Phát triển du lịch đồng bằng sông Cửu Long gắn với bảo đảm quốc phòng - an ninh
TCCSĐT - Đồng bằng sông Cửu Long có tiềm năng rất lớn về phát triển du lịch. Đây là một trong bảy vùng du lịch đặc trưng trên cả nước mà Nhà nước đã xác định, đồng thời cũng là địa bàn có ý nghĩa quan trọng về quốc phòng - an ninh. Tuy nhiên, muốn phát triển du lịch có hiệu quả rất cần các giải pháp thiết thực với sự chủ động từ Trung ương đến địa phương, trong đó nhất thiết phải chú ý đến việc phát triển du lịch gắn với bảo đảm quốc phòng - an ninh.
Vùng đồng bằng sông Cửu Long có khí hậu ấm quanh năm với hai mùa mưa, nắng; có hệ thống sông ngòi chằng chịt, vùng biển rộng lớn, nhiều đảo đẹp, với các khu rừng ngập mặn nguyên sinh, trái cây 4 mùa… lại nằm liền kề với Thành phố Hồ Chí Minh - cửa ngõ thuận tiện giao thương với các nước Đông Nam Á. Được bồi đắp bởi phù sa màu mỡ của dòng Mê Kông, hệ thống kênh rạch cùng rừng xanh và biển đảo đã hình thành cho đồng bằng sông Cửu Long một hệ sinh thái đa dạng, tạo nên những cảnh quan đặc sắc, hấp dẫn như: hệ sinh thái đất ngập nước (Đồng Tháp Mười), rừng ngập mặn (Cà Mau) và hệ sinh thái biển - đảo (Rạch Giá - Hà Tiên - Phú Quốc). Bên cạnh đó, tài nguyên du lịch văn hóa, lễ hội cũng hết sức đa dạng và phong phú, như: Lễ hội Bà Chúa Xứ, Chol Chnam Thmay, Đua bò Bảy Núi, Đờn ca tài tử... là điều kiện tốt để tạo sản phẩm du lịch đặc trưng cho vùng. Mặt khác, đồng bằng sông Cửu Long cũng có vị trí hết sức quan trọng về quốc phòng - an ninh đối với Quân khu 9 và cả nước, nhất là ở tuyến biên giới và biển đảo giáp với vương quốc Campuchia; đường biên giới trên biển tiếp giáp với một số nước trong khu vực Đông Nam Á (có một phần chồng lấn với một số nước như: Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Campuchia). Vì vậy, đẩy mạnh phát triển kinh tế du lịch của vùng gắn với bảo đảm quốc phòng - an ninh là vấn đề vừa cơ bản lâu dài, vừa cấp bách trong thời kỳ hội nhập quốc tế hiện nay.
Trong những năm qua các địa phương trong vùng đã được quán triệt và đã nhận thức đúng đắn về quan điểm phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với quốc phòng - an ninh của Đảng và Nhà nước nói chung và lĩnh vực phát triển du lịch gắn với bảo đảm quốc phòng - an ninh nói riêng trên địa bàn. Sự phát triển các điểm du lịch tại Đất mũi Cà Mau, du lịch biển ở Kiên Giang, Trà Vinh, Bạc Liêu, Tiền Giang, Bến Tre, du lịch sinh thái sông nước miệt vườn ở Đồng Tháp, Cần Thơ, Hậu Giang; du lịch di tích văn hóa ở An Giang và du lịch biển đảo Phú Quốc đã góp phần làm thay đổi nhanh chóng cơ cấu kinh tế trong vùng. Đồng thời, các địa phương đã chú trọng hơn việc phát triển du lịch gắn với bảo tồn di tích lịch sử, văn hóa, bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng và quốc gia; sự phối hợp giữa các địa phương trong quy hoạch, đầu tư kết cấu hạ tầng cho du lịch được quan tâm với sự tham gia của nhiều lực lượng, trong đó có lực lượng vũ trang. Những địa bàn trọng điểm về quốc phòng - an ninh luôn chú trọng sự kết hợp này trong du lịch. Đảo Phú Quốc là một điển hình: các công trình kết cấu hạ tầng phục vụ kinh tế, phục vụ phát triển du lịch đều bảo đảm tính lưỡng dụng; đẩy mạnh quan hệ hợp tác với chính quyền địa phương nước bạn Campuchia, tạo điều kiện giao lưu, trao đổi, phối hợp trong chống ô nhiễm môi trường biển, cứu hộ, cứu nạn… xây dựng lòng tin, tạo nên sự ràng buộc về quyền lợi và nghĩa vụ trong bảo vệ chủ quyền biển đảo, vừa phục vụ cho phát triển kinh tế, vừa phát triển du lịch. Điểm chú ý là, mặc dù còn nhiều hạn chế, song, sự phát triển du lịch các tỉnh biên giới trong những năm qua cũng đã góp phần đáng kể trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tạo nên nhiều việc làm, đóng góp tích cực xóa đói, giảm nghèo cho đồng bào biên giới và góp phần củng cố quốc phòng - an ninh, tăng cường giao lưu giữa các dân tộc khu vực biên giới.
Quá trình phát triển kinh tế du lịch gắn với bảo đảm quốc phòng - an ninh ở đồng bằng sông Cửu Long thời gian qua cũng còn nhiều vấn đề đặt ra, đó là: công tác tuyên truyền cho phát triển du lịch còn hạn chế, việc quan tâm đầu tư cho thực hiện nhiệm vụ phát triển du lịch gắn với bảo đảm quốc phòng - an ninh chưa tương xứng với tiềm năng và nguồn lợi của du lịch sinh thái, biển đảo, miệt vườn… do vùng đất này đem lại; công tác đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch có nơi chưa theo hướng lưỡng dụng; công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chưa theo kịp yêu cầu phát triển kinh tế du lịch gắn với bảo đảm quốc phòng - an ninh ở địa phương; việc phối hợp triển khai Đề án An ninh du lịch giữa các cấp, các ngành chưa đồng bộ; nhiều đối tượng nước ngoài lợi dụng danh nghĩa du lịch để thực hiện các hoạt động thu thập tình báo, móc nối gây cơ sở, hoạt động tôn giáo trái pháp luật; tình trạng người nước ngoài du lịch tại đây hoạt động sai mục đích nhập cảnh, vi phạm quy chế quản lý tạm trú và các vi phạm pháp luật khác diễn ra khá phổ biến…
Bước vào thời kỳ mới, với quan điểm: “Phát triển du lịch bền vững gắn chặt với việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc; giữ gìn cảnh quan, bảo vệ môi trường; bảo đảm an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội; bảo đảm hài hòa tương tác giữa khai thác phát triển du lịch với bảo vệ giá trị tài nguyên tự nhiên và nhân văn...” theo Quy hoạch Tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 của Chính phủ, trong thời gian tới các tỉnh thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long cần thực hiện tốt một số giải pháp chủ yếu sau:
Một là, tăng cường công tác giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cấp ủy, chính quyền các cấp, các doanh nghiệp kinh doanh du lịch và nhân dân địa phương về gắn phát triển kinh tế du lịch với bảo đảm quốc phòng - an ninh. Mỗi cấp, mỗi ngành, đơn vị, địa phương tăng cường tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò và tiềm năng của du lịch đối với sự nghiệp phát triển đất nước, làm cho cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu rõ về tầm quan trọng và giá trị chiến lược của du lịch. Trước mắt, tuyên truyền giáo dục cho mọi người dân hiểu và chấp hành các chỉ thị, nghị quyết của Đảng bộ và chính quyền địa phương về phát triển du lịch. Qua đó, đề ra các giải pháp phát triển du lịch bền vững; giúp Đảng bộ, chính quyền địa phương có cái nhìn tổng thể hơn trong lĩnh vực này. Trên cơ sở đó, làm chuyển biến nhận thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân đối với nhiệm vụ phát triển kinh tế du lịch với bảo đảm quốc phòng - an ninh ở địa phương; tạo sự phối hợp đồng bộ, thường xuyên, chặt chẽ giữa các cấp, ngành, lực lượng trong thực hiện nhiệm vụ quan trọng này. Đặc biệt, công tác tuyên truyền, giáo dục cần hướng vào đội ngũ cán bộ lãnh đạo, chủ trì ở địa phương, nhất là đội ngũ cán bộ ở các cơ quan xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế du lịch và bảo đảm quốc phòng - an ninh nhằm tạo cho đội ngũ cán bộ các cấp không chỉ giỏi về lãnh đạo, chỉ đạo, tham mưu nhiệm vụ phát triển kinh tế du lịch, mà còn quan tâm đến nhiệm vụ quốc phòng - an ninh. Việc tuyên truyền, giáo dục được thực hiện thông qua các phương tiện thông tin đại chúng; chương trình bồi dưỡng kiến thức quốc phòng cho đội ngũ cán bộ các cấp, các ngành; các hoạt động: diễn đàn, thi tìm hiểu truyền thống, công tác dã ngoại, giao lưu kết nghĩa, tham quan, văn hóa, văn nghệ,… tạo sự phong phú về nội dung, hình thức, phù hợp với từng đối tượng để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của họ đối với chủ trương kết hợp phát triển kinh tế - xã hội nói chung, kinh tế du lịch nói riêng với bảo đảm quốc phòng - an ninh ở địa phương, góp phần xây dựng thế trận quốc phòng - an ninh của đồng bằng sông Cửu Long ngày càng vững mạnh.
Hai là, kết hợp xây dựng quy hoạch và phát triển du lịch đồng bằng sông Cửu Long gắn với việc bảo đảm quốc phòng - an ninh. Trên cơ sở chủ trương, định hướng phát triển chung của cả nước, cần có quy hoạch tổng thể đối với từng khu vực, địa phương, ngành nghề phát triển. Chấm dứt tình trạng “mạnh ai nấy làm” dẫn đến sự phân tán, nhỏ lẻ thiếu tập trung giữa các địa phương với cả vùng, giữa địa phương với từng ngành, mà cần có sự liên kết, phối hợp với nhau; phù hợp với quy hoạch xây dựng thế trận khu vực phòng thủ của Quân khu. Khi xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế du lịch phải thể hiện được sự gắn bó với quốc phòng - an ninh trên từng địa bàn với các bước đi phù hợp với nhiều phương án cơ động, linh hoạt, sắp xếp, bố trí một cách hợp lý các cơ sở kinh tế khi tham gia đầu tư kinh doanh du lịch trên địa bàn. Vị trí bố trí dự án phải tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế du lịch phát triển nhưng không ảnh hưởng đến thế trận phòng thủ lâu dài của địa phương, Quân khu và cả nước. Chẳng hạn: phải xác định rõ nơi nào cần đưa dân ra sinh sống để khai thác tiềm năng du lịch; vùng nào không được kinh doanh du lịch…Ví dụ như, đảo Phú Quốc ở vào vị trí tiền tiêu Tây Nam của đồng bằng sông Cửu Long vừa có tiềm năng phát triển kinh tế to lớn, vừa có lợi thế về du lịch đồng thời có vị trí quân sự đặc biệt quan trọng trong chiến lược phòng thủ của đất nước nên trong thời gian tới, Quân khu 9 sẽ chủ động rà soát các yếu tố có liên quan đến hoạt động của lực lượng vũ trang trên đảo (như: đất quốc phòng, bố trí lực lượng, công trình quân sự…), trên cơ sở đó tiếp tục làm tham mưu cho Bộ Quốc phòng có chỉ đạo Bộ Tư lệnh Quân khu phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương điều chỉnh khi thấy cần thiết để từng bước phù hợp với cơ chế, chính sách đặc thù phát triển đảo Phú Quốc trong thời kỳ mới. Hoặc, khu vực biên giới trong vùng rất nhạy cảm về quốc phòng - an ninh, nên chăng cần hoạch định những khu vực có thể khai thác du lịch, mức độ khai thác hoặc không được khai thác trên cơ sở đánh giá tiềm năng du lịch và bảo đảm quốc phòng - an ninh của vùng làm cơ sở để quản lý phát triển du lịch trên địa bàn các tỉnh biên giới… Muốn làm được điều đó cần phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch với cơ quan Quân sự, Công an, Bộ đội biên phòng trên từng địa bàn các tỉnh trong việc lập quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế du lịch. Điều này vừa phục vụ đời sống dân sinh, vừa có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh ở địa phương.
Ba là, xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách, nâng cao hiệu lực lãnh đạo, quản lý đối với quá trình phát triển kinh tế du lịch gắn với tăng cường quốc phòng - an ninh. Hệ thống cơ chế, chính sách đồng bộ và tổ chức thực hiện có hiệu quả sẽ góp phần quản lý tài nguyên, môi trường và khai thác có hiệu quả các tiềm năng du lịch cho sự nghiệp phát triển đất nước nói chung, vùng đồng bằng sông Cửu Long nói riêng. Có cơ chế phù hợp để hỗ trợ phát triển kinh tế du lịch; có chính sách đặc thù khuyến khích phát triển du lịch kết hợp với triển khai các dịch vụ công ích và thiết lập quan hệ sản xuất kinh doanh giữa biển, đảo với các địa bàn khác trên bờ và trong nội địa. Mặt khác, ở mức độ phù hợp cần tăng cường hợp tác với các tổ chức, doanh nghiệp ngoài nước để thu hút nguồn vốn đầu tư, hình thành những dự án phát triển du lịch liên hoàn, tăng cường trao đổi, tạo thế đan xen lợi ích vừa phục vụ cho phát triển kinh tế du lịch vừa có lợi cho nhiệm vụ quốc phòng - an ninh. Đặc biệt, đẩy nhanh kế hoạch nâng cấp một số địa chỉ có sức thu hút lớn về đầu tư du lịch như xây dựng xã đảo Thổ Châu thành huyện đảo, xây dựng đảo Phú Quốc mạnh về kinh tế, du lịch, vững về quốc phòng - an ninh, trở thành pháo đài bất khả xâm phạm trong chiến lược bảo vệ biển, đảo. Đầu tư xây dựng các khu kinh tế - quốc phòng ven biển, trên đảo, trên đất liền, khai thác thế mạnh phục vụ cho hoạt động du lịch; xây dựng kết cấu hạ tầng du lịch sinh thái, du lịch biển.
Bốn là, nâng cao năng lực cứu hộ, cứu nạn để đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững kinh tế du lịch gắn với tăng cường quốc phòng - an ninh ở đồng bằng sông Cửu Long trong tình hình mới. Dưới tác động của biến đổi khí hậu dẫn đến tình hình thời tiết, khí hậu diễn biến phức tạp, cực đoan, khó lường; bão, lũ, thiên tai, lốc xoáy, xảy ra ở đồng bằng sông Cửu Long được dự báo là sẽ ngày càng nghiêm trọng và nhiều hơn, do đó nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn, bảo vệ an toàn cho du khách sẽ phức tạp hơn, cần phải tăng cường hơn nữa lực lượng chuyên nghiệp và kiêm nhiệm. Do vậy, phải tuyên truyền giáo dục cho mọi người dân khi tham gia hoạt động du lịch ý thức phòng tránh thiên tai, theo dõi nắm diễn biến của thời tiết để phòng tránh; đồng thời, tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cứu hộ, tìm kiếm cứu nạn cho các lực lượng hoạt động thường xuyên, nâng cao khả năng ứng cứu tại chỗ cho các tổ chức, đơn vị. Đầu tư trang bị phương tiện cứu hộ, cứu nạn trên từng địa bàn cụ thể cho lực lượng chuyên nghiệp, hải quân, biên phòng, công an, dân quân tự vệ… và tăng cường sự kết hợp chặt chẽ giữa các lực lượng khi tham gia cứu hộ, cứu nạn.
Năm là, đẩy mạnh hoạt động đối ngoại, kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế du lịch với bảo đảm quốc phòng - an ninh, hợp tác quốc tế. Tăng cường liên kết, hợp tác giữa các địa phương trong vùng đồng bằng sông Cửu Long, giữa các công ty du lịch, các trung tâm du lịch cả nước, các nước Đông Nam Á với đồng bằng sông Cửu Long nhằm khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh du lịch của vùng sông nước Cửu Long. Đây được xem là một trong các giải pháp thực hiện Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 và với mục đích thu hút thêm nguồn ngoại lực cho phát triển du lịch. Du lịch Việt Nam nói chung, du lịch đồng bằng sông Cửu Long nói riêng sẽ tiếp tục tham gia trong các khuôn khổ hợp tác song phương và đa phương. Các hoạt động hợp tác quốc tế sẽ đóng vai trò hết sức quan trọng để quảng bá thành công hình ảnh của đồng bằng sông Cửu Long đến bạn bè quốc tế, góp phần mở rộng thị trường nguồn khách quốc tế cho đồng bằng sông Cửu Long. Đồng thời, kết hợp chặt chẽ giữa đấu tranh quốc phòng - an ninh và đối ngoại. Tăng cường hợp tác trong các hoạt động cứu hộ, cứu nạn trên đất liền, trên biển, chống khủng bố, ngăn chặn các hoạt động gây mất ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội, làm ảnh hưởng xấu đến quá trình phát triển kinh tế du lịch ở địa phương. Nghiên cứu hình thức đấu tranh quốc phòng, giữ vững an ninh quốc gia, quản lý và bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới, biển đảo phù hợp với từng giai đoạn, từng đối tượng, có phương án phối hợp đấu tranh có hiệu quả, tránh để các đối tượng lợi dụng hoạt động du lịch hình thành những điểm nóng, nhất là trên tuyến biển, đảo gây cản trở quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước./.
Gắn lý luận với thực tiễn trong đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, đảng viên hiện nay  (08/08/2016)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khảo sát thực tế chương trình xây dựng nông thôn mới tại Thái Bình  (07/08/2016)
Ứng cử viên Hillary Clinton tiếp tục dẫn trước đối thủ  (07/08/2016)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên