TCCSĐT - Sáng 08-8, Lễ kỷ niệm 50 năm thành lập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã được tổ chức trọng thể tại Trung tâm Hội nghị quốc tế Philippines ở thủ đô Manila. Tham dự buổi lễ có Tổng thống nước chủ nhà Rodrigo Duterte, Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh, các bộ trưởng ngoại giao đến từ 10 nước ASEAN và các nước đối tác - đối thoại. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và phu nhân đã dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự lễ kỷ niệm.

Với chủ đề "Dưới một ánh sáng, chúng ta là một ASEAN", buổi lễ kỷ niệm đã diễn ra trang trọng, vui tươi với nhiều tiết mục văn nghệ đặc sắc ca ngợi sự đoàn kết, tình hữu nghị giữa các nước ASEAN, cùng nhau vượt qua thách thức và vươn tới tầm cao và thắng lợi mới. Buổi lễ cũng dành thời gian tưởng nhớ đến những người sáng lập cũng như vinh danh những công dân ASEAN có đóng góp to lớn cho các lĩnh vực nông nghiệp, kinh tế-xã hội của ASEAN.

Phát biểu khai mạc buổi lễ, Ngoại trưởng Philippines Alan Peter Cayetano nhấn mạnh sau 50 năm, ASEAN đã trở thành một tổ chức khu vực uy tín, là đối tác tin cậy của nhiều quốc gia trên thế giới. ASEAN đã dẫn dắt các nước thành viên vượt qua nhiều thách thức để phát triển, trong đó sự đoàn kết, đồng thuận trong ASEAN là yếu tố then chốt để ASEAN duy trì được hòa bình, ổn định, làm cơ sở để cùng nhau phát triển, hướng tới một cộng đồng thịnh vượng, lấy người dân làm trung tâm.

Trong thông điệp tại lại lễ kỷ niệm, Tổng thống nước chủ nhà Duterte cũng khẳng định tầm quan trọng của ASEAN trong 50 năm qua và mong muốn ASEAN tiếp tục phát trển bền vững, đem lại sự thịnh vượng chung cho mọi người dân. Sau 50 năm, vai trò và vị thế của ASEAN đã được xác lập và khẳng định vững chắc. Điều này được thể hiện qua sự lớn mạnh của Cộng đồng ASEAN, sự gắn kết chặt chẽ cả về chính trị, kinh tế, văn hóa giữa các thành viên, sự phát triển nhanh chóng của các mối quan hệ của ASEAN với các đối tác bên ngoài, sự tôn trọng và ủng hộ của các nước đối với vai trò trung tâm của hiệp hội trong các tiến trình khu vực. Tổng thống Duterte nhấn mạnh rằng trong bối cảnh hiện nay, ASEAN cần tiếp tục phát huy tính chủ động, liên kết mạnh mẽ hơn nữa cũng như thích ứng với tình hình phát triển mới của khu vực và trên thế giới. Đặc biệt, trong thông điệp của mình, nhà lãnh đạo Philippines đã bày tỏ lòng biết ơn và vinh danh những người đã sáng lập ASEAN.

Dấu ấn chặng đường 50 năm phát triển

Trải qua 50 năm hình thành và phát triển với nhiều thăng trầm, ASEAN đã khẳng định vị thế của một tổ chức vững mạnh, liên kết sâu rộng và là đối tác không thể thiếu của các nước trên thế giới với những thành tựu đáng tự hào.

- Quy mô dân số: 635 triệu dân

- Tổng sản phẩm quốc nội (GDP): khoảng 3.000 tỷ USD

- Tổng kim ngạch thương mại hàng năm: hơn 1.000 tỷ USD, trong đó thương mại nội khối chiếm 1/4

- Là nền kinh tế lớn thứ 6 thế giới và thứ 3 châu Á sau Trung Quốc và Ấn Độ. Dự đoán ASEAN sẽ là nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới trong năm 2025

- ASEAN đã xây dựng các liên kết kinh tế với nhiều đối tác. Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) được ASEAN khởi xướng lần đầu tiên vào năm 2011 sẽ tạo dựng nên một trong những khối thương mại lớn nhất thế giới, bao gồm gần một nửa dân số thế giới và hơn 1/3 thương mại toàn cầu. ASEAN hiện có 10 đối tác đối thoại chính thức, trong đó có 8 quốc gia và 2 tổ chức quốc tế là Liên hợp quốc và Liên minh châu Âu. Có 6 đối tác đối thoại được thiết lập từ những năm 1970, gồm: Australia (1974), New Zealand (1975), Canada, EU, Nhật Bản, Mỹ và Liên hợp quốc (1977). Riêng quan hệ đối thoại với Liên hợp quốc sau này được thay thế bằng đối tác toàn diện.

- ASEAN chính thức thiết lập quan hệ đối thoại với Nhật Bản vào năm 1973. Hiện Nhật Bản là đối tác thương mại và là nhà cung cấp vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp (FDI) đứng thứ 2 ở ASEAN. Tổng vốn FDI của Nhật Bản đầu tư vào ASEAN đạt 17,4 tỷ USD, chiếm 14,5% tổng lượng vốn FDI vào ASEAN. Kim ngạch thương mại 2 chiều giữa ASEAN-Nhật Bản đạt 239 tỷ USD trong năm 2015, chiếm 10,5% tổng thương mại của ASEAN. Hiện hơn 10.000 doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động tại ASEAN, tạo công ăn việc làm cho lao động trẻ ở khu vực này cũng như thúc đẩy kinh tế - xã hội của các nước thành viên.

- ASEAN chính thức thiết lập quan hệ đối thoại với Liên minh châu Âu vào năm 1977. EU là thị trường xuất khẩu và là nhà cung cấp vốn FDI hàng đầu của ASEAN trong khi ASEAN là đối tác thương mại lớn thứ 3 của châu Âu, sau Mỹ và Trung Quốc, với kim ngạch thương mại 2 chiều giữa ASEAN - EU trong năm 2016 đạt 228 tỷ USD. FDI của EU chiếm 22% tổng lượng vốn FDI vào ASEAN. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của EU sang Việt Nam gồm dược phẩm, máy móc, thiết bị vận tải, trong khi nhập khẩu các sản phẩm nông sản, dệt may từ ASEAN.

- ASEAN chính thức thiết lập quan hệ đối thoại với Hoa Kỳ vào năm 1977. Hiện Hoa Kỳ là bạn hàng lớn thứ 4 của ASEAN với tổng kim ngạch thương mại hai chiều đạt 212,8 tỷ USD trong năm 2015, đồng thời cũng là nước đứng đầu về đầu tư trực tiếp vào ASEAN với tổng giá trị lên tới 274 tỷ USD. Bên cạnh đó, quan hệ hợp tác kinh tế hai bên cũng đã mang lại hơn 5 triệu việc làm tại Hoa Kỳ.

- ASEAN chính thức thiết lập quan hệ đối thoại với Trung Quốc vào năm 1991. Trung Quốc đã 8 năm liên tiếp là đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN, còn ASEAN là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Trung Quốc trong 6 năm vừa qua. Kim ngạch thương mại hai chiều giữa Trung Quốc và ASEAN tăng từ mức 8 tỷ USD vào năm 1991 lên mức 452 tỷ USD vào năm 2016. Kim ngạch đầu tư hai chiều tăng từ mức 500 triệu USD vào năm 1991 lên 180 tỷ USD vào năm 2016.

- ASEAN chính thức thiết lập quan hệ đối thoại với Ấn Độ vào năm 1992. Hiện ASEAN là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Ấn Độ, chiếm 10% tổng thương mại của nước này trong khi Ấn Độ trở thành đối tác thương mại lớn thứ 7 của ASEAN. Nếu như năm 1992, tổng kim ngạch thương mại của Ấn Độ với ASEAN đạt gần 5 tỷ USD thì sau hơn 20 năm, con số này đã lên tới hơn 76,53 tỷ USD giai đoạn 2014-2015, 65,04 tỷ USD giai đoạn 2015-2016. Hai bên đặt mục tiêu đưa kim ngạch thương mại giữa ASEAN và Ấn Độ đến năm 2025 đạt 200 tỷ USD.

- ASEAN cũng xây dựng thành công quan hệ hữu nghị và hợp tác cùng có lợi với nhiều tổ chức ở khu vực và trên thế giới. Trong đó, đáng kể nhất là đối tác toàn diện ASEAN- Liên hợp quốc được thành lập và nâng cấp năm 1977, Hội đồng Hợp tác các nước vùng Vịnh (GCC), Khối thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur), Nhóm Rio và sau này là Cộng đồng các quốc gia Nam Mỹ và Carribe và Liên minh Thái Bình Dương.

Đến nay, đã có 86 quốc gia ngoài ASEAN cử đại sứ tại ASEAN; đặc biệt là các nước và đối tác lớn như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Nga và EU. Từ cuối thập niên đầu thế kỷ XXI, ASEAN đã cải thiện nhanh chóng và mở rộng quan hệ đối thoại chiến lược với Mỹ và chú trọng làm sâu sắc quan hệ hơn với Trung Quốc, nhất là quan hệ kinh tế. Các đối tác của ASEAN, đặc biệt là các nước lớn đều mong muốn ASEAN phát huy vai trò trung tâm trong các cơ chế hợp tác ở khu vực./.