viện trợ và hiện vẫn duy trì Việt Nam trong danh sách này. Hiện tổng giá trị các dự án ODA của Canada còn hiệu lực với Việt Nam là hơn 60 triệu CAD.

Về giáo dục - đào tạo, số du học sinh Việt Nam tại Canada đã tăng gấp đôi trong 10 năm qua, đưa Việt Nam trở thành nước lớn nhất trong số các nước ASEAN có du học sinh tại Canada. Hiện Việt Nam đang hợp tác chặt chẽ với các tổ chức giáo dục CBIE, MYTACS và Đại học McGill của Canada trong lĩnh vực đào tạo Pháp ngữ, công nghệ.

Hiện có khoảng 250.000 người Việt Nam sinh sống tại Canada. Vị thế của cộng đồng người Việt trong xã hội Canada ngày càng tăng cả trên lĩnh vực chính trị và kinh tế - xã hội. Ngày càng có nhiều tổ chức, hội, nhóm, cá nhân người gốc Việt ủng hộ đất nước, giúp đỡ Cơ quan đại diện của ta. Trong các cuộc trao đổi, tiếp xúc song phương ở các cấp, lãnh đạo Việt Nam đề nghị Canada quan tâm hỗ trợ để cộng đồng người Việt hội nhập với xã hội sở tại, đóng góp cho quan hệ hai nước.

Năm 2018 được xem là một dấu mốc quan trọng trong việc nâng tầm quan hệ Việt Nam - Canada với việc hai nước kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Với những nỗ lực của chính phủ và nhân dân hai nước, chắc chắn trong thời gian tới, mối quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam - Canada sẽ ngày càng đơm hoa kết trái, xứng đáng với mong muốn của nhân dân hai nước và với tầm quan trọng của Việt Nam và Canada trong một khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang phát triển sôi động.

Tin tưởng triển vọng thúc đẩy hợp tác

Ngày 02-11, Thủ tướng Canada Justin Trudeau thông báo sẽ tiến hành chuyến thăm chính thức tới Việt Nam từ ngày 08 đến 09-11, đồng thời bày tỏ hy vọng các cuộc tiếp xúc với các nhà lãnh đạo Việt Nam sẽ thúc đẩy nhiều vấn đề quan trọng giữa hai nước.

Thủ tướng J. Trudeau khẳng định, quan hệ giữa Canada và Việt Nam gắn liền với các mối quan hệ giao lưu nhân dân và đã được mở rộng mạnh mẽ trong 40 năm qua. Trên nền tảng đó, ông bày tỏ mong muốn các cuộc gặp tới đây với các nhà lãnh đạo Việt Nam sẽ thúc đẩy những vấn đề quan trọng như quản trị, tăng cường hợp tác thương mại, đầu tư và mở ra nhiều cơ hội cho tầng lớp trung lưu ở cả hai nước.

Theo kế hoạch, trong thời gian thăm Hà Nội, Thủ tướng J. Trudeau sẽ có các cuộc gặp với các nhà lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Quốc hội Việt Nam. Tiếp đó, Thủ tướng J. Trudeau sẽ tới thăm Thành phố Hồ Chí Minh gặp gỡ với các nhà lãnh đạo doanh nghiệp và tham gia một cuộc thảo luận tại Đại học Tôn Đức Thắng. Cuối cùng, ông sẽ tới thành phố Đà Nẵng dự Hội nghị Cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế sâu rộng với các nền kinh tế thành viên và giới thiệu hình ảnh Canada là một đối tác lựa chọn về thương mại và đầu tư trong khu vực. Sau Hội nghị APEC, Thủ tướng J. Trudeau sẽ tiếp tục tới Philippines dự Hội nghị Cấp cao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và các đối tác, bàn về quan hệ song phương và xác định những lĩnh vực hai bên có thể tăng cường hợp tác.

Thủ tướng J. Trudeau cho biết thông điệp chính mà ông sẽ mang tới Hội nghị Cấp cao APEC và Hội nghị Cấp cao ASEAN - Canada là “mọi người dân - gồm cả phụ nữ, thanh niên và người bản xứ - cần được hưởng lợi từ các cơ hội phát triển kinh tế toàn cầu”.

Chuyến công du lần này của Thủ tướng J. Trudeau sẽ tạo cơ hội cho ông gặp gỡ nhiều đối tác ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và thúc đẩy chương trình thương mại tiến bộ vì sự phát triển và lợi ích của tầng lớp trung lưu, đồng thời mở rộng các cơ hội can dự ở khu vực này. Và Việt Nam là cầu nối quan trọng của Canada trong khu vực/.