Phát huy vai trò của báo chí trong truyền thông chính sách đối với quá trình xây dựng và hoàn thiện dự thảo Luật Nhà giáo
TCCS - Dự thảo Luật Nhà giáo đang trong quá trình xây dựng và lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cán nhân; do đó, đây là thời điểm báo chí đóng vai trò quan trọng trong phổ biến thông tin, tuyên truyền, giúp các nhà hoạch định chính sách nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, ý kiến dư luận xã hội, lấy đó là cơ sở để nghiên cứu, triển khai các phương án điều chỉnh dần hoàn thiện nội dung chính sách. Như vậy, để Luật Nhà giáo mang lại hiệu quả thiết thực, phù hợp, được nhân dân ủng hộ, tránh những vướng mắc, trở ngại sau khi ban hành và thực thi thì ngay từ giai đoạn hoạch định chính sách, báo chí cần phát huy vai trò phổ biến thông tin, tăng cường sự ủng hộ, đồng thuận toàn xã hội.
Báo chí tham gia truyền thông chính sách đối với Luật Nhà giáo
Truyền thông chính sách là quá trình tương tác, trao đổi, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan truyền thông với đông đảo công chúng báo chí trong chu trình chính sách, bao gồm: Nhận diện vấn đề chính sách; hoạch định chính sách; thực thi chính sách và đánh giá chính sách nhằm thúc đẩy sự phát triển của đất nước và sự đồng thuận trong xã hội(1). Chu trình xây dựng chính sách bao gồm 3 giai đoạn: Thứ nhất, hoạch định chính sách; thứ hai, thực hiện chính sách và thứ ba, đánh giá chính sách. Sự tham gia của báo chí trong mỗi giai đoạn sẽ góp phần quan trọng tạo nên sự thành công, tính hiệu quả của chính sách. Truyền thông chính sách là công cụ quan trọng để công chúng tiếp cận chính sách một cách đầy đủ, từ đó tham gia góp ý, thảo luận, đồng tình, ủng hộ thực thi chính sách. Nhấn mạnh tầm quan trọng của báo chí đối với hoạch định chính sách, Quyết định số 407/QĐ-TTg, ngày 30-3-2022, của Thủ tướng Chính phủ, về “Phê duyệt Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022 - 2027”” nêu rõ: “Tổ chức truyền thông các chính sách có tác động lớn đến xã hội, nhất là những vấn đề khó, nhạy cảm, có ý kiến khác nhau trong quá trình đề xuất chính sách và xây dựng văn bản quy phạm pháp luật thông qua các kênh thông tin, báo chí rộng rãi, tương tác đa chiều giữa người dân, tổ chức, doanh nghiệp với cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật; tạo đồng thuận xã hội đối với những chính sách, quy định pháp luật cần phải được ban hành hoặc điều chỉnh để đáp ứng đầy đủ, kịp thời và thực chất theo yêu cầu của thực tiễn cuộc sống; góp phần nâng cao chất lượng chính sách, thể chế, tính khả thi của văn bản quy phạm pháp luật cũng như ý thức tôn trọng, tuân theo pháp luật của người dân, doanh nghiệp, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh đất nước”. Như vậy, để truyền thông chính sách đạt hiệu quả cao, việc huy động nguồn lực cho truyền thông chính sách cũng đồng nghĩa với việc ưu tiên dành nguồn lực thích đáng cho báo chí - một trong những kênh chủ lực, quan trọng, quyết định thành bại của việc ban hành, thực thi, đánh giá, tổng kết chính sách(2).
Trong quá trình hoạch định và soạn thảo dự thảo Luật Nhà giáo (từ năm 2022 đến nay), cùng với các cơ quan chức năng, báo chí đã thông tin, tuyên truyền các nội dung, thông điệp về sự cần thiết và tầm quan trọng trong chính sách dành cho nhà giáo đến công chúng. Đến nay, dự thảo Luật Nhà giáo đã được nhiều cá nhân, tổ chức tham gia đóng góp ý kiến. Trong năm 2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức hơn 100 cuộc họp chuyên môn, hội thảo, tổ chức khảo sát, lấy ý kiến của 547.786 nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục các cấp học mầm non, phổ thông, đại học và giáo dục nghề nghiệp(3). Dự thảo Luật Nhà giáo vẫn đang tiếp tục được thảo luận, góp ý, trong đó có những cuộc tọa đàm lấy ý kiến trực tiếp của các cơ quan báo chí, từ đó, giúp cơ quan soạn thảo kịp thời có sự điều chỉnh trong chính sách, để khi luật được ban hành thì hiệu quả thực thi chính sách sẽ mang lại nhiều lợi ích nhất cho các nhóm đối tượng thụ hưởng. Điều này góp phần hạn chế tối đa những tác động không như mong muốn của chính sách đối với các nhóm đối tượng khác nhau trong xã hội. Đến nay, dự thảo Luật Nhà giáo lần thứ 3 đã bổ sung nhiều điểm quan trọng, cần thiết và phù hợp với thực tiễn để bảo đảm quyền lợi và nghĩa vụ của nhà giáo đang công tác tại các cơ sở giáo dục trên cả nước. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã thống nhất trình Quốc hội đưa việc xây dựng Luật Nhà giáo vào Chương trình xây dựng pháp luật, pháp lệnh năm 2024, góp phần thúc đẩy Luật Nhà giáo sớm được Quốc hội thông qua, nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn về quản lý nhà giáo; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để phát triển đội ngũ nhà giáo đạt chuẩn về số lượng và chất lượng.
Trên thực tế, những chính sách trong giai đoạn thiết kế, hoạch định, xây dựng thường gặp phải một số vấn đề, như: Thứ nhất, chính sách khi hoạch định có thể mới chỉ thể hiện được nội dung tư vấn của chuyên gia và ý chí của Chính phủ vì mục tiêu chung dựa trên các khảo sát, điều tra thực tiễn, chưa bao quát được hết đối tượng thụ hưởng; thứ hai, có chính sách được đưa ra chỉ phù hợp cho nhóm đối tượng này nhưng lại gây bất lợi cho nhóm đối tượng khác, dẫn đến sự xung đột lợi ích của các nhóm đối tượng trong một chính sách; thứ ba, công chúng tỏ ra chưa quan tâm nhiều hoặc tâm lý không theo dõi kỹ lưỡng, trong khi đây là giai đoạn cần ý kiến phản biện xã hội, vì khi chính sách được đưa ra sẽ thường nảy sinh các xung đột, mâu thuẫn lợi ích... Có chính sách sau khi được ban hành và triển khai trong xã hội gặp phải nhiều vướng mắc, thậm chí dẫn đến khủng hoảng chính sách là “do quy trình xây dựng và ban hành chính sách chưa phù hợp, gây bức xúc dư luận xã hội”(4).
Do đó, báo chí phải tham gia truyền thông chính sách ngay từ khâu hoạch định. Truyền thông trong hoạch định là bước đầu rất quan trọng, có khả năng kêu gọi mọi người cùng tham gia xây dựng chính sách. Việc khơi dậy sự quan tâm của công chúng đối với chính sách ngay từ giai đoạn khởi đầu là yếu tố bảo đảm cho chính sách được hình thành và triển khai đúng hướng trong thực tiễn.
Báo chí phát huy vai trò “thiết lập chương trình nghị sự”.
Quá trình hoạch định chính sách và soạn thảo dự thảo Luật Nhà giáo là giai đoạn tìm kiếm các căn cứ, thông tin, dữ liệu để xây dựng chính sách. Bằng cách tập trung vào những nội dung trọng tâm liên quan đến nhà giáo thông qua việc tăng tần suất, số lượng tin, bài, báo chí góp phần “thiết lập chương trình nghị sự” chính sách, nhằm hướng sự chú ý của công chúng đến dự thảo Luật Nhà giáo, nhất là những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau.
