Hành trình 30 năm sáng tạo, đổi mới và phát triển của tỉnh Lào Cai
TCCS - Tỉnh Lào Cai đã có một bước tiến dài trên mọi mặt trong hành trình 30 năm tái lập tỉnh, đổi mới và phát triển. Đây cũng là chặng đường tỉnh Lào Cai đồng hành cùng công cuộc đổi mới đất nước, hòa mình vào dòng chảy chung của dân tộc. Qua đó, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Lào Cai đã nỗ lực, khẳng định những bước đi vững chắc để tạo nên thế và lực mới, quyết tâm xây dựng tỉnh Lào Cai xứng đáng với vị trí trung tâm kết nối vùng và cả nước.
Những dấu mốc lịch sử quan trọng
Những ngày đầu mới tái lập tỉnh, Lào Cai nằm trong số 6 tỉnh nghèo nhất cả nước, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh chỉ đạt 36 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người mới đạt 680.000 đồng/người/năm; 7/10 huyện chưa có điện lưới quốc gia, 138/180 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn, 54/180 xã chưa có đường giao thông đến trung tâm; cơ sở hạ tầng và công nghiệp gần như bị tàn phá hoàn toàn,... Văn hóa - xã hội của tỉnh sau chiến tranh biên giới có 14 xã “trắng” về giáo dục, gần 55% hộ dân thuộc diện đói, nghèo; 36 xã chưa có trạm y tế; nhiều xã, phường, thị trấn chưa được phủ sóng phát thanh - truyền hình; nhiều hủ tục lạc hậu còn rất nặng nề, trên 30% cán bộ xã không biết chữ; 451/1.711 thôn, bản chưa có đảng viên (chiếm 26,35% số thôn, bản của tỉnh); tình hình an ninh, trật tự, an ninh biên giới diễn biến phức tạp, khó lường, quan hệ đối ngoại gần như chưa có gì, hai bên vẫn đóng cửa biên giới,... Song, với tinh thần đoàn kết thống nhất, sáng tạo, đổi mới, dám nghĩ, dám làm, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Lào Cai đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, huy động nguồn lực đầu tư, thực hiện nhiều quyết sách đúng đắn, đặt nền móng vững chắc cho sự phát triển của tỉnh.
Chặng đường 10 năm đầu tái lập tỉnh (từ năm 1991 - năm 2000) là thời kỳ tỉnh Lào Cai phải đối diện với nhiều thử thách, là giai đoạn tập trung khắc phục khó khăn, định hình hướng đi, cùng khát vọng vươn lên mạnh mẽ để xây dựng và kiến thiết quê hương. Công việc trước mắt là cần tập trung xây dựng thị xã tỉnh lỵ để sắp xếp ổn định hoạt động của các cơ quan, ban, ngành của tỉnh, ưu tiên sản xuất lương thực, xóa đói, giảm nghèo; đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng; đầu tư cho giáo dục; dồn lực cho nông thôn vùng cao để cải thiện đời sống sinh kế cho người dân. Với khát vọng vươn lên mạnh mẽ, nhận diện đúng tình hình, xác định hướng đi đúng đắn, đề ra các chính sách phù hợp; từ đó, tỉnh Lào Cai đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Quy mô GRDP của tỉnh Lào Cai ngày càng tăng, đến năm 2000 tăng gấp 2,1 lần so với năm 1991. Cơ cấu kinh tế nông, lâm nghiệp - công nghiệp - du lịch, dịch vụ chuyển dịch đúng hướng; thu ngân sách trên địa bàn toàn tỉnh năm 2000 đạt 400 tỷ đồng, gấp 11,1 lần năm 1991, thu nhập bình quân đầu người tăng hơn 3 lần so với năm 1991; tỷ lệ hộ dân đói, nghèo giảm mạnh từ 54,8% (năm 1991) xuống còn 21% (năm 2000). Kết cấu hạ tầng được đầu tư mạnh mẽ gắn với hình thành mạng lưới các đô thị; các lĩnh vực của đời sống xã hội có bước chuyển nhanh chóng và toàn diện. Năm 2000, tỉnh Lào Cai đã xóa xã “trắng” về y tế, tỷ lệ người biết chữ ở tỉnh Lào Cai từ 15 tuổi trở lên chiếm 68,8%, có 108 xã, phường, thị trấn được phủ sóng truyền hình, 98 xã, phường, thị trấn được phủ sóng phát thanh. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được quan tâm đúng mức, đã xóa được 219 thôn, bản “trắng” đảng viên; chính sách cán bộ có những đột phá mới trong công tác đào tạo, luân chuyển và sử dụng cán bộ; quan hệ đối ngoại từng bước được mở rộng. Cửa khẩu quốc tế tỉnh Lào Cai được khai thông và đi vào hoạt động. Những thành quả đó đã giúp tỉnh Lào Cai sớm xây dựng được trung tâm hành chính của tỉnh, ổn định được dân cư, xác định được hướng đi vững chắc cho sự phát triển của tỉnh sau này.
Bước vào thập niên đầu của thế kỷ XXI (từ năm 2001 - năm 2010), tỉnh Lào Cai thể hiện tinh thần chủ động, sáng tạo trong việc khai thác các tiềm năng, lợi thế kết hợp với phát huy nội lực, tập trung khơi thông “điểm nghẽn”, tạo tiền đề cho sự phát triển bứt phá trên nhiều lĩnh vực. Tỉnh Lào Cai đã chủ động đề xuất với Trung ương cho phép thực hiện cơ chế đặc thù, thay vì đề xuất cấp ngân sách cho địa phương. Cách làm đó, đã giúp cho tỉnh Lào Cai có được nguồn lực cần thiết để khai thác tiềm năng, lợi thế của tỉnh, gắn với triển khai có hiệu quả các chương trình, đề án, nghị quyết chuyên đề của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh các khóa XII, XIII. Đặc biệt là, với quan điểm biến tiềm năng thành lợi thế, biến thách thức thành cơ hội phát triển, tỉnh Lào Cai đã mạnh dạn “khơi thông” các nguồn lực, quyết liệt xúc tiến các dự án trọng điểm (cao tốc Nội Bài - Lào Cai; thực hiện chiến lược “dời đô”, mở rộng không gian phát triển của thành phố Lào Cai về phía Nam của tỉnh, tiến hành mời tư vấn nước ngoài làm quy hoạch, dành toàn bộ khu trung tâm hành chính cũ cho phát triển kinh tế cửa khẩu; quy hoạch mạng lưới đô thị đồng bộ với tầm nhìn dài hạn; hiện thực hóa chủ trương “Doanh nghiệp phát tài - Lào Cai phát triển”,...). Những quyết sách đúng đắn và đầy sáng tạo đó đã từng bước đưa tỉnh Lào Cai từ “ngõ cụt” trở thành cửa ngõ kết nối giao thương giữa thị trường Tây Nam Trung Quốc với cả nước và khu vực ASEAN. Đây cũng là chặng đường đánh dấu hoạt động đối ngoại của tỉnh rất rộng mở và sôi động với nhiều đối tác trong và ngoài nước. Với tầm nhìn chiến lược, chỉ trong 10 năm, tỉnh Lào Cai đã định hướng đúng và có bước phát triển nhanh chóng, toàn diện trên các lĩnh vực, thể hiện sự bứt phá, phát triển mạnh mẽ so với giai đoạn 10 năm đầu tái lập tỉnh. Quy mô GRDP năm 2010 tăng gấp 3,6 lần so với năm 2000, số cơ sở sản xuất công nghiệp năm 2010 tăng 2,3 lần, giá trị sản xuất công nghiệp tăng lên 7 lần so với năm 2000; giá trị sản xuất nông nghiệp năm 2010 tăng hơn 2 lần so với năm 2000; giá trị sản xuất kinh tế, dịch vụ tăng gần 3 lần so với năm 2000; tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn năm 2010 đạt 4.540,4 tỷ đồng (tăng gấp 4,9 lần so với năm 2000), tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh chóng, đời sống người dân được nâng lên rõ rệt. Tỉnh Lào Cai sớm hoàn thành các chỉ tiêu về phổ cập giáo dục, hoàn chỉnh hệ thống y tế từ tỉnh đến cơ sở; quốc phòng - an ninh, đối ngoại thường xuyên được củng cố, giữ vững và mở rộng. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị của tỉnh được củng cố, tăng cường và có bước phát triển vững chắc; số thôn, bản “trắng” đảng viên giảm mạnh từ 232 thôn (chiếm 13,5%) đến năm 2000, xuống còn 4 thôn (chiếm 0,03%) so với năm 2010. Những quyết sách đúng đắn trên đã đưa tỉnh Lào Cai từ một tỉnh nghèo nhất của cả nước trở thành tỉnh phát triển khá của vùng Tây Bắc.
Mười năm trở lại đây (từ năm 2011 - năm 2020) là chặng đường tỉnh Lào Cai nâng tầm vị thế, phát triển toàn diện theo hướng nhanh và bền vững. Giai đoạn này, tỉnh Lào Cai chủ trương lấy công nghiệp chế biến sâu làm đột phá, thương mại, dịch vụ, du lịch làm mũi nhọn; đồng thời, tiếp tục tập trung cho nông nghiệp, nông thôn, lấy xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm, cốt lõi, làm ưu tiên cho phát triển. Những thành tựu đạt được của tỉnh Lào Cai từ năm 2011 - năm 2020 là rất đáng tự hào, khi tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh từ năm 2011 - 2020 luôn đạt mức cao, quy mô GRDP ngày càng tăng (năm 2020 tăng gấp 2,4 lần so với năm 2010). Kết cấu hạ tầng của tỉnh đổi thay nhanh chóng và ngày càng đồng bộ, tạo ra diện mạo mới, từ đô thị tới nông thôn. Nhiều thành tựu mới quan trọng được thực hiện, như tuyến cao tốc Hà Nội - Lào Cai đã hoàn thành và thông xe đưa vào sử dụng, mở ra cơ hội và triển vọng lớn, cùng với xây dựng tuyến hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh trở thành hình mẫu hợp tác hiệu quả trong quan hệ hợp tác Việt Nam - Trung Quốc. Chiến lược phát triển du lịch được hoạch định đồng bộ, nhất quán, cùng với việc nâng cấp thị xã Sa Pa, xúc tiến đầu tư Cảng hàng không Sa Pa, đã từng bước đưa nơi đây trở thành vùng động lực tăng trưởng, thu hút nhiều nhà đầu tư lớn, trở thành khu du lịch trọng điểm quốc gia, mang tầm quốc tế. Các khu công nghiệp, khu đô thị mới, các đô thị vệ tinh ngày càng được hoàn thiện và khang trang; trong đó, phân hiệu Đại học Thái Nguyên cùng với Trường Cao đẳng Lào Cai là tiền đề để hình thành Đại học Lào Cai đa ngành trong tương lai. Văn hóa - xã hội của tỉnh có sự chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện, với việc hoàn thành phổ cập giáo dục cho trẻ mầm non 5 tuổi (từ năm 2013), hoàn thiện đồng bộ các thiết chế văn hóa từ tỉnh đến cơ sở; trong các kỳ thi Olympic quốc tế, thể thao thành tích cao đạt kết quả vượt bậc. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị có nhiều đổi mới sáng tạo; sự ra đời của mô hình tuyên vận là một minh chứng sống động về công tác tư tưởng - dân vận ở cơ sở, là nơi hội tụ của “ý Đảng, lòng dân”, tạo ra sự đồng thuận xã hội; an ninh - quốc phòng được củng cố vững chắc, đối ngoại ngày càng rộng mở và đi vào chiều sâu.
Tầm nhìn và định hướng để thực hiện khát vọng phát triển
Có thể khẳng định rằng, trong ba thập niên trải qua biết bao thăng trầm, khó khăn, thách thức, cũng như khi thuận lợi, dòng chảy xuyên suốt trong tư duy và hành động của các thế hệ lãnh đạo tỉnh Lào Cai qua các thời kỳ là sự chủ động, sáng tạo trong việc đề ra các chủ trương, đường lối đúng đắn, tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, đi trước, mở đường cho sự phát triển; không bị ràng buộc bởi những cơ chế, chính sách có độ trễ lớn. 30 năm qua, trên các lĩnh vực từ kinh tế, văn hóa - xã hội, an ninh - quốc phòng, đối ngoại, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được triển khai đồng bộ, quyết liệt, nhằm đem đến sức sống mới cho vùng đất biên cương của Tổ quốc. Không khó để nhận diện những sáng tạo, đột phá trong việc lựa chọn vị trí “dời đô” để xây dựng trung tâm hành chính mới của tỉnh, tạo không gian phát triển cho thành phố Lào Cai; quy hoạch các khu đô thị đồng bộ, hiện đại; xây dựng khu kinh tế cửa khẩu với tầm nhìn dài hạn có quy mô rộng lớn; xác định du lịch là mũi nhọn, gắn với nâng cấp thị xã du lịch Sa Pa; đường cao tốc thành phố Lào Cai - thị xã Sa Pa được xây dựng khi đi vào vận hành, cùng với mạng lưới giao thông đồng bộ sẽ mở ra không gian kết nối các vùng, miền, tạo động lực mạnh mẽ cho sự tăng trưởng; hiện thực hóa chủ trương “Doanh nghiệp phát tài - Lào Cai phát triển” để thu hút các nhà đầu tư chiến lược; các khu, cụm công nghiệp, gắn với chế biến sâu để khai thác lợi thế và tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững.
Cùng với đó, tỉnh Lào Cai luôn rất chú trọng đến phát triển các lĩnh vực bảo đảm tính toàn diện và bền vững. Tỉnh đã tập trung nguồn lực giải quyết các vấn đề bức thiết, như giao thông, liên lạc, trường học, bệnh viện, vận động cán bộ và nhân dân định cư ổn định; nâng cao hiệu quả sản xuất lương thực, nỗ lực xóa đói, giảm nghèo,... phát triển các sản phẩm nông nghiệp đặc thù mang thương hiệu riêng của Lào Cai, góp phần đem lại giá trị kinh tế quan trọng cho tỉnh. Đẩy mạnh nâng cao năng lực y tế, phổ cập giáo dục với mô hình bán trú dân nuôi, liên thông trường dân tộc nội trú; xây dựng quan hệ đối ngoại rộng mở với nhiều đối tác trong và ngoài nước. Tỉnh Lào Cai đi đầu trong phân giới cắm mốc trên bộ với Trung Quốc. Tỉnh luôn chú trọng tập trung cải cách hành chính, gắn với các chương trình, đề án hướng mạnh về cơ sở; ra nghị quyết riêng cho người nghèo, thôn nghèo, tiếp tục tạo ra diện mạo mới cho nông thôn vùng cao. Công tác đào tạo, luân chuyển và sử dụng hợp lý đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số được quan tâm, bởi đây là mắt xích quan trọng trong việc hiện thực hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước hướng mạnh về cơ sở của tỉnh.
Từ một tỉnh nghèo nhất cả nước, sau 30 năm tái lập tỉnh, kinh tế của tỉnh Lào Cai đã vươn lên trở thành tỉnh đứng đầu khu vực Tây Bắc và đứng tốp đầu trong 14 tỉnh vùng trung du và miền núi phía Bắc. Tốc độ tăng trưởng kinh tế liên tục tăng cao, bình quân giai đoạn từ năm 1991 - năm 2020 đạt 10,4%/năm; tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn năm 2020 đạt 9.172 tỷ đồng (gấp 252 lần so với năm 1991), thu nhập bình quân đầu người đạt đạt 76,3 triệu đồng (gấp 112 lần so với năm 1991), cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Văn hóa - xã hội của tỉnh phát triển toàn diện, có bước đi vững chắc; giáo dục, y tế có bước phát triển vượt bậc. Nếu như ngày đầu tái lập tỉnh có 60% số trẻ em trong độ tuổi chưa được tới trường, thì đến năm 2000 tỉnh Lào Cai đã hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học xóa mù chữ; năm 2007, phổ cập giáo dục trung học cơ sở; năm 2013, phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân đạt kết quả toàn diện, đạt tỷ lệ 11,2 bác sỹ/10 nghìn dân; có 9 bệnh viện tuyến huyện, 152 trạm y tế xã, phường, thị trấn, 3 bệnh viện tuyến tỉnh và 1 bệnh viện đa khoa tỉnh với quy mô 700 giường bệnh. Tỷ lệ giảm nghèo từ 54,8% (năm 1991) xuống còn 8,46% (năm 2020, theo tiêu chí mới); khách du lịch đến tỉnh Lào Cai đạt 5,1 triệu lượt người (năm 2019); đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện, bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới, với 61/127 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, 100% số xã, thôn, bản có đường giao thông kiên cố và điện lưới quốc gia. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của tỉnh Lào Cai luôn được xếp thứ hạng cao của cả nước; là tỉnh đầu tiên công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp huyện (DCI).
Tỉnh Lào Cai đã hoàn thành cơ bản việc kết nối hệ thống mạng lưới giao thông với Thủ đô Hà Nội và các tỉnh lân cận (như đường sắt, đường sông, đường bộ, đường cao tốc và đang phấn đấu hoàn thành tuyến đường hàng không dân dụng). Mạng lưới đô thị đã có sự phát triển nhanh, đến nay tỉnh Lào Cai đã có 1 đô thị loại II, 1 đô thị loại IV và 7 đô thị loại V. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh có sự phát triển vượt bậc, hệ thống đô thị được mở rộng ngày càng hiện đại - văn minh, tạo động lực mới cho sự phát triển chung của tỉnh.
Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, công tác quốc phòng - an ninh, đối ngoại của tỉnh đều đạt được những kết quả toàn diện. Những đổi mới mạnh mẽ trong công tác chính trị tư tưởng, tuyên truyền vận động đã tạo nên sự thống nhất cao về ý chí và hành động. Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh có nhiều đổi mới, sáng tạo, nền nếp, trở thành nhiệm vụ thường xuyên của mỗi cán bộ, đảng viên. Xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ được Đảng bộ tỉnh thực hiện nghiêm túc. Bộ máy hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở được sắp xếp theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc được củng cố, dân chủ được phát huy, quyền làm chủ của nhân dân được bảo đảm. Với những kết quả đạt được hết sức ấn tượng, tỉnh Lào Cai tiếp tục đổi mới, sáng tạo; qua đó, thể hiện khát vọng vươn lên trên mỗi chặng đường phát triển, cùng với tư duy “nghĩ lớn hơn, nhìn xa hơn, rộng hơn” để góp phần quan trọng đưa tỉnh Lào Cai phát triển vững chắc.
Một số bài học kinh nghiệm từ thực tiễn
Nhìn lại chặng đường 30 năm tái lập tỉnh, đổi mới và phát triển của tỉnh Lào Cai, Đảng bộ tỉnh Lào Cai rút ra những bài học kinh nghiệm quý trong hành trình trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước.
Một là, nhận định đúng tình hình, xác định hướng đi phù hợp, đặt ra các mục tiêu với khát vọng lớn, tập trung nỗ lực lãnh đạo Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh là nhân tố quyết định để khơi thông nguồn lực cho phát triển.
Sau 30 năm đổi mới, ở mỗi giai đoạn phát triển, Đảng bộ tỉnh Lào Cai luôn nhận diện chính xác tình hình, đề ra chủ trương, quyết sách phù hợp. Tập thể Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh các khóa luôn thể hiện sự trăn trở, toàn tâm, toàn ý cho sự nghiệp xây dựng và phát triển tỉnh Lào Cai, nhất là ở những thời điểm khó khăn, có ý nghĩa quyết định. Những quyết sách lớn đó là việc xác định vị trí xây dựng trung tâm hành chính mới của tỉnh, với chiến lược “dời đô” để tạo không gian phát triển cho khu thương mại - dịch vụ; xây dựng khu kinh tế cửa khẩu có quy mô rộng lớn; triển khai dự án đường cao tốc kết nối hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội- Hải Phòng; quy hoạch và đầu tư các khu đô thị, khu công nghiệp, gắn với chế biến sâu; lấy phát triển du lịch làm mũi nhọn; ưu tiên nguồn lực phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới, nông thôn,... Những thành tựu nổi bật trên đã khẳng định sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng bộ tỉnh Lào Cai có tính chất quyết định, dẫn dắt toàn bộ quá trình hoạch định chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong dòng chảy chung của sự nghiệp đổi mới đất nước.
Hai là, đánh giá đúng tiềm năng, lợi thế để phát huy nội lực, tranh thủ ngoại lực, tạo nền tảng vững chắc cho chặng đường về sau.
Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Lào Cai luôn coi trọng phương châm phát huy nội lực, tranh thủ ngoại lực, biến tiềm năng thành thế mạnh, biến thách thức thành cơ hội để phát triển. Đẩy mạnh việc phát huy nội lực từ bên trong, như tinh thần đoàn kết, đồng sức, đồng lòng; khai thác mọi tiềm năng, thế mạnh của địa phương; tinh thần đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, khát vọng vì một Lào Cai phát triển,... Bên cạnh đó, việc tranh thủ tối đa sự đồng tình, ủng hộ của các bộ, ban, ngành ở Trung ương, các tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp trong và ngoài nước là nguồn lực quan trọng để khai thác tối đa tiềm năng cho phát triển. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Lào Cai qua mỗi nhiệm kỳ luôn biết kế thừa những thành tựu đã đạt được và coi trọng sự sáng tạo, khai thác tiềm năng, phát huy lợi thế, tập trung chỉ đạo có trọng tâm, trọng điểm phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương.
Ba là, quan tâm, chăm lo đến công tác cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ chủ chốt của tỉnh. Bố trí cán bộ đúng người, đúng việc, sử dụng hiệu quả, phát huy năng lực đội ngũ cán bộ cốt cán, người có uy tín trong đồng bào các dân tộc thiểu số.
Trong suốt chặng đường 30 năm tái lập, Đảng bộ tỉnh Lào Cai luôn xác định, để có đổi mới sáng tạo, thì phải có những con người dám đổi mới sáng tạo. Từ đó, tỉnh lựa chọn những cán bộ có năng lực, có trình độ để đào tạo, luân chuyển, đào tạo trở thành những cán bộ “vừa hồng vừa chuyên”; có bản lĩnh chính trị vững vàng, giàu nhiệt huyết và kinh nghiệm thực tiễn, cùng với tầm nhìn chiến lược, và luôn khao khát cống hiến, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì một Lào Cai phát triển toàn diện và bền vững.
Bốn là, phát huy truyền thống đoàn kết của Đảng bộ, sự đồng thuận của nhân dân các dân tộc trong tỉnh là yếu tố nền tảng để thực hiện thắng lợi các mục tiêu đề ra.
Đoàn kết là truyền thống quý báu của Đảng bộ tỉnh Lào Cai. Thực hiện lời căn dặn của Bác Hồ khi lên thăm tỉnh Lào Cai (ngày 23, 24-9-1958), các dân tộc đều phải biết đoàn kết chặt chẽ, thương yêu, giúp đỡ nhau như anh em ruột thịt,... Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Lào Cai luôn giữ gìn, phát huy truyền thống ấy qua từng năm tháng. Trong 30 năm tái lập và phát triển, một lần nữa truyền thống đoàn kết ấy lại được phát huy cao độ; các thế hệ lãnh đạo, cán bộ và quần chúng nhân dân tỉnh Lào Cai luôn quan tâm, động viên, chia ngọt, sẻ bùi trong muôn vàn khó khăn của thời kỳ mới tái lập. Đặc biệt là 25 dân tộc anh em trong tỉnh luôn đồng thuận, đồng sức, đồng lòng, quyết tâm xây dựng quê hương Lào Cai phát triển giàu đẹp.
Năm là, khơi dậy ý chí tự lực, tự cường và khát vọng vươn lên để hiện thực hóa tầm nhìn Lào Cai trên mỗi chặng đường phát triển.
Đảng bộ tỉnh Lào Cai xác định, công tác tư tưởng phải đi trước, mở đường, tạo sự đồng thuận, nhất trí, trên dưới một lòng hướng về mảnh đất “phên dậu” của Tổ quốc, làm cho mảnh đất ấy hồi sinh bằng chính ý chí, khát vọng cống hiến của mỗi con người Lào Cai. Chủ trương ấy của Đảng bộ tỉnh Lào Cai được hiện thực hóa sinh động bằng các chính sách, chương trình, kế hoạch, nghị quyết, đề án cụ thể, nhằm khơi thông tư tưởng, thúc đẩy sự sáng tạo với phương châm “không gì là không thể”, “khó khăn ở đâu, tháo gỡ ở đó”. Sau 30 năm tái lập, đổi mới và phát triển, tỉnh Lào Cai đã có được một diện mạo mới với tiềm lực, vị thế và uy tín xứng đáng, trở thành vùng động lực phát triển, trung tâm kết nối vùng và cả nước.
Trên chặng đường phát triển mới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh luôn tự hào về chặng đường đã đi qua. Với khát vọng vươn lên mạnh mẽ vì một Lào Cai phát triển nhanh và bền vững, Đại hội Đảng bộ tỉnh Lào Cai lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025, đã xác định những mục tiêu lớn, không chỉ cụ thể cho 5 năm, mà cho cả tầm nhìn dài hạn để đến năm 2025, Lào Cai tiếp tục là tỉnh phát triển của vùng trung du, miền núi phía Bắc; năm 2030, Lào Cai trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước và phấn đấu đến năm 2045, Lào Cai sẽ trở thành tỉnh phát triển của cả nước.
Để tiếp tục phát triển nhanh và bền vững, tỉnh Lào Cai xác định, cần tập trung vào một số lĩnh vực đột phá, nhằm tạo ra cơ chế thông thoáng, mở đường cho sự phát triển trên chặng đường tiếp theo. Thứ nhất, cần xây dựng và triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách để tập trung vào các lĩnh vực có lợi thế; thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các dự án quy mô thu hút sử dụng nhiều lao động, ưu tiên đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đối với những lĩnh vực then chốt gắn với cơ chế tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ nhân tài và thúc đẩy đổi mới sáng tạo, góp phần đưa tỉnh Lào Cai thực sự là trung tâm, là động lực phát triển của vùng trung du và miền núi phía Bắc. Thứ hai, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, gắn với quyền lợi và trách nhiệm của các địa phương, đơn vị; phát huy vai trò sáng tạo, chủ động, dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới, dám chịu trách nhiệm và dám đương đầu với khó khăn, thử thách vì lợi ích chung. Thứ ba, xây dựng quy hoạch và thực hiện thật tốt quy hoạch, gắn kết chặt chẽ, khoa học, đồng bộ giữa quy hoạch chung, vùng, liên vùng, quy hoạch ngành, lĩnh vực. Đây chính là nguồn lực rất lớn phục vụ cho đầu tư phát triển. Thứ tư, phát triển du lịch - dịch vụ là mũi nhọn để đột phá; trong đó, tập trung xây dựng thị xã Sa Pa trở thành khu du lịch quốc gia mang tầm quốc tế; đưa Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai trở thành trung tâm logistic lớn của cả nước. Thứ năm, phát triển cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng số, tạo nền tảng cho chuyển đổi số, từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số, xây dựng chính quyền điện tử gắn với cải cách hành chính, tinh giản bộ máy. Phát triển công nghiệp là trụ cột, tập trung chế biến sâu các sản phẩm của tỉnh. Chuyển dịch mạnh sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo chuỗi, gắn với thị trường để nâng cao giá trị sản xuất và thu nhập cho khu vực nông thôn.
Năm 2021, đánh dấu chặng đường 30 năm tái lập tỉnh, năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Lào Cai phấn khởi bước vào nhiệm kỳ mới, khí thế mới; với tinh thần năng động, đổi mới sáng tạo, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Nhiệm vụ đặt ra đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Lào Cai trong giai đoạn mới rất nặng nề, song cũng vô cùng vẻ vang, đặc biệt là trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến hết sức phức tạp và khó lường. Với ý chí, tinh thần đổi mới sáng tạo và khát vọng vươn cao, vươn xa; không tự thỏa mãn với chính mình, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc tỉnh Lào Cai nguyện đoàn kết một lòng, phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, thách thức, quyết tâm hiện thực hóa “khát vọng” sớm đưa tỉnh Lào Cai trở thành tỉnh phát triển của cả nước./.
Nâng cao hiệu quả quản lý văn hóa biển, đảo Việt Nam, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững  (12/10/2021)
Tỉnh Vĩnh Phúc bảo đảm an sinh xã hội, tạo động lực phát triển bền vững  (03/10/2021)
Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam  (30/09/2021)
Hà Nội đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững  (27/09/2021)
Nâng cao năng suất lao động - đưa kinh tế Thủ đô phát triển bền vững  (11/09/2021)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển