Một số giải pháp bảo đảm an ninh phi truyền thống ở Việt Nam hiện nay

Nguyễn Thị Kim Anh Bộ Công an
21:07, ngày 15-07-2016

TCCSĐT - Văn kiện Đại hội XII của Đảng đề ra phương hướng: Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về quốc phòng, an ninh, tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế để duy trì môi trường hòa bình, củng cố quốc phòng, an ninh và bảo vệ chủ quyền quốc gia,... Thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội… Đẩy mạnh phòng, chống, đẩy lùi tội phạm, tệ nạn xã hội. Tăng cường an ninh, an toàn thông tin mạng (1).

Để thực hiện phương hướng nêu trên của Đại hội XII của Đảng trên khía cạnh an ninh phi truyền thống, cần tổ chức triển khai thực hiện những nhiệm vụ sau:

Một là, bảo đảm an ninh cá nhân, an ninh tập thể là cơ sở cho việc bảo đảm an ninh quốc gia

Quyền cá nhân là các quyền thuộc về mỗi cá nhân, bất kể họ có hay không là thành viên của một nhóm xã hội nào và việc hưởng thụ các quyền cơ bản là dựa trên cơ sở cá nhân. Một số quyền vừa thể hiện là quyền cá nhân, vừa thể hiện là quyền tập thể. Như, thành viên của một dân tộc thiểu số thực hiện các quyền sử dụng tiếng nói, chữ viết, y phục... của dân tộc mình trong sinh hoạt công cộng và trên phương tiện truyền thông.

Quyền tập thể là những quyền đặc thù chung của một tập thể, mà để được hưởng thụ các quyền này cần phải là thành viên của tập thể đó. Một số quyền không được thực hiện với tư cách cá nhân, mà phải được thực hiện cùng tập thể, ví dụ quyền hội họp như sinh hoạt đoàn thanh niên, hội phụ nữ,...

Chủ thể của quyền cơ bản là các cá nhân; ngoài ra, còn là nhóm người và các dân tộc. Nói cách khác, ngoài các cá nhân có quyền thì nhóm người và dân tộc, quốc gia cũng có quyền của mình. Do sự ràng buộc giữa các chủ thể quyền nên luật quốc tế và quốc gia đều có những quy định luật pháp để giới hạn quyền.

Giới hạn quyền con người là sự áp đặt một số điều kiện hạn chế hay tạm đình chỉ đối với việc thực hiện hay thụ hưởng một số quyền con người, như sự cho phép của Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (International Covenant on Civil and Political Rights - ICCPR), Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa (International Convenant on Econmic, Social and Cultural Right - ICESCR). Đó là quyền thành lập, gia nhập công đoàn và quyền đình công; quyền tự do đi lại, cư trú, xuất, nhập cảnh; quyền được xét xử công khai; quyền tự do tư tưởng, tín ngưỡng và tôn giáo; quyền tự do ngôn luận; quyền hội họp hòa bình; quyền tự do lập hội.

Luật nhân quyền quốc tế thừa nhận nhu cầu chính đáng và tính chất hợp pháp cho việc xác định giới hạn và tạm đình chỉ thực hiện một số quyền con người vì mục đích bảo vệ an ninh quốc gia. Việc tạm đình chỉ và giới hạn như vậy là để bảo đảm sự hài hòa giữa bảo vệ quyền con người của cộng đồng và nhu cầu bảo đảm an ninh quốc gia. Nhưng cũng cần phải nhấn mạnh rằng, an ninh quốc gia cơ bản tùy thuộc vào an ninh con người.

Hai là, Nhà nước là chủ thể chính có trách nhiệm bảo đảm an ninh con người và an ninh quốc gia

Nếu chủ thể của quyền cơ bản là các cá nhân thì chủ thể có trách nhiệm bảo đảm quyền cơ bản là Nhà nước (chính phủ, các thiết chế nhà nước, công chức, viên chức nhà nước). Các chính phủ phê chuẩn các điều ước quốc tế về quyền con người và vì vậy bị ràng buộc về mặt pháp lý bởi các điều ước đó. Nghĩa vụ của các chính phủ đối với các quyền con người là tôn trọng, bảo vệ và thực thi các quyền con người.

Quyền con người cơ bản phải được bảo đảm bằng pháp luật của Nhà nước, tức là được Nhà nước thừa nhận, được chế định trong khuôn khổ quốc gia và áp dụng cho công dân của mình. Qua đó cho thấy trách nhiệm của Nhà nước là phải bảo đảm an ninh cho con người và an ninh quốc gia.

Ba là, an ninh quốc gia được bảo đảm trên cơ sở cân bằng an ninh con người và an ninh của Nhà nước

An ninh con người, theo UNDP (năm 1994) được đánh giá qua 2 tiêu chí: thứ nhất, an toàn không bị đe dọa bởi đói nghèo, bệnh tật và sự áp bức; thứ hai, được bảo vệ khi gặp những rủi ro bất thường trong cuộc sống. Hai tiêu chí này được cụ thể hóa ở bảy lĩnh vực chính là: (1) an ninh kinh tế là việc bảo đảm về việc làm và thu nhập cơ bản; (2) an ninh lương thực là việc bảo đảm được nhu cầu tối thiểu về lương thực, thực phẩm; (3) an ninh sức khỏe là việc bảo đảm ở mức tối thiểu về phòng, chống dịch bệnh và chăm sóc y tế; (4) an ninh môi trường là việc được bảo vệ trước thiên tai, tai họa do con người gây ra và sự ô nhiễm môi trường sống; (5) an ninh cá nhân là việc được bảo vệ trước những hành vi tội phạm, bạo lực hoặc lạm dụng thể chất do bất kể chủ thể nào gây ra; (6) an ninh cộng đồng là việc được duy trì các mối quan hệ và giá trị truyền thống của cộng đồng; (7) an ninh chính trị là việc tôn trọng các quyền con người cơ bản, nhất là các quyền dân sự, chính trị.

Còn “an ninh quốc gia” được hiểu là sự an toàn của một Nhà nước độc lập, an sinh của mỗi người trong quốc gia và sự toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia. Nói cách khác, trong nội dung khái niệm an ninh quốc gia, ngoài nội dung của khái niệm an ninh con người còn phải có nội dung an ninh Nhà nước (hay an ninh chế độ xã hội) và an ninh lãnh thổ, tức sự toàn vẹn của lãnh thổ quốc gia. Là thành viên của xã hội nên mọi người có quyền được bảo đảm an ninh quốc gia để bảo đảm và thực hiện các quyền không thể thiếu được về dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa và cả an ninh lãnh thổ. Nội hàm của khái niệm an ninh con người, do đó, thể hiện một cách cơ bản nội hàm của an ninh quốc gia.

Trong mối quan hệ với an ninh quốc gia, thì an ninh con người có hai đặc trưng sau: Một mặt, xét về chủ thể quyền con người thì ngoài định chế nhà nước đóng vai trò cơ bản, các tổ chức quốc tế, các đảng phái chính trị, các doanh nghiệp, các tổ chức phi chính phủ quốc gia và quốc tế, các nhóm chính thức và không chính thức, các cộng đồng, các gia đình, các bậc cha mẹ,... tùy theo vị thế của mình, cũng có trách nhiệm bảo đảm quyền con người (2). Đặc trưng trách nhiệm của các tổ chức ngoài nhà nước (hay phi chính phủ) này là tính “không chính thức” so với chủ thể Nhà nước. Theo cách tiếp cận truyền thống, các tổ chức này không thuộc phạm vi tác động trực tiếp của luật nhân quyền quốc tế vì không phải là một bên ký kết điều ước quốc tế về quyền con người. Tuy vậy, các điều ước quốc tế vẫn đòi hỏi nhiều chủ thể phi chính phủ phải có nghĩa vụ, trách nhiệm bảo đảm và thực hiện quyền con người theo điều ước quốc tế, đặc biệt đối với những điều ước mà Nhà nước đã ký kết. Vì thế, trong lĩnh vực quyền con người, các điều ước quốc tế có tầm ảnh hưởng không thể bỏ qua.

Do ảnh hưởng của các điều ước quốc tế đối với các tổ chức phi chính phủ trong việc bảo đảm và thực hiện an ninh con người mà quan hệ giữa an ninh con người và an ninh nhà nước có những hình thức biến đổi nhất định, có khi theo truyền thống văn hóa, có khi theo luật pháp quốc tế,... An ninh quốc gia chỉ được bảo đảm khi giữ được sự cân bằng giữa an ninh con người và an ninh nhà nước.

Mặt khác, quyền con người tuy cơ bản được thể hiện ở quyền công dân, nhưng so với quyền công dân thì phạm vi của quyền con người rộng hơn (3). Xét về phương diện lịch sử thì quyền con người xuất hiện từ chế độ chiếm hữu nô lệ khi xã hội phân chia giai cấp, và con người, nhất là người nô lệ, ý thức được phẩm giá của mình. Từ đó, quyền con người được từng bước chế định trong các quan hệ xã hội và tồn tại rất lâu dài trong lịch sử nhân loại. Còn quyền công dân chỉ xuất hiện từ thời kỳ cách mạng tư sản và gắn với sự tồn tại của Nhà nước. Xét về phạm vi thì quyền con người là khái niệm rộng hơn quyền công dân do không bị bó hẹp trong mối quan hệ giữa cá nhân với Nhà nước mà thể hiện quan hệ giữa cá nhân với cộng đồng người theo các cấp độ khác nhau (nhân loại). Quyền con người bao quát đối với cả những người chưa chính thức trở thành công dân (những người dưới 18 tuổi) và những người bị tước quyền công dân. Do đó, an ninh quốc gia quan hệ với an ninh con người không thể chỉ giới hạn trong an ninh công dân.

Bốn là, phát triển đất nước và phát triển con người trong bối cảnh toàn cầu hóa

Phát triển con người, theo UNDP, là một tiến trình mở rộng các quyền lựa chọn cho mọi người, trao cho họ những cơ hội tốt hơn trong các vấn đề giáo dục, chăm sóc y tế, thu nhập, việc làm, do đó cũng là tiến trình mở rộng và nâng cao năng lực thụ hưởng các quyền con người. Điểm khác biệt cơ bản giữa phát triển đất nước và phát triển con người là chiến lược hành động, cụ thể là: phát triển đất nước được Nhà nước tổ chức thực hiện theo cách tiếp cận từ trên xuống còn phát triển con người được tiếp cận cân bằng hơn do cả Nhà nước và các cộng đồng cùng tham gia tổ chức thực hiện./.

------------------------

(1) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XII, Văn phòng trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr. 313

(2) Xem Nguyễn Thanh Tuấn chủ biên: Quyền con người trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế ở Việt Nam hiện nay, Nxb. Lý luận chính trị, Hà Nội, 2014, tr. 76 - 77

(3) Xem Nguyễn Thanh Tuấn chủ biên, Sđd, tr. 19 - 26