Thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và các nước
Thu hút đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản
Đại sứ Nguyễn Quốc Cường (trái) và Thống đốc tỉnh Okayama Ibaragi Ryuta.
Trong khuôn khổ các hoạt động quảng bá và thu hút các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam, Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Nguyễn Quốc Cường đã đi thăm ba tỉnh ở vùng Shikoku là Okayama, Tottori và Shimane trong tuần đầu tháng 10.
Tại mỗi tỉnh, Đại sứ đã gặp gỡ thống đốc tỉnh và tiến hành tọa đàm giới thiệu về tình hình Việt Nam và các cơ hội hợp tác đầu tư với đông đảo doanh nghiệp của ba tỉnh.
Thống đốc tỉnh Okayama, ông Ibaragi Ryuta, đã bày tỏ hoan nghênh chuyến thăm của Đại sứ Việt Nam và hy vọng chuyến thăm sẽ góp phần thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa tỉnh Okayama và các địa phương Việt Nam. Thống đốc Ryuta cũng chia sẻ những ấn tượng tốt đẹp về đất nước và người dân Việt Nam qua chuyến thăm Việt Nam năm 2015.
Lãnh đạo các tổ chức kinh tế của tỉnh cho biết Việt Nam là nước hiện được các doanh nghiệp tỉnh quan tâm tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư nhiều nhất với 122 doanh nghiệp, so với Trung Quốc có 72 doanh nghiệp, Thái Lan 57 doanh nghiệp và Indonesia 56 doanh nghiệp.
Thống đốc tỉnh Tottori, ông Hirai Shinji, cho biết hiện nhiều doanh nghiệp của tỉnh quan tâm đến Việt Nam. Chính quyền tỉnh đang tích cực hỗ trợ một trường của tỉnh sớm mở khóa dạy tiếng Nhật Bản để tuyển các sinh viên đã tốt nghiệp đại học tại Việt Nam nhưng chưa có việc làm sang đây, vừa học tiếng vừa thực tập tại các doanh nghiệp với những chế độ ưu đãi nhất định nhằm thu hút nguồn lao động chất lượng cao tới tỉnh.
Tỉnh Tottori cũng đang tích cực chuẩn bị để tháng 11 này sẽ tổ chức chuyến bay thuê chuyến (charter flight) đầu tiên nhằm trao đổi khách du lịch hai chiều Tottori và Việt Nam. Rất nhiều người dân của tỉnh đã đăng ký mua vé bay để tới thăm Hà Nội và Vịnh Hạ Long của Việt Nam và tỉnh cũng mong đón nhận các khách du lịch Việt Nam tới tham quan các địa danh du lịch nổi tiếng của tỉnh.
Lãnh đạo tỉnh cũng rất quan tâm nghe Đại sứ Nguyễn Quốc Cường giới thiệu về việc Việt Nam chuẩn bị lập một số đặc khu kinh tế và bày tỏ mong muốn sẽ giới thiệu cho các doanh nghiệp có công nghệ tiên tiến của tỉnh vào đặc khu kinh tế công nghệ cao sắp tới của Việt Nam. Tỉnh Tottori được mệnh danh là “vương quốc” truyện tranh manga mà cả thế giới biết đến như thám tử Conan.
Tỉnh Shimane với hơn 700.000 dân là nơi tập trung nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ trong các lĩnh vực chế tạo máy móc, sản xuất linh kiện điện tử, chế biến thực phẩm, ngư nghiệp và nông nghiệp, nhất là trồng nho với sản lượng đứng đầu Nhật Bản. Tỉnh đang trong tình trạng thiếu hụt lao động nên muốn mở rộng việc tiếp nhận tu nghiệp sinh, thực tập sinh Việt Nam.
Trao đổi với các doanh nghiệp tại ba tỉnh, Đại sứ Nguyễn Quốc Cường nhấn mạnh thông điệp mà Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nêu trong chuyến thăm chính thức Nhật Bản tháng Sáu vừa qua rằng đây là thời điểm “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” cho doanh nghiệp và các địa phương hai nước tăng cường hợp tác với nhau, góp phần vun đắp cho mối quan hệ hợp tác cùng có lợi giữa hai nước không chỉ trong vòng 5, 10 năm tới mà với tầm nhìn hàng trăm năm.
Nhiều doanh nghiệp Nhật Bản quan tâm hỏi những vấn đề rất cụ thể về các thủ tục thuế, hải quan, việc mở văn phòng đại diện, lập kho ngoại quan của Việt Nam... với mong muốn mở rộng đầu tư sản xuất và kinh doanh tại Việt Nam trong thời gian tới.
Xúc tiến thương mại và đầu tư Việt Nam - Algeria tại Biskra
Ngày 05-10 tại tỉnh Biskra, Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Algeria phối hợp cùng Phòng Thương mại và Công nghiệp Ziban (Biskra) tổ chức Chương trình xúc tiến thương mại và đầu tư Việt Nam - Algeria tại Biskra với sự tham dự của hơn 50 các doanh nghiệp của địa phương trong nhiều lĩnh vực sản xuất kinh doanh khác nhau như chà là, gạo, thức uống, vật liệu xây dựng, máy móc và du lịch.
Đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Ziban đã đánh giá cao ý nghĩa Chương trình xúc tiến thương mại và đầu tư Việt Nam - Algeria tại Biskra này. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp Biskra hiểu rõ hơn thông tin về các mặt hàng xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam, từ đó giúp doanh nghiệp 2 nước nói chung và Biskra nói riêng sẽ tăng cường hợp tác thương mại và đầu tư và các lĩnh vực trọng tâm của nhau.
Phát biểu tại hội thảo Tham tán Thương mại Việt Nam tại Algeria Hoàng Đức Nhuận đã giới thiệu tiềm năng, thế mạnh kinh tế Việt Nam đến cộng đồng doanh nghiệp địa phương, đặc biệt đối với những lĩnh vực xuất khẩu thế chủ lực của Việt Nam như thủy hải sản, hàng may mặc và giầy dép, nông sản (gạo, cafe, trái cây, hạt tiêu, hạt điều…), công nghiệp và du lịch. Ông Hoàng Đức Nhuận cũng kêu gọi các doanh nghiệp Biskra tham gia các hội chợ - triển lãm sẽ diễn ra trong quý IV 2017 để tìm kiếm cơ hội hợp tác thương mại và đầu tư như MTA Vietnam Hanoi 2017 tại thủ đô Hà Nội, Aquaculture Vietnam 2017 tại Cần Thơ, Vietnam Wood 2017 tại TP. Hồ Chí Minh, Vietnam Foodexpo 2017 tại TP. Hồ Chí Minh, Vietnam international Agriculture Fair 2017 tại Cần Thơ, Vietnam Expo 2017 tại TP. Hồ Chí Minh …
Theo Tham tán Thương mại Hoàng Đức Nhuận, hiện doanh nghiệp Biskra đang quan tâm đến nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam như thủy hải sản, các loại gạo thơm, cafe, máy móc, trang thiết bị và linh kiện… Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Biskra cũng mong muốn xuất khẩu sang Việt Nam mặt hàng chủ lực của địa phương này là chà là, đồng thời kêu gọi doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào những lĩnh vực như sản xuất máy móc và linh kiện, khai thác đá, nuôi trồng thủy sản, đồ uống không cồn,…
Phát biểu tại sự kiện, Đại sứ Phạm Quốc Trụ đánh giá cao tiềm năng hợp tác giữa các doanh nghiệp Việt Nam và tỉnh Biskra, đồng thời cho rằng, sự kiện này sẽ góp phần tăng cường trao đổi thương mại và đầu tư giữa 2 quốc gia trong tương lai.
Trong khuôn khổ sự kiện này, Đại sứ Phạm Quốc Trụ cùng đoàn công tác đã có các buổi gặp gỡ và làm việc với Tỉnh trưởng tỉnh Biskra Ahmed Kerroun và Thị trưởng Biskra Slimani Azzecdine cũng như thăm các doanh nghiệp trồng và xuất khẩu chà là và tham quan nhiều địa danh nổi tiếng có thế mạnh du lịch tại địa phương.
Cách thủ đô Alger khoảng 470 km về phía Đông Nam với dân số khoảng 900.000 người, Biskra là một trong những địa phương có thế mạnh về nông nghiệp của Algeria, đặc biệt là trồng và xuất khẩu chà là, trong đó nổi tiếng là thương hiệu Chà là Deglet Nour de Tolga được đánh giá là thuộc hàng ngon nhất thế giới.
Thu hút đầu tư Thái Lan vào khu vực duyên hải miền Trung Việt Nam
Ngày 06-10, Hội thảo “Khu vực duyên hải miền Trung Việt Nam: Tiềm năng và cơ hội cho các nhà đầu tư Thái Lan” đã diễn ra tại thủ đô Bangkok với mục đích giới thiệu các cơ hội và tiềm năng đầu tư vào khu vực duyên hải miền Trung Việt Nam cho các nhà đầu tư Thái Lan.
Sự kiện do Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan và Ủy ban Đầu tư Thái Lan (BOI) phối hợp tổ chức, nhận được sự quan tâm lớn từ cộng đồng doanh nghiệp Thái Lan trong đó có Hội đồng Kinh doanh Thái Lan - Việt Nam (TVBC), Liên đoàn Công nghiệp Thái Lan (FTI), các trung tâm nghiên cứu cùng gần 200 doanh nghiệp nước này.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Đại sứ Nguyễn Hải Bằng đã chào mừng các đại biểu đại diện cho chính quyền và cộng đồng doanh nghiệp hai nước đến tham dự hội thảo, đồng thời bày tỏ mong muốn các doanh nghiệp tham gia sẽ trao đổi những thông tin thiết thực, hữu ích một cách thẳng thắn, cởi mở về cơ hội đầu tư và kết nối hợp tác - kinh doanh Việt Nam - Thái Lan trong thời gian tới. Đại sứ nhấn mạnh mối quan hệ chính trị, ngoại giao tốt đẹp giữa hai nhà nước, hai Chính phủ Việt Nam - Thái Lan đóng vai trò vô cùng quan trọng, tạo ra môi trường tin cậy và hành lang pháp lý thuận lợi cho các hoạt động hợp tác kinh doanh của các doanh nghiệp. Các mối quan hệ đối tác trong thương mại, đầu tư cũng tạo nên những lợi ích góp phần làm sâu sắc thêm quan hệ đối tác chiến lược giữa hai quốc gia. Thái Lan hiện nay là 1 trong 10 đối tác đầu tư lớn nhất vào Việt Nam với tổng vốn đăng ký trên 8,4 tỷ USD thông qua gần 500 dự án, nhưng chủ yếu là vào khu vực phía Nam và Bắc Việt Nam. Miền Trung Việt Nam hiện đang được hưởng nhiều chính sách ưu đãi thu hút đầu tư nước ngoài từ chính phủ và chính quyền địa phương, cũng như có lợi thế kết nối hạ tầng giao thông, logistic thuận tiện, dễ dàng giữa khu vực miền Trung Việt Nam với Hành lang kinh tế phía Đông của Thái Lan, các doanh nghiệp Thái Lan được ưu tiên chào đón đến đầu tư trong thời gian tới.
Trong khi đó, ông Chokdee Keawsang (Sốc-đi Kẹo-sang) - Phó Tổng thư ký Ủy ban Đầu tư Thái Lan (BOI), nhận định Thái Lan và Việt Nam là hai nước gần gũi về địa lý với các tiềm năng hợp tác to lớn. Việt Nam cũng là một thị trường lớn, ngày càng thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp Thái Lan trong thời gian qua. Miền Trung Việt Nam là địa bàn chiến lược với nhiều cơ hội đầu tư hiện đang được nhà nước Việt Nam quan tâm phát triển. Các doanh nghiệp Thái Lan nên nắm bắt cơ hội đầu tư ở miền Trung Việt Nam, vượt qua các khó khăn bất cập để cạnh tranh với các nước khác. Ông cho biết BOI sẽ mở văn phòng tại Hà Nội vào đầu năm sau để hỗ trợ các doanh nghiệp Thái Lan đầu tư vào thị trường Việt Nam.
Tại hội thảo, ông Trịnh Minh Vân, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư miền Trung thuộc Cục Đầu tư nước ngoài của Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam, đã giới thiệu toàn cảnh về hoạt động đầu tư của nước ngoài trong đó có Thái Lan tại Việt Nam cũng như các tiềm năng, thuận lợi của môi trường đầu tư của Việt Nam nói chung và khu vực miền Trung nói riêng. Ông cũng nhấn mạnh hội thảo là cơ hội tốt để nâng cao quảng bá hình ảnh môi trường đầu tư của khu vực miền Trung Việt Nam với các nhà đầu tư tiềm năng của Thái Lan và cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài (FDI) đang hoạt động tại đây. Các tỉnh, thành phố, doanh nghiệp trong khu vực sẽ đối thoại, trực tiếp giới thiệu, xúc tiến các dự án cơ hội đầu tư trọng điểm với các tổ chức quốc tế, đối tác và nhà đầu tư Thái Lan có quan tâm.
Các đại biểu dự hội thảo cũng đã trình bày những tham luận nghiên cứu về xu thế đầu tư của khu vực với những ảnh hưởng đến hoạt động phát triển kinh tế của Thái Lan và Việt Nam. Tại cuộc đối thoại của đại diện doanh nghiệp Việt Nam và Thái Lan cùng đại diện của BOI và đại diện các địa phương, nhiều khúc mắc về quy trình pháp lý, thủ tục cùng chính sách hỗ trợ đã được giải đáp. Bên lề Hội thảo, một triển lãm về tiềm năng kinh tế biển và cơ hội đầu tư tại khu vực duyên hải Miền Trung Việt Nam và hoạt động đầu tư của doanh nghiệp Thái Lan vào Việt Nam cũng đã thu hút sự chú ý của các doanh nghiệp và giới chức Thái Lan. /.
Có thể hoàn thành toàn bộ 13 chỉ tiêu Quốc hội giao  (08/10/2017)
Gặp gỡ hữu nghị và hợp tác nhân dân Việt Nam-Campuchia  (08/10/2017)
Năm 2016, cả nước có hơn 18 triệu lao động phi chính thức  (08/10/2017)
Đại sứ Phạm Quang Vinh dự tọa đàm về cấu trúc an ninh châu Á-Thái Bình Dương và thăm bang Hawaii  (08/10/2017)
Ngày làm việc thứ tư Hội nghị Trung ương 6  (08/10/2017)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển