Trường Sa - Đã gặp, không quên
Kỳ 2: Bình dị mà cao đẹp
TCCSĐT - Hôm chúng tôi đến thăm đảo Sơn Ca (ngày 10-5), bất ngờ gặp một ngư dân đang nằm điều trị tại bệnh xá của đảo. Chàng thanh niên ấy thật may mắn được mổ ruột thừa kịp thời khi vừa lên đảo, và sau 5 ngày được các y sĩ Hải quân điều trị tận tình, chăm sóc chu đáo, anh mới chắc rằng mình như được sinh ra lần thứ hai, ở trên đảo tiền tiêu của Tổ quốc…
1. Không phải như sinh ra lần thứ hai sao được, khi cơn đau ruột thừa đột ngột, nhói buốt của chàng ngư dân Nguyễn Văn Say (huyện Phú Quý, tỉnh Bình Thuận) cách đảo Sơn Ca chừng hơn chục hải lý (khoảng 16km), nếu không kịp liên hệ để đến đảo, không được các y bác sĩ kịp thời hội chẩn và tiến hành mổ gấp, tận tình điều trị, chăm sóc, mạng sống chắc rất mong manh. Say năm nay mới 23 tuổi, cùng 18 người khác trên thuyền đi đánh bắt ở ngư trường gần đảo Sơn Ca đã nhiều lần, nên cũng thường xuyên ghé đảo xin thuốc, nước ngọt… Như bao tàu cá của bà con các tỉnh khác, suốt những năm tháng qua. Hôm Say bị quặn đau ruột thừa, tàu cá anh làm việc tức tốc nhằm hướng đảo Sơn Ca thẳng tiến. Và rồi cậu ruột của Say là Ngô Hai (28 tuổi) ở lại đảo chăm sóc cháu. Không chỉ Say được các chiến sĩ Hải quân chăm sóc chu đáo, “rất là nhiệt tình”, miễn phí mà Ngô Hai cũng được “bao” ăn, ở mà không phải lo lắng gì đến việc thanh toán “viện phí” khi hồi phục hoàn toàn và lên tàu tiếp tục công việc đánh bắt hải sản. Dù chưa thể nói to, rõ, nhưng chàng ngư phủ trẻ Nguyễn Văn Say cũng cố gắng gật, gật và khẽ khàng nói lời cảm ơn chân tình đến cán bộ, chiến sĩ ở đảo Sơn Ca đã “sinh ra” anh lần thứ hai.
Nhưng không chỉ Say được các chiến sĩ Hải quân mổ cấp cứu kịp thời, nhiều năm qua, hàng ngàn ngư dân các tỉnh miền Trung, có cả ngư dân nước ngoài đánh bắt hải sản gần đó khi bị tai nạn, bệnh tật cũng tìm đến các đảo Việt Nam cấp cứu và được cứu chữa, cứu sống. Và không chỉ các chiến sĩ đảo Sơn Ca, mà tất cả các đảo chìm, đảo nổi, nhà giàn thuộc quần đảo Trường Sa đều luôn xem trọng mối quan hệ “quân với dân như cá với nước”, luôn bảo đảm sự đoàn kết, thân thiện, tạo mọi điều kiện tốt nhất cho ngư dân tham gia đánh bắt hải sản trên ngư trường thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Trung úy Lê Hồng Luân, y sĩ mới ra làm nhiệm vụ tại Bệnh xá đảo Sinh Tồn cũng kể rằng, kíp y bác sĩ làm nhiệm vụ tại đảo trước anh, vào tháng 02-1016 đã cứu chữa kịp thời cho một ngư dân người Phi-líp-pin. Gần đây, là việc cứu chữa 2 trường hợp, một là ngư dân bị chấn thương sống lưng khi kéo phao dù phải xử trí, điều trị tại đảo trong vòng nửa tháng và một ngư dân bị máy dập đá cuốn mất hết da cánh tay, đứt gân, mất nhiều máu phải nằm tại đảo điều trị hơn chục ngày. Tất cả, đều miễn phí. Không ngột ngạt xếp hàng, âu lo chờ đợi. Không chút thái độ cáu bẳn, bực dọc... Mà chỉ là sự thân thiện, bao dung, chân tình. Những cử chỉ, hành động ấy càng tăng thêm ấn tượng, tình cảm tốt đẹp cho ngư dân đánh bắt xa bờ, càng giúp bà con thêm yên tâm mỗi lần ra khơi. Và hôm chúng tôi đã tạm biệt hải trình, về tới đất liền vẫn nghe tin Bệnh xá đảo Sinh Tồn cấp cứu kịp thời ngư dân Nguyễn Tưởng (sinh năm 1988, huyện Phú Quý, tỉnh Bình Thuận) bị bệnh tim vào tối ngày 13-5-2017. Chắc chắn, sẽ còn nhiều trường hợp được may mắn cứu chữa như thế, với sự tận tâm, tận lực và yêu nghề của các y bác sĩ nơi đầu sóng ngọn gió. Bởi không chỉ đảo Sơn Ca, đảo Sinh Tồn mà tất cả các đảo chìm, đảo nổi, nhà giàn ở quần đảo Trường Sa, các chiến sĩ Hải quân vẫn thường xuyên có những hành động, nghĩa cử bình dị mà cao đẹp trong việc chăm sóc, điều trị, cấp cứu ngư dân không may gặp nạn trên biển. Đại úy Phan Văn Bình - Chỉ huy trưởng đảo Đá Lát - cho biết: “Trong năm 2016 và 3 tháng đầu năm 2017, đơn vị tiến hành khám và cấp phát thuốc điều trị cho 211 lượt ngư dân, sơ cứu ban đầu và chuyển sang bệnh xá Trường Sa 1 ngư dân; cùng với các lực lượng trên đảo cứu hộ cho 1 tàu cá bị nạn bảo đảm an toàn tuyệt đối về con người… Đảo Đá Lát và trạm Hải đăng là chỗ dựa tin tưởng, vững chắc cho ngư dân yên tâm đánh bắt hải sản mỗi khi ra khơi”.
Tàu cá của ngư dân luôn có "điểm tựa" là các đảo - Ảnh: D.M
Bên cạnh đó, là sự tạo điều kiện thuận lợi, nhanh chóng cho các tàu cá được cấp phép đánh bắt hải sản. Là sự cung cấp nước ngọt, thuốc men miễn phí khi bà con ngư dân có nhu cầu tìm đến đảo, mặc cho điều kiện sinh hoạt của chính các chiến sĩ cũng còn không ít chật vật, khó khăn, phải tiết kiệm nước ngọt một cách tối đa nhất có thể.
2. Không chỉ cung cấp nước sạch, thuốc men, tận tình cứu chữa, kịp thời điều trị cho các ngư dân không may bị bệnh, tai nạn trên biển; trên quần đảo Trường Sa còn có những đảo có âu thuyền, trung tâm dịch vụ hậu cần, kỹ thuật đủ sức cung cấp đá cây, sửa chữa tàu thuyền cho bà con ngư dân khi không may bị hỏng hóc trên biển. Trong hải trình chúng tôi đến Trường Sa, đã may mắn được tận thấy những đảo có âu thuyền, thậm chí âu thuyền rất lớn.
Đầu giờ chiều một ngày chói chang nắng, thứ nắng rát đặc sản đảo xa khiến ai cũng vội vã tìm cách đi, chạy thật nhanh để trốn nắng, đặc biệt là chị em phụ nữ; chúng tôi đến đảo Sinh Tồn. Ngay vừa cập đảo, đã xuất hiện Trung tâm dịch vụ hậu cần - kỹ thuật đảo Sinh Tồn khang trang, vững chãi mới khánh thành. Thượng úy Trần Huy Thái - chỉ huy phó Trung tâm, phụ trách âu tàu - cho biết, Trung tâm đi vào hoạt động từ tháng 11-2016, đã cấp hơn 100 khối nước ngọt miễn phí cho bà con, sửa chữa 40 ghe, trong đó 11 ghe phải sửa chữa lớn, đều miễn phí tiền công. Việc cung cấp dầu thì bằng với giá trong đất liền. Mới đây, có trường hợp ghe của ngư dân bị hỏng nặng, phải kéo về bờ mới sửa chữa được, nhưng Trung tâm đã xử lý và nếu tính chi ly, việc thuê tàu kéo về và sửa chữa, thay thế bà con “phải mất 300 triệu đồng”… Thế nên, tình cảm bà con ngư dân dành cho các chiến sĩ Hải quân làm nhiệm vụ ở âu tàu cũng thật đáng quý. Thi thoảng bà con cũng vào đảo biếu cán bộ, chiến sĩ các loại hải sản đánh bắt được, như cá, tôm, ốc… “Mùa này, chủ yếu bà con ngư dân các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định hành nghề câu mực. Cuối năm, thêm tàu các tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Thuận đến ngư trường đánh bắt. Có đợt, bà con câu được cá ngừ khoảng 60kg ghé vào tặng Trung tâm, đó là tình cảm tuyệt vời nhất”, thượng úy Thái bộc bạch.
Ông Trần Phước Vạn - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Song Tử Tây - cho biết, xã đảo có âu tàu, bà con ngư dân thường xuyên vào lấy nước, tránh bão… Ông Vạn nhớ, vào tháng 11-2013, khi cơn bão Hải Yến hoành hành trên Biển Đông, hơn 700 bà con ngư dân đã vào Song Tử Tây tránh bão và ở lại mấy ngày liền. “Thức ăn bộ đội cung cấp, cán bộ xã cùng phục vụ. Bà con ở nhà ủy ban, chùa. Chỗ nào trống thì ở… Bà con ở nhiều địa phương, chủ yếu đến từ các tỉnh Bình Định, Quảng Ngãi, Phú Yên. Bây giờ, thi thoảng bà con vẫn gọi điện hỏi thăm”, ông Vạn kể. Đó chắc hẳn là những niềm vui, nguồn lực vô hình động viên, tiếp sức các chiến sĩ Hải quân vững tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ, để mối quan hệ quân-dân ngày càng bền chặt, ý nghĩa.
Vừa đến đảo Đá Tây, tôi đã rẽ ngay tới khu vực được xem là khang trang nhất đảo, với nhiều nhà xưởng mới được đưa vào sử dụng. Rộng thênh thang. Đó là âu tàu, là lòng hồ giữa đảo có thể chứa tới 200 tàu tránh bão an toàn. Không chỉ có vậy, Công ty TNHH Một thành viên dịch vụ khai thác hải sản Biển Đông (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) - đơn vị quản lý, khai thác Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá đảo Đá Tây - được xem là lớn nhất khu vực quần đảo Trường Sa, còn vừa khánh thành nhà máy sản xuất nước đá với công suất 880 cây đá/ngày, mỗi cây 50kg. Bên cạnh đó, trung tâm cung cấp các dịch vụ, dầu, thực phẩm, thu mua hải sản cho bà con ngư dân đều với giá như ở trên bờ. Sắp tới, khu nhà xưởng sơ chế hải sản cho bà con sẽ được hình thành… Điều đó, tạo điều kiện cho bà con yên tâm bám biển dài ngày, khẳng định vững chắc chủ quyền biển đảo của Việt Nam.
Ông Chu Minh Sơn, Trưởng ban quản lý Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá đảo Đá Tây cho biết, trong những năm qua, công tác dịch vụ hậu cần nghề cá tại đảo Đá Tây từng bước đi vào hoạt động có hiệu quả mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho hàng ngàn con tàu của bà con ngư dân đánh bắt khai thác hải sản trên vùng biển Trường Sa-DK1, các dịch vụ ưu tiên ưu đãi mà công ty đang thực hiện đến với bà con ngư dân đã mang lại niềm tin và là chỗ dựa vững chắc, là địa chỉ tin cậy cho những con tàu ra khơi khai thác đánh bắt dài ngày trên biển. “Với đội ngũ cán bộ công nhân viên dày dạn kinh nghiệm làm việc trên biển, luôn chấp hành tổ chức kỷ luật tốt, sẵn sàng chịu đựng mọi khó khăn gian khổ, đoàn kết một lòng vượt qua mọi khó khăn vất vả. Trong những năm qua đã công tác, phục vụ và giúp đỡ cho hàng ngàn con tàu của bà con ngư dân đến cung ứng hàng hóa làm các dịch vụ tại nơi đây đầy đủ, chu đáo về số và chất lượng. Được bà con ngư dân tin tưởng khen ngợi và đồng tình ủng hộ”, ông Sơn tự hào.
Cơn mưa lớn bất chợt trút xuống đảo. Những chú chó tinh nghịch, nóng bức lao ra sân xi măng tắm mưa đầy thích thú. Chó ở đảo thật hay, dù thấy bao người lạ nhưng cũng không bao giờ sủa, nói gì đến cắn. Trong thời gian trú lại đảo Đá Tây, chúng tôi hỏi chuyện được nhiều người hơn, nhiều chuyện hơn, đọc được nhiều những cảm nghĩ của các đoàn công tác từng đến thăm đảo trước đó, trong đó có thăm Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá.
Tôi chú ý một trang viết với nét chữ nắn nót, rất đẹp, đề ngày 08-4-2012, do Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tư lệnh Hải quân, Đô đốc Nguyễn Văn Hiến viết có đoạn: “Thay mặt Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Hải quân chúc cán bộ, công nhân viên Trung tâm sức khỏe, hạnh phúc và trưởng thành, phát huy hiệu quả dịch vụ cung ứng cho ngư dân các địa phương ra khai thác đánh bắt hải sản trên vùng biển, đoàn kết hiệp đồng với cán bộ, chiến sĩ đảo Đá Tây góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân trên biển đảo, góp phần xây dựng bảo vệ vững chắc biển đảo thân yêu của Tổ quốc”.
3. Nhiều năm gần đây, các đảo nổi đã có thêm nhiều hộ dân sinh sống. Và trường học mọc lên là nhu cầu tất yếu. Có điều, những lớp học ở quần đảo Trường Sa thật đặc biệt, với đủ cả các em từ mẫu giáo đến lớp 4-5 đều ngồi chung phòng học, đều học chung các thầy… Có trẻ em, có lớp học, có tiếng nô đùa, ê a học bài, đảo như gần đất liền hơn. Những cán bộ, chiến sĩ có con cũng đang ở độ tuổi đi học, nhìn cảnh tượng bình dị ấy, đôi khi có nhớ nhà, nhớ con hơn nhưng đa phần là vơi đi cảm giác xa cách. Có lẽ cũng vì vậy mà đại đức Thích Nhuận Đạt - trụ trì chùa Song Tử Tây - đưa ra nhận xét khái quát, ngắn gọn về cuộc sống trên đảo rằng, “vui nhộn, như trong đất liền”.
Tác giả với trẻ em ở Trường Sa Lớn - Ảnh: D.M
Trung tá Lương Quốc Anh - chỉ huy đảo Sinh Tồn - khái quát, “bà con trên đảo tương đối đầy đủ về mọi mặt, yên tâm bám biển, các cháu chăm ngoan, học giỏi...”. Chúng tôi bất chợt đến anh Võ Thanh Hòa, 39 tuổi. Trong ngôi nhà khang trang, sạch sẽ, anh Hòa cho biết, ngoài việc đi đánh bắt hải sản cải thiện điều kiện sống anh còn tham gia dân quân tự vệ. Cuộc sống nói chung ổn định về mọi mặt, chỉ mong là sau này các cháu lớn lên được vào bờ học hành chu đáo, thành người. Cùng dãy nhà với anh Hòa, anh Nguyễn Văn Lương hôm đó cũng không đi biển, vì đảo có khách. Anh Lương cho biết, hồi đầu ra đảo thấy hơi khó khăn, vì sóng gió, hạn hán, bão tố. Khi mới ra “cái gì cũng không biết, nhờ bộ đội giúp đỡ”. Và giờ thì ổn định với cảnh vợ chồng ở nhà chăn nuôi, trồng trọt, chồng thi thoảng đi biển. Môi trường sống lại thoải mái, trong lành, bớt ồn ào hơn khi ở đất liền. “Có khi đi chỉ được vài ký, có chuyến cả mấy tạ. Nhiều quá lại tặng bộ đội, bộ đội tặng lại mình cái khác. Cuộc sống mà”, anh Lương vui kể…
Cũng vì có dân, có trường lớp, có chính quyền, đoàn thể mà tình cảm quân-dân càng thêm gắn bó khăng khít, máu thịt hơn. Ông Trần Phước Vạn - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Song Tử Tây - cảm nhận rõ ràng rằng “tình cảm quân - dân rất tốt. Bộ đội tạo điều kiện hết mức, hỗ trợ tăng gia sản xuất, ổn định tư tưởng chính trị. Bà con đôi khi cũng hỗ trợ lại nếu đánh bắt, tăng gia được nhiều. Ấn tượng tốt nhất của tôi là tình cảm quân - dân rất tốt, khăng khít mà trong đất liền không thể có được”. Và ở nhiều đảo, các gia đình đều khá giống với gia đình chị Nguyễn Thị Ngọc Trang ở đảo Song Tử Tây, với việc vợ ở nhà nội trợ, chăm sóc con cái, chồng đi đánh bắt ngoài biển, cải thiện bữa ăn tươi. Chị Trang cho biết, cuộc sống bảo đảm tốt, chỉ thiếu sữa cho bọn trẻ, việc tăng gia, sản xuất đánh bắt hải sản đủ rau xanh, thực phẩm quanh năm. “Khi tăng gia, đánh bắt được nhiều cũng có tặng, chia sẻ với bộ đội. Lâu lâu đảo làm heo, cho các cháu 1-2kg”, chị Trang kể.
Hơn 17 giờ, tàu nhổ neo chia tay Song Tử Tây. Chiều buông trên biển vẫn chói nắng. Đảo xanh tươi như một khu rừng nhỏ với những bàng vuông, phong ba, thông; vươn cao những ngọn hải đăng, trạm dự báo khí tượng, sở chỉ huy đảo, thấp thoáng cong cong mái chùa nằm ngay sát biển, dãy trụ phong điện tít mù quay đón gió... Tàu rúc 3 hồi còi chia tay vang vọng mênh mông biển, bời bời gió, thẫm xanh mặt biển xôn xao sóng hát dưới mạn tàu...
Chủ tịch nước Trần Đại Quang chiêu đãi chào mừng Tổng thống Séc  (08/06/2017)
Thông tin kinh tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 29-5 đến 04-6-2017)  (06/06/2017)
Sự kiện trong nước nổi bật tuần qua (từ ngày 29-5 đến ngày 04-6-2017)  (06/06/2017)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe  (06/06/2017)
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển nông nghiệp và sự vận dụng của Đảng đối với vấn đề bảo đảm an ninh lương thực ở Việt Nam hiện nay
- Công an nhân dân tu dưỡng, rèn luyện, quyết tâm thực hiện lời căn dặn “Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
- Chính sách đối ngoại đa phương của nước Mỹ tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Nâng cao chất lượng quản lý đảng viên ở ngoài nước trong giai đoạn mới: Thực trạng và giải pháp
- Xây dựng huyện đảo Trường Sa trở thành trung tâm kinh tế - xã hội trên biển gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo: Thực tiễn và vấn đề đặt ra hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên