Các dân tộc ASEAN cùng gắn kết, chia sẻ lợi ích trên chặng đường mới
Trải qua 50 năm hình thành và phát triển (08-8-1967 - 08-8-2017), Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã không ngừng phát triển, đóng góp hiệu quả cho đối thoại, hợp tác vì hòa bình, ổn định, phồn vinh của châu Á-Thái Bình Dương nói chung và Đông Nam Á nói riêng.
Dưới mái nhà chung ASEAN, các dân tộc Đông Nam Á cùng gắn kết, chia sẻ lợi ích và tiếp tục hợp tác, phát triển trên chặng đường mới.
ASEAN - thực thể kinh tế ổn định
Trải qua 50 năm, ASEAN đã ghi vào lịch sử của mình những thành tựu quan trọng. Từ năm nước thành viên ban đầu (Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan) đến nay đã mở rộng, gồm đầy đủ 10 nước Đông Nam Á, trở thành một tổ chức hợp tác khu vực toàn diện, hoạt động trên cơ sở pháp lý và khuôn khổ thể chế là Hiến chương ASEAN.
Đặc biệt, ASEAN đã có sự chuyển mình mang tính bước ngoặt khi chính thức hình thành Cộng đồng từ ngày 31-12-2015 với đầy đủ ba trụ cột về chính trị-an ninh, kinh tế và văn hóa-xã hội.
Dấu mốc bản lề này đã giúp ASEAN bước vào giai đoạn phát triển mới vững vàng hơn, được nâng cao cả về hình thức và cấp độ hợp tác, là sự chuẩn bị nền tảng và khuôn khổ cho ASEAN xây dựng thành công một Cộng đồng ASEAN “gắn kết về chính trị, liên kết về kinh tế và cùng chia sẻ trách nhiệm xã hội”.
ASEAN hiện nay là một thực thể kinh tế ổn định, năng động, có khả năng thích ứng cao trước các chuyển biến của khu vực và thế giới. Với hơn 625 triệu dân, Cộng đồng ASEAN là một thị trường giàu tiềm năng tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương; tổng GDP đạt gần 3.000 tỷ USD, đứng thứ 7 thế giới; tổng thương mại hằng năm trên 1.000 tỷ USD. ASEAN hiện có các hiệp định thương mại tự do với tất cả các đối tác lớn của khu vực như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand...
ASEAN giữ vai trò kết nối quan trọng ở khu vực nhờ thành công trong quan hệ với nhiều đối tác bên ngoài, nhất là các nước lớn, góp phần xây dựng, định hình cấu trúc khu vực thông qua các tiến trình, cơ chế, diễn đàn do ASEAN khởi xướng và dẫn dắt như Cấp cao Đông Á (EAS), Diễn đàn an ninh khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị các Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+), Diễn đàn biển ASEAN mở rộng (EAMF) cũng như hợp tác chống tội phạm xuyên quốc gia...
Nhận định về chặng đường nửa thế kỷ qua của ASEAN, giáo sư-tiến sỹ Suchit Bunbongkarn, Nghiên cứu viên cao cấp của Viện nghiên cứu An ninh và Quốc tế của Thái Lan, cho rằng trong 50 năm qua, ASEAN trải qua những thăng trầm. Tuy nhiên, ASEAN đã vượt qua và trở thành một cộng đồng chung. Hiện ASEAN đang nỗ lực tập trung vào các biện pháp xây dựng lòng tin và tiếp tục đối mặt với tình hình an ninh ngày càng khó lường cả ở góc độ truyền thống, phi truyền thống tại châu Á-Thái Bình Dương do bối cảnh chính trị, an ninh biến động trong khu vực.
Những chuyển động không ngừng của thế giới nói chung và khu vực châu Á-Thái Bình Dương nói riêng mang lại cho ASEAN nhiều cơ hội nhưng cũng không ít những thách thức đan xen. Trong bối cảnh đó, ASEAN đứng trước yêu cầu phải tìm ra các giải pháp để ứng phó hiệu quả và bảo đảm việc thực hiện các mục tiêu gồm xây dựng Cộng đồng vững mạnh, thu hút sự tham gia và mang lại lợi ích thiết thực cho người dân; nâng cao vai trò trung tâm của ASEAN trong khu vực và tiếng nói của ASEAN trên thế giới; đẩy mạnh liên kết kinh tế nội khối và thúc đẩy thương mại, tăng khả năng cạnh tranh, sức hấp dẫn của ASEAN; thúc đẩy an sinh xã hội (đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững 2030), gia tăng gắn kết người dân, nâng cao giá trị Cộng đồng.
Chia sẻ về hướng phát triển của ASEAN trong giai đoạn mới, Đại sứ Claro Suarez Cristobal, Viện trưởng Viện nghiên cứu chính sách đối ngoại Philippines, cho rằng để thực hiện các mục tiêu của Cộng đồng ASEAN cần đầu tư phát triển con người. Trong đó, đầu tư vào thế hệ trẻ sẽ giúp các mục tiêu và khát vọng của Cộng đồng ASEAN đạt được sớm hơn.
Theo Đại sứ Claro Suarez Cristobal, đầu tư vào thế hệ trẻ bằng cách phát triển các kỹ năng và kiến thức công nghệ; khuyến khích sự sáng tạo và nâng cao trình độ công nghệ cho giới trẻ.
Việt Nam tích cực thúc đẩy hợp tác trong ASEAN
Những năm qua, Việt Nam thể hiện sự tham gia và đóng góp tích cực, chủ động, có trách nhiệm trong hoạt động hợp tác ASEAN, góp phần quan trọng vào kết quả triển khai Tầm nhìn ASEAN 2025 trên ba trụ cột: chính trị-an ninh, kinh tế, văn hóa-xã hội nhằm thúc đẩy xây dựng Cộng đồng ASEAN.
Đánh giá về những đóng góp của Việt Nam vào quá trình phát triển của ASEAN, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng nêu rõ với tinh thần tích cực, trách nhiệm, Việt Nam xác định tham gia ASEAN trước hết là để đóng góp vào sự đoàn kết thống nhất của Hiệp hội. Việt Nam có những chính sách, hành động và ứng xử không chỉ vì lợi ích của Việt Nam mà vì lợi ích chung của ASEAN, của Cộng đồng.
Việt Nam luôn quan tâm đến lợi ích của các nước bạn để có được sự hài hòa, thống nhất chung của ASEAN. Nhận thức rõ các thách thức đang đặt ra cho ASEAN, Việt Nam luôn đoàn kết cùng với các nước thành viên khác để nỗ lực vượt qua.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng thực hiện nghiêm túc và chủ động đưa ra các sáng kiến hợp tác, liên kết khu vực, đặc biệt ưu tiên thu hẹp khoảng cách phát triển cũng như thúc đẩy thực hiện các dự án để kết nối mạnh mẽ hơn trong ASEAN. Về đối ngoại, Việt Nam luôn cùng các nước thành viên ASEAN duy trì sự cân bằng trong quan hệ với các nước lớn, làm sao thu hút được sự quan tâm và thừa nhận vai trò của ASEAN ở khu vực.
Trong những năm qua, Việt Nam đã tham gia đầy đủ, tích cực vào các hoạt động của ASEAN trên tất cả các lĩnh vực, phối hợp chặt chẽ với các nước thành viên rà soát, triển khai các cam kết về thương mại hàng hóa, dịch vụ, đầu tư. Việt Nam tích cực, chủ động phối hợp với các nước ASEAN xây dựng và thông qua các kế hoạch hành động chiến lược trong các lĩnh vực chuyên ngành nhằm thực hiện Kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng kinh tế ASEAN năm 2025.
Với vai trò điều phối hợp tác kinh tế ASEAN-Liên minh châu Âu (EU), Việt Nam đã đóng góp tích cực vào thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại hai bên, được Liên minh châu Âu và ASEAN đánh giá cao. Việt Nam cũng đảm nhiệm tốt vai trò chủ trì đàm phán Hiệp định thương mại dịch vụ trong khuôn khổ Hiệp định đối tác toàn diện ASEAN-Nhật Bản (AJCEP) và chủ tọa Nhóm Đầu tư, đại diện cho ASEAN trong đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Bên cạnh đó, Việt Nam đã tích cực đề xuất sáng kiến, đóng góp vào những tiến triển trong lĩnh vực liên quan trực tiếp đến lợi ích của người dân...
Ngay trước ngày kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập ASEAN, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 50 và các Hội nghị liên quan đang diễn ra tại Manila, Philippines. Một lần nữa, Việt Nam tiếp tục tham gia tích cực trên tất cả các nội dung, góp phần thúc đẩy các ưu tiên chung của khu vực, thu hẹp khoảng cách phát triển, đẩy mạnh thương mại, đầu tư, du lịch; tăng cường quan hệ với các đối tác trong và ngoài ASEAN.
Những đóng góp của Việt Nam tại các hội nghị lần này nhằm góp phần củng cố đoàn kết, thống nhất và đảm bảo các nguyên tắc của ASEAN; nâng cao vai trò của ASEAN trong đảm bảo hòa bình, an ninh và phát triển ở khu vực; thúc đẩy thực chất quan hệ giữa ASEAN với các đối tác và tăng cường hiệu quả của các diễn đàn, cơ chế khu vực do ASEAN giữ vai trò chủ đạo.
Ngày nay, ASEAN đã là mái nhà chung của các dân tộc Đông Nam Á, với nền móng chắc chắn và những trụ cột vững vàng, liên kết chặt chẽ hơn, đoàn kết thống nhất và giữ vai trò trung tâm ở khu vực. Một Cộng đồng ASEAN vững mạnh, phồn vinh và vì người dân sẽ góp phần bảo đảm những lợi ích lâu dài của các quốc gia thành viên cũng như toàn thể người dân trong khu vực.
Là thành viên chủ động, tích cực và có trách nhiệm, Việt Nam sẽ tiếp tục những nỗ lực cùng các nước thành viên xây dựng một Cộng đồng đoàn kết, hợp tác, cùng phát triển thịnh vượng, vì hòa bình, ổn định, vì cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn của người dân ASEAN./.
Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước dự lễ nhậm chức của Tổng thống Iran  (07/08/2017)
PVN và Vinatex sẽ tích cực phối hợp thực hiện thỏa thuận tiêu thụ xơ sợi  (07/08/2017)
Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 31-7 đến ngày 06-8-2017  (07/08/2017)
Việt Nam đề xuất nhiều sáng kiến tăng cường hợp tác Mekong-Nhật Bản  (06/08/2017)
Canada cam kết hỗ trợ Việt Nam giải quyết thách thức về môi trường  (06/08/2017)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên