Rào cản trong thương mại quốc tế: Thực tiễn và giải pháp cho Việt Nam

Vũ Thị Như Quỳnh Đại học Thương mại
21:43, ngày 24-05-2017

TCCSĐT - Năm 2017 và những năm tiếp theo có thể sẽ là giai đoạn nhiều khó khăn đối với cộng đồng doanh nghiệp trong nước do sự thay đổi từ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình dương, xu hướng chống toàn cầu hóa bùng phát, Mỹ tăng lãi suất và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang tới… Những nhân tố đó có thể dẫn tới sự đảo chiều của thương mại, đầu tư quốc tế, ảnh hưởng lớn đến các nền kinh tế mới nổi, có độ mở cao, coi xuất khẩu và đầu tư nước ngoài là những động lực tăng trưởng chính như Việt Nam.

Trước những thay đổi rất phức tạp liên quan tới vấn đề thương mại và môi trường cũng như hệ thống pháp luật, quy định mới, những chuẩn bị nhằm phòng ngừa, hạn chế cũng như xử lý các tranh chấp phát sinh là việc hết sức cần thiết.

Bối cảnh và những vấn đề đặt ra

Sự ra đời và phát triển của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) là một bước tiến vững chắc cho tiến trình tự do hóa thương mại trên quy mô toàn cầu. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, đặc biệt là do trình độ phát triển kinh tế không đồng đều, các nước đều duy trì các biện pháp thương mại nhằm bảo hộ nền sản xuất nội địa, bên cạnh biện pháp bảo hộ bằng thuế quan còn rất nhiều biện pháp phi thuế quan. Nếu như biện pháp thuế quan rất rõ ràng và dễ dự đoán thì các biện pháp phi thuế quan có thể làm “nhiễu” tín hiệu chỉ dẫn quyết định của người sản xuất và người tiêu dùng, tín hiệu chỉ dẫn việc phân bổ nguồn lực trong nội bộ nền kinh tế, phản ánh không trung thực lợi thế cạnh tranh. Mặc dù về lý thuyết, WTO chỉ thừa nhận thuế quan là công cụ bảo hộ hợp pháp duy nhất nhưng thực tế đã chứng minh rằng các nước không ngừng sử dụng các biện pháp phi thuế quan mới.

Mức độ cần thiết và lý do sâu xa dẫn đến việc bảo hộ sản xuất nội địa của từng nước cũng khác nhau, đối tượng cần bảo hộ cũng khác nhau khiến cho các hàng rào phi thuế ngày càng trở nên đa dạng. Có thể sử dụng nhiều biện pháp phi thuế quan để phục vụ một mục tiêu, mặt khác, một biện pháp phi thuế quan có thể đồng thời phục vụ hiệu quả nhiều mục tiêu khác nhau. Xu hướng chung trong việc sử dụng các biện pháp phi thuế quan để bảo hộ sản xuất trong nước là chuyển từ các biện pháp mang tính chất hạn chế định lượng trực tiếp sang các biện pháp tinh vi hơn, như: tiêu chuẩn kỹ thuật, phòng vệ thương mại, chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ… Ngoài ra, xu hướng sử dụng các biện pháp hạn chế nhập khẩu gắn với yêu cầu tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường và lao động đang nổi lên và được nhiều nước phát triển hậu thuẫn mạnh mẽ.

Khi một biện pháp phi thuế quan gây cản trở thương mại không biện minh được theo tinh thần và các nguyên tắc của WTO, biện pháp này bị coi là một hàng rào phi thuế quan (Non Tariff Barrier - NTB). Trên thực tế, nhiều khi rất khó phân biệt một biện pháp phi thuế quan có phải là một rào cản phi thuế quan hay không. Ngoài ra, một biện pháp phi thuế quan có thể là hợp pháp trong một giai đoạn nhất định nhưng có thể bị coi là một rào cản phi thuế quan vào một giai đoạn khác.

Điều cần lưu ý là thuật ngữ “hàng rào phi thuế quan” hay “rào cản phi thuế quan” tuy được sử dụng rộng rãi nhưng là một thuật ngữ khá mơ hồ và không phải là thuật ngữ chính thống được WTO sử dụng. Các văn bản pháp lý của WTO chỉ sử dụng thuật ngữ “biện pháp phi thuế quan” mà không bao giờ nhắc đến hàng rào phi thuế quan. Đặc biệt thuật ngữ “hàng rào” được sử dụng chỉ một lần trong văn bản của WTO.

Năm 2007, Việt Nam gia nhập WTO, đánh dấu việc hoàn thành cơ bản lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế. Tới nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ thương mại với gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, được xem là nước có nền kinh tế hướng ra xuất khẩu mạnh mẽ nhất ASEAN, là quốc gia có nền kinh tế với “độ mở” khá cao. Mức độ cam kết hội nhập kinh tế quốc tế đã chuyển dần từ thấp lên cao, từ hẹp sang rộng, phù hợp với xu thế phát triển của kinh tế khu vực và thế giới. Cùng với 8 hiệp định thương mại tự do (FTA) truyền thống, tham gia Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) vào tháng 12-2015, ký kết các FTA thế hệ mới…, những tác nhân có thể đưa nền kinh tế Việt Nam bước lên những nấc thang cao hơn của quá trình tăng trưởng, nhưng cũng có thể đẩy nền kinh tế sa vào bẫy thu nhập trung bình, cơ cấu lợi thế so sánh của Việt Nam có thể sẽ bị cố định hóa, không thể chuyển dịch lên cao hơn. Đây là cái bẫy của trào lưu mậu dịch tự do mà Việt Nam sẽ phải đối diện trong vài năm tới, sẽ là nước sản xuất và xuất khẩu nguyên liệu nông, lâm, thủy sản và hàng công nghiệp sử dụng lao động giản đơn, nếu không có chiến lược, biện pháp, sự đầu tư, đổi mới để nâng cao sức cạnh tranh.

Mặc dù số lượng các vụ điều tra liên quan đến phòng vệ thương mại trên thế giới ngày càng giảm song đối với hàng hóa Việt Nam lại có xu hướng gia tăng. Thống kê cho thấy mỗi năm chúng ta thiệt hại hơn 14 triệu USD do hàng xuất khẩu bị trả lại. Từ năm 1995 đến năm 2015, đã có tổng cộng 73 vụ kiện phòng vệ thương mại của nước ngoài điều tra với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, trong đó, hàng xuất khẩu của Việt Nam đã chịu 43 vụ kiện chống bán phá giá, 15 vụ kiện tự vệ, 5 vụ chống trợ cấp và 10 vụ chống lẩn tránh thuế. Mười hai ngành hàng gồm: thủy sản, chất dẻo, cao-su, giấy, dệt may, da giày, thiết bị điện, máy móc phụ tùng, linh kiện điện tử, đồ nội thất, đo lường, các sản phẩm thép và kim loại, là những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam có tần suất vướng các vụ kiện chống bán phá giá ngày càng lớn.

Sự phát triển mạnh mẽ của ngành thủy sản đã đưa Việt Nam trở thành nước đứng đầu thế giới về sản lượng cá tra; đứng thứ ba về sản lượng tôm. Tính đến nay, sản phẩm thủy sản nước ta đã có mặt tại 156 quốc gia và vùng lãnh thổ với thị trường chính là các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU), Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc. Ðây cũng là lý do mà mặt hàng này luôn đối mặt nhiều rào cản kỹ thuật từ các nước. Ở ba thị trường lớn EU, Mỹ, Nhật Bản thì Việt Nam là một trong ba nước đứng đầu về số vụ bị từ chối nhập khẩu sản phẩm thủy sản. Ðó là chưa kể các vụ kiện chống bán phá giá, khởi đầu với mặt hàng cá tra, ba-sa và sau đó là mặt hàng tôm từ phía Bộ Thương mại Mỹ.

Thực tế cho thấy, sản phẩm bị khởi kiện ngày càng đa dạng, trước đây chỉ mặt hàng có kim ngạch lớn như thủy sản, da giầy, nhưng nay, ngay cả những mặt hàng có kim ngạch chỉ vài chục triệu đô-la Mỹ (như lò xo, giường ngủ…) cũng phải đối mặt với các vụ kiện. Trong vụ kiện về mặt hàng túi nhựa PE, Mỹ đồng thời kiện cả chống bán phá giá và chống trợ cấp. Vụ việc này có nguy cơ trở thành một tiền lệ xấu đối với các hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường rộng lớn này. Điều đáng chú ý là, các vụ kiện thương mại tại các thị trường truyền thống như EU, Mỹ có chiều hướng giảm đi hoặc giữ nguyên thì chúng lại có xu hướng gia tăng tại các nước đang phát triển như Bra-xin, Ma-lai-xi-a, Thái Lan, Ấn Độ, Ai Cập… do xuất khẩu của Việt Nam có tốc độ tăng trưởng khá cao (khoảng 20%/năm). Bên cạnh đó là hiện tượng phòng vệ thương mại quốc tế theo hiệu ứng “domino”, hiệu ứng cộng gộp cũng đáng lo ngại. Các nhà sản xuất nước nhập khẩu có quyền cộng thị phần hàng hóa của một nhóm nước xuất khẩu để khởi kiện. Trong nhiều vụ kiện, các hình thức cộng gộp đối với hàng hóa Việt Nam là đa số. Lý do khiến các vụ kiện phòng vệ thương mại đối với Việt Nam có thể tiếp tục gia tăng trong thời gian tới là phần lớn các đối tác thương mại vẫn xem Việt Nam là nền kinh tế phi thị trường (NME). Điều này thường dẫn đến kết quả là biên độ phá giá cao hơn, các bên tham gia vào quá trình điều tra phải bỏ thêm nhiều công sức và chi phí. Nhiều nước cũng đã lạm dụng biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ hàng hóa trong nước. Gần đây, một số nước đặc biệt là các nước phát triển đang cố gắng tạo ra những rào cản đối với thương mại quốc tế. Đó là các biện pháp gắn với môi trường và tiêu chuẩn lao động để hạn chế nhập khẩu. Nếu bị áp dụng các biện pháp này, các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam sẽ rất khó thâm nhập thị trường các quốc gia này.

Trong tương lai, Nghị viện châu Âu sẽ tăng cường rà soát chính sách của Ủy ban châu Âu (EC) liên quan tới phòng vệ thương mại và chống bán phá giá. Các doanh nghiệp xuất khẩu từ nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, sẽ chịu tác động từ động thái này. Điều này cho thấy các doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn hơn khi xuất khẩu vào thị trường EU.

Hiện Chính phủ Mỹ đang có những bước chuẩn bị để từ ngày 01-01-2018, các sản phẩm thủy, hải sản nhập khẩu vào nước này phải có nhãn chứng minh nguồn gốc, quá trình sản xuất, chế biến, quy định này không loại trừ sản phẩm nào, của quốc gia nào. Tất nhiên sẽ gồm cả tôm và cá tra, những mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam. Với các doanh nghiệp, để tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, đưa hàng vào Mỹ phải đáp ứng hai điều kiện bắt buộc: phải có mã số DUNS (mã số nhận dạng doanh nghiệp duy nhất trên toàn cầu) và trao đổi dữ liệu điện tử (EDI).

Giải pháp cho thời gian tới

Việt Nam bị đánh giá là nước có năng lực cạnh tranh thấp, trình độ khoa học - công nghệ và trình độ phát triển doanh nghiệp tụt hậu xa so với các đối tác. Ngoài ra, với trình độ quản lý doanh nghiệp còn hạn chế, công nghệ lạc hậu, trình độ lao động tay nghề thấp, quy mô nhỏ... dẫn đến khả năng tham gia vào chuỗi toàn cầu rất yếu. Hiện tại, 96% doanh nghiệp là vừa và nhỏ, trong đó, số doanh nghiệp siêu nhỏ chiếm đến 70%.

Trong các FTA thế hệ mới, những quy định về phát triển bền vững cũng như các quy định về hàng rào kỹ thuật, biện pháp vệ sinh dịch tễ ngày càng chặt chẽ hơn, việc thực thi trong ngắn hạn chắc chắn sẽ ảnh hưởng nhất định đến chi phí của doanh nghiệp. Điều đáng quan ngại là việc các nước có xu hướng tìm cách tận dụng triệt để các vấn đề này như là những biện pháp bảo hộ cuối cùng sau khi hàng rào thuế quan gần như được hoàn toàn xóa bỏ. Khi dư địa (cắt giảm thuế) không còn nhiều, mà chỉ còn ở các nhóm hàng nhạy cảm, trong đó có hàng nông, thủy sản, rào cản về mặt kỹ thuật mới là vấn đề Việt Nam đang gặp khó khăn để vượt qua. Thay vì cố gắng tham gia các FTA, giảm hàng rào thuế quan, thì việc nâng cao năng lực cạnh tranh, nâng cao khả năng để vượt qua các rào cản về mặt kỹ thuật quan trọng không kém, bởi chi phí cho việc này đôi khi lớn hơn cả chênh lệch về thuế quan được hưởng. Trên thị trường thế giới, hàng của Việt Nam sẽ phải cạnh tranh với hơn 200 quốc gia khác nhau. Các sản phẩm Việt Nam cần phải có những thay đổi về chất lượng để khẳng định thương hiệu của mình. Các doanh nghiệp nên coi các nước nhập khẩu đang áp dụng các biện pháp phòng vệ đối với hàng hóa của mình chỉ là một hình thức rủi ro trong thương mại. Trong kế hoạch kinh doanh, các doanh nghiệp cần đưa nội dung này vào quản lý như các rủi ro thường gặp khác trong quá trình phát triển thị trường.

Việc phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường sẽ khiến doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam dễ bị mắc vào “bẫy” kiện bán phá giá do các nước tìm cách cân bằng lại cán cân thương mại bằng cách dựng lên các hàng rào kỹ thuật. Vì vậy, theo nhiều chuyên gia kinh tế, Việt Nam phải gấp rút thay đổi cơ cấu thị trường theo hướng“bỏ trứng vào nhiều giỏ”. Biện pháp phòng tránh tốt nhất với các vụ kiện là thường xuyên theo dõi nhằm phát hiện kịp thời những nguy cơ bị kiện. Việc tuyên truyền, xây dựng và cập nhật cơ sở dữ liệu về thương mại liên quan đến sản phẩm, thu thập thông tin để cảnh báo nguy cơ cần thực hiện thường xuyên, liên tục. Khi hàng hóa bị khởi kiện, các doanh nghiệp nên tích cực, chủ động trong quá trình điều tra để hạn chế tới mức thấp nhất những tổn thất do vụ kiện gây ra. Tổ chức tốt kênh thông tin cho các doanh nghiệp về rào cản thương mại của các nước nhập khẩu là hết sức quan trọng. Cần tổ chức thường xuyên các lớp bồi dưỡng, tập huấn cho các doanh nghiệp cũng như đa dạng hóa các kênh thông tin.

Trong chiến lược kinh doanh, doanh nghiệp cần thể hiện rõ kế hoạch bảo vệ môi trường, dành cho nó một vị trí quan trọng với nguồn kinh phí hợp lý. Cần chủ động lập kế hoạch về các hạng mục cần đầu tư, kinh phí cần thiết, lộ trình thực hiện… nhằm đưa nhiệm vụ bảo vệ môi trường trở thành hoạt động có kế hoạch, đáp ứng yêu cầu cả trước mắt và lâu dài cho hoạt động xuất khẩu. Yêu cầu bức thiết là cần phải nhanh chóng triển khai áp dụng các hệ thống quản lý môi trường như ISO14.000, HACCP, thực hiện quản lý tốt (GMP), thực tiễn nuôi trồng tốt (GAP).

Dù là nước được xếp vào nhóm quốc gia có nhiều quy chuẩn, tiêu chuẩn nhất (hiện đang có đến 795 tiêu chuẩn và 97 quy chuẩn) nhưng thực tế không ít quy định mà Việt Nam đang áp dụng lại... chưa phù hợp, dàn trải. Hệ thống quản lý vẫn còn tình trạng “giật cục”, dẫn đến quy chuẩn áp dụng chung cho doanh nghiệp không thống nhất, đồng bộ. Cần khẩn trương rà soát điều chỉnh, bổ sung, xây dựng mới các tiêu chuẩn về chất lượng, kỹ thuật, yêu cầu về nhãn mác, bao bì sản phẩm, vệ sinh an toàn thực phẩm, các biện pháp kiểm dịch động thực vật phù hợp với các yêu cầu của WTO và thông lệ quốc tế.

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, trước sức ép hội nhập như hiện nay, việc cần làm là nhanh chóng xã hội hóa hoạt động thử nghiệm, chứng nhận. Trong đó, nên mạnh dạn mở rộng thử nghiệm chứng nhận cho tổ chức đánh giá sự phù hợp của tư nhân, đầu tư của nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực này, chứ không chỉ cho phép các tổ chức thuộc cơ quan quản lý. Từ đó thúc đẩy hoạt động thừa nhận lẫn nhau cũng như kết quả đánh giá sự phù hợp do các tổ chức trong nước thực hiện sẽ được thừa nhận tại các nước nhập khẩu, như một sự “bảo chứng” có chất lượng./.