TCCSĐT - Luật Dân quân tự vệ số 43/2009/QH12 được Quốc hội thông qua ngày 23-11-2009 tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa 12, có hiệu lực thi hành từ ngày 01-7-2010. Sau gần 8 năm thực hiện, cần đánh giá khách quan, toàn diện việc thực hiện Luật, những khó khăn, vướng mắc, bất cập để xây dựng kế hoạch bổ sung, sửa đổi trong Chương trình xây dựng pháp luật thời gian tới.

Sau khi Luật có hiệu lực, cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp, người đứng đầu cơ quan, tổ chức đã lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện, đưa Luật Dân quân tự vệ đi vào cuộc sống, đạt kết quả thiết thực. Chất lượng tổng hợp và khả năng sẵn sàng chiến đấu của dân quân tự vệ từng bước được nâng lên, góp phần quan trọng bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới, biển, đảo của Tổ quốc, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, tăng cường và củng cố tiềm lực quốc phòng, tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa phương, cơ sở.

Để đánh giá khách quan, toàn diện việc thực hiện Luật Dân quân tự vệ và hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị sửa đổi Luật Dân quân tự vệ, báo cáo Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội, trình Quốc hội khóa XIV xem xét, quyết định và đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019; Thủ tướng Chính phủ đã chỉ thị tổ chức tổng kết thực hiện Luật Dân quân tự vệ giai đoạn từ năm 2010 đến năm 2017 trên phạm vi toàn quốc.

Nội dung tổng kết cần tập trung đánh giá kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về dân quân tự vệ gồm: Những hạn chế, vướng mắc, bất cập về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với công tác dân quân tự vệ nói riêng và trong tổng thể công tác quốc phòng ở các bộ, ngành, địa phương nói chung; làm rõ nguyên nhân, rút ra bài học kinh nghiệm trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Luật Dân quân tự vệ.

Đồng thời, cần đánh giá sự phù hợp, thống nhất, đồng bộ giữa Luật Dân quân tự vệ với Hiến pháp năm 2013, các văn bản quy phạm pháp luật và điều ước quốc tế có liên quan và những hạn chế, vướng mắc, bất cập của Luật Dân quân tự vệ và các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành; phương hướng, nhiệm vụ và đề xuất chủ trương, giải pháp nâng cao chất lượng tổng hợp, tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước về dân quân tự vệ trong tình hình mới; khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện công tác dân quân tự vệ.

Chấp hành chỉ thị của Thủ tướng, ngày 11-4-2017 , Bộ Quốc phòng có Quyết định số 1133/QĐ-BQP ban hành Kế hoạch tổng kết thực hiện Luật Dân quân tự vệ năm 2009; yêu cầu các ban, bộ, ngành, cơ quan, tổ chức ở Trung ương; Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp với Bộ Quốc phòng triển khai thực hiện Quyết định này.

Thực hiện chỉ thị của Thủ tướng và Kế hoạch của Bộ Quốc phòng, đến nay, nhiều địa phương đã triển khai hội nghị tổng kết thực hiện Luật Dân quân tự vệ năm 2009.

Cần Thơ: Tại hội nghị tổng kết thực hiện Luật Dân quân tự vệ năm 2009 do Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố Cần Thơ tổ chức ngày 15-9, Đại tá Nguyễn Tuấn Khanh - Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự Cần Thơ cho biết, sau 8 năm triển khai thực hiện, Luật Dân quân tự vệ đã góp phần quan trọng bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ.

Theo Đại tá Nguyễn Tuấn Khanh, Luật Dân quân tự vệ đã được thành phố Cần Thơ triển khai thực hiện một cách hiệu quả, đạt chất lượng, nâng cao khả năng chiến đấu của dân quân tự vệ. Đặc biệt, Luật Dân quân tự vệ được thực hiện đã góp phần tích cực trong việc giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân; củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng, tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế-xã hội...

Bên cạnh đó, việc thực hiện Luật Dân quân tự vệ cũng còn một số hạn chế về lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, tổ chức xây dựng, huấn luyện, đào tạo, hoạt động và bảo đảm chế độ chính sách... Một số cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, tổ chức chưa nhận thức sâu sắc, toàn diện về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ dân quân tự vệ; công tác đăng ký, quản lý công dân trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ chưa thực hiện chặt chẽ; nhiều doanh nghiệp chưa tổ chức được tự vệ và chưa tổ chức cho người lao động thực hiện nghĩa vụ tham gia dân quân ở địa phương theo quy định của pháp luật.

Từ những hạn chế trên, Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố Cần Thơ đề nghị trong thời gian tới, cho phép xây dựng lược lượng dân quân theo yêu cầu, nhiệm vụ và tình hình thực tế của địa phương, đảm bảo về số lượng, chất lượng tổng hợp, bảo đảm kinh phí cho huấn luyện, hoạt động và thực hiện tốt chế độ chính sách. Song song đó, Cần Thơ đề nghị Bộ Quốc phòng nghiên cứu, cắt bỏ một số nội dung, để tăng thêm thời lượng huấn luyện cho các nội dung khác, nhất là thời lượng huấn luyện kỹ thuật, chiến thuật để đảm bảo chất lượng tuyệt đối an toàn; cấp mới, bổ sung tài liệu, vật chất, mô hình, học cụ phục vụ huấn luyện và đào tạo. Đặc biệt, Bộ Quốc phòng cần có cơ chế cho phép các địa phương mua sắm xe gắn máy để làm phương tiện và đề nghị trang bị công cụ hỗ trợ cho lực lượng dân quân tự vệ tham gia hoạt động theo Nghị định của Chính phủ...

Hòa Bình: Ngày 12-9, UBND tỉnh Hòa Bình tổ chức hội nghị Tổng kết thực hiện Luật Dân quân tự vệ năm 2009.

Hòa Bình là tỉnh cửa ngõ phía Tây Bắc Thủ đô Hà Nội, có vị trí chiến lược quan trọng trong thế trận phòng thủ Quốc gia. Sau hơn 8 năm thực hiện Luật Dân quân tự vệ năm 2009, công tác quân sự địa phương có nhiều chuyển biến tích cực. Tỷ lệ dân quân tự vệ đạt 1,90% so với dân số của tỉnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quốc phòng, an ninh trong tình hình mới.

Việc tuyển chọn lực lượng dân quân tự vệ nòng cốt được thực hiện theo nguyên tắc cấp ủy lãnh đạo, chính quyền điều hành, cơ quan quân sự tham mưu, bảo đảm "Dân bàn, dân cử, dân chăm lo”. Quá trình tuyển chọn luôn xem xét kỹ, nhất là phẩm chất chính trị, độ tin cậy, không theo số lượng; tỷ lệ đảng viên trong lực lượng dân quân tự vệ năm 2017 chiếm 19,9%, tăng 2,3% so với năm 2010; quân số huấn luyện luôn được bảo đảm từ 97% trở lên.

Lực lượng dân quân tự vệ tỉnh Hòa Bình cũng đã tham gia diễn tập phòng thủ khu vực, phòng chống bạo loạn, phòng chống thiên tai kết hợp xây dựng nông thôn mới, đóng góp hàng vạn ngày công làm đường giao thông, công trình thủy lợi; xử lý kịp thời nhiều sự cố cháy nổ, cháy rừng, sập hầm, sạt lở, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân.

Tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình Nguyễn Văn Quang yêu cầu các cấp ủy, chính quyền, các ngành của tỉnh tiếp tục nâng cao nhận thức và trách nhiệm đối với nhiệm vụ xây dựng lực lượng dân quân tự vệ; đồng thời đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp đào tạo cán bộ Ban Chỉ huy Quân sự cấp xã; có cơ chế chính sách đãi ngộ tốt đối với lực lượng dân quân tự vệ tại địa phương.

Bắc Giang: Ngày 12-9, UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức tổng kết thực hiện Luật Dân quân tự vệ năm 2009.

Tại hội nghị, các đại biểu đã chỉ ra một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật như: Công dân trong độ tuổi đi làm ăn xa hoặc làm việc tại các khu, cụm công nghiệp nên thường xuyên vắng mặt tại địa phương, ảnh hưởng tới việc quản lý, xây dựng lực lượng. Luật Dân quân tự vệ và các văn bản liên quan chưa quy định cụ thể việc xây dựng lực lượng tự vệ trong doanh nghiệp có 100% vốn nước ngoài…

Để tiếp tục thực hiện hiệu quả Luật Dân quân tự vệ, theo Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Nguyễn Văn Linh, thời gian tới tỉnh phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị trong xây dựng lực lượng dân quân tự vệ; giải quyết dứt điểm những vướng mắc, hạn chế trong quá trình triển khai Luật Dân quân tự vệ. Tỉnh thực hiện tốt cơ chế lãnh đạo, quản lý, điều hành của cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu các cơ quan, tổ chức và vai trò tham mưu của cơ quan chức năng đối với công tác dân quân tự vệ. Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng tổng hợp của lực lượng dân quân tự vệ, chú trọng nâng cao chất lượng về chính trị, từng bước nâng cao khả năng cơ động, trình độ tác chiến và hiệu quả hoạt động, đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ trong mọi tình huống; bổ sung, hoàn chỉnh các chế độ, chính sách với lực lượng dân quân tự vệ. Tỉnh cũng kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc, tạo nguồn lực mọi mặt để xây dựng, huấn luyện lực lượng dân quân tự vệ hoạt động hiệu quả. Các cấp, các ngành, địa phương ở tỉnh tiếp tục quán triệt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới đến cán bộ, đảng viên và nhân dân. Tỉnh tăng cường quản lý nhà nước, sự lãnh đạo của cấp ủy, điều hành của chính quyền và vai trò tham mưu của cơ quan quân sự các cấp đối với công tác xây dựng lực lượng dân quân tự vệ. Cùng với đổi mới toàn diện công tác huấn luyện lực lượng dân quân tự vệ, tỉnh tập trung cao cho việc huấn luyện lực lượng dân quân cơ động; kiện toàn đủ số lượng, chất lượng thôn đội trưởng, tiểu đội trưởng ở các xã, thị trấn.../.