Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức

PGS, TS Bùi Hồng Hạnh
Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội
21:41, ngày 14-01-2025

TCCS - Hiện nay, bảo đảm an ninh lương thực đã và đang trở thành vấn đề toàn cầu khi ngày càng có nhiều quốc gia phải đối mặt với tình trạng thiếu đói do sự trì trệ của nền kinh tế sau đại dịch COVID-19, do bùng phát các điểm nóng xung đột, do biến đổi khí hậu… Vấn đề này đang ngày càng đòi hỏi các quốc gia, trong đó có Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam, cần tăng cường hợp tác nhằm nỗ lực ngăn chặn và giải quyết thách thức từ bối cảnh thế giới đối với việc bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu. 

An ninh lương thực toàn cầu: Những tác động từ bối cảnh thế giới

An ninh lương thực là việc con người có quyền tiếp cận về mặt vật chất, xã hội và kinh tế với lương thực, thực phẩm đầy đủ, an toàn và bổ dưỡng, đáp ứng nhu cầu và sở thích ăn uống của con người nhằm có được một cuộc sống năng động và mạnh khoẻ(1). Như vậy, an ninh lương thực toàn cầu là việc bảo đảm cho bất kỳ quốc gia nào cũng có thể tiếp cận được lương thực thông qua dòng chảy hiệu quả của các nguồn lương thực, đặc biệt là khi có thiên tai hoặc trường hợp khẩn cấp có thể gây ra tình trạng thiếu lương thực. Có nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến việc mất an ninh lương thực toàn cầu. Tuy nhiên, trong những thập niên gần đây, thiên tai, biến đổi khí hậu, dân số gia tăng, khủng hoảng kinh tế, xung đột và đại dịch COVID-19 đã đe dọa nghiêm trọng đến sự ổn định lương thực. Đơn cử như, thiên tai và biến đổi khí hậu không chỉ gây ra mất mùa, mà có thể còn dẫn đến sự tuyệt chủng của nhiều giống cây trồng khiến nguồn cung lương thực bị hạn chế trong khi dân số thế giới vẫn tiếp tục gia tăng. Hơn nữa, sau đại dịch COVID-19, kinh tế của nhiều nước rơi vào tình trạng khó khăn. Giá cả lương thực tăng cao ở nhiều nơi do giá năng lượng, phân bón và nhiều dịch vụ nông nghiệp khác tăng lên. Ước tính có tới 309 triệu người đang phải đối mặt với nạn đói kinh niên ở 71 quốc gia.

Đáng chú ý, các điểm nóng xung đột trên thế giới cũng đang góp phần khiến tình trạng an ninh lương thực đứng trước nhiều thách thức. Chẳng hạn như, theo số liệu của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), thời điểm xảy ra cuộc xung đột Nga - Ukraine (tháng 2-2022), chỉ số giá thực phẩm đã tăng cao hơn 21% so với năm 2021(2) bởi cả Nga và Ukraine vốn là những quốc gia đóng vai trò quan trọng trong trao đổi thực phẩm và nông sản toàn cầu. Năm 2021, xuất khẩu lúa mì của Nga và Ukraine chiếm khoảng 30% thị trường thế giới. Ukraine là nước xuất khẩu ngô lớn thứ 4 thế giới. Tổng thị phần xuất khẩu dầu hướng dương từ cả hai nước chiếm tới 55% nguồn cung toàn cầu. Nga cũng là nước xuất khẩu phân bón chủ chốt (năm 2020, Nga là nhà xuất khẩu phân đạm hàng đầu, nhà cung cấp kali đứng thứ hai và nhà xuất khẩu phân lân lớn thứ ba trên thế giới(3). Trong các năm 2023 - 2024, Ukraine là nước xuất khẩu ngô đứng thứ 6 và Nga đứng thứ 9 thế giới(4). Đối với xuất khẩu lúa mì, năm 2024, Nga đứng đầu thế giới và Ukraine xếp thứ 5(5). Trong khi đó, theo thống kê của FAO, có tới 50 quốc gia phụ thuộc ít nhất 30% vào việc nhập khẩu lúa mì từ Nga, trong đó có 26 nước phụ thuộc tới 50% nhập khẩu lúa mì từ Nga và Ukraine(6). Phần lớn quốc gia ở khu vực châu Phi và Trung Đông có thu nhập thấp và các nhóm dân cư dễ bị tổn thương cũng lâm vào cảnh này khi các nước Tây Phi nhập khẩu ngũ cốc từ Nga và Ukraine lần lượt là 72% và 18%(7).

Trước thực trạng trên, tại Diễn đàn Kinh tế thế giới (Davos, Thụy Sĩ) vào tháng 5-2022, thông điệp chung được các nhà lãnh đạo các nước và các tổ chức quốc tế hàng đầu thế giới đưa ra đó là cần hành động toàn cầu nhằm giảm thiểu tác động của khủng hoảng an ninh lương thực. Nếu không có các biện pháp phối hợp chính sách để giải quyết thách thức này, có thể dẫn đến báo động tình trạng mất an ninh lương thực ở cấp độ toàn cầu.

Là quốc gia xuất khẩu gạo đứng thứ ba thế giới, Việt Nam được đánh giá đóng vai trò quan trọng trong bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu. Cuối tháng 5-2022, tại một cuộc hội thảo quốc tế trực tuyến về an ninh lương thực và dinh dưỡng, ông Rémi Nono Womdim, Trưởng Đại diện Tổ chức FAO tại Việt Nam nhận định, trong bối cảnh thế giới có nhiều tác động tiêu cực tới an ninh lượng thực, Việt Nam là một trong những nguồn cung cấp lương thực quan trọng. Đối với EU, trên cơ sở Chính sách Nông nghiệp chung (CAP), EU có trách nhiệm bảo đảm an ninh lương thực cho các nước thành viên . Ngoài ra, là chủ thể có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, EU vẫn luôn là nhà cung cấp viện trợ phát triển lớn nhất trên thế giới cho các nước nghèo tại châu Phi và châu Á, trong đó hỗ trợ về nông nghiệp đóng vai trò quan trọng. Như vậy, có thể thấy, sự hợp tác giữa Việt Nam và EU trong lĩnh vực an ninh lương thực thực sự cần thiết nhằm góp phần quan trọng vào việc bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu.

Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu (Trong ảnh: Chế biến lương thực xuất khẩu ở đồng bằng sông Cửu Long)_Nguồn: nhiepanhdoisong.vn

Cơ sở hợp tác bảo đảm an ninh lương thực Việt Nam - Liên minh châu Âu

Thứ nhất, nền tảng quan hệ song phương Việt Nam - EU. EU và nhiều nước thành viên EU đã từng là những quốc gia đi tiên phong trong việc thiết lập quan hệ ngoại giao và bình thường hóa quan hệ với Việt Nam. Việt Nam cũng là một trong những nước đang phát triển đầu tiên ký kết hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới với EU. Trên cơ sở đó, hai bên đã thiết lập được cơ sở pháp lý quan trọng cho việc thúc đẩy hợp tác trên tất cả các lĩnh vực, trong đó bao gồm cả hợp tác bảo đảm an ninh lương thực. Đơn cử như, hai bên đã ký kết Hiệp định Hợp tác và Đối tác toàn diện (PCA), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA)… Năm 2020, EVFTA chính thức có hiệu lực trong bối cảnh đại dịch COVID-19, tuy nhiên, thương mại song phương Việt Nam - EU vẫn đạt những kết quả khả quan. Việt Nam vẫn giữ vị trí thứ 16 trong số các đối tác thương mại hàng đầu của EU và là đối tác số một của EU tại Đông Nam Á. Hợp tác nông nghiệp được khẳng định là một trong những trụ cột quan trọng trong hợp tác song phương Việt Nam - EU.

Thứ hai, cả hai bên đều có mục tiêu, chủ trương và định hướng về việc thúc đẩy hợp tác bảo đảm an ninh lương thực. Về phía Việt Nam, Chính phủ Việt Nam luôn bày tỏ sẵn sàng cùng cộng đồng quốc tế giải quyết tình trạng mất an ninh lương thực do tác động của biến đổi khí hậu, đại dịch COVID-19 và xung đột giữa các nước. Để bảo đảm an ninh lương thực, Việt Nam chủ trương giữ ổn định 3,5 triệu héc-ta đất lúa đến năm 2030. Với diện tích đất lúa này, Việt Nam không chỉ bảo đảm an ninh lương thực cho 100 triệu người dân Việt Nam, mà còn bảo đảm gạo cho xuất khẩu(8). Đồng thời, gắn an ninh lương thực với an ninh nguồn nước, bảo vệ môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững. Việt Nam là một trong những quốc gia đi tiên phong trong việc phát triển hệ thống lương thực, thực phẩm theo hướng bền vững và có khả năng chống chịu/phục hồi để giải quyết vấn đề an ninh lương thực, dinh dưỡng, biến đổi khí hậu, mất đa dạng sinh học. Từ tháng 3-2023, Việt Nam đã phê duyệt và tích cực triển khai Kế hoạch hành động quốc gia chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm minh bạch, trách nhiệm và bền vững ở Việt Nam đến năm 2030. Việt Nam cũng là quốc gia đầu tiên triển khai chương trình 1 triệu héc-ta lúa phát thải thấp, chất lượng cao tại đồng bằng sông Cửu Long, góp phần ứng phó biến đổi khí hậu toàn cầu.

Về phía EU, mục tiêu của EU trong hợp tác với Việt Nam là nhằm hỗ trợ Việt Nam tăng năng suất sản lượng, từ đó góp phần bình ổn giá lương thực, bảo đảm an ninh lương thực. Bên cạnh đó, phát triển nông nghiệp luôn được EU chú trọng gắn với các yếu tố về phát triển bền vững và môi trường - những yêu cầu rất cần thiết và phù hợp với Việt Nam, do Việt Nam đang trong quá trình công nghiệp hóa, nông nghiệp phát triển nhanh, gây nên một lượng lớn phát thải hiệu ứng nhà kính. Vấn đề môi trường và biến đổi khí hậu luôn là ưu tiên hàng đầu của EU, do EU và Việt Nam đều là những khu vực chịu ảnh hưởng lớn của biến đổi khí hậu. Chính vì vậy, Chiến lược phát triển nông nghiệp bền vững của Việt Nam bao gồm nhiều ưu tiên tương đồng với Chiến lược Farm to Fork (Từ Nông trang tới Bàn ăn) của EU, cũng như với các yếu tố khác trong Thỏa thuận xanh của EU.

Thứ ba, EU và Việt Nam đã có nhiều hình thức hợp tác điển hình, như EU hỗ trợ Việt Nam trong việc phát triển các ngành nông sản hiện đại, linh hoạt và bền vững hơn. Các viện nghiên cứu Việt Nam đã được hưởng lợi từ chương trình Horizon của EU về nghiên cứu và đổi mới. Các dự án do EU hỗ trợ trong lĩnh vực nông nghiệp gần đây bao gồm từ việc tích hợp cây cà phê vào các hệ thống nông - lâm kết hợp, đến tăng cường chuỗi giá trị lương thực và các tương tác qua lại trong mạng lưới cung ứng/tiêu dùng. EU cũng đã hỗ trợ cho sự phát triển bền vững của ngành ca cao ở Việt Nam thông qua dự án mới “Ca cao sản xuất qua kinh tế tuần hoàn: Từ hạt đến thanh”, với khoản tài trợ trị giá 1.550.000 euro. Dự án này là một trong những dự án quan trọng do EU hỗ trợ, được thiết kế để giúp giải quyết các thách thức về khí hậu và môi trường mà Việt Nam phải đối mặt, đồng thời để phát triển nông nghiệp bền vững, đặc biệt là cho các nông hộ nhỏ(9).

Song song với việc hợp tác đa phương với EU, Việt Nam nỗ lực tìm kiếm và thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương với các nước thành viên EU trong lĩnh vực nông nghiệp. Tháng 3-2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tiếp Bộ trưởng Nông nghiệp, Chủ quyền lương thực và Lâm nghiệp Italia Francesco Lollobrigida đến thăm và làm việc tại Việt Nam. Thủ tướng đề nghị chú trọng hợp tác chế biến sâu nông sản, chuyển giao công nghệ cao, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp, kết nối doanh nghiệp hai nước, phát triển kinh tế nông nghiệp, triển khai Bản ghi nhớ về nông nghiệp giữa hai nước. Các trường đại học của Italia cũng sẵn sàng tăng cường hợp tác đào tạo sinh viên Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp. Đại sứ quán Italia tại Việt Nam là 1 trong 8 phái đoàn ngoại giao của nước này trên thế giới có Tùy viên về nông nghiệp, vị trí này của Italia chỉ có tại những nước lớn phát triển như Mỹ hay Trung Quốc. Điều này cho thấy, Italia rất coi trọng hợp tác nông nghiệp với Việt Nam, mong muốn trở thành đối tác hàng đầu của Việt Nam trong EU về nông nghiệp(10).

Đóng gói sản phẩm gạo xuất khẩu ở nhà máy của Công ty TNHH MTV Lương thực Thoại Sơn (Tập đoàn Lộc Trời)_Ảnh: TTXVN

Cơ hội và thách thức 

Hợp tác nông nghiệp là cơ sở và là trụ cột để thúc đẩy hợp tác bảo đảm an ninh lương thực giữa Việt Nam - EU. Hợp tác nông nghiệp Việt Nam - EU là lĩnh vực đầy tiềm năng, mang lại lợi ích đáng kể cho cả hai bên. Đây cũng là lĩnh vực có nhiều lợi thế của cả Việt Nam, một quốc gia nông nghiệp, và EU với ưu tiên hàng đầu cho phát triển bền vững. Đây là lĩnh vực quan trọng không chỉ đối với EU và Việt Nam, mà còn với cộng đồng quốc tế. Hợp tác nông nghiệp Việt Nam - EU sẽ góp phần bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm chất lượng, an toàn cho thị trường EU, cũng như gia tăng lợi ích thương mại cho Việt Nam khi có thể thâm nhập và mở rộng thị trường nông sản tại EU. Là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, việc hợp tác nông nghiệp giữa Việt Nam - EU hiệu quả sẽ giúp Việt Nam tăng cường phát triển nông nghiệp, trở thành nhà cung cấp lương thực, thực phẩm toàn cầu, có thể hỗ trợ các quốc gia đang trong tình trạng mất an ninh lương thực trên thế giới.

Trên thực tế hiện nay, EU đã có những mục tiêu đối phó với nguy cơ mất an ninh lương thực toàn cầu: 1- Cung cấp cứu trợ cho các trường hợp khẩn cấp; 2- Hỗ trợ các nước đang phát triển sản xuất lương thực, thực phẩm bền vững hơn; 3- Ủng hộ tự do và gỡ bỏ hàng rào thương mại; 4- Hợp tác chặt chẽ với các đối tác toàn cầu(11). Theo đó, thông qua “làn đường đoàn kết” do EU tạo lập, kể từ tháng 5-2022, hàng triệu tấn ngũ cốc và hạt có dầu đã được xuất khẩu từ Ukraine; thực phẩm đến được với các nước có nhu cầu ở châu Phi, Trung Đông và châu Á(12)

Như vậy, có thể thấy, Việt Nam hiện đang nằm trong các mục tiêu trên của EU nhằm bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu. Chính vì vậy, cơ hội hợp tác với EU của Việt Nam rất rộng mở. Tuy nhiên, hiện nay, chưa thể tính toán một cách toàn diện hiệu quả hợp tác về an ninh lương thực Việt Nam - EU trong thời gian qua, do đây là một chiến lược hợp tác lâu dài. 

Bên cạnh những cơ hội được tạo ra do tiềm năng và nhu cầu của hai bên, hợp tác Việt Nam - EU trong lĩnh vực bảo đảm an ninh lương thực cũng phải đối mặt với nhiều thách thức. Trên thực tế, nội dung hợp tác Việt Nam - EU vẫn mang tính một chiều, chủ yếu là những hỗ trợ từ phía EU ở các khía cạnh hỗ trợ kỹ thuật, hỗ trợ thị trường cải cách thể chế thông qua EVFTA (như mở cửa thị trường EU đối sản phẩm nông nghiệp đạt chất lượng cho Việt Nam)…

Sự khác biệt nhận thức về an ninh lương thực và bảo đảm an ninh lương thức giữa hai bên vẫn còn nhiều khoảng cách. Mặc dù, hiện nay, nhận thức về an ninh lương thực, phát triển nông nghiệp và biến đổi khí hậu của Việt Nam đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tháng 3-2024, trong khuôn khổ khóa họp 55 của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc tại Geneva (Thụy Sĩ), Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Mai Phan Dũng, Trưởng Phái đoàn Thường trực của Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại thế giới và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva (Thụy Sĩ), đã thay mặt Nhóm nòng cốt(13) Nghị quyết về quyền con người và biến đổi khí hậu, phát biểu trong phiên đối thoại về Báo cáo của Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc về chủ đề các biện pháp giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu đối với việc thụ hưởng quyền lương thực. Đại sứ đã khẳng định bảo đảm an ninh lương thực luôn là ưu tiên hàng đầu của các nước, đặc biệt trong bối cảnh những thách thức do biến đổi khí hậu gây ra làm trầm trọng thêm tình trạng dễ bị tổn thương trước nạn đói và suy dinh dưỡng (14). Song, do nhiều yếu tố, việc nhận thức về lĩnh vực này của Việt Nam vẫn chậm hơn, chưa thực sự được phổ biến rộng rãi và chưa hoàn toàn tương thích với EU. 

Chính vì vậy, một trong những thách thức hợp tác là khả năng của Việt Nam trong việc tiếp nhận và thúc đẩy hiệu quả hỗ trợ của EU. Ngoài ra, việc chú trọng thúc đẩy lợi ích kinh tế cũng đặt ra vấn đề là người nông dân cần được quan tâm để nâng cao lợi nhuận trong sản xuất. Cũng đã có những lo ngại cho rằng, Việt Nam không thể vì trách nhiệm cộng đồng thế giới mà xuất khẩu bằng mọi giá, khi mọi chi phí đều tăng cao, việc phân phối lợi nhuận cần được cân bằng để người nông dân có thể yên tâm sản xuất.

Trong bối cảnh nguy cơ về an ninh lương thực tiếp tục gia tăng, sẽ gây ra những tác động có tính hai mặt. Một mặt là những khó khăn hạn chế do thiếu nguồn lực thúc đẩy hợp tác; mặt khác, đây cũng là động lực thúc đẩy mạnh mẽ nhu cầu hợp tác song phương Việt Nam - EU trong việc bảo đảm an ninh lương thực. Chính vì vậy, hai bên cần thiết lập các cơ chế để Việt Nam tiếp nhận hiệu quả hỗ trợ từ phía EU, cũng như Việt Nam cần nhanh chóng thay đổi nhận thức và chủ động hơn nữa trong thúc đẩy hợp tác với EU.

Là một quốc gia nông nghiệp, tiến tới định danh là “bếp ăn của thế giới”, Việt Nam cần ý thức một cách cụ thể vị trí, vai trò trong việc bảo đảm an ninh lương thực. Trong bối cảnh khủng hoảng an ninh lương thực có thể kéo dài, không hoàn toàn mang tính chu kỳ như trước đây, với lợi thế về nông nghiệp, Việt Nam cần nhìn nhận đây là một cơ hội mang tính chiến lược. Hỗ trợ cho nông dân sản xuất quy mô lớn, sản phẩm an toàn, chất lượng, bảo đảm phát triển bền vững hỗ trợ cho doanh nghiệp không chỉ về vốn, mà còn cần kiến thức, thị trường, công nghệ… Bên cạnh đó là kinh nghiệm để có thể tạo cơ chế cho hai bên, nông dân và doanh nghiệp cùng xây dựng nền nông nghiệp công nghiệp Do vậy, EU là đối tác đầy tiềm năng có khả năng hỗ trợ và tư vấn cho Việt Nam. Cơ hội cho việc hợp tác bảo đảm an ninh lương thực Việt Nam - EU vẫn thực sự còn nhiều dư địa. Hơn nữa, nếu Việt Nam tạo được nguồn hàng hóa dồi dào, ổn định và chất lượng đáp ứng nhu cầu thị trường thế giới, thì việc tham gia bảo đảm an ninh lương thực không chỉ mang lại lợi ích kinh tế, mà còn gia tăng "sức mạnh mềm" cũng như vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Đây cũng chính là động lực quan trọng để thúc đẩy hợp tác Việt Nam - EU trong lĩnh vực này./.
------------------
(1)“What is the food security?” (Tạm dịch: An ninh lương thực là gì?), World Bank Group, tháng 7-2024, https://www.worldbank.org/en/topic/agriculture/ brief/food-security-update/what-is-food-security 
(2), (3), (6) “Impact of the Ukraine - Russia conflict on global food security and related matters under the mandate of the Food and Agriculture Organization of the United Nations (FAO)” (Tạm dịch: Tác động của cuộc xung đột Ukraine - Nga đối với an ninh lương thực toàn cầu và các vấn đề liên quan theo nhiệm vụ của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO)), FAO, 2022, https://openknowledge.fao.org/server/api/core/ bitstreams/916761db-e194-4ac7-9541-ce465787d8c9/content  
(4) Global corn production in 2023/2024, by country (Tạm dịch Sản lượng ngô toàn cầu năm 2023/2024, theo quốc gia), Statista, 2024, https://www.statista.com/statistics/254292/global-corn-production-by-country/
(5) “Wheat Exports by Country 2024” (Tạm dịch: Xuất khẩu lúa mì theo quốc gia năm 2024), World Population Review, 2024, https://worldpopulation review.com/country-rankings/wheat-exports-by-country
(7) Anna Caprile: “Russia's war on Ukraine: Impact on food security and EU response” (Tạm dịch: Cuộc xung đột Nga - Ukraine: Tác động đến an ninh lương thực và phản ứng của EU), European Parliamentary Research Service, Research Service PE 729.367, tháng 4-2022, https://www.europarl.europa.eu/ RegData/etudes/ATAG/2022/729367/EPRS_ATA(2022)729367_EN.pdf
(8) Chương Phượng: “Thúc đẩy thương mại nông sản với EU, góp phần đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu”, Tạp chí điện tử Vneconomy, ngày 22-9-2023, https://vneconomy.vn/thuc-day-thuong-mai-nong-san-voi-eu-gop-phan-dam-bao-an-ninh-luong-thuc-toan-cau.htm
(9) “Triển vọng thương mại trong thực phẩm nông sản giữa EU và Việt Nam”, Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam, ngày 11-7-2022, https://www.eeas.europa.eu/delegations/vietnam/prospects-agri-food-trade-eu-vietnam_vi?s=184
(10) “Italia mong muốn trở thành đối tác hàng đầu của Việt Nam trong EU về nông nghiệp”, Báo Nhân dân điện tử,  ngày 1-3-2024, https://nhandan.vn/italia-mong-muon-tro-thanh-doi-tac-hang-dau-cua-viet-nam-trong-eu-ve-nong-nghiep-post798284.html
(11) “EU response to Russia's war of aggression against Ukraine” (Tạm dịch: Phản ứng của EU trước cuộc chiến xâm lược của Nga chống lại Ukraine), European Council, 2024, https://www.consilium.europa.eu/en/policies/eu-response-ukraine-invasion/#sanctions
(12) “Food for the world: What EU countries are doing to mitigate the impact of Russia’s war” (Tạm dịch” Thực phẩm cho thế giới: Các nước EU đang làm gì để giảm thiểu tác động của chiến tranh Nga”, European Council, 2024, https://www.consilium.europa.eu/en/food-for-the-world-eu-countries-mitigate-impact-russia-war/
(13) Nhóm nòng cốt Nghị quyết về quyền con người và biến đổi khí hậu bao gồm Việt Nam, Bangladesh, Philippines
(14) “Bảo đảm an ninh lương thực là ưu tiên hàng đầu của Việt Nam”, Báo Nhân dân điện tử, ngày 15-3-2024, https://nhandan.vn/dam-bao-an-ninh-luong-thuc-la-uu-tien-hang-dau-cua-viet-nam-post800056.html