Dự thảo luật có 9 chương và 71 điều, trong đó có 5 chính sách trọng tâm là: Định danh nhà giáo; tiêu chuẩn và chức danh nhà giáo; tuyển dụng, sử dụng và chế độ làm việc của nhà giáo; đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ và tôn vinh nhà giáo và quản lý nhà nước về nhà giáo.
Dưới góc nhìn của báo chí, nội dung của các chính sách này được tuyên truyền bằng các hình thức khác nhau. Báo chí thực hiện truyền thông giai đoạn này thông qua các phương thức: 1- Thông tin, giới thiệu về chính sách bằng cách đăng toàn văn, trích đăng hoặc giới thiệu một phần; 2- Phân tích, bình luận về tầm quan trọng, tính khoa học, hợp lý của chính sách thông qua ý kiến chuyên gia, nhà hoạch định chính sách, nhà khoa học, nhà lãnh đạo; 3- Tham góp ý kiến, tạo lập diễn đàn để thảo luận, phản biện chính sách, góp phần tác động đến các cơ quan hoạch định chính sách trong xây dựng chính sách.
Một số nội dung được báo chí nhấn mạnh và diễn giải, như: 1- Sẽ không còn dùng khái niệm “hạng” trong việc xếp lương, tức là không còn chia hạng I. II. II; 2- Dự thảo mới dùng cụm từ “xét chuyển chức danh nhà giáo” thay cho quy định hiện nay là xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp; 3- Chức danh nhà giáo được định danh và phân loại rõ ràng theo từng bậc học; 4- Chức danh nhà giáo là căn cứ để xây dựng đề án vị trí việc làm và các chế độ đãi ngộ; 5- Tiêu chuẩn nhà giáo và quy định của người đứng đầu cơ sở giáo dục khắc phục tình trạng chồng chéo, không phân biệt trường công lập và ngoài công lập; 6- Những bất cập trong vấn đề về tuyển dụng được khắc phục bởi chính sách mới; 7- Tuyển dụng, sử dụng lao động và chế độ việc làm gắn với đặc thù hoạt động của các cơ sở giáo dục.
Báo chí đã chuyển tải thông tin góp phần làm rõ nội hàm của chính sách, giải thích các quy định để đối tượng thực thi chính sách và cộng đồng nhận biết. Đồng thời, giúp cho dự thảo Luật đến với công chúng một cách dễ hiểu, nhất quán, giảm đi tính chất khô khan, hàn lâm. Thông tin về chính sách, các điều khoản được diễn đạt rõ ràng, cụ thể dưới góc nhìn của báo chí bằng những lý giải khác nhau từ các nhà khoa học, chuyên gia, cán bộ hoạch định chính sách, giúp nội dung của Luật Nhà giáo trở trên tường minh hơn với công chúng.
Báo chí phải tạo diễn đàn phản biện xã hội, góp phần tạo sự đồng thuận.
Báo chí phản biện xã hội dựa trên cơ sở dữ liệu và minh chứng khoa học, để đưa ra những phân tích, nhận xét, đánh giá đa chiều, góp phần phát hiện những mặt hợp lý và bất hợp lý, cần hoàn thiện và cái cần tiếp tục hoàn thiện, đặc biệt chỉ ra những bất cập, “lỗ hổng” trong chính sách, từ đó đề xuất, hiến kế các giải pháp tháo gỡ, hoàn thiện chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước.
Không phải chủ trương hay chính sách nào cũng nhận được sự đồng thuận trong xã hội. Đồng thuận xã hội có thể đạt được trên cơ sở sự tham gia của người dân vào quá trình thiết kế và thực thi chính sách. Đồng thuận xã hội thực chất là kết quả của thảo luận xã hội và sự thống nhất của những nhóm đối tượng liên quan đến chính sách. Vì vậy, mắt xích quan trọng nhất trong truyền thông chính sách là việc thông tin và phân tích cho các đối tượng chính sách nhận thức được vấn đề liên quan thiết thực đến lợi ích của họ và để họ chủ động tham gia. Do vậy, chính sách dành cho nhà giáo cần có sự tham gia thảo luận trực tiếp của cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, giảng viên, chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực giáo dục. Từ năm 2022 đến nay, báo chí đã đăng tải nhiều ý kiến đa chiều, tiếng nói ủng hộ, không ủng hộ, đề xuất giải pháp cho chính sách tạo thành diễn đàn chia sẻ lợi ích, trình bày nguyện vọng, phản biện cởi mở, công khai, thẳng thắn giữa những người làm chính sách, cơ quan ban hành chính sách với nhà giáo; các chủ thể tham gia phản biện bằng lý lẽ khoa học và hợp lý giúp cơ quan xây dựng chính sách kịp thời có những điều chỉnh phù hợp hơn. Đáng chú ý, một số bài viết định hướng công chúng chú ý đến những vấn đề “nóng”, thực trạng bất cập của giáo dục đã góp phần giúp cho diễn đàn báo chí thảo luận sôi nổi tránh tình trạng tuyên truyền một chiều như vấn đề tiền lương, động lực làm việc, môi trường giáo dục, chính sách hỗ trợ thu hút người dạy, quy định và chính sách tuyển dụng, trách nhiệm và nghĩa vụ của nhà giáo đối với sự nghiệp giáo dục,… Lựa chọn đăng tải những nội dung cốt lõi gắn với lợi ích của nhà giáo, báo chí góp phần tăng cường sự tham gia đối thoại giữa các chủ thể, góp phần tạo nên “sức mạnh mềm” tác động đến những nhà hoạch định chính sách.
Một số khuyến nghị góp phần nâng cao hiệu quả truyền thông chính sách về dự thảo Luật Nhà giáo
Để nâng cao hiệu quả truyền thông chính sách về dự thảo Luật Nhà giáo, cần quan tâm thực hiện một số nội dung:
Thứ nhất, tiếp tục đề cao và phát huy hơn nữa vai trò truyền thông chính sách của báo chí đối với các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước nói chung, trong đó có dự thảo Luật Nhà giáo. Việc đa dạng hóa nguồn tin từ các đơn vị, cá nhân hoạch định chính sách là yếu tố quan trọng cần được chú ý để góp phần nâng cao hiệu quả truyền thông chính sách. Chú trọng việc lựa chọn vấn đề, nội dung, thông điệp chính sách kết hợp với thu thập nhiều nguồn thông tin khác nhau tạo sự đa chiều, phong phú cho tác phẩm báo chí.
Thứ hai, cơ quan báo chí nên mở rộng đối tượng tham gia phản biện xã hội, không chỉ là đội ngũ các chuyên gia, nhà khoa học, cán bộ quản lý,... mà còn là diễn đàn của những đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của chính sách là thầy, cô giáo, học sinh, sinh viên, là “không gian công” cho những tranh biện, phản biện chính sách. Ý kiến của chuyên gia, nhà nghiên cứu có uy tín khoa học, uy tín xã hội cần được khai thác và sử dụng hiệu quả hơn cho quá trình phản biện, trên cơ sở cần có sự lựa chọn đối với đội ngũ chuyên gia phù hợp.
Thứ ba, báo chí nâng cao chất lượng truyền thông bằng các bài viết phản biện, phân tích chuyên sâu. Khi cần có thể mở những chuyên trang; thiết lập “hệ sinh thái” bao gồm các bên liên quan, đó là cộng đồng chuyên môn tập hợp những người xây dựng chính sách, chuyên gia, nhà báo. Những chuyên gia, nhà quản lý có sức ảnh hưởng sẽ giúp cho tiếng nói phản biện của báo chí thêm sâu sắc. Đối với nhà báo, cần phải là những người chuyên môn sâu, hiểu biết chính sách, pháp luật, nhất là chính sách về giáo dục, một cách tường tận, kết hợp với lối viết sắc sảo, thu hút độc giả.
Thứ tư, ưu tiên đưa thông tin chính xác và đầy đủ về chính sách. Truyền thông chính sách phải dựa vào dữ liệu, số liệu, có dẫn chứng cụ thể. Nếu đăng tải nội dung toàn bộ của chính sách sẽ khiến công chúng nhàm chán, khó hấp dẫn, nên cần chuyển hoá nội dung văn bản thành các ý và được diễn đạt một cách dễ hiểu. Nhà báo phải tìm hiểu và nắm chắc các nội dung quan trọng của chính sách. Báo chí cần tôn trọng sự thật, chuyển tải thông tin trung thực, đồng thời có chính kiến khi đưa thông tin. Nếu hiểu sai về chính sách thì có thể đưa ra thông tin sai lệch, đặt ra những vấn đề không phù hợp, không đúng trọng tâm, dẫn đến những bài báo không đạt chất lượng, thậm chí gây hiểu nhầm cho dư luận xã hội. Ngoài ra, nhà báo còn phải tiên liệu được tác động của chính sách để có những ứng phó kịp thời. Nhiệm vụ của báo chí không đơn thuần là đưa thông tin, mà còn có tính chất định hướng dư luận nên nhà báo cần hiểu sâu, hiểu kỹ chính sách mới có thể mang đến những góc nhìn mới, khía cạnh hay, góp phần mang lại hiệu quả truyền thông tích cực.
Báo chí phải góp phần xây dựng niềm tin của xã hội về chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước. Do vậy, trong thời gian lấy ý kiến đối với dự thảo chính sách dành cho nhà giáo, báo chí cẩn tăng cường truyền thông, phản ánh trung thực, khách quan, mang tính xây dựng cao, tăng tính tương tác giữa báo chí với giáo viên, giảng viên - đối tượng chính sách cần được biết và hiểu rõ Luật Nhà giáo. Đặc biệt, sau khi Luật được ban hành, báo chí cần chú trọng đưa ý kiến của các cơ quan quản lý, cơ quan ban hành chính sách để giải thích, định hướng và hướng dẫn chính sách; tránh đăng tải quá nhiều ý kiến trái chiều sẽ tác động tiêu cực đến ý thức thực thi chính sách, đồng thời cũng thể hiện việc truyền thông, lấy ý kiến của giai đoạn dự thảo chính sách chưa thật sự hiệu quả./.
----------------------------
(1) Xem: Lương Ngọc Vĩnh (chủ biên): Giáo trình lý thuyết và kỹ năng truyền thông chính sách, Nxb. Lý luận chính trị, 2021, Hà Nội, tr. 27
(2) Nguyễn Tri Thức: “Huy động nguồn lực cho truyền thông chính sách để tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực thi chính sách”, Tạp chí Cộng sản, số 1026, (11-2023), tr. 57
(3) Xem: Nguyễn Liên: “6 điểm đáng chú ý trong Dự thảo Luật Nhà giáo”, Báo Đại biểu Nhân dân điện tử, ngày 19-5-2024, https://daibieunhandan.vn/giao-duc--y-te1/6-diem-dang-chu-y-trong-du-thao-luat-nha-giao-i372080/
(4) Xem: Hà Huy Phượng: “Những nguyên nhân thường thấy của khủng hoảng chính sách”, Tạp chí Lý luận chính trị điện tử, ngày 28-5-2019, http://lyluanchinhtri.vn/home/index.php/dien-dan/item/2834-nhung-nguyen-nhan-thuong-thay-cua-khung-hoang-chinh-sach.html
Bảo đảm an ninh truyền thông, báo chí góp phần bảo đảm an ninh con người ở Việt Nam hiện nay  (08/05/2024)
Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại trong kỷ nguyên số theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng  (02/04/2024)
- Xây dựng, hoàn thiện tổ chức bộ máy hệ thống chính trị Việt Nam “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả” theo chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Sự phát triển nhận thức của Đảng ta về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực qua gần 40 năm đổi mới
- Một số vấn đề về chuyển đổi nội dung số trong các tạp chí của Việt Nam hiện nay
- Tỉnh Nam Định xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
- Mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Pháp: Nền tảng góp phần phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Pháp
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay